Homestay điểm kết nối bốn phương

Đỗ Quang Tuấn Hoàng |

Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 ngành, nhóm. Đó chính là vốn quý để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù: Tour tri thức bản địa. Trong xã hội sống vội vã, gấp gáp này, ngày càng có nhiều người muốn lang bang khắp chốn để được sống chậm. Khi người ta càng cô đơn thì đến một điểm homestay để được sống trong không khí ấm áp của gia đình càng trở nên cuốn hút.

Không chỉ sản phẩm, mà là lối sống

Trong một buổi giao lưu về dụng cụ pha trà, tôi được một thanh niên chia sẻ rằng: “Ngày xưa, người Dao ở quê tôi, khi đi rừng toàn chặt một dóng cây bương, nhồi trà xanh, đổ nước, nút miệng rồi nhóm lửa đun sôi. Lại chặt dóng nứa làm chén để rót nước trà ra uống”. Quá thú vị với thông tin ấy, sau buổi nói chuyện, tôi gặp anh để hỏi thêm thông tin. Thế là anh dẫn tôi về khám phá vùng trà shan tuyết Khau Mút quê mình.

Anh Lý Tiến Đường, sinh năm 1993, là một thanh niên rất có chí tiến thủ. Tốt nghiệp trường Đại học Nội vụ năm 2015, thay vì giống nhiều người bạn ở lại thành phố Hà Nội tìm việc, Đường về quê, thôn Bản Phu, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, để kiếm sống mà nuôi tham vọng phục tráng, quảng bá, buôn bán các sản vật quê hương. Đường là người Dao đỏ, cạnh làng anh là làng người Tày, cảnh quan ở đây rất đẹp: Có núi cao, đỉnh cao nhất là Pia Bioc cao 1.272 mét, thấp hơn là Khau Mút cao 1.200 mét rồi đến Khao Buôn cao 957 mét so với mực nước biển...; có thung lũng rộng, có sông, suối uốn quanh; người dân ở trong những nếp nhà sàn gỗ lợp lá cọ vẫn bảo lưu những phong tục tập quán tốt đẹp, những tri thức bản địa phong phú, đặc sắc... Chính vì vậy, Đường mong muốn sẽ biến nơi đây thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách.

Sau bữa cơm trưa, Đường và tôi lên núi Khau Mút. Đi bộ luồn lách qua những con đường mòn, lúc đầu còn xuyên qua những ruộng ngô, bí, bưởi, nhãn... Lên cao dần thì có khi phải lách chân qua từng khe đá tảng xanh, trắng. Một tay cầm con dao quắm, gặp cây cối lòa xòa thì phát mà dọn lối đi. Mệt thì ngồi tựa gốc cây, tảng đá mà nghỉ. Khát thì múc nước suối trong vắt mà uống. Dọc đường, chúng tôi gặp rất nhiều người, kẻ từ trên núi dắt ngựa thồ nông sản xuống, người gùi, khiêng gạo, muối, máy móc từ chân núi lên.

