Khám chữa bệnh tại Đà Nẵng: Nơi vắng, chốn đông

Thuỳ Trang - Hoàng Vinh |

Khoa cấp cứu hoạt động hết công suất, các chuyến xe chuyển bệnh nhân từ các bệnh viện quận, huyện và nhiều tỉnh tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên đổ về Bệnh viện (BV) Đà Nẵng liên tục, 3 - 4 người bệnh chung một giường, phải đợi chờ 5 đến 6 tiếng đồng hồ để khám, nhận kết quả, chuyển khoa... là thực trạng tại bệnh viện Đà Nẵng. Trong khi đó, nhiều cơ sở y tế tại chính thành phố này và bệnh viện các tỉnh lân cận đang cảnh đìu hiu mà nguyên nhân chỉ đơn giản là "lên tuyến trên cho chắc". Người dân gần như không còn tin vào năng lực của các bệnh viện tuyến dưới.

Nơi đìu hiu, chốn "trăm dâu đổ đầu tằm"

Khoa cấp cứu của BV Đà Nẵng luôn phải chạy hết tốc lực với vai trò là bệnh viện tuyến cuối không chỉ tại TP. Đà Nẵng mà còn với nhiều tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Thế nhưng, ghi nhận rõ ràng nhất về tình trạng mất cân bằng trong khám chữa bệnh tại Đà Nẵng là tại khoa khám bệnh dịch vụ.

Ngay sáng thứ hai đầu tuần, từ bàn hướng dẫn đến lối đi lên các phòng khám, phòng chờ xét nghiệm luôn tấp nập người qua lại, các hành lang tại các tầng khám bệnh đông đúc, không khí ngột ngạt...

Bà Dương Thị Hiền cùng chồng chạy xe từ Điện Bàn, Quảng Nam ra bệnh viện Đà Nẵng khám bệnh. Chạy xe đường dài, phải ở qua trưa và chờ đợi nhiều giờ bởi bệnh nhân đông đúc nhưng khi nghe chúng tôi gặng hỏi sao không khám ở bệnh viện tỉnh theo chế độ BHYT, bà Hiền lắc đầu: “Có bảo hiểm chứ nhưng ra đây cho chắc”.

Cũng chấp nhận đi một quãng đường xa, thậm chí, con cái phải xin nghỉ việc để đưa đi khám, ông Nguyễn Văn Sáu (trú TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) ra đợi từ lúc 6 giờ sáng cho hay: “Xác định đi khám xa và bệnh viện lớn thì chắc chắn lâu rồi. BHYT của tôi đăng ký ở bệnh viện gần nhà, nhưng khám ở đó máy móc không hiện đại bằng ngoài này, bệnh tôi cũng không đỡ sau nhiều lần điều trị nên con cái đưa ra tận đây với hy vọng bác sĩ giỏi hơn sẽ chữa nhanh bớt bệnh”.

Tâm lý muốn đổ về các bệnh viện tại thành phố lớn là với những người dân ngoại tỉnh như bà Hiền, ông Sáu. Thế nhưng, ngay chính tại nhiều cơ sở y tế của tuyến quận huyện của Đà Nẵng cũng đang diễn ra tình trạng người dân không mặn mà lựa chọn đến khám.

Trái ngược với hình ảnh đông đúc, nhộn nhịp ở BV Đà Nẵng, tại BV Đa khoa Hải Châu lẻ tẻ tầm 20 người đến khám bệnh. Chị Lê Thị Thanh Tâm (trú quận Hải Châu) cho hay, bị đau vai vài ngày nay, tiện có bảo hiểm đăng ký khám bệnh tại BV Hải Châu nên chị Tâm đến thăm khám. “Nhưng nếu khám mà bệnh nặng thì tôi cũng chuyển lên bệnh viện tuyến trên cho yên tâm. Bảo hiểm thì tiết kiệm nhưng sức khoẻ vẫn là trên hết” – chị Tâm nói.

Đa số người dân Đà Nẵng, thậm chí Quảng Nam hay nhiều tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đều tham gia BHYT. Thế nhưng tất cả đều chấp nhận chi trả thêm tiền khám vượt tuyến hoặc khám dịch vụ tại BV Đà Nẵng. Có thể thấy việc vận động người dân tham gia BHYT đã không còn khó khăn, thế nhưng, để người dân tin tưởng vào cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, tại chính từng địa phương thì chưa đạt được mục tiêu.

