Khoảng tối trong cuộc sống của nghề tiếp viên hàng không

Tường Linh (Tổng hợp) |

Người ta thường có chút ghen tị khi nhìn vào các tiếp viên hàng không - những con người luôn tươi tắn xinh đẹp đang làm một công việc trong mơ có thu thập cao, tại một “văn phòng trên mây”. Nhưng ít ai biết về mặt tối của nghề đặc biệt này.

Một công việc đầy sự cô đơn

Trên nhiều trang đánh giá việc làm ẩn danh, giới tiếp viên hàng không thường kể về một cuộc sống hào nhoáng, khi họ được làm việc cùng "những con người hay ho" và có cơ hội chu du thế giới. Việc chia sẻ những trải nghiệm tuyệt vời không phải là điều quá khó hiểu. Sau cùng, để trở thành một tiếp viên hàng không chẳng hề dễ dàng. Mỗi tiếp viên đều phải đánh bại hàng chục nghìn đối thủ để có vị trí hiện tại.

Dường như hào nhoáng cũng là ấn tượng của công chúng khi nhìn vào các tiếp viên. Họ thường xuất hiện trong những bộ trang phục đẹp đẽ, sánh bước cùng nhau như những siêu mẫu ở sân bay và thoải mái đi du lịch tại các điểm đến mà hãng bay tới.

Nhưng việc các tiếp viên thường xuyên ở bên nhau cả ngày cũng có nghĩa họ chẳng có chút thời gian nào cho bạn bè và người thân. Mỗi khi làm việc, họ gặp gỡ vô số hành khách, nhưng tất cả đều là người xa lạ. Với các tiếp viên, đặc biệt là những người bay tuyến đường dài, sau khi tới điểm đến họ phải ở một mình, cách xa người thân hàng chục nghìn cây số.

Tiếp viên Sarah Steegar chia sẻ trên trang tin News.com.au rằng, mỗi khi máy bay hạ cánh, cô thường đi về phòng khách sạn và ngồi trong không gian im lặng, trống rỗng suốt vài giờ đồng hồ. Khoảng thời gian đó, Sarah cảm thấy cực kỳ buồn chán và cô đơn, nhất là khi máy bay của cô chờ nối chuyến kéo dài tới cả chục giờ đồng hồ.

“Khi ấy, tôi chỉ muốn ở bên người thân hoặc bạn bè để có cảm giác ai đó ở bên, nhưng tất cả đều đang ở cách mình rất xa. Tất nhiên, tôi có thể trò chuyện với các tiếp viên khác. Chúng tôi có đi chơi cùng nhau, nhưng cuối cùng thì mối quan hệ vẫn chỉ là đồng nghiệp. Nó không hề giống các mối quan hệ kia” - cô chia sẻ.

Và cô đơn chỉ là một trong những vấn đề mà tiếp viên phải đối mặt. Yêu cầu của công việc khiến họ còn gặp nhiều ức chế về tâm lý. Có thể hình dung vấn đề như thế này: Nếu như ai đó thi thoảng mới bay một lần, cảm giác của họ hẳn sẽ rất thích thú, phấn khích. Nhưng với những người hành nghề bay để kiếm sống, cảm giác lại khác hẳn. Thành viên phi hành đoàn thường có nhiều giờ phải đứng trong khoang tăng áp của máy bay, cách đồng nghiệp và hành khách chỉ vài cm. Việc thường xuyên tiếp xúc gần với người khác làm họ dễ bực bội, khó chiu.

Nhưng tiếp viên không được thể hiện các cảm xúc đó ra, họ phải luôn tươi cười, nếu không muốn mất việc. Và họ phải giữ gương mặt tươi tắn ấy khi phục vụ đủ kiểu hành khách. Với không ít trong số đó có thể đang bị căng thẳng, lo lắng, hoặc tính tình khó chịu nên sẽ có những giao tiếp, hành vi khó chấp nhận.

"Rất nhiều tiếp viên bị chứng lo lắng bồn chồn khá tệ hại, hệ quả từ việc "mắc kẹt" tại khoang hành khách cùng nhiều người trong suốt cả ngày. Tôi đã từng chửi thề và la hét trong giấc mơ của mình. Tôi thành ra như thế vì bị kìm nén cảm xúc trong suốt cả ngày" - một nữ tiếp viên dùng cái tên giả Adrianna vì sợ mất việc, chia sẻ với trang tin Qz.

