Jonas Salk - người hùng chống dịch vì nhân dân

Tường Linh (Theo New Atlantis) |

Jonas Salk được xem như người hùng khi tạo ra vaccine giúp nhân loại thắng dịch bại liệt, nhưng lại không được sự tôn vinh tương xứng từ cộng đồng nghiên cứu.

Vị thánh xuất hiện trong đêm đen

Ở tuổi 40, Jonas Salk trở thành nhà khoa học được yêu mến nhất tại Mỹ. Ông thậm chí có thể là nhà khoa học được yêu mến nhất thế giới! Thiên tài Albert Einstein là người sánh ngang Salk về độ nổi tiếng, nhưng ít ai hiểu rõ về những gì ông đã làm. Tương tự, hàng triệu người có thể cảm kích nhà vật lý lý thuyết J. Robert Oppenheimer, trong vai trò khoa học gia có đóng góp nền tảng giúp chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Nhưng hàng triệu người khác sẽ coi ông là kẻ đáng bị căm ghét nhất.

Jonas Salk khác họ. Theo cuốn “The Cutter Incident” của Paul Offit, những năm đầu của thập niên 1950, một cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ cho thấy nỗi sợ bệnh bại liệt chỉ xếp sau nỗi sợ chết vì vũ khí hạt nhân. Cần biết rằng, năm 1952 là thời điểm xảy ra vụ bùng dịch bại liệt lớn đã khiến hơn 3.000 người chết. Con số này chỉ bằng 1/10 số người chết vì viêm phổi và 1/70 số người chết vì ung thư trong năm ấy.

Tuy nhiên, vẫn có những lý do để người ta kinh hãi bệnh bại liệt. Đó là thời kỳ nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gồm lao, viêm phổi, giang mai... đã giảm rất mạnh khi nhân loại sử dụng kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, đa phần các bệnh truyền nhiễm mạnh nhất, như bại liệt, vẫn chưa có thuốc chữa. Số vụ mắc bệnh bại liệt liên tục tăng từ đầu những năm 1940. Mỗi mùa hè tới, dịch bại liệt lại xuất hiện ở Mỹ và thảm thương thay, đa phần nạn nhân tử vong lại là trẻ em hoặc vị thành niên.

Một nữ y tá giấu tên làm việc tại Bệnh viện Pittsburgh - nơi Salk từng có thời gian làm việc - còn nhớ hàng dài xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện, có lúc tới 17 chiếc nối đuôi nhau, khi nhiều gia đình đưa bệnh nhân tới điều trị. Các bác sĩ làm việc tới kiệt sức, tới nỗi họ ngã lăn ra đất ngủ như chết mỗi khi có cơ hội. Y tá chăm sóc các bệnh nhân thì không có thời gian để về nhà.

Muốn rời khỏi khu vực cấp cứu, người ta sẽ phải đi qua nhiều phòng bệnh. Họ sẽ nghe thấy tiếng một đứa trẻ đang khóc nỉ non, đòi người ta đọc thư cho nó nghe, hoặc cho nó uống nước, hoặc hỏi vì sao nó không thể cử động tay chân. Những âm thanh ai oán khiến người ta khó có thể ngó lơ khi đi qua. Bầu không khí quánh đặc lại vì nỗi đau, cảm giác sợ hãi tột độ và sự tức giận vì bất lực. Thời kỳ đỉnh dịch vào năm 1953, có 391 bệnh nhân bại liệt mới được đưa tới Bệnh viện Pittsburgh, với gần như toàn bộ là trẻ em. Trong số này, có 323 em bị liệt hoàn toàn.

Nặng nhất luôn là các bệnh nhân bị virus tấn công vào khu vực hành tủy não, nơi điều khiển hoạt động hô hấp và nhai nuốt. Thường nạn nhân sẽ tử vong sau thời gian ngắn. Những ai còn sống sót sẽ phải nằm yên trong những chiếc phổi máy to lớn - những cỗ quan tài mà họ phải ở cùng cho tới hết phần đời còn lại.

Vì lẽ đó, vaccine của Salk được ví như tia sáng trong đêm đen kéo dài, còn ông là vị thánh ban phép lạ cứu vớt những đứa trẻ đáng thương.

