HỒN CHỮ Y Phương

ts nguyễn trọng hoàn |

Một kỷ niệm khó quên khi gặp nhà thơ Y Phương dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 12.2002), thấy anh nói cười hể hả, chốc chốc lại thập thò cái "a-lô" di động còn chưa quen mở máy - nhất là khi biết anh vừa "xuống núi", nhận công tác ở Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt Nam, ký ức của tôi bỗng da diết ngược về một thuở Cao Bằng - nơi anh gắn bó và miệt mài chắp cánh cho hồn chữ.

1. Nhà thơ Y Phương tự giới thiệu về quê mình:

Bước đá

Bước mây

Bước mùa đông

Bước mùa hè

Cây đàn tính dây trong dây đục...

Hoa cháy đỏ miền rừng Phja bjooc

Dòng Khuổi Slao con gái tắm cùng trăng.

Miền quê ấy trong thơ anh thật đẹp, thật hiếu khách, thật phóng túng kiểu vùng cao:

Lên Cao Bằng xin đừng làm lạ

Mời rượu cả chum mời quả cả cây...

Đi qua bản không vào nhà là người già trách đấy

Tết tháng Giêng hẹn từ tháng bảy

Tin nhau không nói nhiều lời.

(Lên Cao Bằng)

Anh tự giới thiệu về mình trong trường ca "Chín tháng":

Tôi

Trán dô

Mũi thô

Môi dày

Chân đi dép bốn hai vẫn thừa năm ngón...

Ai đó viết thế thì dễ được coi là cường điệu, nhưng với Y Phương, dẫu biết anh đã nói quá lên, người đọc vẫn nhận thấy trong đó một chất giọng chân thành! Sở dĩ nói vậy bởi trong thơ, anh đã không ít lần găm vào trí nhớ người đọc những "tiền giả định" đáng tin cậy làm "khế ước" cho điều đó. Nhiều người thích những câu thơ này của anh:

Nhà em tận miền Đông

Nhà anh mãi miền Tây

Từ anh sang em

Đi hỏng đôi giày.

(Đi tìm)

Chẳng mấy ai để ý đấy là giày cỏ, giày vải hay giày da, nhưng lại rất ấn tượng về cái khoảng cách "Từ anh sang em" không thể đếm bằng bao quả núi, không thể đếm qua mấy con khe, không thể tính theo khoảng cách đường chim bay hay số ngày cuốc bộ ấy. "Đơn vị tính" "Đi hỏng đôi giày" có lẽ ngành khoa học đo lường chưa từng công nhận, nên cũng có thể tạm gọi đây là hệ đo (hoặc cách tính) kiểu Y Phương. Cố nhiên, đấy là cách tính của thơ, cũng như định nghĩa "Mùa hoa", anh viết:

Mùa hoa

Người đàn bà

Mặt đỏ phừng

Đủ sức vác ông chồng

Chạy phăm phăm

Lên núi

Mùa hoa

Người đàn ông

Mệt như chiếc áo rũ

Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ.

Viết về mùa hoa mà đâu thấy bóng dáng một loài hoa, đến một bông hoa cũng không có nốt! Mùa hoa, mùa xuân, tuổi xuân hay sức xuân mãnh liệt? Rất nhiều tưng bừng tiềm tàng sau lời kể xen trong lời tả làm cho bài thơ có vẻ đẹp ý nhị và sâu sắc bởi cái tứ được xác lập kín đáo trên cơ sở chuyển nghĩa giữa tiêu đề và sự phát triển nội tuyến song hành những yếu tố liên hợp của chỉnh thể biểu tượng.

2. Y Phương triệt để khai thác những khả năng tạo nghĩa của cấu trúc ngôn từ, miễn sao lời ăn tiếng nói đời thường trở nên hồn vía. Chẳng hạn: Về hành tung của sông Hồng, anh cảm nhận bằng phép nhân hoá rất tự nhiên:

Em vỗ đến chân trời xa tắp

Em vừa đi vừa sinh ra đất.

Diễn tả hiện tượng sông Hồng bồi đắp phù sa như thế vừa thật vừa gợi đến bất ngờ. Với một người bạn Tuổi ba mươi vẫn gái - Một mình, anh mua nón làm quà mà khi trao tặng bỗng lặng người suy ngẫm:

Chưa có quai

Biết đội

Hay cầm.

(Nón mùa thu)

Dân gian nói: "Chòng chành như nón không quai - Như thuyền không lái như ai không chồng". Cứ ngỡ vui vì tặng được bạn một món quà nhỏ, mà tặng xong lại thấy áy náy thế nào! Một chiếc nón nặng trĩu tâm tình của cả người tặng và người được tặng, đã trở thành một chiếc nón "nỗi niềm", "thân phận". Hoặc một trường hợp khác, anh viết về tâm trạng của người con trai khi yêu:

Vàng bạc với đá quý

Anh cất vào trong rương hòm khoá kỹ

Nhưng em, anh biết cất giấu vào đâu

Thôi đành - Nuốt em vào trong bụng.

