“Hiệp sĩ toa-lét” và cuộc cách mạng nhà vệ sinh

Lê Tuyết |

Hiệp “toa-lét” là biệt danh mà những người yêu quý đặt cho anh Lê Văn Hiệp - Giám đốc Cty TNHH TM- DV& Môi trường Kim Hoàng Hiệp (Bình Dương), Trưởng ban Vận động Hiệp hội Nhà vệ sinh tại Việt Nam, Trưởng đại diện tổ chức Nhà vệ sinh thế giới tại Việt Nam. Như lời vợ anh, chị Đoan Thanh thì “ngồi ở đâu, dù bàn ăn, cà phê hay phòng họp, anh ấy đều nói về toa-lét, về “cuộc cách mạng” nhà vệ sinh với một giọng điệu hào hứng, sôi nổi và đầy đam mê. Với anh ấy, toa-lét là số 1, vợ chỉ là số 2”.
Giấc mơ nhà vệ sinh miễn phí chuẩn “5 sao”
Một ngày cuối tuần tháng 6, anh Hiệp nhắn tôi “Mời người anh em chiến hữu đến trải nghiệm sản phẩm cabin nhà vệ sinh thông minh quy chuẩn quốc tế “5 sao” tại số 5 đường 30 tháng 4 Thủ Dầu Một, Bình Dương vào 15 giờ chiều nay. Mong gặp anh em”. Nhận tin nhắn, chợt vui mừng cho giấc mơ nhà vệ sinh miễn phí của anh dần nên hình hài.
Cabin nhà vệ sinh thông minh phiên bản thứ hai gồm hai buồng, trong đó có một buồng rộng rãi 2,88 mét vuông dành cho người khuyết tật được đặt trong sân Trung tâm văn hóa Điện ảnh tỉnh Bình Dương, gây ngạc nhiên cho nhiều người qua lại. Một vài vị khách nước ngoài ban đầu vì tò mò mà sử dụng, sau đó không giấu được vẻ thích thú đưa tay làm dấu “number one”.
Trời oi bức dù đã về chiều, Hiệp “toa-lét” với khuôn mặt đẫm mồ vẫn hôi không ngừng nói về công trình của mình: “Đây là phiên bản thứ hai, tôi đang cho anh em hoàn chỉnh lại một vài chi tiết, phiên bản hoàn thiện nhất sẽ đặt ở một số điểm như Nhà hát, Bệnh viện quận 1, vỉa hè đường Nguyễn Văn Bình tại TPHCM, tại Bình Dương, chúng tôi đã khảo sát ở một số địa điểm. Sau đó là Huế, Đà Nẵng”.
Vậy cabin nhà vệ sinh thông minh này có gì đặc biệt và khác biệt? Trả lời cho câu hỏi của tôi, anh nói liền một mạch, không vấp một chữ: Hoàn toàn tự động, phục vụ người dùng bằng cảm ứng, người sử dụng không phải chạm tay vào bất kỳ thiết bị nào từ mở cửa, cấp giấy, rửa, sấy tay, xả nước... Ngồi bên trong sẽ quan sát bên ngoài qua camera; Người sử dụng đánh giá mức độ hài lòng, cách phục vụ khi bấm nút “hài lòng” hoặc “không hài lòng”. Người sử dụng khi có vấn đề về sức khỏe, chỉ cần bấm nút SOS được đặt sẵn, tín hiệu sẽ được truyền về trung tâm để hỗ trợ người dùng; Nguồn điện được sử dụng từ năng lượng mặt trời 5 - 48 Vôn; Chi phí lắp đặt không hề đắt đỏ vì các thiết bị sẽ được sản xuất hàng loạt. Mọi vấn đề ở cabin được tự động truyền về trung tâm, trung tâm sẽ phát tín hiệu đến người phụ trách cabin để xử lý.…
“Theo cách vận hành này, ngồi ở Bình Dương hoàn toàn có thể xử lý được sự cố ở nhà vệ sinh ở Huế, Đà Nẵng nhỉ?” - tôi hỏi. Anh cười xác nhận: “Điều khiển từ xa hết. Công trình nhà vệ sinh thông minh có 5 sáng chế tiện ích đã được Bộ Khoa học Công nghệ công nhận gồm: Tự động, bán tự động tiêu/ tiểu/ rửa tay; Hút mùi tự động; Kiểm tra chất lượng Nhà vệ sinh bằng internet”.
Hiệp “toa-lét” có một suy nghĩ khá hay, rằng nhà vệ sinh là phải miễn phí, phải đạt chuẩn “5 sao”! Anh lý giải: Hiện có quy định phạt “tè bậy” 3 triệu đồng/lần nhưng nếu mỗi lần đi vệ sinh mất 5.000 đồng, mỗi ngày đi vệ sinh vài lần, đối với những người sống chủ yếu ngoài đường như các bác xe ôm, chú ba gác, anh bốc vác, người lao động tay chân... Mỗi ngày họ phải mất bao nhiêu tiền cho cái chuyện họ vốn nghĩ không quan trọng ấy? Rồi xử phạt như thế nào với một người chạy xe ôm cả ngày ròng rã chỉ được vài chục ngàn đồng?
“Muốn thay đổi thói quen sử dụng nhà vệ sinh của người dân, trước hết nhà vệ sinh đó phải hấp dẫn. Tôi dùng chữ “hấp dẫn” tức là phải đạt chuẩn “5 sao”, tự động hoàn toàn, không chỉ sạch sẽ mà còn phải thơm. Người dùng được sử dụng miễn phí nhưng phải được quyền đánh giá là chất lượng phục vụ” - anh nhấn mạnh.
“Cuộc cách mạng” lớn cho nhu cầu bé!
Gặp Hiệp “toa-lét” lần đầu, người đối diện sẽ không thể ngờ, chưa đầy 3 năm trước, anh vốn là một doanh nhân chuyên bất động sản nổi tiếng ở Bình Dương, không có bất kỳ một khái niệm hoặc bận tâm gì về nhà vệ sinh. Vóc người tầm thước, vầng trán cao và đặc biệt giọng nói rổn rảng, khuông miệng hay cười, anh bảo: “Ở tuổi ngoài 40, tôi biết những điều gì mình cần phải làm, điều gì là đúng đắn”.
