Khoảng chiều nhập nhoạng

Truyện ngắn của lê hà ngân |

Chiều muộn. Cánh đồng mênh mông gió. Lúa con gái sau cơn bão hụt xanh mơn mởn. Thảng vài cánh cò trắng muốt xoải cánh mải miết bay về tháp chuông nhà thờ xa xa.

Gã ăn mày đeo bị tấp tểnh đôi bàn chân lê bước về phía xứ đạo. Lão phóng xe máy trên con đường bê tông lên xã hai bên là ruộng lúa um tùm. Tiếng còi bóp xe inh ỏi làm kẻ khó tật nguyền quay lại sợ hãi đừng khép lại bên lề đường. Nhìn gã ăn mày vài giây rồi xe lão bỗng dưng dừng lại. Sờ nắn túi trên túi dưới một hồi, rút ra đồng tiền năm ngàn nhăn nhúm dúi vào tay gã ăn mày:

- Gớm ăn được mấy mà ngày nào cũng đi xin tối mịt mới về tới nhà? Lão đi gọn vào kẻo người ta đụng vào lại khổ.

Cúi đầu vái kẻ cho tiền ba vái, ăn mày lại khó nhọc lê bước chân. Người đàn bà làm cỏ lúa dưới ruộng bên đường trông thấy thế liền ngẩng đầu lên:

- Đi đâu thế ông Hưởng ơi!

Nhìn người đàn bà, lão cười toe toét nhanh nhảu:

- À tôi đi đón đứa cháu trên Thịnh Nam giúp bu nó tí.

Tiếng cười ồng ộc của lão đánh ống lươn bên bờ mương lại rộ lên:

- Lão rõ vẽ chuyện rỗi việc. Cháu mình đếch đâu mà đón. Chỉ giỏi làm bộ làm tịch thôi.

Chiếc xe Dem tàu cũ kĩ như con cóc ghẻ chết máy khởi động mãi mới nổ được. Ống bô thủng rú lên như xe tăng toả khói đen ngòm rồi mất hút về phía xứ đạo, bỏ mặc tiếng cười chế giễu phía sau.

***

Làng Hạ đang bình yên bỗng xôn xao chuyện lão Hưởng lấy vợ. Bảy mươi rồi chứ trẻ trung gì cơ chứ. Cứ như chuyện lạ trên trời rơi xuống. Trong những ngày nhàm chán công việc đồng áng đã xong thì các mụ lại có chuyện mà buôn dưa lê rồi cười với nhau, kể cũng thích. Nhưng cánh đàn ông thì có vẻ ức thật vì lão Hưởng bảy mươi mùa su hào rồi mà bỗng dưng lại lấy được gái tân. Mẹ kiếp, gái tân xinh mỡ màng phốp pháp phết mới chết. Quá lứa nhỡ thì, kén cho lắm vào giờ gần năm mươi tuổi tối đến lại được gối râu lão già... đời đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra. Cánh thợ xây lúc giải lao được dịp tha hồ đàm kháo. Gã phó cả buông dao bay cười khơ khớ như phát hiện ra điều gì bí hiểm lắm rồi buông tiếng:

- Úi dồi... lão Hưởng xưa chinh chiến thế giờ thì làm đàn ông thế đếch nào được nữa.

Giọng nói tưng tửng chả cần giải thích làm lũ đàn ông bật cười hả hê. Gã thợ nề ngồi bên cạnh vớ lấy điếu cày bắn một hơi thật dài nhả vụm khói trắng lơ phơ nheo mắt ra dáng hiền triết, rồi phán một câu xanh rờn:

- Các bố biết đếch gì, đừng gato với lão Hưởng nhé! Gừng càng già càng cay, mỡ đến miệng mèo bố thằng nào mà chịu được.

Người đàn bà phu hồ đứng lên thở dài lặng lẽ rồi chép miệng bâng quơ:

- Rõ khổ... đàn bà năm mươi còn toan nỗi gì mà không chót đời dính vào cái của nợ ấy làm gì cho nó khổ.

