Hướng về Đà Nẵng: Mấy đêm rồi mạ lo không ngủ được

Hoàng Văn Minh |

“Trong vô tận” là tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Vĩnh Quyền xuất bản từ nhiều năm trước. Nhưng với Đà Nẵng và nhiều tỉnh miền Trung đang phải "chiến đấu" với sự bùng phát của dịch COVID-19, tháng 8 này hy vọng sẽ không chìm trong vô tận...

Đếm ca dương tính quên ngày tháng

“Hôm nay thứ mấy rồi mọi người?” - bạn hỏi rất nghiêm túc trong một group nội bộ. “Thú thật là mấy hôm nay đầu óc em mụ mị, sáng tối mải đếm ca dịch mới công bố, các con số cứ nhảy múa loạn xạ khiến em không còn nhớ đến ngày tháng” - bạn thanh minh sau một hồi bị trêu là “ấy ấy” về đầu óc. Đã hơn 10 ngày rồi, ông Hải - một người dân sống ở đường Tú Mỡ, thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng - luôn khẩu trang kín mít và không dám ra khỏi nhà nửa bước vì “bây giờ nhìn đâu, gặp ai cũng thấy nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2”.

Dịch COVID-19 giờ đã trở thành điều gì đó hiện hữu ngay trước mắt, tưởng có thể sờ nắn được. Nhất là thông tin cho biết, trong số các ca dương tính vừa công bố, có một ca là nữ công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Khánh đang thuê nhà trọ ở ngay đường Tú Mỡ. “Dịch đã đến sát bên nách rồi” - ông Hải nói khi trò chuyện với tôi từ xa qua bờ rào.

Ông Hải lo lắng không thừa bởi khác với đầu năm, đợt dịch lần này ở Đà Nẵng cho đến thời điểm này vẫn chưa truy dấu được ai là F0 của bệnh nhân 416 - bệnh nhân đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2.

Và đáng nói là số ca dương tính đã tăng lên từng ngày. Cho đến cuối ngày 6.8, Đà Nẵng có tất cả 214 ca dương tính đang điều trị. Đà Nẵng hiện chỉ hơn 1 triệu dân. Và theo các chuyên gia y tế, đây là con số vượt ngưỡng chuẩn số ca/ triệu dân về dịch bệnh. Đáng nói là đa số từ “nguồn” Đà Nẵng, số ca dương tính đã lan ra Quảng Nam, Hà Nội, Đắk Lắk, TPHCM... Nguy hiểm hơn, số ca nhiễm tại Đà Nẵng phân bổ điều trên toàn thành phố, những điểm họ tới lui nhiều đến mức đọc bở hơi tai khiến chính quyền phải cho phong tỏa một lúc 3 bệnh viện là Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Đà Nẵng; dựng thêm hai bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang. Đồng thời nâng cách ly toàn xã hội ở mức độ cao nhất theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ở tất cả 6 quận và luôn huyện Hòa Vang. Và tất nhiên, câu trả cho câu hỏi liệu số ca nhiễm ở Đà Nẵng đã dừng lại hay chưa, cho đến thời điểm này vẫn còn mờ mịt, mông lung như việc truy dấu F0 của bệnh nhân 416...

Đợt dịch trước, tôi từng viết một ý, đại khái động viên bạn bè, người thân hãy tận hưởng những ngày bị cách ly toàn xã hội bởi thành phố luôn trong tình trạng “đã đi ngủ trưa” như một lời hát của Trịnh Công Sơn là cơ hội ngàn năm có một. Tuy nhiên tối qua không chịu nổi bức bí nên ra đường dạo một vòng thành phố, cảm giác tê tái đến muốn khóc khi xung quanh vắng lặng đến mức hầu như chẳng có âm thanh nào đáng kể ngoài tiếng còi hụ cứu thương bất ngờ từ xa vọng lại.

Nhẹ nhàng và chính đáng hơn, nhưng vẫn gây cho tôi cảm giác buồn tủi và muốn khóc khi chuẩn bị về Huế - về nhà thì nhận được tin người đứng đầu của “Huế mình” phát văn bản thông báo những công dân từ Đà Nẵng muốn vào Huế phải được sự “cấp phép” của chính quyền địa phương nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Trong khi mạ ở quê ngày nào cũng hai lần gọi hỏi về sự an toàn của con cháu. Và rằng “mấy đêm rồi mạ lo không ngủ được...”.

Muốn khóc, là khi tôi đọc những lời tâm sự của chị điều dưỡng Thái Thị Thu Hà ở Bệnh viện Đà Nẵng trên Facebook cá nhân: "Nhóm chúng tôi cũng có người dương tính, nhận được kết quả phải cách ly đến nơi khác. Lòng lo lắng cho mình không bao nhiêu nhưng lại lo cho ba mẹ và những người tiếp xúc với mình rằng họ có sao không, có bị lây nhiễm bởi mình không? Rồi hàng xóm lo lắng bởi họ tiếp xúc với mình.

Chúng tôi cũng vì người bệnh, vì tất cả mọi người mà bỏ gia đình đến bệnh viện cách ly và chống dịch. Chúng tôi ở đây có gì xài nấy. Có người nằm trên chiếc giường nhỏ chỉ đủ vừa tấm lưng, chỉ cần nghiêng qua là rớt xuống đất. Tiếng muỗi vo ve bay trong đêm như tiếng nhạc vỗ về giấc ngủ... Vì thế, mọi người hãy vì chúng tôi mà ở yên trong nhà.