Phương thức chế vaccine mới mẻ

Jonas Salk sinh ngày 28.10.1914, trong một gia đình Do Thái nhập cư vào Mỹ. Do cha mẹ Salk là người ít học hành nên họ rất khuyến khích con cái theo đuổi con đường học tập và nghiên cứu. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Townsend, một ngôi trường công dành cho học sinh đặc biệt tài năng, Salk đã đâm đơn xin học tại Đại học Thành phố New York, nơi nổi tiếng vì có độ cạnh tranh cao. Đạt tiêu chuẩn để vào trường rất khó, nhưng khi đã được nhận, sinh viên không phải trả học phí. Người Do Thái và da đen không bị áp định mức, không chịu sự kỳ thị ở đây, khác so với nhiều ngôi trường còn lại ở Mỹ. Năm ấy, Salk mới 15 tuổi. Năm 1934, ông trở thành người đầu tiên trong gia đình có bằng đại học, chuyên ngành Khoa học tự nhiên. Song Salk không thực sự hứng thú với ngành này. Salk thích trở thành luật sư, nhưng đã bỏ ý định sau khi mẹ đẻ nói rằng, ông chẳng thể giành chiến thắng trong phòng xử án nếu không thể thắng một cuộc tranh cãi với bà. Sau này, Salk bị ấn tượng bởi sự kết hợp của khoa học và nhân văn trong ngành y. Ông chuyển hoạt động nghiên cứu sang ngành Y từ đó.

Salk theo học y tại Trường Y Đại học New York và góp sức vào nỗ lực nghiên cứu vaccine chống bệnh cúm từ khi còn là một sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, Salk được trao cho cơ hội tham gia nghiên cứu tại Đại học Michigan, dưới sự giám sát của Tiến sĩ Thomas Francis. Cùng nhau họ đã phát triển và hoàn thiện một loại vaccine cúm cho quân đội Mỹ, khi ấy đã tham gia Thế chiến thứ hai. Salk là người phát hiện và cô lập một biến thể cúm mới, về sau được thêm vào trong loại vaccine cuối cùng.

Hai tháng làm việc tại phòng nghiên cứu của Francis là lần đầu tiên Salk được tiếp xúc với thế giới của virus và ông lập tức mê đắm. Đây cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện những tranh cãi đầu tiên về Salk. Năm 1942, Francis và các nhà nghiên cứu khác, một trong số đó có Salk, đã tiêm một liều vaccine thử nghiệm vào các bệnh nhân tâm thần. Sau đó nhóm tiếp tục phun virus gây cúm vào mũi bệnh nhân nhiều tháng sau thời điểm tiêm vaccine, để kiểm tra độ hiệu quả.

Người ta không thể biết rõ liệu có bất kỳ bệnh nhân nào có thể hiểu họ đang trở thành vật thí nghiệm. Nhưng khi ấy, một hoạt động thử nghiệm như thế được chấp nhận, điều hoàn toàn bất khả thi trong điều kiện hôm nay. Nhìn từ bối cảnh của năm 1942, người ta cũng dễ thông cảm cho kiểu thử nghiệm như thế hơn. Đại dịch cúm 1918 xảy ra trước đó 24 năm vô cùng chết chóc. 500 triệu người trên toàn cầu nhiễm bệnh và trong đó có từ 50 tới 100 triệu người thiệt mạng - tức 3-5% quy mô dân số thế giới. Đây là thảm họa tự nhiên chết chóc nhất lịch sử nhân loại. Người ta kinh sợ sẽ có một đại dịch tương tự và muốn ngăn chặn nguy cơ bằng mọi giá.

Kết thúc thời gian làm việc với Francis, Salk chuyển sự quan tâm tới virus bại liệt, nhằm tìm kiếm một loại vaccine an toàn và hiệu quả như vaccine cúm. Ông bắt đầu công việc tại Đại học Pittsburgh và đây cũng là nơi đã xuất hiện một kỳ tích y học sau này. Ông dùng mẫu virus đã bị tiêu diệt và không còn khả năng lây nhiễm nữa để kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Ông đi theo hướng tiếp cận này dù bị nhiều người khuyên không nên.