***

Mặc thiên hạ đàm kháo dè bỉu, đám cưới lão Hưởng vẫn hồn nhiên dẫn vào cổng thôn. Nghe đâu hôm tổ chức lão còn mời được cả các cụ tổ thơ đến dự đám cưới. Vài cụ có dịp thể hiện phấn khởi đọc đến mấy bài, cứ như sinh hoạt thơ bô lão làm lũ trẻ vỗ tay tới mỏi mà không dứt. Gã tổ chức đám cưới trước từng là tay chân dao thớt hồi lão Hưởng còn đương chức chưa bị kỉ luật, giờ được dịp thể hiện tài năng hỗ trợ chú rể bảy mươi. Lão Hưởng vẫn cười toe toét khoác vai cô dâu năm mươi trắng mịn óng ả, má ửng đỏ của gái hồi xuân khéo khéo là... đến từng bàn cảm ơn. Nhìn lão tây phết kém gì lũ trẻ đâu. Đừng đùa! Già có duyên của già nhé. Tập hai bao giờ chả hay hơn tập một. Bộ véc dài thượt, cái ca vát của thằng con thải ra cũng dài thượt, lão diện tuốt. Tóc chải vật lên ốp tí keo cho ra vẻ nghệ sĩ, nếu không có sự đưa mắt lườm của thằng con cả chắc lão cũng vớ lấy micro mà ca bài vọng cổ như thuở đương chức đương quyền ấy chứ.

Cả làng Hạ không ai lạ gì lão Hưởng. Thời chiến tranh, đàn bà con gái có chồng ra chiến trận ai cũng phải có con dao kề đầu giường. Thương con thiếu hơi cha, nhiều người lấy manh áo rách của chồng để lại mà quấn cho đứa bé có hơi bố, nó đỡ khóc về đêm. Những đêm mùa đông dài lê thê, đói lạnh và thương nhớ khiến giấc ngủ chẳng trở về với đàn bà xa chồng. Thôi thì nhớ chồng đành bỏ thóc vào cối mà xay, bỏ gạo vào cối mà giã chứ biết sao bây giờ? Tiếng chó sủa đầu ngõ rồi im bặt, bóng người lẻn vào ôm chầm lấy kẻ đang giã gạo:

- Mình để anh giã với nhé! Anh giã khoẻ gạo trắng phải biết... anh thương mình mà...

Lời nói thì thào cất lên, bàn tay lão ôm choàng lấy người đàn bà mặc cá quẫy dưới ao bèo bàng bạc ánh trăng. Có kẻ yếu lòng cũng rơi vào tay lão, nhưng cũng có hôm mặt lão bị sưng vù vì cái tát tai của người đàn bà lực điền nghiêm cẩn. Cái chức chủ nhiệm hợp tác xã, với cái miệng dẻo quẹo khéo hót cùng những lời đe doạ của lão cũng khiến đàn bà làng Hạ rơi vào tay lão khá nhiều. Đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma. Cái đận lão bị cô thư ký uỷ ban cài bẫy rồi dân quân ập đến, thế là cái chức chủ nhiệm hợp tác xã đi tong. Lão lại chở về với cái máng lợn sứt mẻ cùng lũ con trứng gà trứng vịt và mụ vợ chua ngoa. Từ này vày đất ra mà sống, cuốc bờ cuốc bãi, cơi nới bờ làn sông để cắm cây mạ, nhà lão cũng đắp đổi qua ngày. Thế mà đùng cái thiên hạ kháo nhau là nhà lão đào được vàng. Cái ăn cái mặc cứ thế mà khấm khá lên. Bảy đứa con cũng vì thế mà đỡ nheo nhóc. Sắm được cái xe lão lên tỉnh buôn bán. Lão Hưởng có tính trăng hoa thích oai nhưng lại là kẻ sợ vợ một phép. Có bận buôn trúng mánh, lão mua hẳn một đôi vịt bầu về đánh tiết canh, gọi mấy thủ túc thân quen đánh chén. Rượu đang ngà ngà, chủ khách tưng bừng như ngày hội lão quát to:

- Thằng cả đâu rót rượu thêm vào chai cho bố. Cái hũ rượu bu mày để trong nhà ngang ấy. Nhớ rót đầy vào, mày mà đánh đổ thì chết với tao.

Mụ vợ đi qua lườm một cái như cháy nhà rồi lẩm bẩm: Nốc cho lắm vào rồi mà nhiễu. Nhưng vì thể diện của chồng, mụ chỉ dám lụng bụng. Nhưng đến khi cuộc rượu gần gần tàn cơn sĩ diện lại dâng lên trong lòng lão:

- Bu mày đâu? Cầm túi thuốc lào ra đây tao lấy vài bánh chia cho các chú nó mang về làm quà... Anh em cái tình mới là quý chứ. Bạc tiền là phấn thổ, các chú hiểu chửa...

