"James Bond làm từ thiện" và mối duyên với Việt Nam

Tường Linh (Tổng hợp) |

Chuck Feeney vừa trở thành tỉ phú đầu tiên của thế giới tiêu hết gần như toàn bộ gia sản cho hoạt động từ thiện khi đang còn sống. Đáng chú ý là Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước từng được ông giúp đỡ, với khối tiền từ thiện lên tới hàng trăm triệu USD.

Hành trình giải phóng bản thân khỏi núi tài sản

Chuck Feeney ngày hôm nay không còn sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới nhiều tỉ USD như thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Ông và vợ Helga Feeney sống trong một căn hộ đi thuê rất khiêm tốn ở San Francisco (Mỹ). Ông chẳng có nhà riêng, không xe sang đắt tiền, không du thuyền hay máy bay cá nhân.

Chuck không dùng đồ hiệu. Ông có sở hữu một chiếc đồng hồ khá bắt mắt hiệu Casio, nhưng nó làm chủ yếu từ nhựa và có giá chỉ 15 USD. Chẳng có bằng khen, những chiếc cúp hay các tấm ảnh lưu niệm treo trong căn hộ của Chuck, để cho thấy ông đã tiêu sạch khối gia sản trị giá 8 tỉ USD vào các mục đích tốt đẹp, trong nỗ lực cá nhân nhằm biến thế giới thành chốn tốt đẹp hơn.

Điều khiến thế giới biết Chuck đã hoàn thành mục tiêu của mình là các tin tức xuất hiện hàng loạt trên báo chí vào tháng 9 này, thông báo ông quyết định đóng cửa Atlantic Philanthropies - một quỹ chịu trách nhiệm thực hiện chi tiêu các khoản tiền của Chuck cho mục đích thiện nguyện.

Tuy nhiên, Chuck chẳng cần ai phải ghi nhận. Nhà từ thiện ưa lối sống giản dị này vẫn thường bay đi khắp nơi bằng vé máy bay hạng phổ thông. Ông chỉ ở trong các căn hộ nhỏ và chi tiêu cũng rất dè sẻn nếu có lần nào đó đi ăn tiệm. Chuck không phải người hà tiện. Ông đơn giản là ghét sự hoang phí, nghĩ rằng mỗi đồng tiền mình dành dụm được có thể giúp ích cho rất nhiều người khác.

Khoảnh khắc quan trọng nhất trong sự nghiệp cho đi của Chuck, điều thay đổi cuộc sống của hàng triệu người khác, đã tới vào ngày 23.11.1984. Trong ngày đó, Chuck, vợ cũ Danielle và luật sư riêng Harvey Dale đã bay tới Bahamas rồi vào một căn phòng họp đi thuê. Lúc 4 giờ chiều hôm đó, Chuck ký một loạt tài liệu. Sau đó, họ ra sân bay để về Mỹ.

Trong khi hàng triệu người Mỹ đang vui vẻ thụ hưởng lễ Tạ ơn, Chuck cũng cảm thấy như vừa trút được gánh nặng khổng lồ. Ông đã giúp mình thoát khỏi tất cả mọi thứ từng sở hữu - tiền mặt, các hoạt động kinh doanh, cổ phiếu - và đặt chúng vào quỹ Atlantic Philanthropies.

Tất cả diễn ra trong bí mật tuyệt đối. Khi ấy, Chuck Feeney vẫn tiếp tục quản lý hoạt động kinh doanh, tham gia các thương vụ mua bán tài sản trên khắp thế giới, để ai cũng nghĩ ông vẫn là tỉ phú, kể cả các chuyên gia của tạp chí Forbes nổi tiếng.

Không ai biết Chuck chỉ để lại cho mình số tiền khoảng 2 triệu USD, còn lại tất cả sẽ được tiêu hết cho mục đích từ thiện khi ông còn sống. Để tiện so sánh, các quỹ từ thiện bình thường chỉ bỏ ra khoảng 5% vốn họ có để duy trì dòng tiền vốn vô hạn. Chuck không giống như thế, ông muốn làm những hoạt động lớn, thông qua các khoản đầu tư mạnh tay.