Salk đã viết nhiều bài báo khoa học và lý thuyết về virus bại liệt, cũng như lợi ích của vaccine làm từ virus bất hoạt. Các nghiên cứu của ông cuối cùng đã thu hút được sự chú ý của Quỹ phòng chống bệnh liệt trẻ em quốc gia (NFIP), tổ chức từ thiện do Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt lập ra để quyên tiền cho hoạt động nghiên cứu thuốc chống bại liệt. Quỹ này đã cung cấp sự hỗ trợ tài chính rất lớn cho nghiên cứu của Salk.

Salk và đội của ông sử dụng formaldehyde để giết chết virus bại liệt, nhưng không phá hủy các đặc tính kháng nguyên của nó. Sau khi thiết lập các yếu tố an toàn và hiệu quả, họ mới tiêm loại vaccine mới vào nhiều tình nguyện viên, gồm bản thân Salk, vợ và các con. Tháng 11.1953, tại một cuộc họp báo ở New York, Salk tuyên bố ông sẽ chịu trách nhiệm cá nhân cho loại vaccine mà mình tạo ra. Ông cũng thông báo đã tiêm vaccine mới lên những người thân nhất của đời mình, bao gồm vợ con.

Ai có thể đăng ký bản quyền mặt trời?

Năm 1954, thời điểm bệnh bại liệt đang gây hại cho nhiều đứa trẻ Mỹ hơn bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào khác, vaccine của Salk đã sẵn sàng để thử nghiệm diện rộng. Với hy vọng của công chúng đè nặng trên vai, Salk làm việc 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, để hoàn thiện vaccine mới. Cuộc thử nghiệm trên diện rộng vaccine của Salk là một chương trình quy mô nhất trong lịch sử khi ấy, có sự tham gia của 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế, 64.000 nhân viên trường học và 220.000 tình nguyện viên. Hơn 1.800.000 đứa trẻ đã tham gia thử nghiệm. “Khi bạn tiêm vaccine bại liệt cho một đứa trẻ, bạn sẽ không ngủ ngon trong hai hoặc 3 tháng” - Salk nói về cảm giác của ông khi ấy.

Những nỗ lực và cố gắng cuối cùng đã được đền đáp. Ngày 12.4.1955, tiến sĩ Francis tuyên bố vaccine của Salk được xác nhận là an toàn và hiệu quả. Chuông ngân vang trên khắp nước Mỹ, vô số bậc phụ huynh và giáo viên đã chảy nước mắt vì từ nay trẻ con không còn phải sống trong sợ hãi nữa. Cùng ngày hôm đó, nhà báo lừng danh Edward R. Murrow hỏi Salk rằng ai nắm bản quyền vaccine bại liệt. “Chà, tôi có thể nói đó là nhân dân” - Salk trả lời. “Không có bản quyền nào cả. Liệu anh có thể đăng ký bản quyền mặt trời không?”.

Vào thời điểm ấy, Salk đã giống như một đấng cứu thế trong mắt người Mỹ. Bệnh bại liệt từng khiến từ 13.000 tới 20.000 đứa trẻ bị liệt mỗi năm trước khi có vaccine và Salk trở thành gương mặt đại diện cho nỗ lực vượt nghịch cảnh. Dữ liệu lưu trữ cho thấy năm 1955 có khoảng 20.000 ca nhiễm virus bại liệt ở Mỹ. Chỉ trong vòng 2 năm, hoạt động sản xuất và tiêm hàng loạt loại vaccine của Salk đã đẩy số ca nhiễm xuống dưới 6.000. Vaccine của Salk nhanh chóng được đón nhận trên toàn nước Mỹ và đến năm 1959 thì xuất hiện ở 90 quốc gia.

Nhưng Salk không được lòng từ cộng đồng khoa học. Đồng nghiệp trong giới nói rằng, ông đã tầm thường hóa sự đóng góp của các khoa học gia khác, những người thực hiện hàng loạt nghiên cứu tiền đề để vaccine bại liệt có nền móng tốt. Thậm chí, ông bị cáo buộc đã giảm bớt vai trò của các thành viên trong đội nghiên cứu để nâng cao thành tích của mình.

