Hương nhu

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương |

Hương có em trai ít hơn sáu tuổi nên không thể gọi là được bố mẹ chiều. Hương lại kém anh cả đến bốn tuổi nên chẳng có việc gì nặng đến tay. Hôm nào lớp có buổi lao động, Hương cũng là người đến sớm, quần áo tươm còn hơn những bộ dành để đi học của bọn tôi, con dao, hay cái liềm mang theo cũng sạch bóng. Hương ngồi ở hòn đá sạch, móng chân móng tay sạch sẽ, ngón tay trắng trẻo nâng niu một bông cỏ cũng vừa mới nở, tinh khôi.

Ngày ấy, trường tôi được giao nhiều đất nên trồng một vườn hương nhu để hái đem bán cho cái lò chưng cất tinh dầu ngoài thị trấn. Hương nhu là thế, hái từng cái ngọn to mập, rậm rạp, bỏ vào đầy bao tải vẫn thấy nhẹ bẫng. Đứa nào khéo, nhét kỹ, một tải được tầm chín, mười cân. Lên lò, gã thợ lò thấy mặt mũi đứa nào sáng sủa, ăn nói dễ nghe coi như xong. Đứa nào làm ẩu, tải chỉ được bảy, tám cân thì cứ phải quay về vườn mà hái cho kỳ đủ thì thôi.

Gọi là vườn chứ thực ra đất mênh mông, chẳng có rào rậu gì, chờm đến tận chân núi. Bình thường thì chả sao, vườn cũng bướm bay, chim hót, cây lá la đà chả khác một khu vườn nào. Thế nhưng, khi đã có vết cắt cành, bẻ lá, nhựa ứa ra, thứ tinh dầu nồng nặc, khi mà cả vườn đều “chảy máu” thì ngay cả sức vóc như tụi con trai chúng tôi cũng choáng váng không biết thế nào.

Năm lớp 10C của tôi được được tiếp quản cái vườn hương nhu ấy thì cây đang độ xum xuê nhất. Qua hè không ai cắt, cây mọc che kín cả lối đi, lão chủ lò trán hói nhẵn thín, da dẻ đỏ au, tay đeo cái nhẫn vàng thật to, quần bò trễ cạp như con trâu mộng đứng trên tảng đá cao mắt hấp háy cười như bắt được vàng. Thầy chủ nhiệm lớp tôi bé người, thầy khoát tay một cái, mấy con chuồn ngô giật mình bay vút lên, nhưng cả lớp thì nhao vào vườn tay liềm, tay bao tải. Lúc đầu còn nghe thấy tiếng cười đùa, sau cứ xa dần, xa dần mỗi nhóm tản một góc chả biết lạc đi đằng nào.

Tiếng là tuần nào cũng cắt hương nhu nhưng chả mấy khi tôi gặp Hương trong vườn. Giá mà có một cái khinh khí cầu như ở nước ngoài, tôi sẽ đi khắp khu vườn để nhìn xem Hương ở đâu. Nhìn xem lúc cắt hương nhu mùi nhựa nồng hăng thế, áo đẫm mồ hôi thì cái miệng xinh ấy có cười toét được không. Mấy lần, thấy cái bao đã kha khá, nhìn hướng mặt trời, tôi cố ý đi cắt dọc, cắt ngang một một khoảng khá rộng. Thấy rồi, cái dáng người lúi húi hiện ra, mồ hôi mồ kê, cười nhưng toàn cái Hồng, cái Hoa, cái Huệ. Thấy tôi đứa nào cũng cười khúc khích:

- Thế không đi giúp bạn Hương à, mà cậu còn đi đâu?

Mười sáu tuổi, mặt tôi đúng là vẫn búng ra sữa:

- Ơ, tớ có thấy bạn Hương đâu?

- Thế thì cứ đưa cái bao đây, bọn tớ đưa cho Hương, khổ thân bạn ấy không biết có bạn giúp nên chắc mệt lắm đấy.

Tôi hồn nhiên đưa cái bao tải xanh, cái bao đầy căng đã lấy đi biết bao mồ hôi chiều đầu thu của tôi, rồi lại với tay lấy một vỏ bao khác đi cắt cho phần của mình. Ấy thế mà, cuối chiều leo lên cái lò cao được xây bằng gạch tềnh toàng, mới thấy Hương tóc búi cao, mô hôi nhễ nhại, tay vuốt những bông hương nhu bám trên mặt. Nhìn tay Hương cầm bao tải trắng, tôi ngớ ra: Thế là mình bị bọn con gái cho ăn quả lừa.

