Họ sẽ lại đi về phía vỉa hè

Hà Quang Minh |

Tôi lục lại câu chuyện vụ nổ súng Đắk Nông năm ngoái, với sự kiện Công ty Long Sơn cuối cùng cũng bị pháp luật sờ gáy do cưỡng chế đất trái phép.

Đọc cả chuỗi sự kiện đã qua, chuỗi sự kiện mà mình từng theo dõi, và lên tiếng, tự dưng tôi bật ra một câu hỏi: “Sai thì phải xử. Nhưng đất ấy cũng có kế hoạch quy hoạch làm dự án rồi. Kiểu gì dân cũng phải bàn giao. Bàn giao xong, những người dân ở đó sẽ đi về đâu, sinh sống ra sao đây?”.

Rồi tôi nhớ chuyện của hơn một năm trước, với những lộn xộn ở Sầm Sơn, Thanh Hoá, mà kéo theo đó là Chủ tịch, Bí thư tỉnh phải đứng ra nói chuyện với dân cho thỏa đáng. Tất cả đều liên quan đến đất. Một tập đoàn nhảy vào xin cấp đất để làm dự án. Thế thì tỉnh nào mà chẳng vui, vì tỉnh cần thêm nguồn thu ngân sách mà. Tỉnh lại muốn cũng được to đẹp, được phát triển. Đất giao cho doanh nghiệp rồi, dân nhận ít đền bù, xong rồi dân lại đi về đâu, sinh sống ra sao đây?

Dự án thép ở Cà Ná vẫn còn đang nằm trên bàn giấy, nhưng đã gây tranh cãi ồn ào bấy lâu nay. Có ông quan chức còn nói rằng “làm sao chỉ trông vào hạt muối với con cá được”. Vâng, nếu giao đất cho doanh nghiệp, dân không còn chỗ để bám biển và làm muối nữa, dân sẽ đi về đâu, sinh sống ra sao đây? Câu hỏi day đi dứt lại kia khiến ta nhớ đến câu hỏi nổi tiếng năm 2016: “Chọn cá hay chọn thép?”.

Đứng giữa những lựa chọn, tất nhiên người chọn lựa phải nghĩ đến chuyện hy sinh. Chấp nhận hy sinh ít hơn để được nhiều hơn, đó là điều ai chẳng hướng tới. Nhưng quan trọng là cái được cho ai? Và hy sinh cho nhân dân sẽ luôn là cái hy sinh đáng trân trọng nhất.

Những hứa hẹn có dự án mới bà con sẽ có công ăn việc làm là những hứa hẹn duy ý chí và chủ quan. 14 năm trước, khi làm việc ở một công ty bao bì ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tôi hiểu. Tuyển công nhân cho nhà máy, chúng tôi chấp nhận luôn cả công nhân chưa lành nghề, không biết nghề, về doanh nghiệp tự đào tạo luôn nhưng số công nhân là người địa phương chỉ chiếm dưới 10%.

Chúng tôi thích công nhân là người địa phương hơn, bởi lựa chọn đó mang lại một sự đảm bảo nhất định với doanh nghiệp. Nhưng cuối cùng, đa số công nhân vẫn chỉ là những người từ địa phương khác tới. Thậm chí họ có nghề, và họ lựa chọn nhà máy của mình cũng chỉ vì mình chịu trả lương cao hơn nơi khác dăm trăm ngàn mỗi tháng mà thôi.

Người cần lao thì luôn thực tế gần. Vì họ gần với cái no - đói hàng ngày. Thế nên khó trách họ được trong chuyện tại sao không nhìn vào đường dài, không chịu học lấy cái nghề để mà đáp ứng được với doanh nghiệp mới vừa được cấp đất dự án là chính mảnh đất canh tác của họ.

Không có đồng tiền chợ cho ngay ngày hôm ấy, làm sao mà sống nổi chứ đừng nói chuyện học cái nghề. Vả lại, người lao động tuổi tác đã 40 - 50, học sao nổi nữa. Khát vọng đường dài của họ đổ lên hết những đứa con, những mầm sống mà họ sẵn sàng hy sinh tất cả để chúng được học cái chữ mà đổi đời.

Rồi trong cái cảnh đất không có, việc làm không, no - đói nó dí tận lưng mỗi ngày, dân biết đổ về đâu? Thôi thì cứ lên thành phố, kiếm lấy bất kỳ việc gì có thể mà làm. Rửa bát thuê, bán báo, bán rau, nhặt ve chai… gì cũng được. Tất cả cùng bám vào lề đường mà sống. Không chường mặt ra đường, lấy gì mà bỏ vào miệng chứ đừng nói đến chuyện nuôi con ăn học thành người. Vỉa hè đô thị oằn gánh trên mình ngần ấy thân phận. Và cái vỉa hè nó trở nên quá tải cũng phải thôi.

Dẹp sạch vỉa hè là việc cần phải làm ngay và khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói rằng: Đằng sau rất nhiều quán bia, bãi gửi xe đô thị đang lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mỗi ngày là sự bảo kê, chống lưng của các quan chức địa phương, chúng ta hiểu rằng, cuộc chiến đòi lại vỉa hè không chỉ đơn thuần là cuộc chiến làm đẹp lại đô thị. Nó còn là cuộc chiến trả cái đúng về chỗ của mình, cuộc chiến đòi lại những dòng tiền lẽ ra phải đổ vào ngân sách một cách minh bạch, chứ không phải được chi cho những nhũng nhiễu, bảo kê và tạo nên mầm bệnh gây nên những vấn nạn xã hội. Nó cũng là cuộc chiến để những người giàu, những người đang kinh doanh trên thân xác vỉa hè phải hiểu và thực hiện trách nhiệm mà họ phải có đối với xã hội, cuộc chiến đòi lại sự công chính ở từng góc nhỏ của đô thị đang muốn ngày một trở nên văn minh hơn.

