Khám phá bí mật chết chóc của COVID-19

Tường Linh (Theo Washington Post) |

Khi dịch bệnh xảy ra, những gì chúng ta học hỏi được từ người chết có thể giúp ích rất nhiều cho người còn sống. Đó là lý do vì sao cộng đồng khoa học thế giới phải giải phẫu tử thi các nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19, và họ đã có những phát hiện rất đáng chú ý về căn bệnh.

Những lá phổi đầy vết tụ máu

Khi Nhà bệnh dịch học Amy Rapkiewicz bắt đầu mổ thi thể người thiệt mạng vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) để tìm hiểu xem chúng tàn phá nạn nhân như thế nào, cô đã thấy thương tổn xuất hiện ở nhiều khu vực mà cộng đồng bác sĩ thế giới đã chẩn đoán và dự báo trong suốt nhiều tháng. Tuy nhiên, cô vẫn thấy những dấu hiệu bất thường.

Rapkiewicz - người nắm vai trò điều phối hoạt động giải phẫu tử thi ở Trung tâm Y tế Langone thuộc Đại học New York - phát hiện rằng, một số nội tạng có sự xuất hiện của quá nhiều đại bào - những tế bào đặc biệt chịu trách nhiệm sản xuất tiểu cầu và chúng hiếm khi có mặt tại tim.

Rapkiewicz chưa từng thấy điều gì tương tự trước đây, nhưng vẫn cảm giác có sự quen thuộc kỳ lạ. Cô liền lao tới thư viện tra cứu và cuối cùng tìm thấy báo cáo về một bệnh nhân bị sốt rét trong những năm 1960. Trong trường hợp của bệnh nhân này, virus đã phá hủy mạnh đại bào, dẫn tới việc nạn nhân thiếu tiểu cầu và bị xuất huyết ồ ạt. Trong khi đó, virus SARS-CoV-2 dường như lại có tác động ngược lại khi kích thích đại bào di chuyển khắp nơi và sản xuất quá nhiều tiểu cầu, gây ra hiện tượng đông máu cục bộ nguy hiểm trong cơ thể. “COVID-19 và sốt rét là hai căn bệnh khác nhau, nhưng các tế bào có liên quan tới chúng lại giống nhau” - cô cho biết.

Giải phẫu tử thi từ lâu đã là nguồn cung cấp thông tin giúp dẫn tới các đột phá trong việc thấu hiểu bệnh tật mới, từ HIV/AIDS cho tới dịch Ebola hay sốt Lassa. Nỗ lực chống dịch COVID-19 dĩ nhiên cũng không thể đi ngoài quy luật này. Với việc vaccine phòng bệnh còn phải mất nhiều tháng nghiên cứu - quãng thời gian tính theo kịch bản lạc quan nhất, giải phẫu tử thi đang mang tới các phát hiện và chứng cứ quan trọng, giúp cộng đồng y học tìm ra cách chế ngự dịch.

Hoạt động giải phẫu tử thi có thể tái hiện lại hành trình tự nhiên dẫn tới cái chết. Tuy nhiên, tiến trình xác định và lần theo dấu vết của virus Corona chủng mới rất khó khăn, đòi hỏi phải thực hiện các công việc tỉ mẩn. Để bảo vệ các nhà nghiên cứu và tránh không để virus có cơ hội phát tán vào không khí, chuyên gia giải phẫu tử thi phải dùng công cụ đặc biệt để lấy đi một phần trong nội tạng của người chết. Họ phải nhúng chúng vào dung dịch khử trùng trong nhiều tuần để đảm bảo an toàn. Chỉ sau bước này, họ mới có thể cắt nhỏ các phần nội tạng thu được và đưa những bản mẫu lên kiểm tra dưới đủ loại hệ thống kính hiển vi khác nhau.

Một trong những phát hiện đầu tiên của các nhà khoa học Mỹ, được công bố trước công chúng vào ngày 10.4, đã thực hiện tại New Orleans. Tử thi thuộc về một người đàn ông 44 tuổi từng được chữa trị vì nhiễm COVID-19. Nhà nghiên cứu Richard Vander Heide vẫn nhớ rõ rằng đã cắt phổi của nạn nhân và thấy hàng trăm nghìn điểm tụ máu.