Thế là đã đủ đau thương...

Lâu lắm rồi, có lẽ là từ hồi bão Xangxane với cấp gió trên 13 đổ bộ vào thành phố năm 2006, Đà Nẵng mới lại có một đợt thọ thương như bây giờ. Đợt dịch COVID-19 hồi đầu năm đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng khi Đà Nẵng có gần 7.200 doanh nghiệp thì có tới hơn 90% doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trong đó, có tới 58,4% doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố có hơn 179.000 người lao động bị mất việc, trong đó có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Một thống kê khác đến từ ngành du lịch - ngành mũi nhọn thật sự của kinh tế Đà Nẵng từ nhiều năm nay cho thấy, tổng thiệt hại lên đến con số gần 20.000 tỉ đồng, kéo theo đó hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa, hàng chục nghìn lao động bị mất việc... Đặc biệt, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến khu vực thương mại - dịch vụ, đặc biệt  là lĩnh vực dịch vụ ăn uống - lữ hành - du lịch... khiến hầu hết ngành kinh tế ở Đà Nẵng đều tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm... Mới chỉ là “cú nháp” của dịch COVID-19 thôi mà 6 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng đã toang hoang như thế. Vậy thì tới đây, khi các con số về ca nhiễm đang hàng ngày nhảy múa thì những con số thống kê của 6 tháng cuối năm 2020 sẽ ra sao?

Nhưng cũng lâu lắm rồi, Đà Nẵng mới có cảm giác “đáng sống” đến như thế khi người dân thành phố đồng lòng, đồng sức cùng động viên nhau vượt qua gian khó và hiểm nguy. Bắt đầu từ tối 26.7, các trang mạng, Facebook cá nhân của người dân Đà Nẵng ngập tràn những dòng chia sẻ khích lệ tinh thần, động viên nhau chống dịch COVID-19. Những khung ảnh đại diện Facebook được thay với thông điệp "Đà Nẵng chung tay chống COVID-19", "Đà Nẵng quyết tâm đẩy lùi COVID-19"... Cùng với đó là những thông điệp động viên, nhắc nhở nhau ý thức vượt qua dịch bệnh.

“Đà Nẵng ơi! Đà Nẵng trong lòng tôi, sao mà sâu mà nặng... Đà Nẵng ơi! Tình đời. Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu. Có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến...”. Đó là lời bài hát “Đà Nẵng - tình người” của nhạc sĩ Đình Thậm, lời Ngân Vịnh mà nhiều người dân ở thành phố thuộc nằm lòng. Và trong những ngày này, những ca từ ấy lại đang được cất lên để cùng động viên nhau vượt qua thời khắc khó khăn...

Để rồi trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang vô cùng cam go, những lực lượng tuyến đầu không hề đơn độc khi sát cánh bên họ là gia đình và cả xã hội. Bên cạnh những lời động viên, an ủi tinh thần, bên ngoài hàng rào khu cách ly xung quanh 3 bệnh viện lớn tại Đà Nẵng và hàng chục điểm cách ly khác trên toàn thành phố. Thậm chí vào đến cả trong Quảng Nam, những ngày qua, từng đoàn xe của những tổ chức, cá nhân... nườm nượp chở đồ ăn, thức uống, nệm, nhu yếu phẩm... tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, bệnh nhân bất chấp mưa nắng, bất chấp hiểm nguy vì dịch đã lan ở ngoài cộng đồng. Hàng hoá chuyển về các bệnh viện nhiều đến nỗi để tràn cả ra đường vì không có chỗ chứa. Từ những suất cơm (hơn 2000 suất/ ngày) do các nhà hàng tận dụng bếp và nhân viên nấu cho đến tấm nệm nằm, cây quạt máy, chai nước uống hộp sữa hay thậm chí là đồ dùng vệ sinh cho phụ nữ, tất cả đều được chuyển đến cấp tốc và đầy đủ sau những lời kêu gọi.

Xúc động hơn là trong những thùng hàng tiếp tế, rất nhiều người đã không để lại bất kỳ thông tin cá nhân tên, tuổi... mà chỉ để lại những lời nhắn nhủ, động viên đội ngũ y, bác sĩ và người bệnh trong khu cách ly mạnh mẽ, bình an vượt qua đại dịch. Ai đó đã nói “thiên đường là do những người thiện lương xây dựng”. Bất chợt, tôi nghĩ đến câu nói này khi chứng kiến những tấm lòng mà người dân Đà Nẵng đã và đang dành cho những người chống dịch tuyến đầu và cách mà họ động viên nhau cùng vượt qua khó khăn.

“Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu...”. Hôm nay đã không biết là ngày thứ bao nhiêu Đà Nẵng trong tình trạng cách ly toàn xã hội và số ca nhiễm thì cứ tăng nhiều và nhanh đến mức nhà chức trách không kịp công bố lịch trình di chuyển của người nhiễm. Hy vọng tháng 8 này sẽ không bao giờ “trong vô tận” như tên của một cuốn tiểu thuyết...

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.