Hai giờ sau, lán trại đầu tiên mà chúng tôi gặp là ở khu Gàm Choong. Một cụm nhà gỗ dựng bên suối nước chảy róc rách, trâu, bò, dê, gà, ngan thủng thỉnh kiếm ăn trên những đồi cỏ, khe suối. Và tôi đã ngửi thấy hương trà đang sao bằng tôn quay. Chị là Hứa Thị Oanh, sinh năm 1977, cùng chồng là Phùng Quang Thanh, sinh năm 1977, từ thôn Bản Pước, xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình lên làm lán ở để làm trà, chăn dê, gà, lợn... từ bốn năm nay. Chị Oanh người Tày ở thôn Kim Minh, xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa lên lấy anh Thanh người Dao ở thôn Bản Pước từ năm 1997. Nhà chồng có nghề làm trà nên chị bắt đầu học nghề. Chị nhớ lại: “Lúc mới lên tôi chưa biết nhặt chè mà dám trèo lên cây cao để hái. Mẹ chồng thương nên trèo lên lấy dao chặt cho cành chè rơi xuống gốc, mình đứng dưới mà nhặt, đứng chờ vắt cắn máu me toe toét...” Đi từ thôn lên núi trà già nhà chị mất hai giờ, qua hai quả núi. Lên nhặt cả ngày được từ 10 kg đến 20 kg trà tươi, về nhà chị Oanh cho ngay vào tôn quay, đốt củi sao héo rồi đổ trà ra đưa vào máy vò cho ra nhựa. Tiếp đến lại cho vào sao khô khoảng 70% (mất khoảng 40 phút đến 50 phút) thì đổ ra nia, tãi mỏng cho trà nguội và búp không nổ. Cuối cùng là cho trà vào tôn quay để đánh mốc trong khoảng 20 phút đến 30 phút. Trung bình cứ 5 kg trà tươi thì chị sao được một kg trà khô, mỗi mẻ sao được bốn kg trà khô. Chị kể, cứ quay đến bao giờ thấy trà thơm mùi cốm, lấy cánh trà nhấm thử thấy vị ngọt là được. Để có được kinh nghiệm ấy, sao xong mỗi mẻ chị lại mang một ít trà về mời mẹ chồng uống. Bà bảo ngon thì lần sau cứ thế sao theo. Vợ chồng chị Oanh hiện có 5,000 mét vuông trà già, hai héc ta trà mới trồng từ năm 2008, một héc ta trà mới trồng năm 2009, nay cũng đã hái lứa đầu, tất cả đều là giống trà shan tuyết. Mỗi năm trung bình họ hái và sao được 60 kg trà khô, bán với giá 200 ngàn đồng/kg. Chị hồ hởi: “Làm đến đâu hết đến đấy. Khách quen từ Chiêm Hóa vào lấy, giao trà ở ủy ban nhân dân xã Phúc Sơn. Lúc mới làm, tôi phải mang đi bán rong, nay khách quen hết rồi, họ cứ gọi điện thì mình mang chè đi giao”.

Sấy trà shan tuyết Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Sấy trà shan tuyết Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Sản xuất trà shan tuyết Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.
Sản xuất trà shan tuyết Khau Mút xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Sau một đêm nghỉ ngơi trong lán trại giữa rừng, sáng hôm sau, sáu giờ, chúng tôi dậy chuẩn bị cùng gia đình chị Oanh lên đỉnh Khau Mút hái trà. Đi chừng 30 phút chúng tôi đã gặp những cây trà sao sừng sững, ít thì năm mét, nhiều thì đến hai chục mét, thân mốc thếch hoặc bám đầy rêu, địa y, phân cành tỉa nhánh tua tủa, rậm rịt, đường kính thân từ 60 cm đến hơn một mét. Hai tay ôm để kéo, hai chân quặp để đẩy, ai nấy thoăn thoắt leo lên rồi mất hút giữa những tán trà. Lá trà shan tuyết xanh mơn mởn, to như lá đa, búp to như cái đinh năm, đinh mười, phủ đầy lông tơ trắng muốt. Anh Phùng Quang Thanh bảo vào mùa xuân, mỗi cây trà một người hái một buổi mới hết. Có cành cao quá không trèo lên hái được thì lấy cái gậy đầu buộc móc sắt móc xuống mà hái hoặc giật cho ngọn trà đứt rơi xuống dưới gốc rồi xuống nhặt.