Giọng lão khê nồng men rượu, khuôn mặt ửng đỏ sần dữ tợn. Khách hỉ hả cầm nửa bánh thuốc lào bọc lá chuối khô ra khỏi ngõ, thì trong nhà đã nghe thấy tiếng the thé của mụ vợ:

- Úi giời ui chồng với chả con! Mày ăn cho lắm vào, nốc đẫy vào rồi hết khôn. Tao bòn nhặt mãi mới được đồng tiền cho mày làm vốn đi buôn giờ mày đem cung phụng hết cho thiên hạ. Chồng ơi là chồng mày giết tao đi cho xong.

Thị đấm ngực bình bịch, lão Hưởng đưa tay bịt mồm vợ nạt nhỏ:

- Bu nó câm mồm! Bu mày gào lên là tao giết. Định làm nhục ông hử. Bố tiên sư nhà mày, cái giống lừa ưa nặng. Mày thích tao trả về nơi sản xuất không?

Nghe tiếng chồng chửi, thị càng uất liền gạt tay lão say ra, lấy hết sức lực điền đạp lão ngã chổng chơ ra mặt đất. Mặc dù đang say, lão vẫn cố mà nhịn mụ vợ đành hanh cho yên cửa nhà.

Đêm ấy trăng thanh gió mát, lão Hưởng vào buồng ôm lấy con nái sề bảy con vỗ về nịnh bợ, nhưng vẫn bị mụ đuổi ra khỏi buồng. Nếu không ra, mụ ấy gào lên thì càng xấu hổ với hàng xóm. Chiến tranh lạnh xảy ra... Một tháng trời cái mặt mụ cứ vác lên như cái cơi, đêm thì đóng cửa chặt buồng, lão ngủ ngoài hiên nhiều đêm chết rét vì gió cuối thu. Cơn bực sôi trong lòng lão: Mày không cần thì ông cho mày hết luôn. Thích đoạn tuyệt thì bố mày đoạn tuyệt luôn cho mà nhớ đời. Rồi lão lên bệnh viện huyện triệt sản...

Nắm tiền ném vào mặt vợ, lão mệt nhọc quay vào nhà cầm chai rượu tu ừng ực. Đêm hôm đấy, cửa buồng mở. Gió mùa đông lạnh vi vút trên tàu chuối sau hè, con mèo vàng gào đực dưới trăng, khiến vợ Hưởng không thể nào ngủ được. Khép nép ra chỗ chồng nằm thẽ thọt:

- Mình vào buồng mà nằm kẻo gió.

Lão hất tay vợ ra giằn hắt:

- Kệ tao! Để yên cho tao ngủ...

Từ đấy, lão Hưởng nằm hẳn nhà ngoài với thằng út, quyết không bước chân vào cái buồng có mụ vợ đanh đá nữa.

Kể thì cũng tội. Nhiều lúc nhìn thị héo hắt, lão cũng chạnh lòng, nhưng cái cảm giác đàn ông đã nguội lạnh chết cứng trong lòng lão. Nhìn hàng cau đau trong nắng chiều, lão không khỏi ngùi ngùi buồn cho phận mình. Từ đấy, lão cũng bỏ luôn rượu, chả bao giờ nhấc cái hũ nút lá chuối lên nữa. Đi làm được đồng nào cũng đưa hết cho vợ, chỉ để lại vài đồng cắt tóc.

Mụ vợ thấy chồng hiền hẳn đi cũng biết sợ sệt và thẽ thọt, nhưng tiếng thở dài trong đêm lạnh của mụ càng dầy hơn.

Mùa xoan năm kia, mụ bỏ lão Hưởng và lũ con lại cho đời mà về với đất. Trước lúc ra đi, mụ cứ nắm tay chồng mà ứa nước mắt dặn dò:

- Tôi có lỗi với mình. Tôi đi trước mình không thể nào ở vậy được. Hãy tìm người thay thế tôi chăm sóc mình nhé!

Lão lắc đầu ứa lệ. Và nắm chặt tay vợ rất đỗi yêu thương. Nước mắt lão Hưởng rơi trên bàn tay khô héo của người đàn bà cả đời vì bố con lão.