“Giả sử tôi có 10 USD trong túi và dùng nó ngay lập tức, tôi sẽ thu được những điều tốt đẹp trị giá trọn vẹn 10 USD đó” - ông từng nói trong cuộc tiếp xúc phóng viên Forbes. “Với tôi, việc cho đi chỉ 5% (của 10 USD) sẽ không mang lại nhiều điều tốt đẹp như vậy”. Và trong khi các tỉ phú khác thích khoe khoang hoạt động từ thiện của mình trên báo chí, Chuck ghét sự phô trương ấy và kiên quyết giữ nguyên tắc giấu danh. Chuck thường bí mật chi rất nhiều tiền cho các chương trình mà bản thân thấy rằng sẽ có lợi cho nhiều người. Ban quản lý Atlantic Philanthropies đã nhiều phen phải vất vả đi thuyết phục bên được trợ giúp rằng tiền họ nhận về tới từ "nguồn sạch", không có vấn đề gì ngoại trừ việc người cho không muốn tiết lộ thân phận. Cũng lẽ đó, Chuck được đặt cho biệt danh "James Bond làm từ thiện".

Để làm từ thiện với quy mô như Chuck mong muốn, ông sẽ phải bán dần tài sản nằm trong quỹ Atlantic Philanthropies. Trong 4 thập kỷ, tiền của Chuck liên tiếp chảy vào các hoạt động giúp nâng cao công giáo dục, y tế, cải thiện chất lượng sống, quyền con người tại nhiều vùng đất trên thế giới như Australia, Cuba và Nam Mỹ... Sáng kiến từ thiện cuối cùng được Atlantic Philanthropies thông qua vào năm 2016, theo đó quỹ chi 600 triệu USD cho chương trình Atlantic Fellows để tạo ra các xã hội công bằng, khỏe mạnh và đáp ứng lợi ích cho mọi người trong tương lai. Trong số tiền này, 177 triệu USD được chuyển cho Viện nghiên cứu sức khỏe não bộ toàn cầu ở Đại học Trinity Dublin và Đại học California ở San Francisco. Nay khi sáng kiến kết thúc, Atlantic Philanthropies cũng không còn lý do để tồn tại.

Trong số các quốc gia được Chuck chi tiền giúp đỡ, các hoạt động tại quê cha đất tổ Ireland của ông được nhiều người biết tới nhất, đặc biệt là sau khi ông công khai các hoạt động từ thiện của mình hồi năm 1996. Nhưng những gì Chuck đã thực hiện ở Việt Nam, dù không nhận được nhiều sự chú ý như thế, lại rất đặc biệt và đã giúp mang lại lợi ích cho rất nhiều người.

Bài báo nhỏ mở ra cái duyên lớn

Mối duyên của Chuck với Việt Nam bắt đầu rất tình cờ vào tháng 4.1997. Lần ấy, khi đang chờ đến giờ lên máy bay tại sân bay San Francisco, Chuck đọc được một bài báo viết ở trang trong của tờ San Francisco Examiner về quỹ Đông Tây Hội Ngộ (EMWF) đang giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam nhưng có khả năng ngưng hoạt động vì hết tiền. Bài viết trích lời Giám đốc EMWF ở Việt Nam - ông Mark Conroy - rằng, quỹ không thể tiếp tục giúp người nghèo nữa, sau khi khoản tiền hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đổ cho quỹ cạn kiệt sau 5 tháng nữa.

Chuck bèn xé bài báo ra. Khi trở về San Francisco, ông yêu cầu quản lý Văn phòng Liên Thái Bình Dương Gail Vincenzi Bianchi tìm hiểu về EMWF. Khi nhận được những thông tin tích cực từ Gail Bianchi, rằng EMWF là một nhóm thiện nguyện chuyên tìm cách cải thiện sức khỏe và đời sống của những người nghèo Việt Nam, giúp họ tự thoát nghèo thông qua việc xây trường và cung cấp nước sạch, Chuck rất ấn tượng.

