Người sáng lập chương trình "Sách hóa nông thôn" Nguyễn Quang Thạch:

“Không ít giáo viên vô cảm trong việc hỗ trợ con trẻ đọc sách”

BÍCH HÀ THỰC HIỆN |

Gặp lại Nguyễn Quang Thạch tại sự kiện vinh danh chương trình “Sách hóa nông thôn” do tổ chức UNESCO Việt Nam và Bộ GDĐT tổ chức mới đây, vẫn thấy ở anh hình ảnh quen thuộc - trên lưng cõng sách. Năm 2017 này, anh bảo mình vẫn sẽ đi, vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ thay đổi xã hội, nhưng với một tâm thế khác - một người không còn cô độc, bởi mỗi bước chân luôn có sự đồng hành của những người đồng cảm, cùng chung sức xây dựng tủ sách cho các em nhỏ ở làng quê.

Hơn 20 năm qua, bước chân của Nguyễn Quang Thạch đã đi qua nhiều vùng đất trên cả nước. Bất cứ nơi đâu anh đi qua, đều để lại những tủ sách quý giá, gieo tình yêu sách đến mỗi người dân. Từng bị ví là “gã khùng”, bị chê là “kẻ điên”, anh Thạch vẫn kiên trì “cõng sách” về nông thôn và luôn mỉm cười trước sự chế giễu. Bởi sau những hành trình đẫm mồ hôi, nước mắt, điều anh nhận được là những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của những đứa trẻ nông thôn khi được cầm trên tay những cuốn sách. Niềm vui đó còn lớn hơn cả việc anh vừa trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO, cũng như được bầu chọn là “Nhân vật của năm 2016”.

Nguyễn Quang Thạch trong chuyến đi xuyên Việt “cõng sách” về nông thôn.

Ảnh: Facebook nhân vật.

Nói những dự định của “Sách hóa nông thôn” trong năm mới, anh Thạch không muốn nói nhiều về mình, mà nói về những điều chưa làm được, những trở ngại trên hành trình thực hiện mục tiêu để 15 triệu trẻ em nông thôn có sách đọc trong năm 2017.

* Trước khi được vinh danh, được mọi người biết đến và chung tay, anh đã có hàng chục năm “thầm lặng tặng sách”. Từ kinh nghiệm của mình, theo anh điều gì tạo nên sức lan tỏa với một chương trình vì mục đích xã hội?

- Tôi luôn đặt sự tận tâm lên hàng đầu và làm rất bài bản. Trước khi bắt tay thực hiện “Sách hóa nông thôn”, tôi đã mất 10 năm nghiên cứu ra lý thuyết, 10 năm thiết kế các mô hình tủ sách, rồi kiên trì đi vận động, bằng tất cả các kênh, từ truyền thông báo chí, mạng xã hội, đi bộ xuyên Việt vận động từng người.

Trong hành trình của mình, tôi xem mạng xã hội là một công cụ hữu ích để kêu gọi. Làm được tủ sách nào tôi lại chia sẻ lên Facebook, với chiến lược bền bỉ: Đọc 1 lần họ sẽ lướt qua, 2 lần chưa nhớ, đọc 15 lần có thể chưa để ý, nhưng đọc 30 và nhiều hơn nữa, tôi tin mọi người sẽ thay đổi.

Bài học đó tôi học được từ bác họ của mình. Ông nói với tôi trong 15 năm liên tục hai câu nói: "Lúc sống ông nội con nói rằng "học và hành để nhón chân bên ni hình chữ S thấy bên tê là nước Mỹ" và "Các con phải học và hành để sánh đầu với nhân loại tinh hoa". Cứ như vậy lặp lại và tôi thấy mình thay đổi.

* Trở về 20 năm trước, khi ở tuổi đôi mươi, những kế hoạch, hoài bão của anh là gì?