Gã cân hương nhu đặt cái bao tải lên, mắt hẳn đang dán vào ngực áo phập phồng những hơi thở hổn hển của Hương chứ chả nhìn vào cân mà vẫn đọc: “Bảy cân”. Hương vội chạy mấy bậc lên trước cái cân mặc cho hắn đang ngớ ra vì chắc không ngờ ở cự ly gần cô lại đẹp đến nhường ấy.

Đúng là 7kg thật. Đã đến nước này, Hương chắc không thể cố được nữa, ngồi bệt xuống cái hòn gạch giờ không còn sạch bóng như mọi khi. Bao nhiêu toe toét tan biến hết, mặt Hương nặng trịch mà chả biết đang giận ai. Tôi bước lên, đặt cái bao xuống, cái bao chạm nhẹ vào bàn chân Hương, Hương hích nhẹ cái bao ra mặt ngoảnh đi nhìn ra phía cánh đồng đang có mấy cánh cò trắng bay về đậu xuống bờ ruộng. Mười sáu tuổi, hai tháng, tôi cũng biết tức chứ, tay xách cái bao phăm phăm ném trước mặt lão kia:

- Chú cân thử xem đủ 10kg chưa, đây mới là tải của bạn Hương.

Cả lũ con gái đứng ngẩn ra, chắc chả đứa nào nghĩ tôi dại thế. Hôm sau, trong sổ của thầy chủ nhiệm khoanh tròn tên tôi, “không kg”. Tiết sinh hoạt sáng thứ bảy, thầy nói một thôi một hồi, tóm lại, coi như tôi trốn lao động, trừ vào hạnh kiểm cuối tháng. Tan học hôm ấy, bọn con gái thì được một phen bấm nhau cười. Ra đến sân có đứa không nhịn được vừa nói vừa cười:

- Con Hương một buổi chiều hái được 17 cân hương nhu chúng mày ạ, ha ha...

Hương cũng chả ngại gì, ngoái lại liếc xéo tôi một cái rồi chạy theo mấy đứa ấy. Từ hôm đó tôi đâm ra ghét. Biết thế, chiều hôm ấy tôi về đi đá bóng với bọn con trai trong lớp cho xong.

***

Một sáng chủ nhật cuối năm lớp 11, thằng Phúc hớt hải chạy qua ngõ nhà tôi.

- Đi đâu đấy mày?

- Nhà Hương chuyển vùng.

Tôi quên cả xỏ dép cứ thế chạy theo. Bình thường, Phúc là thằng chuyên ve vãn Hương, Hương lại rất hay cười cười nói nói với nó. Hai đứa ngồi cạnh nhau có nhiều hôm cho nhau chép bài kiểm tra Toán, thi thoảng Hương ngó xuống phía bàn sau lườm tôi. Thế nên giờ đường có mấp mô đến mấy tôi vẫn phải vượt qua nó mới được. Kia rồi, Hương đã đứng ở cửa chiếc xe, ngơ ra nhìn hai thằng con trai chạy như ma đuổi từ trên đồi xuống. Tôi là thằng đến trước, dừng khựng trước mặt nàng. Hương hôm nay tóc thả dài tha thướt, trên mái tóc có chiếc bờm gấp thật khéo bằng khăn bông bay màu đỏ, tôi thì chân không dép, mặt đần thối chả biết nói gì. Hóa ra, thằng Phúc đến sau là vì nó đã tranh thủ hái được bó hoa đồng nội dọc đường nát bươm vì bị tôi đạp phải. Có khi, ngày xưa cũng quanh chân núi Ba Vì này, Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng thế. Kèo cuối rồi, không lúc này thì không còn lúc nào, tôi hùng hổ bước lên gần Hương hơn Phúc nhưng mặt cúi gằm như có tội. Thì từ cái hôm “hiến dâng” bao hương nhu ấy lúc nào tôi chả bị nàng đối xử như kẻ có tội, phía sau tôi, cái bó hoa đồng nội đang chìa ra. Mấy phút trôi qua, Hương không nhìn hai chúng tôi mà quay lưng bước lên xe, cái bước chân quả quyết ấy sau này tôi còn ám ảnh mãi. Nhưng khi đã đứng trên cửa xe, nàng quay lại nhìn sâu vào mắt tôi, chỉ nhìn vào mắt tôi thôi, đầy mạnh mẽ mà như hờn trách. Thế là đủ, từ hôm ấy, dễ đến cả tháng, tối nào tôi cũng uống no nước sắc từ cây tổ tầm phơi khô mà vẫn thao thức đến sáng. Có hôm đi học về tôi còn đứng ngắm mãi cái vết xe chở đồ cho nhà Hương hôm nào in trên lề đường. Thế rồi, thời gian trôi qua, cỏ mọc xanh um che khuất vết bánh xe ấy mà tôi vẫn bâng khuâng.