Mất niềm tin ở tuyến dưới

Với thực tế trên, mặc dù là bệnh viện hạng nhất, trực thuộc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, với quy mô chỉ tiêu 1.010 giường bệnh, thế nhưng con số thực sử dụng của BV Đà Nẵng luôn ở mức khoảng 2.000 bệnh nhân mỗi ngày.

Nhiều năm qua, BV Đà Nẵng phải luôn nỗ lực mở rộng các khoa phòng để giảm tải nhưng mở ra đến đâu lại đông đến đó. Trong khi các cơ sở y tế tuyến quận huyện của thành phố đìu hiu, hoạt động không mấy nổi bật càng khiến người bệnh có tâm lý, thà bỏ ra một ngày hay nhiều ngày chờ đợi, nằm ghép giường, di chuyển xa nhưng họ và người thân có thể được điều trị mà họ cho là tốt hơn. Từ người dân dù có mức sống trung bình cũng sẵn sàng bỏ tiền túi để được khám bệnh và ngay cả người khá giả cũng từ chối những bệnh viện 5 sao để đổ về BV Đà Nẵng. Vậy nguyên nhân từ đâu?

Không thể phủ nhận việc uy tín và chất lượng, năng lực của y bác sĩ tại BV Đà Nẵng đã tạo dựng được niềm tin lớn với người dân miền Trung. Thế nhưng tại nhiều bệnh viện quận huyện trong TP. Đà Nẵng và những bệnh viện tuyến tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi hằng năm luôn được đầu tư trang thiết bị, nhân lực vẫn không thể giữ chân bệnh nhân là bởi niềm tin của người dân chưa được gầy dựng, thậm chí bị đỗ vỡ bởi đã để lặp lại quá nhiều sự cố y khoa, chết người do tắc trách, yếu kém.

TS. BS Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, với những bệnh viện có năng lực chuyên môn tốt, việc người bệnh tìm đến là niềm tự hào nhưng theo đó là quá tải. Năm 2018 BV Đà Nẵng đã cắt giảm 30.000 số thẻ BHYT đăng ký trực tiếp nhưng không ít người bệnh vẫn chấp nhận đến khám dịch vụ. Họ khám tự nguyện, tự chi trả viện phí.

Những hành lang bệnh viện Đà Nẵng đông đúc dù là khám dịch vụ hay bệnh nhân phải nằm chờ nhiều ngày để điều trị. Ảnh: HV
Những hành lang bệnh viện Đà Nẵng đông đúc dù là khám dịch vụ hay bệnh nhân phải nằm chờ nhiều ngày để điều trị. Ảnh: HV

“Cũng có những trường hợp sau khi được điều trị, bệnh nhân có thể chuyển về các cơ sở y tế tuyến dưới đợi hồi phục nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo nguyên tắc an toàn cho người bệnh. Quan trọng hơn, chính các cơ sở đó phải có được niềm tin của người bệnh để không chỉ nhận bệnh sau điều trị mà còn phải là nơi được người dân tìm đến trước” – ông Nhân cho hay.

Đổ vỡ niềm tin là thực tế, nhưng người dân đã hoàn toàn có cơ sở bởi chính các BV tuyến dưới, các tỉnh đã tự đánh mất niềm tin. Câu chuyện "gãy chân phải nhưng bị bác sĩ bó bột chân trái" hay những tắc trách không đáng có dẫn đến hậu quả nghiêm trọng kiểu "tiền mất tật mang", thậm chí mất mạng liên tục xảy ra ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh lẻ.

Tại bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, bệnh nhân ngoại trú hiện nay đang chiếm gần 47%, chưa kể lượng bệnh khám hàng ngày. Không khó để tìm được một bà mẹ từ Quảng Ngãi, Quảng Nam khệ nệ vác bụng bầu ra nằm viện chờ sinh. Chị Hoàng Lan (Quảng Ngãi) chỉ tay, vừa giới thiệu từng đồng hương với mình cho biết: “Người Quảng Ngãi ra bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đợi sinh rất nhiều. Thậm chí có người chịu khó ngay từ lúc mới có bầu cũng đã ra đây khám, thuê nhà ở cạnh BV chờ cho đến lúc sinh”.