***

Rồi thế mà lão Hưởng vẫn có vợ mới. Lão tươi rói và nhuận sắc trở lại sau hơn một tháng cưới. Đàn bà thế mới là đàn bà chứ. Cơm bưng nước rót, xách chai mua rượu cấm thấy kèo nhèo. Cơm xong lại còn pha trà cúc cung kề tận miệng chồng. Lão thấy như mình trẻ lại vài chục tuổi. Nhiều đêm nghe hương cau ngan ngát bên thềm, lão gối đầu lên đùi vợ mà nhìn giăng sáng như đang mỉm cười cùng lão. Phởn chí lão còn cao hứng:

- Này bu em có muốn tôi đọc thơ cho mà nghe không. Thơ tôi là dạng hay thứ bậc của cái tổng này đấy. Mấy lão trong làng làm gì mà địch nổi thơ tôi. Rồi tôi sẽ cắt nghĩa cho bu nó hiểu, tôi sẽ dạy bu nó làm thơ nữa... Lão nói nhiều lắm, rồi cao hứng toan đọc thơ thì vợ mới lại ngáp dài, véo lão một cái:

- Mình ơi! Đi ngủ, em buồn ngủ lắm rồi.

Rõ chán lão chồng. Cái mà thị cần suốt mấy chục năm nay không phải là thơ. Đôi má thị dạo này cứ đỏ au khao khát chuyện lứa đôi. Sức xuân đang hừng hực trong lòng thị. Nói ra thì xấu hổ, ấy vậy mà lão cứ giả tảng như không biết có chết người ta không chứ?

Đàn gà béo vợ mới nuôi bên nhà ngoại tận Thịnh Nam cũng được bắt về hết. Để lại mấy con gây giống còn lại thì thịt hết nấu cao, hầm lá ngải tẩm bổ cho chồng. Nhìn lão gầy nhẳng, thị chẳng yên lòng, chó gầy hổ mắt người nuôi. Có việc nếu để chồng chở về bên ngoại cũng không khỏi xấu hổ với chúng bạn nếu lão ấy khoẻ mạnh béo tốt.

Đàn gà thị bắt về cũng nhắm rượu hết rồi, chút tiền còm thị chắt bóp dành dụm thời con gái làm của hồi môn cũng đội nón ra đi gần hết. Nào là đại tu chiếc xe máy cho chồng, mua ngói nhờ thợ tới đảo lại mái nhà bị dột, nào cho đứa con gái út của lão bị chồng đánh vì nợ nần túng thiếu. Mấy lần định hỏi, thị lại ngại là mới lấy nhau mà đã đòi hỏi tiền bạc không hay. Thôi thì đành bấm bụng chờ xem sao. Thị bòn từng ngọn rau trong vườn nhà đem ra chợ bán, thi thoảng gặp người quen trên quê ngoại đi chợ, thị đành giả vờ che nón làm ngơ.

Mưa đông nặng hạt thấm lên đôi vai người đàn bà trĩu nặng ưu phiền khiến cho thị thêm quyết tâm. Đang mải ngắm con Anh Vũ xanh biếc mỏ đỏ trong chuồng véo von, lão Hưởng uốn lưỡi dạy nó nói hai tiếng Thuần ơi... ui rõ âu yếm. Ui chao, lão dạy nó gọi tên vợ mới. Con chim đang ú ớ được từ ơi thì lão thấy vợ mới kéo tay áo lão vào nhà. Nhìn lão Hưởng một hồi, thị lúng búng:

- Mình đưa tiền lương tháng này cho em chi tiêu nhé! Em cũng cạn hết tiền nhà rồi ạ!

Lão ngớ người đỏ mặt:

- Ừ thì để tôi tính.

Sau câu nói của vợ, lão bỏ đi luôn, trưa không về ăn cơm. Thị chờ mãi cũng không thấy tăm hơi đâu cả. Buồn phiền, thị luộc nải chuối mật và đạp xe sang nhà con gái út của chồng cuối làng. Trò chuyện với con bé một hồi, thị mới vỡ lẽ, thì ra lão Hưởng làm gì có lương hưu đâu. Lão bị thôi chức chủ nhiệm từ sớm, còn mấy cái chức chủ tịch hội sinh vật cảnh xã nhà, chủ tịch câu lạc bộ thơ Đường, uỷ viên sinh vật cảnh huyện cũng chỉ là thứ danh hão, đào đâu ra tiền cơ chứ. Thế mà lão cứ thao thao bất tuyệt lúc đi hỏi vợ: Nào cưới xong anh sẽ đưa mình đi hưởng tuần trăng mật ở Đà Lạt, thích mua váy áo gì anh chiều. Bây giờ thì mới biết là mình bị lừa... Thị xây xẩm mặt mũi, thắt tim lại, về đến ngõ nhà chồng thì đổ vật ra không biết gì nữa.

Người đàn bà tỉnh lại thì trời đã tối đen, hai cái chăn dầy thụp đắp lên người. Mùi thuốc lào còn vương trong chăn làm thị hắt hơi. Lão Hưởng mừng rỡ cập rập:

- Mình tỉnh rồi. Ơn giời Phật... mình mà làm sao thì khổ thân tôi. Tôi biết sống làm sao nếu không có mình.