- Lúc nhỏ tôi muốn trở thành nhà văn. Để thực hiện ước mơ đó, tôi đọc rất nhiều, ngụp lặn trong đời sống để lấy kinh nghiệm, lấy vốn. Trong quá trình đó tôi tiếp cận với nhiều thân phận, từ những cô gái bán hoa, đến những người vừa đi tù về. Tôi dần hiểu nguyên nhân đẩy họ đến con đường đó, một phần là do ít học, ít đọc, ít hiểu biết về pháp luật. Lúc 20 tuổi, khi chưa thể trở thành nhà văn, tôi quay lại học đại học.

* Từ khi nào anh có ý tưởng xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam?

- Đó là sự nối tiếp liên thế hệ. Từ thời ông nội tôi đã đưa những người có học về dạy chữ cho người nông dân. Em ông nội tôi bán ruộng đất để xây trường cho dân học miễn phí. Cha tôi, khi nghỉ hưu cũng dành 20 năm dạy toán miễn phí cho những đứa trẻ ở quê tôi. Việc làm đó tự nhiên, như khát vọng của gia đình, dòng họ muốn đóng góp cho sự phát triển, xây dựng đất nước.

Kể cả hành trình đưa sách về nông thôn của tôi cũng có sự chuẩn bị, tích lũy kinh nghiệm từ những năm trước đó. Khi học đại học, tôi nhận thấy sự quan trọng của việc đọc sách. Tôi xin vào làm thêm ở thư viện để quan sát hành vi đọc của mọi người. Năm 22 tuổi, tôi đặt mục tiêu trở thành nhà cách mạng thư viện để thay đổi xã hội bằng việc “phủ sóng” thư viện trên toàn quốc, việc cần thiết phải đưa sách về nông thôn. Bởi trẻ em ở nông thôn chịu nhiều thiệt thòi, thiếu sách vở, thậm chí chẳng có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa.

Năm 2010, khi 35 tuổi, tôi chạy xe máy từ Hà Nội vào Sài Gòn để kêu gọi mọi người đọc sách, đưa sách vào trường học, vào gia đình. Năm 2015, tôi đi bộ xuyên Việt để tặng sách và tiếp tục vận động mọi người đọc sách. Hồi đó nếu báo chí, truyền thông phát triển như bây giờ, không khéo tôi lại bị ném đá, bảo bị ảo tưởng, cuồng vọng. Vì tôi đã 3 lần từ bỏ công việc ổn định, lương cao để bỏ tiền túi ra làm công việc tặng sách.

* Tại sao anh lại chọn cách đi bộ tặng sách mà không phải là cách khác?

- Trong quá trình thực hiện, tôi có tìm hiểu và được biết người nông dân đi bộ trên đồng ruộng của họ rất nhiều, khoảng 15.000 km/năm. Tôi nảy ra ý tưởng đi bộ tặng sách vì nghĩ khi tôi đi bộ, người nông dân sẽ thấy gần gũi với những bước chân của họ. Họ sẽ đồng cảm với tôi hơn.

* Từ những chuyến đi, anh thấy gì về cuộc sống của người dân ở nông thôn hiện nay?

- Người nông dân dù khó khăn trăm bề nhưng họ rất lạc quan. Nhưng trong quá trình thực địa ở các vùng nông thôn, tiếp xúc với HS,SV và cha mẹ các em, tôi mới vỡ lẽ ra là nhiều phụ huynh cản trở việc đọc sách của con. Chính vì thế, tôi đã đưa ra nhiều mô hình tủ sách cụ thể, trong đó có mô hình tủ sách phụ huynh. Phụ huynh góp tiền để làm tủ sách cho con em mình thì nghiễm nhiên sẽ không phản đối việc đọc sách của con trẻ.

Sau thời gian thực hiện phỏng vấn ngẫu nhiên học sinh ở những nơi mình đi qua, tôi cũng biết rằng, một số thầy cô giáo không cho học sinh mượn sách về nhà, mặc dù tủ sách đã được đặt trong lớp học vì họ sợ mất sách, liên quan đến trách nhiệm. Tôi đã đi bộ trao thư khuyến đọc đến các trường học để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của giáo viên. Kết quả rất tích cực, nhiều thầy cô giáo đã cho học sinh mượn sách về nhà như kỳ vọng của mình.