Ông luôn tin tưởng rằng để giúp ai đó hết nghèo, người ta phải chỉ dạy cho họ cách tự vận động thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ. Ông cũng cho rằng, Việt Nam không nhận được sự hỗ trợ và đối xử tương xứng từ chính phủ Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc.

Chuck Feeney hẹn gặp Mark Stewart ở San Francisco để nói chuyện. “Anh ấy hẳn không phấn khích lắm khi tới gặp (Chuck), nhưng khi cuộc gặp kết thúc, anh ấy thực sự rất mừng rỡ bởi Chuck nói rằng sẽ hỗ trợ 100.000 USD để xem Mark có thể làm được gì” - John W. Conroy, một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và sau chiến tranh có thời gian là chuyên gia tư vấn cho EMWF, kể lại.

Chuck Feeney nói thêm với Mark Stewart: “Hãy trở lại đây và cho tôi biết anh đã làm gì với số tiền. Nếu tôi thấy thích thì chúng ta có thể làm thêm vài thứ nữa, vì tôi có cái ví khá dày”. EMWF mang 100.000 USD đi và xây mới, tu sửa vài ngôi trường tiểu học, lắp vài hệ thống cấp nước sạch. Khi Mark Stewart kể cho Chuck Feeney nghe về những gì đã làm được, ông lại chi thêm 200.000 USD nữa. Đây là phong cách làm từ thiện đặc thù của Chuck, nhằm kiểm tra xem các khoản tài trợ đầu tiên được sử dụng như thế nào trước khi có những cam kết lớn hơn.

Không chỉ nghe báo cáo từ Mark, Chuck còn nhờ người đi kiểm tra thực tế. Ông cử Bob Matousek, bạn lâu năm và là cộng sự thân tín, tới Việt Nam để đánh giá về con người và công việc mà EMWF đang làm. Matousek bay tới TP.Hồ Chí Minh vào đầu năm 1998, sau đó tới TP.Đà Nẵng để gặp Mark Conroy.

Ông đi cùng Conroy trong vài ngày để kiểm tra nhiều dự án mà quỹ thực hiện tại vùng nông thôn cũng như ở TP.Đà Nẵng. Tận mắt Bob Matousek chứng kiến một số ngôi trường và nhà tình thương đã được xây mới. Ông đã ghé thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ Làng Hy Vọng, nơi EMWF thành lập để chăm sóc và dạy dỗ 200 cô nhi, chứng kiến nơi này được quản lý, điều hành hiệu quả. Vài dự án cộng đồng khác ở tỉnh Quảng Nam do EMWF thực hiện cũng được Bob kiểm tra tận nơi.

Bob Matousek rất ấn tượng với những gì đã chứng kiến nên đã báo cáo lại với Chuck Feeney. Tháng 10.1998, Chuck bay tới Việt Nam, đến TP.Đà Nẵng để tận mắt chứng kiến các hoạt động của EMWF. “Chuck đến và ngồi xuống lại văn phòng cũ của chúng tôi, mà anh em vẫn gọi đùa là cái hang”, Conroy nhớ lại về trụ sở của EMWF nằm tại đường Trần Phú, TP.Đà Nẵng. “Ở đó, chúng tôi sống chung với rắn, chuột và đủ thứ khác. Ông ấy đã đi vào bếp để xem xét. Rồi ông nói chuyện trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Nghĩ lại tôi thấy xấu hổ quá, vì đã vặn hỏi Chuck rằng ý định của ông là gì khi tới đây và vì sao ông lại quan tâm tới chúng tôi”.