Với các tiếp viên hoạt động trên những tuyến đường dài, việc thường xuyên phải di chuyển qua nhiều múi giờ khác nhau, gây ra hàng loạt tác động tiêu cực lên cơ thể. Họ phải chịu đựng các triệu chứng của hiện tượng mệt mỏi sau chuyến bay dài (jet lag) bao gồm thay đổi cảm xúc, bải hoải cơ thể hoặc nôn nao dạ dày.

Một nữ tiếp viên của hãng United Airlines bị phát hiện say xỉn và ngủ gục trong lúc đang làm nhiệm vụ.
Một nữ tiếp viên của hãng United Airlines bị phát hiện say xỉn và ngủ gục trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Khi bia rượu trở thành “cứu cánh”

Để giải quyết các vấn đề ở trên, nhất là cảm giác cô đơn và buồn chán, nhiều tiếp viên đã lựa chọn giải pháp uống rượu. Một tiếp viên đang cai đề nghị giấu tên chia sẻ với Qz: “Đây là môi trường có rất nhiều người thích uống”. Khoảng thời gian sau chuyến bay thường bắt đầu và kết thúc tại quán bar của một khách sạn nằm cách xa quê nhà.

“Có rất nhiều lý do để bạn lựa chọn việc uống rượu” - cựu tiếp viên Steven Slater, người từng làm việc cho hai hãng TWA và Delta trước khi dừng chân ở JetBlue, chia sẻ. “Sự thực là bạn đang ở xa nhà, xa sự hỗ trợ xã hội bình thường. Bạn nhớ các ngày nghỉ, các đợt lễ. Bạn cảm thấy cô độc trong khách sạn. Cảm giác sẽ rất, rất đơn độc. Vì thế, đây giống như là một môi trường lý tưởng cho việc uống rượu”.

Tiếp viên Adrianna đã cai rượu cách đây hơn một năm. Trước kia, cô từng cảm thấy rất khó để dừng lại. “Bạn nghĩ uống một chút cũng chẳng sao cả. Cho đến khi bạn bắt đầu rót rượu uống một mình trong phòng, đó đã không còn là chuyện nhấp ly vui vẻ nữa” - cô cho biết.

Một số tiếp viên tìm cách kiểm soát trầm cảm hoặc chứng bồn chồn lo lắng bằng các loại thuốc kê đơn có khả năng gây nghiện cao, bao gồm thuốc ngủ hoặc thuốc giảm đau. Tuy nhiên, điều này chỉ khiến tình hình tệ hơn.

Và khi tiếp viên uống rượu mất kiểm soát, hành động của họ thường nhanh chóng lên mặt báo. Năm 2019, một tiếp viên đã lên tin tức sau khi thể hiện hành vi say xỉn trong một chuyến bay của hãng United Airlines từ Chicago tới South Bend, Indiana. Cùng tháng đó, một nữ nhân viên của hãng Qantas mất việc sau khi bị phát hiện đã uống một phần tư chai vodka trong chuyến bay từ Johannesburg, Nam Phi, tới Sydney, Australia.

Chính Slater từng dính tới một vụ việc đầy tai tiếng tại hãng JetBlue hồi năm 2010. Lần ấy, anh đã kích hoạt cửa trượt thoát hiểm khẩn cấp của máy bay, sau đó bỏ đi với hai tay nắm chặt hai lon bia. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, Slater còn đang gặp chứng rối loạn lưỡng cực và có vấn đề liên quan tới thuốc kê đơn. Anh bị sa thải sau vụ này.

Tháng 6 năm ngoái, một tiếp viên của hãng Delta Air Lines có tên Lemara Thompson bị phát hiện có lượng cồn trong cơ thể cao gấp 7 lần mức cho phép lúc đang làm việc tại sân bay Healthrow ở London. Cô này sau đó bị khởi tố do uống rượu trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Tháng 1 năm nay, một nữ tiếp viên trong độ tuổi 20 của hãng All Nippon Airways (ANA) đã bị bắt quả tang uống rượu khi đang làm việc. Vụ việc khiến hãng bị chậm 4 chuyến bay, do phải bố trí lại đội tiếp viên thay cô gái đã uống rượu kia.

Bỏ nghề không phải lựa chọn dễ dàng

Tình trạng tiếp viên hay uống rượu khiến dư luận kinh ngạc, bởi vận tải hàng không là ngành đòi hỏi mức độ an toàn rất cao. Thực tế, hầu như mọi hãng hàng không đều có các quy định cấm uống rượu và dùng chất kích thích rất khắt khe. Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA) quy định rằng, tiếp viên không được uống rượu 8 giờ trước khi làm nhiệm vụ và lượng cồn trong máu không được cao hơn mức 0,04 (bằng một nửa mức giới hạn của các tài xế trên đường).