Chuyện bắt đầu khi con gái lớn của anh than phiền đến trường không dám uống nước do sợ đi tiểu bởi chỉ cần “nghĩ đến nhà vệ sinh ở trường, con đã rùng mình, ớn lạnh”. Không chỉ nhịn tiểu, những nhu cầu bức thiết khác của con gái cần dùng nhà vệ sinh như tới kỳ kinh nguyệt... đều là nỗi ám ảnh của con mỗi khi đến trường. Anh bộc bạch: “Là một người cha, tôi nghĩ, con gái tôi cần một nhà vệ sinh sạch sẽ và chắc chắn con gái của bất cứ ai, con và chúng ta đều cần những nhà vệ sinh sạch sẽ”.
Nghĩ là làm. Anh giao lại việc kinh doanh cho những người thân tín, lĩnh vực bất động sản anh giao lại cho vợ, một mình anh đi tìm hiểu về nhà vệ sinh! Những ngày đầu tiếp xúc với các trường học, bệnh viện, các nhà vệ sinh công cộng, nhiều người không những không hỗ trợ mà nhìn anh như kẻ biến thái, có nơi còn xua đuổi với lý do “nhà vệ sinh là công trình phụ, không cần thiết”. Anh tổ chức các cuộc thăm dò, lấy ý kiến của nhiều đối tượng, đặc biệt là người nước ngoài đến Việt Nam về nhà vệ sinh để có thêm cơ sở. Sau này, anh có thêm ba đồng nghiệp hỗ trợ, trong đó có bà xã Đoan Thanh của anh. Anh đi nước ngoài học về nhà vệ sinh mới biết có Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới (World toilet organization).
Với tất cả tâm huyết của mình, anh trở thành Trưởng đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới tại Việt Nam. Bắt đầu tìm hiểu về nhà vệ sinh từ năm 2014, trong hai năm 2015 - 2016, anh Lê Văn Hiệp đứng ra tổ chức hai sự kiện “Cuộc chạy khẩn cấp” nhân ngày Toilet thế giới 19.11 nhằm thúc đẩy mọi người quan tâm hơn tới việc xây dựng các nhà vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo sức khỏe. Tất cả kinh phí gần 5 tỉ đồng đều do anh bỏ tiền túi và tự vận động mạnh thường quân.
Nhắc đến tiền, chị Đoan Thanh cười cười: “Người ta kinh doanh là mang tiền về nhà, hoặc ít nhất có mua vào, bán ra. Đằng này, anh Hiệp mang mấy chục tỉ đi rồi mà chưa thấy thu về”. “Vậy chị có phiền lòng không?” - tôi hỏi. “Ban đầu có phiền vì ngồi đâu tôi cũng nghe anh ấy nói chuyện toa-lét, ngay cả những lúc riêng tư của hai vợ chồng tôi cũng nghe toa-lét nhưng ảnh đam mê quá, tôi yêu chồng nên thay vì phiền, tôi trở thành người hỗ trợ đắc lực cho ảnh” - chị cười, có chút bẽn lẽn.
Với Hiệp “toa-lét”, mục đích của anh là làm “cuộc cách mạng” thay đổi chất lượng nhà vệ sinh tại Việt Nam, bắt đầu từ trường học, bệnh viện, các khu vực công cộng đông người và hoàn toàn miễn phí cho người dùng. Kinh phí để sử dụng bằng nguồn xã hội hóa, vốn được thu hồi từ quảng cáo, đặt trụ ATM... Kế hoạch là vậy nhưng đến giờ vẫn còn vướng nhiều thủ tục. Anh bộc bạch: “Tôi không xin Nhà nước tiền bởi Nhà nước còn rất nhiều chuyện để lo, tôi chỉ xin cơ chế để mình an tâm làm. Còn bây giờ, trước khi có cơ chế, tất cả các công trình nghiên cứu, nhà vệ sinh miễn phí mà Kim Hoàng Hiệp đang xây dựng đều từ chính tiền túi của tôi hoặc tôi vận động một vài nơi thân thiết tham gia, hỗ trợ”.
Không chỉ xây dựng nhà vệ sinh thông minh miễn phí, Hiệp “toa-lét” còn liên hệ với Tổ chức Nhà vệ sinh thế giới để mở các khóa học miễn phí ngắn hạn về thiết kế nhà vệ sinh, đào tạo đội ngũ nhân viên nhà vệ sinh. Anh đúc kết: “Đa phần người dân xem nhà vệ sinh là công trình phụ nên không chú trọng nhưng thực tế nhà vệ sinh có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nếu thiết kế, vận hành không đúng cách. Bên cạnh đó, các nhân viên làm việc tại các nhà vệ sinh hiện nay chưa được đào tạo đúng nghĩa để họ tự hào xem đó là một nghề như tất cả những nghề khác. Họ cần được tôn trọng, cần có hợp đồng làm việc, lương thưởng, bảo hiểm xã hội, chăm sóc sức khỏe... Phải để cho họ yêu công việc của mình thì họ mới làm tốt được”.
Phía trước “cuộc cách mạng” nhà vệ sinh là một chặng đường dài với không ít thử thách mà anh Hiệp và đồng đội của mình cần vượt qua. Nhiều người thương mến gọi anh là Hiệp “toa-lét”, với tôi, anh như một hiệp sĩ đã và đang nỗ lực làm một công việc mà không phải ai cũng đủ dũng cảm để làm đó là “giải cứu” toa-lét!
Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Cụm CĐ số 9- CĐ Tổng Cty Bưu điện VN: Khai mạc hội thảo đề xuất sáng kiến thi đua hoàn thành chỉ tiêu năm 2017