Rừng núi bao la, âm u, sương giăng mù mịt, 10 giờ vẫn chưa thấy mặt trời. Trong lúc mọi người hái trà thì anh Lý Tiến Đường đi chặt bương về làm bộ ấm chén để pha trà, tiếng Dao gọi là hào pèng (hào: tên gọi chung chỉ những cây họ tre, pèng: ấm pha trà). Chúng tôi ngồi giữa rừng, lấy những búp trà vừa hái, bỏ vào hào pèng, múc nước suối đổ vào rồi nhóm lửa đun trà để thưởng thức. Nhấp chén trà vàng óng, thơm ngát, ngọt hậu giữa đất trời bao la, thật sảng khoái, thật nên thơ! Thật hợp cảnh hợp tình với mấy câu dân ca Dao anh Đường đọc, dịch nghĩa:

Lấy nước từ suối mang về/ Lấy nước mát trong, lấy trà xanh/ Đun lên thành nước mời bạn uống/ Đạm bạc, đơn sơ, bạn đừng cười chê.

14 giờ, mọi người trở về điểm hẹn chỗ vườn cam, người nào cũng gùi một bao tải đầy căng, phải đến 20 kg trà. Chúng tôi về đến lán thì đã năm giờ chiều, nghỉ cho ráo mồ hôi là lại nhóm lửa sao trà.

Anh Phùng Quang Thanh cho biết, vụ thu hoạch trà xuân của gia đình bắt đầu từ cuối tháng Giêng âm lịch, hái được hai tuần. Đến đầu tháng Tư âm lịch lại được hái, rồi đến đầu tháng Năm âm lịch hái đến giữa tháng sáu âm lịch, mỗi tháng hái được hai tuần, cứ hái quay vòng. Đầu tháng Bảy âm lịch đến cuối tháng Tám âm lịch thì ít trà, chỉ hái được 10 kg đến 20 kg. Từ tháng Mười âm lịch là cây trà ngủ đông. “Cao điểm là mùa xuân thì hái được nhiều, khoảng năm, sáu yến một ngày”, anh cho biết.

Ông Ma Công Đoài, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thổ Bình, huyện Lâm Bình, cho biết: Hiện trên núi Khau Mút có 22 héc ta trà shan tuyết cổ thụ trồng thưa do các cụ trồng rừng từ ngày xưa. Từ năm 2005 đến nay, thực hiện dự án “Cải tạo phục hồi diện tích chè hiện có và trồng mới rừng phòng hộ bằng cây chè shan Khau Mút”, ban quản lý rừng phòng hộ, kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, huyện Lâm Bình lấy giống ở tỉnh Hà Giang về cấp cho người dân trồng mới thêm 240 héc ta, theo chương trình Dự án 661 của chính phủ. Có 20 chủ lô, mỗi lô có từ bốn hộ đến năm hộ trồng trà mới, thuộc các thôn Bản Pước, Nà Cọn, Tân Lập. Trà trồng từ độ cao 700 mét so với mực nước biển trở lên với mật độ 2.500 cây/héc ta. Trà trồng trên núi cao quanh năm mát mẻ, có sương phủ nên búp có tuyết, uống rất ngon.

Tầm quan trọng của trà trong việc định hình văn hóa bản địa có thể được tìm thấy trong ngôn ngữ. Theo Từ điển Tày - Nùng - Việt, Hoàng Văn Mạ, Lục Văn Páo, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2005 thì khau mút là tên một loại trà mọc ở rừng sâu, có nhiều ngọn mọc tua tủa. Theo ông Phạm Văn Hảo, phó giáo sư – tiến sĩ ngôn ngữ học, khau mút là đặc điểm nhận dạng một loại trà cây mọc ở rừng già, ngọn dài cong cong vươn lên. Như thế, trời sinh, người dưỡng một vùng trà shan tuyết đặc sản đã đi vào một địa danh độc đáo của đất trời xứ Tuyên.

Trong ba ngày, hai đêm, chúng tôi cùng đi hái trà, sao trà, thưởng thức trà shan tuyết cổ thụ Khau Mút, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa Dao, Tày ở xã Thổ Bình. Đó là một trong những tour đặc sắc của Khau Mút homestay.