Nhiều hãng hàng không đã có các quy định khắt khe hơn thế nhiều, bao gồm lượng cồn trong máu không vượt ngưỡng 0,001 hoặc cấm uống rượu 12 giờ trước khi làm nhiệm vụ. Những hãng như ANA còn yêu cầu tiếp viên không uống rượu 24 giờ trước khi làm việc.

Tuy nhiên, việc thực thi quy định lại là câu chuyện khác. JetBlue tuyên bố hãng không dung túng các thành viên phi hành đoàn không vượt qua được bài kiểm tra rượu và ma túy. Tuy nhiên, những người chủ động xin cai nghiện rượu hoặc ma túy sẽ được điều trị miễn phí. American Airlines cho các thành viên phi hành đoàn bị phát hiện dùng rượu và ma túy khi làm việc tham gia một chương trình cai kéo dài nhiều tháng đã được FAA phê chuẩn.

Nếu vượt qua đợt cai nghiện này, họ có thể trở lại làm việc. Nhưng với đặc trưng của nghề tiếp viên, bao gồm cả công việc bán bar trên trời, những người đã cai nghiện rượu vẫn có thể tái nghiện dễ dàng. Vì thế, một số đã không trở lại với nghề sau khi đã cai. Nhưng họ sẽ phải đối mặt với một tương lai bất ổn: Lộ trình chuyển sang một công việc khác không dễ dàng bởi tiếp viên hàng không là nghề đặc thù và kỹ năng của họ khó sử dụng trong những lĩnh vực khác.

Slater là người hiểu rõ điều này. Khi chia tay Jetblue, anh đã ngừng luôn công việc liên quan tới ngành hàng không. Gần đây, anh mới viết xong cuốn hồi ký về cuộc đời mình, mang tên Wingwalking. Tuy nhiên, anh gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm công việc mới. “Nếu vẫn còn ở trong nghề tới tận giờ, có thể tôi đang thực hiện các tuyến bay quốc tế và kiếm được rất nhiều tiền dù chỉ làm việc có 15 ngày mỗi tháng. Song câu chuyện của tôi không diễn ra như thế. Vì thế, tôi đang ở đây, cố gắng thực hiện giai đoạn dịch chuyển tiếp theo trong đời. Nhưng cuộc dịch chuyển này thực sự khó khăn quá" - anh chia sẻ.

Trải nghiệm của Slate không phải là độc nhất. Với các tiếp viên bị buộc phải bỏ nghề, tìm kiếm ngã rẽ tiếp theo trong đời không dễ dàng. Trên Reddit, một cựu tiếp viên tên Tom - người có 24 năm trong nghề - chia sẻ: "Tôi quá già để trở lại trường học nghề. Và thẳng thắn mà nói, tôi không muốn làm các công việc chỉ trả có 12 USD mỗi giờ". Diane - người đã có 23 năm hành nghề - cho hay, cô bị trầm cảm và không muốn ở gần người khác sau khi thôi việc. “Mạng lưới xã hội của bạn, hệ thống hỗ trợ tinh thần của bạn, lương tháng, phong cách sống... gần như mọi thứ đều xoay quanh hãng hàng không" - cô viết. "Và giờ bạn phải xây dựng lại tất cả các mối quan hệ ấy".

Gần đây, Adrianna đã cân nhắc tới khả năng bỏ nghề để làm công việc bình thường. Tuy nhiên, cô vẫn đang băn khoăn với những câu hỏi như "liệu mình có được trả nhiều tiền và vẫn có nhiều thời gian nghỉ như công việc cũ?". Về mặt nào đó, các lợi ích mà nghề tiếp viên hàng không đem lại cũng giống như một chất gây nghiện.

Nhưng Adrianna vẫn tin rằng thứ gì cũng có hai mặt và cô sẽ nhận được những giá trị tích cực khác sau khi bỏ nghề. "Tôi sẽ có cơ hội lên giường đi ngủ mỗi đêm và thức dậy vào sáng sớm" - cô nói. "Hoạt động tưởng chừng đơn giản này chỉ là mơ ước đối với những tiếp viên chuyên bay đêm chúng tôi, những người phải đi ngủ khi trời còn sáng và thức suốt đêm khi tất cả xung quanh đang say giấc nồng".

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.