Hương đi rồi, vừa hết lớp 12, tôi nhét quyển sách Ngữ văn 12 vào đáy ba lô, tôi đi lính:

- Ơ, mày không thi đại học à? Hồ sơ mày nộp rồi còn gì?

- Con vẫn để dưới chiếu, trưa mẹ lấy mà nhóm bếp.

Tôi đi, sau lưng là con đường lại lên xanh một thì cỏ mới, mẹ tôi chắc đang đứng khựng ở cái cổng tre và chắc đang rơi nước mắt. Lồng ngực trai mười tám hít căng hương gió thảo nguyên nào có ngán gì con đường phía trước. Tôi nhập ngũ, huấn luyện, dã ngoại, mưa táp mặt, nắng xiên sau lưng, môi nứt nẻ, bước chân qua nhiều làng quê.

Hôm ấy, chúng tôi hành quân trên con đường đê sông Đáy. Bao lâu rồi với tôi, con đường nào phía trước trong tiếng gà trưa biết đâu cũng có Hương. Thế mà, đi mãi Hương đâu có thấy, tôi thất vọng rồi lại hy vọng. Có tiếng lộn xộn phía cuối hàng quân, tôi không quay lại nhưng nhìn thằng Quang vâu nhe hàm răng vàng khè thuốc lá cười khoái chí:

- Gái đâm xe đạp vào thằng nào dưới kia rồi. Thế mà đỏ, đâm vào tao thì chết với tao.

- Mày định nhe răng ra để người ta đâm rồi bắt đền hàm răng giả à, có khi lại ngon giai hơn.

Cũng lúc đó, dưới kia đâu đã vào đấy, hình như cô gái kia chỉ xây xước đôi chút, lại đạp xe ngược lên vượt qua chỗ tôi. Thực ra lính thời bình vẫn hay được ngắm phố xá, bạn gái thì không thiếu, đến như tôi chỉ liếc qua cái dáng người vừa đạp xe qua. Nhưng ôi cái bờm đỏ, cái mái tóc kia, hàm tôi như cứng lại. Phải đến khi cái dáng người ấy qua được dăm mét, tôi mới kịp gọi “em”, “em”, cả hàng quân lại cười ầm lên, tôi lao theo túm được cái đuôi xe. Hương quay lại, mặt vẫn nghiêm như ngày nào nhưng già đi nhiều quá, bốn năm rồi đến cái tên mãi mới gọi được, mắt Hương ươn ướt. Tay tôi như mọc rễ vào cái gác-ba-ga phía sau xe đã bắt đầu bong sơn,

- Hương đang đi mời thứ bảy này cưới mình, cậu còn ở đây thì đến chung vui với Hương và gia đình.

Tôi như thấy con đê dưới chân mình đang sụp xuống.

- Thôi Hương đi đã kẻo trời sắp tối.

Tôi cũng chả kịp hỏi nhà Hương ở đâu, chỉ biết sau ngày gia đình chuyển vùng Hương đã thôi học. Trên đầu tôi mây cuối thu miền châu thổ trắng thẩn thơ như lông ngỗng bay về phía cuối trời.

***

Sau này tôi cứ thắc mắc, sao cái cô bé mà ông Phó phòng Hành chính giới thiệu cho mình lại có tên là Nhu?

- Cái thằng hâm này, tên gì chả được miễn nó ngoan, chịu khó, mày xem cả công ty còn ai già khọm như mày không?