Khác với các loại hình du lịch khác, homestay có lợi thế là du khách được ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với người dân bản địa để khám phá thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa, phát triển cộng đồng. Homestay là chất xúc tác để khơi gợi nhiều ý tưởng thú vị và hành động thiết thực. Một trong số đó có thể kể đến chuyện ông Yasushi Ogura, một người Nhật Bản mê văn hóa Lô Lô và quyết tâm xây dựng quán cà phê Cực Bắc ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

“Nước Nhật chỉ có một dân tộc, trong khi Việt Nam có tận 54 dân tộc và dân tộc nào cũng có văn hóa đặc sắc. Điều ấy làm tôi rất thích thú”, ông Ogura tâm sự. Từ năm 2002, Hà Giang trở thành điểm đến thường xuyên của ông cũng bởi lý do tỉnh này có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có tới 22 dân tộc cư trú. “Ở Việt Nam, tôi thấy người Dao, người Mông, người Tày... có những nơi lưu giữ và quảng bá văn hóa của dân tộc mình mà người Lô Lô thì chưa. Hằng ngày có rất nhiều du khách tây lên tham quan cột cờ Lũng Cú mà không biết tìm đâu ra một quán cà phê đẹp để ngồi ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn”, ông chia sẻ. Thế là ý tưởng hỗ trợ người Lô Lô ở thôn Lô Lô Chải mở một quán cà phê kiêm nơi bảo tồn không khí và văn hóa dân tộc, là nơi giới thiệu văn hóa Lô Lô đã hình thành trong ông. Đi khắp 95 nhà trong thôn, ông thấy nhà anh Dìu Dỉ Chiến, 39 tuổi, có địa thế phù hợp nhất để tiến hành. Ông thuyết phục mọi người trong nhà, đầu tư 200 triệu đồng để mua sắm bàn ghế gỗ, ấm, chén, cốc, xây hai phòng vệ sinh tự hoại. Ông mời một cô gái từ Hà Nội lên ở Lô Lô Chải một tuần để dạy chị Vấn những câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng; dạy chị cách pha cà phê, trà, nước chanh, cách phục vụ bàn... Dần dà, các thành viên trong gia đình cũng tăng phần tự tin. Ngày 9.8.2015, quán cà phê Cực Bắc đi vào hoạt động và trở thành điểm đến không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đến tham quan cột cờ Lũng Cú. Sau quán cà phê Cực Bắc, ông Ogura lại hỗ trợ 95 triệu đồng để gia đình anh Sình Dỉ Gai dựng nhà trình tường rộng hơn 540 mét vuông (hết hơn 200 triệu đồng) để làm du lịch homestay, cũng với mục đích từ thiện, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Trong một buổi ăn tối ở nhà cổ Chúng Pủa của người Hmông trắng ở xóm Chúng Pả A, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nhóm du khách đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc tâm sự rằng sang Việt Nam có mấy ngày mà họ được ăn, ở, trò chuyện và làm việc với người của bốn dân tộc là Tày, Lô Lô, Giáy và Mông. Đó là điều họ rất ấn tượng. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra thêm một lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam chính là sự đa dạng tộc người với điều kiện sống đặc thù, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa khác biệt... nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo. Điều tôi mừng nhất là ngày càng có nhiều người hiền minh của cộng đồng thấu hiểu và chung sức làm du lịch bền vững bằng việc khai thác lợi thế là tri thức bản địa.

Tránh chạy theo phong trào

“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chỉ rõ: “Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch”. Từ quan điểm phát triển ấy, một trong những dòng sản phẩm chính mà quy hoạch hướng đến là “Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu lối sống. Phát triển mạnh du lịch ẩm thực. Phát huy các giá trị văn hóa vùng miền làm nền tảng cho các sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Du lịch cộng đồng (homestay) đúng nghĩa là du khách đến nhà người dân cùng ăn, cùng ở, cùng làm với họ để quan sát tham dự, trải nghiệm văn hóa vật chất và tinh thần nơi mình đến. Độc lập sáng tạo, tích hợp văn hóa, truyền cảm hứng - truyền nghề. Đó là những tiêu chí của loại hình du lịch cộng đồng. Rất tiếc, trong xu thế chạy theo phong trào, hiện nay có rất nhiều cá nhân, tổ chức, địa phương đua nhau làm homestay với những cái xác không hồn.

Ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, UBND huyện biến nhà văn hóa cộng đồng xã Hồng Hạ thành Hồng Hạ homestay. Vì không phải nhà dân nên khi khách muốn ăn uống thì nhân viên ở đây lại gọi các thành viên của đội nấu ăn nấu thức ăn tại nhà rồi mang đến bày ra bàn cho khách dùng bữa. Như thế không khác gì đến quán ăn gọi món. Du khách không được trải nghiệm quá trình chế biến thức ăn của người Cơ Tu. Họ cũng không được sống trong không khí ấm cúng gia đình với người dân tộc thiểu số. Ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nhà đầu tư thuê một đơn vị ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đến lắp ráp những phòng ngủ bằng chất liệu thép, kính, nhựa rồi dựng cạnh những mái nhà trình tường của người Hmông trắng, trông rất xa lạ. Ở xã Mai Hạ, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, có công ty từ thành phố Hà Nội lên thuê một ngôi nhà sàn của người Thái và thuê luôn người trong gia đình đó trông nhà, nấu ăn, phục vụ khi có khách. Vô hình trung người dân “bơ vơ ngay chính trong mái ấm của mình”.v.v...

Tổ chức Du lịch thế giới (World Tourism Organization) đã đưa ra tỉ lệ doanh thu của loại hình du lịch cộng đồng là 70% phải thuộc cộng đồng; người dân phải được hướng dẫn để đề xuất mô hình hoạt động, trực tiếp điều hành và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch của mình. Những mô hình homestay có xác không hồn như kể trên rõ ràng là đã tiếp cận sai hướng, dẫn đến hoạt động không hiệu quả.

Du lịch cộng đồng phải khơi dậy được tiềm năng của cộng đồng, muốn hoạt động hiệu quả, bền vững, nó phải sử dụng vật liệu bản địa, tri thức bản địa, nhân lực bản địa; là hành động địa phương nhưng lại phải có tư duy toàn cầu. Làm bất cứ việc gì chạy theo phong trào đã hỏng, làm du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề mà chạy theo phong trào thì dễ thành thảm họa, nên cần hết sức thận trọng.

Theo kết quả khảo sát của tổ chức AC Nielson, 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 54% du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 97% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo; 70% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường địa phương; 48% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 45% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để hỗ trợ hội từ thiện địa phương.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Đà Lạt: Nở rộ dịch vụ homestay mùa lễ hội

Minh Phạm |

Để phục vụ nhu cầu khách du lịch đổ về vào dịp Festival hoa Đà Lạt và dịp Tết, nhiều gia đình ở TP Đà Lạt đã tận dụng nhà riêng để làm homestay và nhiều nơi tăng giá gấp đôi mà vẫn thiếu chỗ ở.

Tại sao nên dành tiền để trải nghiệm hơn là mua sắm?

Văn Hào |

Con người của thế kỷ 21 đang mắc kẹt trong một chủ nghĩa tiêu dùng không có lối ra. Những phương tiện truyền thông luôn tiêm nhiễm vào đầu chúng ta ý tưởng rằng: Hạnh phúc là được diện lên mình những bộ cánh đẹp nhất, lái những chiếc xe sang nhất… Nhưng sự thật là, cảm giác hạnh phúc khi sở hữu được những thứ đó sẽ nhanh chóng biến mất, và bạn lại thấy mình loay hoay tìm mua một thứ mới.