Cũng chính vì thế, Quốc hội đã tính đến chuyện có thể thông qua việc cho phép thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường ngay trong năm 2017 này, một việc mà chúng ta hiểu rằng, sẽ đưa ra các tiêu chuẩn minh bạch để giúp đô thị văn minh hơn, tránh được nạn nhũng nhiễu lề đường. Trước thông tin ấy, tôi chợt thấy hy vọng về một Hà Nội, một Sài Gòn, một Đà Nẵng… sẽ bắt kịp các đô thị văn minh trên thế giới, nơi sẵn sàng cấp phép cho cả người bán hàng rong, loại giấy phép 1 năm phải đổi một lần, để có thể kiểm tra thực tế điều kiện kinh doanh của người bán hàng rong có đạt tiêu chuẩn mà hội đồng TP đưa ra hay không.

Bao giờ ở Việt Nam mình, người bán hàng rong được cấp cái quyền như thế, được hướng dẫn để hiểu luật mà chấp hành luật, được quyền mưu sinh ở các đô thị lớn đây?

Tại sao tôi lại nghĩ đến những người bán hàng rong, những người nghèo mưu sinh ở phố? Dễ hiểu thôi, họ chính là những dòng người từ nông thôn đổ lên thành phố, khi họ không còn cơ hội ở quê nhà.

Ai cũng muốn sạch đẹp và văn minh, ai cũng muốn nơi mình ở phải thực sự “long lanh”, với những con người văn hoá. Nhưng nếu ta nhìn ra ngoài kia, ta sẽ thấy có những mảnh đời khác hẳn với điều kiện của mình. Muốn đẹp ư? Ai mà chẳng muốn. Nhưng có những người phải nghĩ đến thứ cơ bản trước nhất đã. Ấy là Phải Sống.

Sẽ không bao giờ có đô thị văn minh cả nếu như người dân lao động ở các địa phương khác không có đất để làm nghề. Và kể cả 365/365 ngày, mỗi quận một ông lãnh đạo trực tiếp đi dẹp loạn đi chăng nữa, cái vỉa hè vẫn phải chịu phận của riêng nó: Oằn mình gánh những mưu sinh.

Khi ta đi đòi vỉa hè cho thị dân, thì cũng cần đòi quyền được sinh nhai cho dân nghèo ở những vùng dự án…

Hà Quang Minh
TIN LIÊN QUAN

Lỗ thủng văn hóa

Hà Quang Minh |

Trong trào lưu các chương trình game show hài và ca hát nảy nở đến bội thực như ngày hôm nay, một câu chuyện cho mỗi tập để báo chí có thể kéo dư luận vào bàn tán có lẽ là thứ mà BTC luôn muốn tạo ra nhất.

Dòng xe nối nhau trở về Hà Nội, cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc kéo dài

Phương Anh |

Từ chiều đến khuya mùng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do lượng lớn các phương tiện đổ dồn về thủ đô sau kỳ nghỉ Tết khiến cho giao thông trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Thiên đường của loài mèo

Thanh Hà |

Trong thành phố cổ từng do các sultan và hoàng đế cai trị, đế vương thực sự là những con mèo khiêm nhường đang lang thang khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm.

Quảng Ninh: Khởi đầu cho mục tiêu 12,5 triệu khách du lịch năm 2023

Đoàn Hưng |

Dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhờ dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát và thời tiết thuận lợi, các điểm đến của Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận lượng khách tăng mạnh.

Áp lực lạm phát đè nặng trong năm 2023

Hương Nguyễn |

Bài toán lạm phát tiếp tục là câu chuyện khó đối với những nhà điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhận định gì về lạm phát trong năm 2023.

Chưa hết Tết, giao thông cửa ngõ Thủ đô đã căng thẳng

Nhóm PV |

Ngày 25.1 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán), dù chưa hết kỳ nghỉ Tết nhưng lượng người đổ về trung tâm Hà Nội tăng đột biến khiến các cửa ngõ nhiều điểm ùn tắc cục bộ.

Áp lực việc nhà ngày Tết: Chị em phụ nữ cần được san sẻ

MINH HÀ - ĐỨC TRUNG |

Theo chuyên gia tâm lý Tuệ An, để giảm bớt gánh nặng việc nhà trong ngày Tết, chị em phụ nữ không nên tạo áp lực nặng nề cho mình, tích cực làm việc nhưng cũng cần biết tự giải phóng bản thân. Đồng thời, mỗi thành viên trong gia đình đều có trách nhiệm tham gia tổ chức sinh hoạt trong những ngày tết chứ không phải riêng gì chị em phụ nữ.

Người nghệ nhân với hành trình nâng cao vị thế phụ nữ Mông

Nguyễn Tùng |

Hà Giang - Không chỉ đưa thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình ra với thế giới, nữ nghệ nhân Vàng Thị Mai còn giúp thay đổi cuộc sống và nâng tầm vị thế của hàng trăm người phụ nữ Mông nơi cao nguyên đá.

Lỗ thủng văn hóa

Hà Quang Minh |

Trong trào lưu các chương trình game show hài và ca hát nảy nở đến bội thực như ngày hôm nay, một câu chuyện cho mỗi tập để báo chí có thể kéo dư luận vào bàn tán có lẽ là thứ mà BTC luôn muốn tạo ra nhất.