* Anh đánh giá thế nào về vai trò của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục trong việc xây dựng văn hóa đọc cho người dân, cũng như với chương trình “Sách hóa nông thôn” của mình?

- Các nước khác như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, thầy cô giáo coi việc đọc sách hằng ngày là nhu cầu bắt buộc để nâng cao kiến thức, thì ở Việt Nam không phải ai cũng làm được điều đó. Nó chỉ đáp ứng nhu cầu biết chữ thôi, còn nhu cầu sáng tạo và tạo ra các sản phẩm cho chính mình thì rất ít.

Tôi vẫn hay kể về câu chuyện của chị Dương Lệ Nga - phụ trách chung - đã giúp hàng trăm nghìn trẻ em được đọc sách. Tôi luôn nhớ khoảnh khắc giữa trời mưa rét ở xã An Thanh, chị Nga chở tôi và 3 thùng sách và nói “Chị sẽ đồng hành với em mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì”. Nói là làm, từ đó đến nay, chị, đồng nghiệp và lãnh đạo phòng giáo dục đã tạo ra những thay đổi lớn ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Từ việc đọc sách là con số 0, nay học sinh đã có thể đọc 50 đầu sách/ năm, ngoài sách giáo khoa.

Tôi nghĩ cá nhân tận tâm thì sẽ giúp tổ chức thay đổi. Nhiều cán bộ, giáo viên chưa quan tâm đến việc hỗ trợ con trẻ đọc sách. Vì vậy, chúng ta phải làm chiến lược, để nâng cao nhận thức. Năm 2017, tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách để tiếp các thầy cô giáo cùng đồng hành với tôi thực hiện công tác khuyến đọc trong nhà trường.

* Những cái được - theo anh - mà chương trình "Sách hóa nông thôn" đã mang lại cho cộng đồng, trong 20 năm qua?

- "Sách hóa nông thôn" đến nay đã đi được chặng đường đủ để một thế hệ trưởng thành. Tôi nghĩ điều mà chương trình làm được là thay đổi nhận thức của mọi người và điều ấy đã được thể hiện thông qua hành động của họ. Những đứa trẻ được tôi tặng sách, khi trưởng thành đã quay lại thực hiện điều này. Những người từng chê bai tôi, sau này đã tình nguyện chung tay cùng tôi mang các tủ sách đến quê hương họ. Từ một mình, bây giờ tôi đã có hơn 100.000 thành viên xã hội, với phần nhiều là cư dân nông thôn đã tự vận động xây tủ sách với số vốn lên tới gần 30 tỉ đồng ở khắp mọi nơi. Nhưng chặng đường phía trước của tôi còn rất dài. Mục tiêu xây dựng 300.000 tủ sách, giúp đỡ được 15 triệu học sinh nông thôn, sau gần 20 năm, đến nay mới đi được một phần quãng đường. Nỗ lực của chúng ta trong 20 năm qua đặt những viên gạch đầu tiên mà thôi, vẫn cần sự chung tay của cả cộng đồng.

* Còn những thất bại, điều anh thấy nuối tiếc?

- Giây phút tôi tìm ra cách thức vận hành ý tưởng “Sách hóa nông thôn”, khi Bộ GDĐT ra công văn nhân rộng tủ sách đến các lớp học... tôi chắc chắn mình đã vui hơn rất nhiều khi nghĩ đến việc giành được các giải thưởng của UNESCO. Bởi 20 năm qua, chặng đường cảm xúc của tôi là một hình sin kéo dài, với nhiều thất bại, nỗi buồn, niềm vui, thậm chí là đi qua miệng vực cái chết. Khi tôi chạy xe máy băng qua bao cung đường để thực hiện hành trình xuyên Việt, vì thị lực kém nên đã 4 lần suýt mất mạng. Nhiều khi tôi đùa khi mọi người hỏi thăm tình hình về những chuyến đi của mình: Thành công chứ, thành công lớn nhất là tôi còn sống và có thể tiếp tục xây dựng tủ sách. Tôi cũng tiếc khi mình chưa thể làm điều này sớm hơn, để nhiều trẻ em có sách đọc hơn. Điều làm tôi tiếc nữa là mình đã không thể ở bên, dành nhiều thời gian hơn để chỉ bảo cho con. Tôi thường an ủi bản thân rằng, sự tận tâm vì xã hội của tôi sẽ là bài học tốt cho con.