T.Thúy |

Ngày 28.5, tại TP Nha Trang, Cụm Công đoàn số 9 – Công đoàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội thảo “Thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạt năm 2017”.

Sáng kiến ở Lọc dầu Dung Quất tiết kiệm 226 tỉ đồng/năm

Đ.CHÍNH |

Tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, kỹ sư Đào Xuân Giỏi và các cộng sự Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba với đề tài: “Giải pháp giảm nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại Phân xưởng chưng cất dầu thô CDU, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Cụm CĐ số 9- CĐ Tổng Cty Bưu điện VN: Khai mạc hội thảo đề xuất sáng kiến thi đua hoàn thành chỉ tiêu năm 2017

T.Thúy |

Ngày 28.5, tại TP Nha Trang, Cụm Công đoàn số 9 – Công đoàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức hội thảo “Thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạt năm 2017”.

Sáng kiến ở Lọc dầu Dung Quất tiết kiệm 226 tỉ đồng/năm

Đ.CHÍNH |

Tại lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2016 vừa diễn ra tại Hà Nội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, kỹ sư Đào Xuân Giỏi và các cộng sự Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đạt giải Ba với đề tài: “Giải pháp giảm nhiệt độ tường lò, giảm nhiệt độ khí thải và tiết kiệm nhiên liệu cho lò gia nhiệt H-1101 tại Phân xưởng chưng cất dầu thô CDU, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất”.