“Tôi không thể quên được ngày đó” - Vander Heide, người đã làm công việc giải phẫu tử thi từ năm 1994, cho hay. “Tôi nói với đồng nghiệp rằng hiện tượng tụ máu như thế rất bất thường và chưa từng thấy điều tương tự trước đây”.

Ngày tiếp theo, khi tiến hành mổ cái xác thứ hai, Vander Heide tiếp tục thấy hiện tượng tương tự. Ông rất kinh ngạc và lập tức chia sẻ báo cáo về những gì mình quan sát lên mạng, trước khi gửi nó tới đăng trên một tuần báo y học, để đảm bảo các bác sĩ có thể lập tức tiếp cận với phát hiện của ông.

Phát hiện của Heide gây được sự quan tâm tại nhiều bệnh viện, khiến một số bác sĩ bắt đầu cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà họ đang điều trị uống thuốc chống đông máu. Nay việc dùng thuốc chống đông máu đã trở thành hoạt động phổ biến trong điều trị, nhưng khi ấy, tất cả vẫn rất mới mẻ. Bản báo cáo đầy đủ của Heide, trong đó ông giải phẫu tới 10 thi thể để đảm bảo hiện tượng tụ máu ở phổi không phải là cá biệt, cuối cùng đã được đăng trên Lancet vào tháng 5.

Các cuộc giải phẫu phổi khác, gồm những 38 cuộc ở Italia với kết quả đăng rải rác trên nhiều tạp chí y học nước này, 25 cuộc ở Trung tâm Y tế Mount Sinai và 7 cuộc ở Trường Y Harvard, cũng cho kết quả về hiện tượng đông máu tương tự. Chắc chắn chúng phải có vai trò nhất định trong cái chết của các nạn nhân.

Những hiện tượng kỳ lạ ở tim và não 

Nội tạng tiếp theo được kiểm tra kỹ là tim. Một trong những báo cáo ban đầu về virus Corona từ Trung Quốc nói rằng, có một tỉ lệ lớn bệnh nhân nhập viện (từ 20%-30%) dường như bị viêm cơ tim, khiến nạn nhân có thể bị đột tử.

Theo các nhà nghiên cứu, viêm cơ tim xảy ra khi cơ thể coi nó là yếu tố xâm nhập ngoại lai và bắt đầu tổ chức tấn công. Cơ tim sẽ trở nên dày hơn và không thể bơm máu hiệu quả như trước. Nếu một bệnh nhân bị viêm cơ tim, tim của họ sẽ nhiều điểm chết lớn hình thành bên trong. Các tế bào cơ tim của họ cũng sẽ bị bao vây bởi các tế bào bạch cầu lympho chuyên chống nhiễm trùng. Tuy nhiên, hoạt động giải phẫu cho thấy, tế bào cơ tim hoàn toàn không bị bạch cầu lympho bao vây. Điều này khiến giới nghiên cứu hoàn toàn bí câu trả lời.

Bà Mary Fowkes - trợ lý giảng dạy về bệnh dịch tại Trung tâm Y tế Mount Sinai, là thành viên một nhóm chuyên gia - đã mổ 67 thi thể nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở trung tâm. Fowkes và đồng nghiệp Clare Bryce - người trực tiếp tiến hành giải phẫu để kiểm tra tim 25 người tử vong vì COVID-19 - nói rằng, chỉ vài quả tim bị viêm nhiễm nhẹ trên bề mặt. Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy hiện tượng viêm cơ tim.

Rapkiewicz, sau khi mổ và xem xét 7 quả tim, còn có phát hiện đặc biệt hơn. Cô thấy bên trong các quả tim có sự hiện diện của đại bào, một loại tế bào hiếm khi hoạt động ở đây. Các đại bào này, có vai trò sản xuất tiểu cầu để kiểm soát hiện tượng đông máu, vốn chỉ tồn tại trong tủy xương và phổi chứ không hoạt động ở tim.

Khi kiểm tra các mẫu bệnh phẩm lấy từ phổi của một nạn nhân tử vong vì COVID-19, cô cũng thấy rằng nó có rất nhiều đại bào. “Tôi chưa từng thấy hiện tượng như thế trước đây. Thật kinh ngạc khi phát hiện các đại bào ở trong tim” - cô nói.