Chưa biết những tranh cãi đó đúng hay sai, nhưng có một thực tế là Salk thường xuyên bị từ chối không cho gia nhập Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Ông cũng chưa từng được trao giải Nobel. Điều này phần nào cho thấy thái độ của cộng đồng khoa học với Salk.

Cùng thời điểm này, tiến sĩ Albert Sabin và tiến sĩ Hilary Koprowski đang nghiên cứu làm một loại vaccine khác dựa trên virus vaccine bại liệt còn sống nhưng đã suy yếu. Năm 1955, họ trình nghiên cứu tại Thụy Điển và tiến hành các thử nghiệm ở Mexico và Liên Xô, bởi khi ấy Mỹ đã chấp nhận vaccine của Salk là công cụ dập dịch chủ đạo.

Năm 1957, Sabin phát triển một liều vaccine dựa trên phương thức uống, gồm các biến thể suy yếu của cả ba loại virus bại liệt. Hơn 10 triệu trẻ em Liên Xô đã được uống vaccine này. Vaccine của Sabin được sản xuất thương mại vào năm 1961 và do dễ sản xuất, giá thành rẻ nên nhanh chóng thay thế vaccine do Salk chế ra.

Nỗ lực của Salk, Sabin và những người như các ông đã khiến bệnh bại liệt bị tiêu diệt ở Bắc Mỹ vào năm 1994 và tại nhiều quốc gia khác sau đó. Và dù vaccine của Salk không còn được sử dụng rộng rãi ở Mỹ, không ai có thể phủ nhận công lao to lớn của ông, người đầu tiên tìm ra phương thức ngăn chặn vĩnh viễn nỗi kinh hoàng mà bệnh bại liệt gây ra với nhân loại.

Tường Linh (Theo New Atlantis)
TIN LIÊN QUAN

COVID-19 thế giới ngày 1.5: WHO công bố có 102 loại vaccine tiềm năng

HỒNG HẠNH |

Theo trang worldometers, toàn cầu có hơn 3,3 triệu ca mắc COVID-19 tính tới sáng 1.5. Anh công bố đã qua đỉnh dịch; WHO công bố có 102 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng; 3,8 triệu người khác thất nghiệp ở Mỹ... là những tin đáng chú ý trong sáng ngày 1.5.

Tỉ phú Ấn Độ chuẩn bị sản xuất đại trà vaccine COVID-19

Song Minh |

Ứng viên vaccine COVID-19 hàng đầu dự kiến được sản xuất đại trà ở Ấn Độ sau khi cho kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm trên động vật.

Canh bạc mạo hiểm trong cuộc đua phát triển vaccine COVID-19

Thanh Hà |

Trong cuộc đua phát triển vaccine nhằm giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, chính phủ, các tổ chức từ thiện và các hãng dược lớn đang dốc nhiều tỉ USD đặt cược cho một tỉ lệ thành công cực kỳ thấp, Reuters nhận định.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

COVID-19 thế giới ngày 1.5: WHO công bố có 102 loại vaccine tiềm năng

HỒNG HẠNH |

Theo trang worldometers, toàn cầu có hơn 3,3 triệu ca mắc COVID-19 tính tới sáng 1.5. Anh công bố đã qua đỉnh dịch; WHO công bố có 102 loại vaccine ngừa COVID-19 tiềm năng; 3,8 triệu người khác thất nghiệp ở Mỹ... là những tin đáng chú ý trong sáng ngày 1.5.

Tỉ phú Ấn Độ chuẩn bị sản xuất đại trà vaccine COVID-19

Song Minh |

Ứng viên vaccine COVID-19 hàng đầu dự kiến được sản xuất đại trà ở Ấn Độ sau khi cho kết quả đầy hứa hẹn trong các thử nghiệm trên động vật.

Canh bạc mạo hiểm trong cuộc đua phát triển vaccine COVID-19

Thanh Hà |

Trong cuộc đua phát triển vaccine nhằm giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, chính phủ, các tổ chức từ thiện và các hãng dược lớn đang dốc nhiều tỉ USD đặt cược cho một tỉ lệ thành công cực kỳ thấp, Reuters nhận định.