(Cất giấu)

Lời thơ có vẻ khẩu khí chất chứa một tình cảm mãnh liệt, và cách cất giấu người yêu, cất giấu tình yêu... vào trong bụng này thuộc diện "có một không hai". Có khi anh viết nhẹ như không, chẳng thấy dấu vết lao tâm khổ tứ gì mà giàu tính biểu cảm. Thơ sau một lần được về thăm con chốc lát:

Thức dậy đi nào hòn đất thó

Con hãy đái cho cha một bãi thật to

Để cha bôi lem lên hàng râu rậm.

Không cầu kỳ mà ấn tượng, mong ước cũng như tình cảm của người cha giản dị mà cảm động, thấm đẫm nhân văn.

Đã có không ít câu thơ hay về đất nước, nhưng khi nghe Y Phương cắt nghĩa:

Âm ấm một bên vú phì nhiêu - Đất,

Nong nóng một bên vú mọng căng - Nước,

Đất Nước sinh ra từ ngực người đàn bà.

(Chín tháng)

vẫn thấy anh góp được cho thi ca một tiếng nói riêng: Cội nguồn đất nước gắn liền với sự hoá thân vĩ đại và thiêng liêng của tượng hình người mẹ. Trường hợp khác, sau kỳ nghỉ tết, các con lần lượt đi trả phép, anh viết về sự trống trải, vắng lặng đến tê tái:

Gió, lửa, than, nắng

Thi nhau rét.

(Vắng con)

Đến cả những thứ dường như sinh ra đã mang thuộc tính nóng cũng thi nhau rét, hỏi còn có gì lạnh hơn? Còn đây là vẻ đẹp mát dịu, mịn màng, tinh khiết của làn da một cô gái:

Khi mặt trăng lặn

Nó thoát vào da thịt em.

(Da thịt em)

Nhà thơ dùng chữ "thoát" thật tự nhiên, nhưng ý nghĩa thật huyền ảo! Nhìn chung, thơ Y Phương kiệm lời (thậm chí rất kiệm lời như thế) mà thật hàm súc:

Anh đi không vung tay

Cởi áo vắt vai

Phăm phăm bước.

(Đi tìm)

Lẽ thường, đi không vung tay phải đi chậm, đây lại phăm phăm bước, thật không dễ hình dung. Thơ Y Phương có khi thể hiện sức nén căng của chữ nghĩa:

Có người đàn bà bị phụ tình

Không kể ai biết

Cả chính mình.

Người bị phụ tình thường khó giấu, giấu người khác đã khó, giấu chính mình còn khó gấp nhiều lần. Biết bao giông bão trong những con chữ có bề ngoài bình lặng.

3. Không chỉ ý tại ngôn ngoại, anh còn sáng tạo ra những từ ngữ, hình ảnh so sánh ẩn dụ thực sự độc đáo. Đó là hình ảnh một em bé: Ngấu nghiến ăn - nừng nực nuốt (nừng nực chứ không phải ừng ực; nừng nực cũng là nội động từ, nhưng miêu tả động thái nuốt nguồn sữa liên tục khi em bé bú mẹ). Đó là hình ảnh các ông bà già miền núi: Phì phà cười như lửa (phì phà chứ không phải hì hà, phì phà thể hiện âm vực tiếng cười của người có tuổi, cũng có nét nghĩa tiếng cười lẫn tiếng lửa reo). Đó là hình ảnh:

Chợ Lồng Tổng

người đông

người nhiều

người dài.

(người dài: nghĩa trong câu chỉ đoàn người nối nhau đi chợ). Đó là hình ảnh: Cháu bé vừa đầy tháng - non nỏn như vành trăng... Có thể nói: Các chữ nừng nực, phì phà, người dài, non nỏn trong các câu thơ trên; hoặc chữ khe khẽ rất tinh tế trong câu thơ "Cỏ lấp lánh - Khe khẽ ướt", sự hợp nghĩa tài tình giữa các chữ long lanh hoi hoi trong câu thơ "Tiếng trẻ trâu long lanh hoi hoi như đồng cỏ" là những gợi ý thú vị đối với các nhà nghiên cứu từ vựng, phong cách, ngôn ngữ học.

Y Phương không thiên về thơ lục bát. Tuyển thơ Y Phương (NXB Hội Nhà văn, 2002) gồm một trường ca và 113 bài thơ chỉ có vài bài lục bát (mà tất cả đều là "lục bát biến thể"). Bài "Tên em là sông" anh viết trong ngày thi vào trường Viết văn Nguyễn Du (1982). Người ta đi thi thường hồi hộp, lo lắng chuyện bài vở, nhưng chàng trai trong bài thơ lại hồi hộp vì một... cái tên bạn gái! Không biết có phải vì vừa gặp, và cũng chỉ là những dạt dào chộn rộn "đầu mày cuối mắt" chưa đâu vào đâu mà anh mới để bài thơ "biến thể" và ngắt dòng theo đồ hình tự do:

Tên em là sông

Dòng sông nhỏ chảy quanh đồng của anh

Dòng sông vừa trắng vừa xanh

Tên em là bến

Cho anh đợi đò?