Theo Vander Heide, khi nhìn vào trái tim của một nạn nhân thiệt mạng vì COVID-19, các bác sĩ sẽ không thấy điều họ mong đợi. Ông cho biết, vài bệnh nhân mà ông tiến hành giải phẫu tử thi đã bị ngưng tim trong bệnh viện. Nhưng khi kiểm tra thi thể, ông thấy họ chỉ bị thương tổn nặng ở phổi chứ không phải tim. Vì đâu mà họ ngưng tim, ông chưa thể có câu trả lời.

Trong số các biến chứng do virus Corona chủng mới gây ra, tác động lên não gây ngạc nhiên nhất. Nhiều bệnh nhân được cho là bộc lộ các triệu chứng bị hư hỏng hệ thần kinh, gồm giảm khả năng ngửi và nếm, thay đổi trạng thái tinh thần, bị co giật và thậm chí loạn trí.

Một nghiên cứu từ Trung Quốc, được xuất bản trên Tuần báo Thần kinh học, phẫu thuật thần kinh và bệnh tâm thần hồi tháng 3 thấy rằng, 22% trong số 113 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng ảnh hưởng tới thần kinh, từ ngủ li bì cho tới hôn mê sâu - các điều kiện thường được gọi là rối loạn nhận thức.

Vào tháng 6 năm nay, các nhà nghiên cứu Pháp thông báo, 84% bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt ở nước này bộc lộ các vấn đề về thần kinh và khoảng 1/3 vẫn bị lẫn lộn, mất phương hướng khi ra viện. Cùng tháng đó, các bác sĩ Anh phát hiện rằng 57 trong số 125 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đã bị đột quỵ do tụ máu trong não. 39 người thuộc nhóm này cũng thay đổi đáng kể trạng thái tinh thần.

Dựa trên những dữ liệu và thông tin nêu trên, Isaac Solomon - một chuyên gia bệnh thần kinh tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston - đã cho rằng, não của người mắc COVID-19 hẳn sẽ bị virus tàn phá nghiêm trọng. Nhằm chứng minh nhận định này, ông tiến hành giải phẫu 18 tử thi và lấy đi mẫu bệnh phẩm từ các khu vực gồm vỏ đại não (vùng chất xám chịu trách nhiệm xử lý thông tin), đồi não (nhận thông tin từ các giác quan), hạch nền (chịu trách nhiệm kiểm soát cử động) và những điểm khác.

Tuy nhiên, ông chỉ tìm thấy dấu vết rất mờ nhạt của virus ở một số khu vực não. Không thể xác định đây chỉ là xác của virus đã chết hay virus vẫn còn hoạt động mạnh khi bệnh nhân thiệt mạng. Chỉ có những điểm viêm nhiễm rất nhỏ trên khắp não bộ.

Nhưng nhiều khu vực trên não bộ bị hư hại nặng do thiếu oxy. Cho dù nạn nhân thiệt mạng tại phòng hồi sức tích cực hay đột tử sau khi nhiễm bệnh thì những biểu hiện này đều giống nhau một cách đáng ngại. Có vẻ như việc virus gây đông máu cục bộ trong phổi đã khiến nội tạng này không thể cung cấp đủ oxy cho cơ thể chúng ta.

Khi não không nhận đủ oxy, các tế bào thần kinh sẽ bị chết bớt và cơ thể không thể phục hồi chúng. Nếu thương tổn chỉ ở mức nhẹ, bộ não của chúng ta vẫn hoạt động. Nhưng khi thương tổn lớn dần, các chức năng khác nhau của não sẽ bắt đầu suy giảm.

Song từ góc độ thực tiễn, Solomon nói rằng, nếu biết virus không xâm nhập vào não với số lượng lớn, người ta có thể tính toán cách dùng thuốc điều trị, vốn sẽ rất khó khăn nếu virus giỏi lẩn trốn trong cơ thể người - như trong các trường hợp của HIV hoặc virus sông Nile. Phát hiện cũng cho thấy, cần phải nhanh chóng cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 thở oxy ngay, để ngăn các thiệt hại nặng tới mức không thể chữa lành có cơ hội xảy ra.

Phổi của nạn nhân tử vong vì COVID-19 có hàng trăm nghìn điểm tụ máu.  Ảnh: Wire Science
Phổi của nạn nhân tử vong vì COVID-19 có hàng trăm nghìn điểm tụ máu. Ảnh: Wire Science

Vẫn còn nhiều bí ẩn cần khám phá

Solomon, sau khi xuất bản nghiên cứu của ông trên Tuần báo Y học New England cho hay, những tác động nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 như đã nêu trên xảy ra trong một khoảng thời gian dài. Điều này khiến ông băn khoăn về ảnh hưởng của virus tới những người ốm nhẹ hơn. “Câu hỏi lớn còn lại hiện nay là chuyện gì đã xảy ra với những người sống sót qua dịch COVID-19” - ông nói. “Liệu có tác động nào còn lưu lại trên não họ?”.