Ông ấy nói phải. Ba lăm rồi, cơ quan tổ chức trung thu, bọn nó dẫn con cái đến gặp tôi ở cổng đều phải chào bác. Ừ thì Nhu cũng được, thôi thì cũng đến tầm. Tôi không còn dị ứng với cái tên ấy nữa, cái tên ấy ghép vào đời tôi cũng được hai mặt con thì Nhu mất. Cái xe bồn từ trên dốc mất phanh lao xuống xô cả chiếc xe mười sáu chỗ của Nhu lật nhào. Mọi người chỉ bị thương, trừ Nhu ra. Cái phút biết mình chẳng còn sống bao lâu nữa thì Nhu bình tĩnh lắm:

- Tên em xấu phải không anh nhỉ? Từ đầu em đã biết anh không ưng mà. Anh lấy ai đó mà lo tuổi già, nhưng đừng quên bọn trẻ con, khác máu tanh lòng...

***

Từ lúc thằng út lên cấp II thì tôi được điều về phụ trách cơ sở ở dưới huyện. Cũng hay, ở đây mọi sinh hoạt đều diễn ra rất nhanh, chín giờ là đường vắng tanh. Nhưng sáng ra, bốn, năm giờ đã tấp nập người đi chợ, người đi làm đồng. Lúc đầu tôi đi xe bus sáng đi tối về nhưng sau thì bố trí được một chiếc giường để nghỉ lại. Chắc thấy tôi là người ít nói nhưng đứng đắn, cô bé con bà bán cơm bình dân bảo:

- Từ mai cháu mang cơm lên cho chú, chú đỡ phải đi lại nhiều.

- Thế tốt quá, mà cháu định ở nhà bán hàng giúp mẹ hay đi làm gì nữa không?

- Chú à - cô bé bỗng ngập ngừng - nhìn cháu còi còi vậy thôi, cháu học đại học ra rồi đấy, nhưng có xin được việc đâu chú, đành cứ làm tạm đã.

Sau hôm ấy, thấy cô bé thật thà, tôi hay nhờ nó mua mấy thứ đồ để đỡ phải cuốc bộ ra chợ. Có lần, bẵng đi mấy hôm chẳng thấy nó đâu, hay nó kiếm được công việc gì cũng nên? Tôi thì suốt đêm mải dán mắt vào xem bóng đá, ngày ngáp ngắn ngáp dài. Ở huyện, người ta không xuống đường mỗi khi đội bóng của Việt Nam giành chiến thắng nhưng nhà nào cũng thấy cánh đàn ông hò hét. Bỗng dưng nó xuất hiện.

- Hê-lêu chú, cháu vừa đi nhóm thiện nguyện về, về xóm ấy xa xôi nghèo lắm chú ạ, gần nhà cậu mợ cháu.

Quả tình từ lúc Nhu mất, tôi cũng tin vào nhân quả hơn, tôi hay công đức và ủng hộ người khó khăn. Cô cháu gái cứ thao thao bất tuyệt khoe ảnh tự sướng với nhóm bạn Đoàn viên trong thị trấn.

- Chiều mai cháu dẫn chú về nơi đó được không? Hai chú cháu mình đi ôtô chú lái - tôi vừa nói vừa zoom hết cỡ bức ảnh trong điện thoại của nó.

Chiều hôm ấy, nắng rất muộn, 5km đường đá gập ghềnh mà dài như cả đoạn đường đời tôi đang kể cho cô bé nghe, kể đến đoạn tôi chuyển ngành thì bỗng dưng cô bé hét toáng:

- Chú cho cháu xuống đã, cháu vào nhà mợ hỏi đường đã chứ từ đây vào nhiều chỗ rẽ lung tung cháu không nhớ đâu.

Cô bé gọi cổng, có tiếng người quát chó, khu này cũng đơn sơ như nhà tôi ngày trước, cũng loanh quanh đâu đây là đỉnh Ba Vì. Rồi một người phụ nữ bước ra, gần hai mươi năm tôi lại mới được gặp Hương, nhưng lần này thì chỉ có Hương là bất ngờ. Hương giờ ở tuổi này không mảnh mai nữa, mái tóc không còn dài thướt tha mà rập xù và hơi xoăn. Người Hương cũng đậm hơn nhưng đẹp mặn mà, đôi mắt thì vẫn toát lên nét thông minh như ngày nào. Bị Hương sai đi mua thuốc lá, con bé ngớ ra vì chắc nó chưa thấy tôi hút thuốc bao giờ nhưng vẫn chạy đi. Tôi lặng lẽ bước vào căn nhà mát rượi dưới bóng cây. Có lẽ từ khi khoác chiếc ba lô bước ra khỏi ngôi nhà của mẹ, cái ba lô có quyển sách Ngữ văn 12 mà tôi đã vẽ bóng hình Hương bên lề truyện “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu, tôi mới được bước vào căn nhà mát như thế. Tôi tin có ngày Lãm gặp lại Nguyệt, tôi đã phát biểu trước lớp như thế, cả lớp cười ồ lên bảo tôi cố mà tìm Hương đòi lại mười cân hương nhu.