Gặng hỏi tại sao lại phải vất vả đi sinh ở xa trong khi có cơ sở y tế và BHYT gần nhà, các chị nhìn nhau lắc đầu: “Sinh con có người dễ, người khó nhưng lỡ có bề gì thì chỉ có cha mẹ gánh chịu. Vất vả lắm chứ nhưng cũng phải sinh ở nơi đảm bảo, có uy tín vẫn hơn”. Đó là câu trả lời có phần nói tránh khi những bà bầu như chị Lan không muốn nhắc đến những ca tai biến sản khoa liên tục xảy ra tại bệnh viện Quảng Ngãi trước đây.

Mới nhất, năm 2017, bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi tiếp tục vướng phải vụ việc người nhà bức xúc khi một trẻ sơ sinh tử vong sau khi sinh.

Nhiều người vẫn còn nhắc câu chuyện năm 2011, BV Đa khoa Quảng Nam đã phải xin lỗi và nhận sai sót do các bác sĩ trong một kíp trực sơ suất, “chăm sóc không chu đáo” khiến một nữ bệnh nhân tử vong. Đến năm 2013, BV Quảng Nam dính tai tiếng khi trả một đứa trẻ sơ sinh về cho gia đình lo hậu sự mà không biết đứa bé... còn sống!

Nhìn nhận tất cả những thực tế đó và chia sẻ về kinh nghiệm tại BV Đà Nẵng, TS.BS Lê Đức Nhân cho rằng, cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người tại các bệnh viện quận huyện là điều rất quan trọng. Nhưng nếu người bệnh chưa có niềm tin vào đội ngũ y bác sĩ thì sẽ rất khó để thuyết phục họ tự tìm đến.

“Niềm tin của người bệnh phải thể hiện bằng hành động, kết quả chứ không thể bằng bất kỳ hình thức quảng cáo nào. Các cơ sở phải chứng minh năng lực của mình bằng kỹ thuật dịch vụ chuyên môn sâu, cách phục vụ chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Bên cạnh đó, cũng cần phải hiểu rằng, để bệnh nhân hài lòng, thì trước hết những người phục vụ phải hài lòng trước. Có nghĩa là môi trường làm việc phải thay đổi thật tốt để cho các bác sĩ có động lực cống hiến và sống đam mê trong nghề nghiệp. Từ đó, đội ngũ bác sĩ phục vụ bệnh nhân với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Qua thời gian, giữa người bệnh và bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở đó sẽ tạo dựng được cái gọi là niềm tin. Điều mà dù bác sĩ có muốn từ chối, không nhận bệnh thì người bệnh cũng sẽ tìm đến” – ông Nhân chia sẻ.

Thuỳ Trang - Hoàng Vinh
TIN LIÊN QUAN

Sau ngập lụt, người dân Chương Mỹ được khám bệnh miễn phí

LH - H.Phương |

Hơn 3 tuần liên tiếp bị ngập lụt nặng nề khiến cuộc sống hàng ngàn người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đảo lộn. Thời điểm hiện tại, mực nước sông Bùi đã rút, địa phương xuất hiện một số bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào ghi khống nội dung khám bệnh cho công nhân

LN - Phạm Đông |

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, đồng thời khởi tố 4 bị can để điều tra về hành vi Giả mạo trong công tác.

Khám bệnh miễn phí cho công nhân

L.TUYẾT |

Sáng 1.7, tại Nhà văn hóa Khu công nghệ cao TPHCM (trực thuộc Công đoàn các KCX – CN TPHCM) đã diễn ra chương trình khám bệnh miễn phí cho công nhân và con công nhân làm việc tại các doanh nghiệp quanh địa bàn. 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Sau ngập lụt, người dân Chương Mỹ được khám bệnh miễn phí

LH - H.Phương |

Hơn 3 tuần liên tiếp bị ngập lụt nặng nề khiến cuộc sống hàng ngàn người dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đảo lộn. Thời điểm hiện tại, mực nước sông Bùi đã rút, địa phương xuất hiện một số bệnh.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào ghi khống nội dung khám bệnh cho công nhân

LN - Phạm Đông |

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, đồng thời khởi tố 4 bị can để điều tra về hành vi Giả mạo trong công tác.

Khám bệnh miễn phí cho công nhân

L.TUYẾT |

Sáng 1.7, tại Nhà văn hóa Khu công nghệ cao TPHCM (trực thuộc Công đoàn các KCX – CN TPHCM) đã diễn ra chương trình khám bệnh miễn phí cho công nhân và con công nhân làm việc tại các doanh nghiệp quanh địa bàn.