Đội nghiên cứu ở Trung tâm Mount Sinai Health - nơi lấy mẫu từ 20 bộ não - cũng bất ngờ vì không tìm được nhiều dấu hiệu nhiễm trùng ở vùng não. Tuy nhiên, nhóm cho rằng, việc xuất hiện các vết tụ máu nhỏ với số lượng lớn là đáng kinh ngạc.

“Việc ai đó có một vết tụ máu ở não là chuyện rất bình thường. Nhưng những gì chúng tôi thấy là một số bệnh nhân có rất nhiều vết tự máu nằm ở các mạch máu chạy qua từ 2 tới 3 vùng não khác nhau” - Fowkes nói.

Rapkiewicz cũng nói rằng, chưa rõ các phát hiện mới về giải phẫu thi thể có thể giúp mang tới hướng điều trị COVID-19 hiệu quả hơn không. Tuy nhiên, thông tin chắc chắn đã mở ra những cánh cửa mới để người ta tiếp tục khám phá.

Jeffrey Berger - một chuyên gia tim mạch đang điều hành Phòng Nghiên cứu tiểu cầu tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ - đánh giá kết quả giải phẫu tử thi cho thấy, thuốc ức chế tiểu cầu, cùng với thuốc chống đông máu, có thể giúp giảm bớt tác động của dịch COVID-19. Ông đang tổ chức thử nghiệm nhằm tìm ra liều thuốc chống đông máu tối ưu, nhằm giúp bệnh nhân dễ chống chọi với bệnh hơn.

“Các phát hiện mới chỉ mang tới một mảnh rất nhỏ của bức tranh ghép hình lớn và chúng ta vẫn còn phải khám phá rất nhiều” - ông nói. “Nhưng nếu chúng ta có thể ngăn chặn các biến chứng lớn và giúp thêm nhiều bệnh nhân sống sót sau khi nhiễm bệnh thì đó cũng là yếu tố thay đổi tình hình rồi”.

Tường Linh (Theo Washington Post)
TIN LIÊN QUAN

Hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại và con gái nhập viện vì COVID-19

Hải Anh |

Aishwarya Rai Bachchan - cựu Hoa hậu Thế giới năm 1994, từng nhiều lần được bình chọn là hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại - và con gái nhỏ, đã nhập viện vì COVID-19.

Google "cấm cửa" quảng cáo có thông tin sai lệch về COVID-19

Bảo Châu |

Alphabet Inc - công ty mẹ của Google hôm 17.7 cho biết, sẽ cấm chạy các quảng cáo có ''nội dung nguy hiểm'' mang thông tin sai lệch so với hiểu biết khoa học về COVID-19.

Nghiên cứu mới chỉ ra 6 kiểu mắc COVID-19 điển hình có triệu chứng riêng

Hải Anh |

Từ ứng dụng theo dõi triệu chứng COVID-19 được sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học Anh phân tích dữ liệu và nhận thấy có 6 kiểu khác nhau của dịch bệnh này với những cụm triệu chứng cụ thể.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại và con gái nhập viện vì COVID-19

Hải Anh |

Aishwarya Rai Bachchan - cựu Hoa hậu Thế giới năm 1994, từng nhiều lần được bình chọn là hoa hậu đẹp nhất mọi thời đại - và con gái nhỏ, đã nhập viện vì COVID-19.

Google "cấm cửa" quảng cáo có thông tin sai lệch về COVID-19

Bảo Châu |

Alphabet Inc - công ty mẹ của Google hôm 17.7 cho biết, sẽ cấm chạy các quảng cáo có ''nội dung nguy hiểm'' mang thông tin sai lệch so với hiểu biết khoa học về COVID-19.

Nghiên cứu mới chỉ ra 6 kiểu mắc COVID-19 điển hình có triệu chứng riêng

Hải Anh |

Từ ứng dụng theo dõi triệu chứng COVID-19 được sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học Anh phân tích dữ liệu và nhận thấy có 6 kiểu khác nhau của dịch bệnh này với những cụm triệu chứng cụ thể.