- Thì hôm nay đây Quân - Hương nói sau khi nghe xong tôi kể.

Hương cười, đã có nếp nhăn nhỏ dưới khóe mắt. Giờ không còn ngọn gió thổi bạt nhau ở đê sông Đáy hôm nào, nhưng nắng đã cuối chiều. Hương bảo:

- Từ cái chiều cân hương nhu ấy Hương đã bảo quên Quân bao giờ?

Hương biết nhiều hơn tôi tưởng, biết cả trang facebook cá nhân của tôi. Tôi bước lên xe, con bé thì lăng xăng đút mấy thứ hoa quả được Hương cho vào ghế phía sau, tôi lục trong hộc đựng đồ rồi bước xuống đặt vào tay Hương quyển sách của ngày xưa. Hương mở ra đúng trang có truyện “Mảnh trăng cuối rừng”:

- Bài này Hương chưa được học Quân ạ, giá mà được học biết đâu đã chẳng có ngày hôm nay.

Chiếc xe của hai chú cháu tôi lại lầm lũi bò trên con đường gập ghềnh, căn nhà phía sau lưng tôi mát lắm, nhưng tôi phải về trên con đường nắng vẫn còn đang gay gắt phía cuối chiều.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương
TIN LIÊN QUAN

Hàng quán TPHCM mở cửa mùng 3 Tết, chưa ghi nhận tình trạng "chặt chém"

Huân Cao |

Mùng 3 Tết (ngày 24.1), nhiều hàng quán ở TPHCM đã mở cửa hoạt động phục vụ khách. Theo ghi nhận của PV, nhiều quán đều phụ thu thêm 10% để bù đắp chi phí tăng cao và trả lương thêm cho nhân viên phục vụ ngày Tết.

Dự báo diễn biến không khí lạnh trong những ngày Tết Nguyên đán tiếp theo

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, trong những ngày nghỉ tiếp theo của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, không khí lạnh duy trì cường độ ổn định tác động đến thời tiết Bắc Bộ và Trung Bộ.

Về nơi kiêng tiêu tiền trong ngày Tết ở Sơn La

Chuyên Công |

Tết người Mông ở một số địa phương vùng cao Tây Bắc có những tập tục, tín ngưỡng đặc trưng và lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó phải kể đến tập tục kiêng tiêu tiền, kiêng ăn rau và cơm chan canh, cho dụng cụ lao động nghỉ ngơi...

Chia sẻ cuối của bà Jacinda Ardern trên cương vị Thủ tướng New Zealand

Thanh Hà |

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 24.1 bày tỏ biết ơn thời gian tại vị đồng thời nhấn mạnh những vụ quấy rối trực tuyến liên tục không phải là lý do khiến bà từ chức.

Những mẻ cá đầu năm mới của người dân miền biển Thái Bình

Lương Hà |

Với ngư dân miền biển Thái Bình, chuyến ra khơi đầu năm ngoài hy vọng những mẻ lưới thắng lợi, đầy ắp cá tôm, còn mang ý nghĩa cầu mong cho một năm thuận buồm xuôi gió.

Đà Nẵng đón đoàn khách tiệc cưới hơn 450 người đến từ Ấn Độ

THUỲ TRANG |

Đám cưới của cô dâu Tuisha và chú rể Gaurav diễn ra tại Đà Nẵng đúng dịp Tết Quý Mão với hơn 350 khách mời và đội ngũ 100 nhân viên sự kiện, đầu bếp từ Ấn Độ.

Xin đừng gọi “Thổ Châu” là “Thổ Chu”

Lục Tùng |

Kiên Giang - Không gọi danh xưng “Thổ Châu” là “Thổ Chu” vừa là tôn trọng lịch sử, vừa để tránh những ngộ nhận khó lường sau này.

Cận cảnh 4 cây nguyệt quế có giá lên đến 8 tỉ đồng ở An Giang

Tạ Quang |

An Giang – 4 cây nguyệt quế với chiều cao lên đến 7 m, được một nhà vườn ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang định giá 2 tỉ đồng mỗi cây.