"Tên em là sông" - câu thơ ngắn gọn, bất chấp sự thiếu hụt khuôn âm (lục) để xác định "đối tượng" của mình. Bài "Lời ru" (1986) anh kể lại những hoài niệm đau đáu về người bà. Như những tiếng nấc ngắt quãng, tâm trạng ăn năn của người cháu đã tạo nên hiệu quả biểu niệm của câu lục bát biến thể:

Bà ru

Tôi không ngủ

Nằm nghe

Tiếng ru hóm hém

Lập loè

Bà trông.

Ba chữ "Tôi không ngủ" như thể trồi ra trong khuôn âm lục bát, có tác dụng nhấn mạnh, cuốn hút sự chú ý về phía chủ thể (trong khi mạch chính của bài thơ là hướng về đối tượng: Người bà). Một kỷ niệm ấu thơ, bà ru trưa không chịu ngủ (hay không ngủ được vì mải ngẫm nghĩ về bà) mà tập trung để ý vào sắc thái tiếng ru và hình dung sự quan sát của bà. Mạch thơ của Y Phương thường được cắt ra như thế, chỉ một hoặc vài chữ một dòng, dài ngắn trải ra không đều (đọc tuyển thơ kể trên, chỉ thấy đúng một lần anh viết dòng thơ 12 chữ, trong khi đó có rất nhiều dòng một chữ). Nhìn khối chữ nhấp nhô, trồi thụt dễ liên tưởng đến mấy câu trong bài thơ "Thắng cố và thổ cẩm" với đề từ E Sun gửi Y Phương của nhà thơ Lò Ngân Sủn:

Có người bảo

Thơ mày

Như thổ cẩm

Lượn muôn sắc hoa văn

Phăm phăm

Đèo dốc.

Điều đó đối với Y Phương đúng cả ở nghĩa đen và nghĩa bóng. Thơ Y Phương đậm đà chất liệu và hương sắc vùng cao, ý thơ khoáng đạt và biến hoá bất ngờ. Anh sở trường diễn đạt những dòng thơ ngắn, thậm chí có những bài cũng rất ngắn. Các bài "Con hổ", on người", "Người đàn bà"... gồm có ba dòng; cá biệt bài Chén nước gồm mười chữ, duỗi hết cỡ cũng chỉ đúng hai dòng:

Anh biết mình như chén nước

Chớ rót đầy.

4. Bài thơ cô đúc như một triết lý. Triết lý tưởng chừng giản đơn thế nhưng thấp thoáng phía sau của hai dòng chữ ấy là ngổn ngang nỗi đời từng trải. Cũng theo mạch này, nhiều người yêu thích bài "Phố xưa" của anh thật có lý:

Phố xưa

Bây giờ cũng như xưa

Những mái nhà nâu

Những cột nhà đen

Đêm đêm lép bép ngọn đèn.

Tôi bước đi trên con đường xưa

Tránh đứa bé đang ngồi chơi bi

Tránh ông già lim dim sưởi nắng

Tránh người yêu xưa đầu đường áo trắng

Con trên vai, đi thẳng, chẳng nhìn ai.

Giận nhau lâu, nhớ nhau dài

Tôi trở về làm người xưa của phố

Em gọi tôi, nhưng không ngoái cổ

Giả vờ đi.

Thủng thẳng, kiệm lời. "Độ dôi" của ngữ nghĩa có vẻ như tràn về phía sau mỗi ý thơ, từ thực tại hướng về quá vãng và ngược lại. Nhà thơ tài hoa Trần Hòa Bình từng chia sẻ: "Hãy xem cái cách đi đứng của người đàn ông, Tránh đứa bé đang ngồi chơi bi. Tránh ông già lim dim sưởi nắng. Tránh người yêu xưa đầu đường áo trắng - người đàn ông đang đi vào một thế giới vừa hiện diện trước mắt lại vừa lung linh trong tâm tưởng. Những gì anh nhìn thấy đều nhói lên một vẻ đẹp dịu dàng và buồn bã, như những chiếc bong bóng nước mỏng manh trong vắt, đến nỗi anh có cảm giác nếu chạm vào là chúng sẽ tan vỡ mất!". Tên bài thơ là thế, nhưng tình thơ không chỉ thế, không nhất thiết rành rẽ phố xưa hay người người xưa, chỉ một nỗi niềm bời bời đồng hiện và lặng lẽ dư ba!

Y Phương đã thổi vào thơ một điệu hồn tha thiết sương núi hương rừng; một điệu hồn quấn quyện tình đất, tìn quả, tình cây, tình hoa, tình đá; một điệu hồn nghiêng ngả câu hát Hà Lều, đẫm men đàn tính, đàn then...

ts nguyễn trọng hoàn
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.