Lúc mới tiếp xúc, Conroy không hề biết Feeney là tỉ phú đã rót tiền giúp EMWF hoạt động. Nhưng khi đôi bên biết về nhau, ông lại tiếp tục băn khoăn hơn: “Chuyện gì đang xảy ra vậy? Gã giàu quá thể này là ai? Mối quan tâm của gã tới tổ chức rất bé như chúng ta là gì?”. Conroy đã lo ngại rằng Chuck có thể giành quyền kiểm soát EMWF và làm đủ trò ông muốn, không thực hiện các kế hoạch ban đầu của quỹ.

“Tôi hỏi ông ấy rằng Chuck, sao ông lại tới Việt Nam? Ông muốn làm gì ở đây?” - Conroy kể. Đáp lại, Chuck trả lời rằng, ông nghĩ Việt Nam đang chịu thiệt thòi từ cách đối xử của nước Mỹ và ông chỉ muốn giúp đỡ. “Ông ấy không cần phải nói thêm gì nữa" - Conroy nhớ lại.

Ví dụ hoàn hảo về việc cho đi khi còn sống

Chuyến thăm của Chuck đến vào thời điểm không thể phù hợp hơn với Conroy, khi ấy chỉ còn đủ tiền để điều hành một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi và một trung tâm y tế cơ sở ở Đà Nẵng. Ông thiếu tiền tới mức phải làm hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách phương Tây tới TP.Đà Nẵng để có kinh phí điều hành hoạt động thiện nguyện.

Nhưng khi nói chuyện với Chuck trong “hang”, Conroy nhận ra rằng, vị tỉ phú khác người kia không để tâm tới các dự án thiện nguyện nhỏ mà EMWF đang thực hiện, mà muốn làm các dự án lớn hơn, có thể mang lại tác động lớn tới cuộc sống của nhiều người dân, nhưng cũng gây tốn kém nhiều tiền của. “Ông ấy tin tưởng rằng nếu anh giáo dục người dân, họ sẽ có khả năng tự phát triển đất nước của mình. Vì là một tổ chức nhỏ, chúng tôi tìm cách giải quyết vấn đề từ ngọn, trong khi Chuck muốn làm từ gốc” - Conroy nói.

Conroy đưa Chuck tới thăm Bệnh viện Đà Nẵng, nơi các bác sĩ rất cần một trung tâm điều trị bỏng. Tại bệnh viện, Chuck đã có cuộc tiếp xúc với ban lãnh đạo và hỏi xem ngoài xây trung tâm điều trị bỏng thì bệnh viện đang cần gì nhất. Phía bệnh viện trả lời rằng, họ muốn cải tạo Khoa Nhi do nơi này xuống cấp trầm trọng. “Tại sao chúng ta không làm cả hai việc này luôn nhỉ” - Chuck cất lời đề nghị.

Thông qua EMWF, những khoản tiền từ thiện của Chuck đã giúp thay đổi hoàn toàn Bệnh viện Đà Nẵng, nâng khả năng khám chữa lên hơn 2.000 bệnh nhân mỗi ngày và tăng số giường bệnh từ 800 lên 1.250. Chưa dừng lại ở đó, Quỹ Atlantic Philanthropies còn giúp bổ sung 3 bệnh viện vào hệ thống y tế Đà Nẵng, gồm: Bệnh viện mắt Đà Nẵng với 400 giường bệnh, Bệnh viện Phụ sản với 600 giường bệnh, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng với 500 giường bệnh.

Ngoài y tế, Chuck còn đầu tư mạnh vào giáo dục. EMWF, với tiền tài trợ từ Atlantic Philanthropies, đã xây hai Trung tâm học liệu tại Đại học Đà Nẵng. Đây là các thư viện hiện đại, được trang bị kết nối Internet tốc độ cao. Các trung tâm này có trách nhiệm cung cấp giáo trình, sách giáo khoa cho hàng ngàn sinh viên theo học và hiện đang phục vụ 10.000 sinh viên Đà Nẵng.