Du lịch homestay hút khách

Linh Phương - Mai Châu |

Vài năm trở lại đây, du lịch kiểu “homestay” (ở nhà riêng của người dân) đã xuất hiện tại Việt Nam và ngày càng phát triển. Thay vì chọn những nhà nghỉ hoành tráng, hay khách sạn cao cấp, khách du lịch lại đang có xu hướng ở ngay tại nhà của dân địa phương để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người bản địa. Chính xu hướng này đang khiến trào lưu kinh doanh homestay ngày càng nở rộ trên khắp cả nước.

Ghé thăm thiên đường độc đáo dành cho mèo tại Malaysia

Tuấn Đạt |

Thiên đường của loài mèo ở thành phố Kuching (Malaysia) được dự kiến sẽ là điểm đến ưa chuộng của du khách vào dịp Tết Nguyên đán.

Để sống lại những phế tích ở vương quốc những lò gạch cũ Mang Thít

Thanh Hải |

Giữ di tích để bảo tồn văn hóa và tính đến việc phát triển du lịch - đó là "con đường" mà chính quyền, ngành Văn hóa tỉnh Vĩnh Long đã lựa chọn để làm "sống lại" vương quốc những lò gạch cũ - Mang Thít...

Kỳ lạ ngôi làng cứ đến Tết là người dân đua nhau... ngâm mình dưới ao

Nguyễn Thúy |

Những ngày đầu năm mới, nông dân thôn Đức Long (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) ngâm mình dưới ao để thu hoạch rau cần, cung cấp thực phẩm ngày xuân. Không khí dường như phấn khởi hơn vì rau cần được mùa, được giá.

Cuộc chiến phòng vé dịp Tết: Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng, ai sẽ lên ngôi?

ĐÔNG DU |

Khi tác phẩm "Siêu lừa gặp siêu lầy" đột ngột rút khỏi rạp chiếu, phim Tết Việt chỉ còn 2 tác phẩm đối đầu nhau là "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành và "Chị chị em em 2" của Ngọc Trinh.

Cháy lớn khu ổ chuột cuối cùng ở thủ đô Hàn Quốc

Song Minh |

500 người phải sơ tán khi đám cháy lớn bùng phát tại làng Guryong, một trong những khu ổ chuột cuối cùng của thủ đô Seoul, Hàn Quốc ngày 20.1.

Đà Lạt: Nở rộ dịch vụ homestay mùa lễ hội

Minh Phạm |

Để phục vụ nhu cầu khách du lịch đổ về vào dịp Festival hoa Đà Lạt và dịp Tết, nhiều gia đình ở TP Đà Lạt đã tận dụng nhà riêng để làm homestay và nhiều nơi tăng giá gấp đôi mà vẫn thiếu chỗ ở.

Tại sao nên dành tiền để trải nghiệm hơn là mua sắm?

Văn Hào |

Con người của thế kỷ 21 đang mắc kẹt trong một chủ nghĩa tiêu dùng không có lối ra. Những phương tiện truyền thông luôn tiêm nhiễm vào đầu chúng ta ý tưởng rằng: Hạnh phúc là được diện lên mình những bộ cánh đẹp nhất, lái những chiếc xe sang nhất… Nhưng sự thật là, cảm giác hạnh phúc khi sở hữu được những thứ đó sẽ nhanh chóng biến mất, và bạn lại thấy mình loay hoay tìm mua một thứ mới.

Du lịch homestay hút khách

Linh Phương - Mai Châu |

Vài năm trở lại đây, du lịch kiểu “homestay” (ở nhà riêng của người dân) đã xuất hiện tại Việt Nam và ngày càng phát triển. Thay vì chọn những nhà nghỉ hoành tráng, hay khách sạn cao cấp, khách du lịch lại đang có xu hướng ở ngay tại nhà của dân địa phương để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người bản địa. Chính xu hướng này đang khiến trào lưu kinh doanh homestay ngày càng nở rộ trên khắp cả nước.