BÍCH HÀ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

NXB Kim Đồng bội thu giải thưởng Sách Việt Nam 2016

K.Y.M |

Sáng 28.12, Hội Xuất bản VN đã công bố Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016. NXB Kim Đồng năm nay bội thu với hàng chục tác phẩm, đề tài được trao giải thưởng sách hay, sách đẹp. Trong đó, bộ sách viết về thiên nhiên muông thú của nhà văn Vũ Hùng đoạt giải vàng sách hay.

Văn hóa bánh mì

Bài và ảnh Việt Văn |

Theo nhiều giả thiết, bánh mì Việt Nam có nguồn gốc từ Pháp với những chiếc bánh Baguette (bánh mì Pháp hay còn gọi là bánh mì dài) đầu tiên du nhập vào Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn có thể từ năm 1859, sau khi người Pháp chiếm thành Gia Định.

Đợi được 56 giây đèn đỏ, nhiều người không đủ kiên nhẫn đợi nốt 4 giây cuối

Tô Thế |

Hà Nội - Thực tế tình trạng người dân vượt đèn đỏ, hay vượt qua nút giao khi đèn đỏ còn khoảng 4 - 5 giây diễn ra rất phổ biến ở Hà Nội. Ngay tại vị trí xảy ra vụ tai nạn liên hoàn vừa qua, ghi nhận của PV cho thấy rất nhiều người mặc dù có thể chờ đến 56 giây đèn đỏ, nhưng 4 giây cuối lại không đủ kiên nhẫn để chờ.

Thi tốt nghiệp THPT: Những mốc thời gian quan trọng cần lưu ý

Vân Trang |

Thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ được đẩy lên sớm hơn so với năm ngoài.

Lãi suất cho vay ưu đãi vẫn cản bước người mua nhà

ANH HUY |

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp mức lãi suất 8,7%/năm đối với doanh nghiệp và người dân là 8,2%/năm. Tuy nhiên với nhiều gia đình, mức lãi suất cho vay vẫn vượt quá tầm với trong khi thời gian cho vay ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm.

Sinh con trai để nối dõi, nhiều gia đình vùng cao Sơn La lâm vào cảnh chật vật, vất vả

Khánh Linh |

Việc cố gắng sinh con trai để nối dõi bất chấp hoàn cảnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mất cân bằng giới tính ở vùng cao Sơn La.

Hào quang mờ mắt, một bộ phận nghệ sĩ ngày càng ảo tưởng bản thân

NHÓM PV |

Hiện nay có không ít những nghệ sĩ ảo tưởng vị thế của bản thân, tự phong ông hoàng bà chúa hay sẵn sàng giận dỗi, đáp trả khi nhận phải những lời chê bai từ công chúng. Vì đâu những nghệ sĩ này có xu hướng tư tưởng như vậy?

EVN lỗ kỷ lục, sức ép tăng giá điện trong năm 2023 ngày càng lớn

Anh Tuấn |

Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng rất cao, giá bán lẻ điện bình quân nhiều năm chưa được điều chỉnh khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mất cân đối tài chính, chỉ giữ được khoản lỗ năm 2022 ở mức 26.235 tỉ đồng. Do đó, EVN đã đề xuất tăng giá điện trong năm 2023.

NXB Kim Đồng bội thu giải thưởng Sách Việt Nam 2016

K.Y.M |

Sáng 28.12, Hội Xuất bản VN đã công bố Giải thưởng Sách Việt Nam năm 2016. NXB Kim Đồng năm nay bội thu với hàng chục tác phẩm, đề tài được trao giải thưởng sách hay, sách đẹp. Trong đó, bộ sách viết về thiên nhiên muông thú của nhà văn Vũ Hùng đoạt giải vàng sách hay.