Năm 1999, EMWF bắt đầu xây dựng hai khu ký túc cho Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Các ký túc xá này sẽ được ưu tiên cho sinh viên nghèo và thiểu số từ các vùng sâu vùng xa tới ở. Sau khi ra trường, các sinh viên ấy sẽ trở về quê nhà để dạy học và giúp đồng bào ở quê thoát nghèo.

Hiện đại hóa các nhà ăn và trung tâm thể thao của Đại học Đà Nẵng cũng là một dự án khác mà Atlantic Philanthropies và EMWF hợp tác với nhau. Dự án hoàn tất vào năm 2004 và hiện nay mỗi ngày có tới 800 sinh viên sở dụng các cơ sở đó trong suốt năm học. Sinh viên có thể tập luyện bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn và nhiều môn thể thao khác.

Ngoài TP.Đà Nẵng, EMWF còn triển khai các dự án khác ở Thái Nguyên. Việc xây ký túc xá, trung tâm học liệu, phát triển cảnh quan ở Đại học Thái Nguyên là một trong các hoạt động mà EMWF và Atlantic Philanthropies thực hiện tại tỉnh. Sau 5 năm triển khai, các dự án trên đã hoàn thành lần lượt trong năm 2007 và 2013.

Kể từ khi dự án xây ký túc xá hoàn tất, hoạt động nhập học tại Đại học Thái Nguyên đã tăng 20%. Trường cũng triển khai 17 ngành học, gồm y, dược, giáo dục, công nghệ thông tin, viễn thông, ngoại ngữ và các môn khoa học khác. Sinh viên theo học ở trường không chỉ có người Việt mà còn có cả sinh viên Hàn Quốc, Đức, Philippines và Trung Quốc.

Tại Thành phố Huế, chương trình phẫu thuật tim của EMWF hợp tác với Bệnh viện Trung ương Huế cũng nhận được sự quan tâm của Chuck Feeney. Nhờ sự trợ giúp tài chính từ Atlantic Philanthropies, chương trình phẫu thuật tim của EMWF đã có thể triển khai một trung tâm phẫu thuật tim cho bệnh nhi ở Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2006.

Mối quan hệ với các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa Chuck tới Đại học Huế và ông tiếp tục chi tiền xây nhiều ký túc xá, một nhà ăn, một trung tâm học liệu tại đây, nhằm hỗ trợ hoạt động giáo dục của trường. Tổng cộng, các dự án của EMWF ở Việt Nam đã được Atlantic Philanthropies tài trợ tới 100 triệu USD, qua đó giúp quỹ xây 10 bệnh viện và 11 công trình tại các trường đại học, với nhiều cấp độ khác nhau, bên cạnh nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác.

Chuyến đi cuối cùng của Chuck tới Việt Nam là để dự một cuộc họp của Atlantic Philanthropies ở Hà Nội vào năm 2008. Tuy nhiên, hoạt động từ thiện của ông không dừng lại. Atlantic Philanthropies tiếp tục tham gia các dự án thiện nguyện ở Việt Nam cho tới tận năm 2013. Trên trang web chính thức, Atlantic Philanthropies cho biết, quỹ đã đầu tư tổng cộng 381,5 triệu USD vào các dự án thiện nguyện, chủ yếu là xây thư viện, công trình ở các trường đại học và cơ sở y tế công, giúp rất nhiều người Việt được hưởng lợi ích.

Ngày 14.9 vừa qua, Chuck Feeney đã thông báo đóng Quỹ Atlantic Philanthropies trong một buổi lễ trực tuyến tổ chức qua phần mềm Zoom, có sự tham gia của ban lãnh đạo quỹ và tin nhắn video do tỉ phú Bill Gates gửi tới. Phát ngôn viên Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cũng gửi một lá thư tới cảm ơn Chuck Feeney vì sự hào phóng khó ai sánh bằng của ông.