Người đàn bà ứa nước mắt tủi phận. Đôi bàn tay của lão xoa bóp khắp bả vai, sống lưng và vuốt ve khuôn mặt đầy cưng nựng yêu thương. Bát cháo hành giải cảm được lão bón từng thìa. Thị ứa nước mắt quay mặt vào tường, ngậm ngùi cho duyên phận.

Gió ngoài trời vi vút, sương nặng hạt lộp bộp trên tàu chuối sau hè. Trăng mùa đông méo xệch trốn vào đám mây lạnh buồn. Thị không thể nào ngủ được, len lén ra hiên nhà ngửa mặt nhìn trời mà nước mắt đẫm gò má buốt giá. Đi đâu và về đâu bây giờ? Đời đen bạc phận hẩm duyên ôi... lần đầu sang sông mà sao chuyến đò bão táp thế này? Càng nghĩ càng đau xót tái tê. Thôi thì thị lại trở về với gian nhà mà cả đời thị gắn bó vậy.

***

Trời mùa đông nhanh tối. Cánh đồng mênh mông gió. Chuông nhà thờ xứ đạo đã kinh coong gọi con chiên vào nhà nguyện. Tháp chuông như đóng đinh vào nền trời xám lạnh. Người đàn bà khép cửa, vác chiếc hòm tôn chằng vào chiếc xe đạp cũ kĩ. Với tay lấy trong giỏ sách ra chiếc khăn len màu tím trùm kín đầu, toan dắt xe ra khỏi ngõ. Con mèo mướp từ trong bếp chạy vụt ra quấn lấy chân bà chủ. Nó đói và hay làm nũng với chủ mới lắm. Thương còn mèo, thị không đành lòng, liền dựng xe vào cánh cổng rồi mở vung cơm nguội trong bếp bới vào cái bát, cùng một nhúm tép kho bỏ xuống trái bếp cho mèo. Vuốt đầu con mướp vài cái, thị quay lại nhìn ngôi nhà và hàng cau lần cuối rồi dứt khoát dắt xe ra. Vừa tới đầu đường thì thấy một đám đông xúm xít. Tiếng người đàn bà the thé cất lên:

- Úí dồi, lão Hưởng bị xe máy tông vào rồi. May mà lão ấy đội mũ bảo hiểm và chỉ bị xô nhẹ, chứ không hôm nay về chầu trời rồi.

Người đàn bà bủn rủn chân tay, chiếc xe đạp đổ kềnh ra giữa đường, nước mắt ứa ra thị gạt đám đông đỡ lão Hưởng ngồi dậy. Khuôn mặt lão tái xanh nhưng nhìn thấy vợ mắt sáng lên mừng rỡ:

- May tôi cũng không sao mình ạ!

Tủi phận, thị òa khóc chới với như người đi biển say sóng. Cái cảm giác đi biển mồ côi lại ùa về tê tái. Giông gió bùng lên trong lòng người đàn bà như bão táp cuồng phong. Nhìn lão chồng già vừa thương vừa giận, ánh mắt lão mừng rỡ van nài khiến thị không thể bước qua. Cơn bão táp đang cồn cào trong lòng thị dường như lắng xuống. Thị thở dài cắn răng tự nhủ: Thôi thì phận mình như thế âu cũng nợ nần lão ấy từ tiền kiếp chăng? Nuốt nước mắt vào trong, thị dìu lão Hưởng về nơi ngỏ nhõ. Như chợt nghĩ ra cụm gừng già trong vườn đã ngả lá vàng lâu rồi chưa dùng tới, thị nói nhỏ:

- Ông cố gắng nhịn đau tôi bới mấy nhánh gừng giã dầm rượu đắp cho ông nhanh khỏi nhé.

Người đàn ông ứa nước mắt nhìn vợ, lòng chợt nhẹ đi như vượt qua con dốc thật cao. Tiếng chuông nhà thờ chợt reo lên trong thinh không nhắc các con chiên đi lễ. Gió đông vẫn lồng lộng thổi trong vườn đêm, người đàn bà thở dài đẫm nước mắt bước qua niềm đau. Bà chợt nghĩ tới đàn gà con ngày mai xuống ổ. Nghĩ tới cánh đồng lúa xanh đang nghén đóng vẫn đợi bàn tay bà chăm sóc.

Truyện ngắn của lê hà ngân
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.