Trong số 8 tỉ USD được Chuck Feeney chuyển vào quỹ, khoảng 3,7 tỉ USD đã được chi tiêu cho các hoạt động giáo dục. Hơn 870 triệu USD chi cho các hoạt động nhân quyền và thay đổi xã hội. Số còn lại được chi cho các chương trình nâng cao y tế công. Một trong những món quà cuối cùng của Chuck, khoản tiền trị giá 350 triệu USD cho Đại học Cornell để xây một khu ký túc công nghệ cao tại New York, là ví dụ kinh điển về triết lý cho đi của ông. Dù có cuộc sống giản dị tối đa, Chuck luôn chi bạo tay hết mức cho các kế hoạch có khả năng tạo được những tác động xã hội khổng lồ, với ý nghĩa tích cực thu được lớn hơn nhiều so với rủi ro.

“Chuck Feeney là một hình mẫu ấn tượng”, tỉ phú Bill Gates từng nhận xét như thế trên Forbes, "ông là ví dụ cao nhất về việc cho đi khi còn sống”.

Charles “Chuck” Feeney đồng sáng lập chuỗi cửa hàng miễn thuế ở sân bay mang tên Duty Free Shoppers (DFS) cùng Robert Miller vào năm 1960. DFS ban đầu chuyên bán rượu miễn thuế cho các quân nhân Mỹ phục vụ tại Châu Á trong những năm 1950, sau đó mở rộng sang bán xe hơi và thuốc lá. DFS dần dần mở rộng hoạt động ở các lục địa khác, trở thành một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất toàn cầu và biến Chuck thành tỉ phú USD.

Tường Linh (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người muốn giúp ông Đoàn Ngọc Hải, cùng lái xe đi làm từ thiện

Bằng Linh |

Theo dự kiến, ngày 26.9, ông Đoàn Ngọc Hải sẽ lái xe cứu thương từ TP.HCM ra Hà Nội và lên Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) để tặng đồ cho trẻ em nghèo.

Chuyện 4 tỉ đồng từ thiện của ông Hải, PGS Hiếu và doanh nhân Hải Dương

Lê Thanh Phong |

Vậy là chiếc xe cổ Daihatsu 1000 và 4 chiếc áo của tuyển thủ Việt Nam mà ông Đoàn Ngọc Hải đặt giá bán để làm từ thiện đã thuộc về tay chủ mới với giá 4 tỉ đồng. Trong 4 chiếc áo tuyển thủ Việt Nam, có một chiếc áo thuộc sở hữu của PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu.

Tỉ phú Mỹ cho đi khối tài sản 8 tỉ USD và cơ duyên tình cờ với Việt Nam

Thanh Hà |

Tỉ phú Chuck Feeney cuối cùng đã cho đi toàn bộ tài sản 8 tỉ USD của mình, trong đó có ít nhất 381,5 triệu USD đã dành cho Việt Nam.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Nhiều người muốn giúp ông Đoàn Ngọc Hải, cùng lái xe đi làm từ thiện

Bằng Linh |

Theo dự kiến, ngày 26.9, ông Đoàn Ngọc Hải sẽ lái xe cứu thương từ TP.HCM ra Hà Nội và lên Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) để tặng đồ cho trẻ em nghèo.

Chuyện 4 tỉ đồng từ thiện của ông Hải, PGS Hiếu và doanh nhân Hải Dương

Lê Thanh Phong |

Vậy là chiếc xe cổ Daihatsu 1000 và 4 chiếc áo của tuyển thủ Việt Nam mà ông Đoàn Ngọc Hải đặt giá bán để làm từ thiện đã thuộc về tay chủ mới với giá 4 tỉ đồng. Trong 4 chiếc áo tuyển thủ Việt Nam, có một chiếc áo thuộc sở hữu của PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu.

Tỉ phú Mỹ cho đi khối tài sản 8 tỉ USD và cơ duyên tình cờ với Việt Nam

Thanh Hà |

Tỉ phú Chuck Feeney cuối cùng đã cho đi toàn bộ tài sản 8 tỉ USD của mình, trong đó có ít nhất 381,5 triệu USD đã dành cho Việt Nam.