Hiện hữu nhiệm màu

Bảo Chân |

Nếu như ngàn vạn cuộc gặp trên đời đều tùy duyên thì “duyên kỳ ngộ” đã dẫn dắt tôi diện kiến linh ảnh một trong những đấng giác ngộ viên mãn có quyền năng phi thường và trong tôi bỗng trỗi lên nỗi khát khao được chiêm bái những rặng núi tuyết phía bên kia dãy Hymalaya.

Rồi một ngày đẹp trời trước mùa hoa tuyết rơi, tôi đã quỳ dưới đỉnh cao cô quạnh trong thung lũng Dedrom, nơi lịch sử ghi dấu và người đời tin rằng, vị Phật tại thế Liên Hoa Sanh từng hành thiền suốt 7 năm để tích tập công lực, quyền năng, vượt lên mọi cảnh giới, thiết lập giáo pháp và hướng dẫn chúng sinh mở rộng bồ đề tâm, diệt trừ tham, sân, si…

Phật tại thế

Khi đức Phật sắp thị tịch ở Kushinagara, trong lúc các đệ tử than khóc, Ngài đã nói: “Trong cõi vô thường này, chúng sinh không thể tránh được cái chết, đã tới lúc ta phải ra đi. Nhưng đừng than khóc nữa, vì 12 năm sau khi ta lìa thế gian, ở hồ Dhanakacha, phía tây bắc của xứ Urgyan sẽ có người thông thái và đây quyền năng, tâm linh mạnh hơn ta, sinh ra trong một đóa hoa sen. Người đó sẽ được gọi là Liên Hoa Sinh và truyền bá Mật giáo”.

Thật thú vị, đến bây giờ, các nhà nhân chủng học cũng như sử gia và chuyên gia nghiên cứu nguồn gốc tôn giáo đều thừa nhận đại sư Liên Hoa Sinh là một nhân vật lịch sử đã có công rất lớn trong việc truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ sang Tây Tạng, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ngài được thần thánh hóa với rất nhiều huyền tích linh thiêng.

Theo tiểu sử của đức Liên Hoa Sinh được viết bởi nữ đại đệ tử người Tây Tạng Yeshe Tsogyal, ngài sinh ra giữa một đóa hoa sen trong hồ Dhanakosha ở vùng Gandhara, thuộc về Pakistan và Afghanistan ngày nay. Duyên lớn đưa lên ngôi thái tử xứ Oddiyana, nhưng ngài quyết vượt qua mọi thử thách để có thể rời bỏ cung đình, thỏa nguyện ước mơ “tầm sư, học đạo” rồi nhanh chóng trở thành tu sĩ xuất chúng với ý chí phi thường và công năng vi diệu.

Sau khi đắc pháp đại thành tựu (dzogchen), đại sư Liên Hoa Sinh đến Tây Tạng để xây dựng thiền viện Samye, theo lời mời của vua Trisong Deutsen Ngài ở lại xứ tuyết 55 năm 6 tháng, đồng hành cùng nhà vua, dẹp trừ cường bạo, loại bỏ tà đạo và chiến đấu với rất nhiều thế lực đen tối để dựng xây đất nước, giữ yên cương thổ, đồng thời thực hiện sứ mệnh truyền thừa giáo pháp Mật Tông.

Hành hương về xứ Phật, chúng tôi may mắn được tham dự pháp hội “nguyện cầu cho thế giới hòa bình” dưới sự chủ trì của Lama Drupon Sonam Jorphel Rinpoche - Tu viện trưởng Tu viện Tara Foundation cùng Đại bảo tháp Liên Hoa tại Lâm Tì Ni và Tu viện Rinchen Palri ở Kathmandu (Nepal), cũng là người sáng lập Trung tâm Thiền quốc tế ở Tu viện Lamayuru (Ấn Độ). Là một trong những hành giả nổi tiếng của dòng Drikung Kagyu, Lama Sonam Jorphel Rinpoche đã đi khắp thế giới và gần đây thường xuyên hoằng pháp tại Việt Nam. Những lần đảnh lễ, được nghe Sonam Jorphel Rinpoche giảng giải, tôi hiểu tại sao tất cả Phật tử các dòng truyền thừa không gián đoạn đều gọi đức Liên Hoa Sinh là Guru Rinpoche (thầy của các bậc thầy) và tin rằng ngài vẫn tại thế, không biến đổi theo thời gian.

Nơi ở của đạo sư

Trên đường sang Tây Tạng, đức Liên Hoa Sinh đã qua Nepal và ở lại đây một thời gian khá dài để thuyết giảng giáo pháp, hàng phục ma quỷ... Tại Nepal, nơi ngài hành thiền lâu nhất là làng Pharping, cách phía tây thủ đô Kathmandu ngày nay khoảng gần 20 cây số.

Một ngày cuối mùa thu, chúng tôi cùng nhóm tu sĩ trẻ của dòng Drikung Kagyu ở Kathmandu đến thánh địa Pharping. Lama Namgyal Kharbu cho hay: “Thánh địa là nơi các đạo sư chứng ngộ trong quá khứ đã từng thực hành và thành tựu và cũng là nơi nhận gia hộ cho các hành giả tu tập thời nay. Động Asura và Singye Phug là 2 nơi Guru Rinpoche đã ở trong suốt thời gian ngài hành thiền và giác ngộ chân lý Phật đà (vào khoảng giữa thế kỷ thứ VIII). Ngài để lại dấu lòng bàn tay ở bên trái cửa hang Asura để đánh dấu sự kiện giác ngộ của mình. Theo truyền thống Phật giáo Mật tông, động Asura là một trong những “nơi năng lực thiêng liêng” nhất, ngày nay rất nhiều tu sĩ tìm đến đây thực hành thiền định”.

Lặng lẽ chạm dấu tay Guru Rinpoche trên vách đá trước khi vào hang dâng cúng đèn bơ, quán hơi thở thật đều, thật khẽ…, tôi cảm nhận rất rõ ràng có một lý do vô cùng tốt đẹp để ở một mình, mở rộng tâm hồn, lắng nghe sự im lặng bao trùm vũ trụ. Hang thiền đơn sơ trong trạng thái bổn nhiên ngàn đời của đá, linh ảnh Guru Rinpoche trên bàn thờ của ngài dõi theo từng cử động của con người. Tôi tin, ngàn vạn năm trôi qua, tinh thần của đạo sư vẫn hiển hiện. Ngài đã thu phục tất cả quanh mình ngay từ cái nhìn đầu tiên - rực rỡ và hùng mạnh, khác thường nhưng rất người. Vâng, đôi mắt ấy khiến tôi nghĩ rằng, linh ảnh không phải là sự bày tỏ thiêng liêng của thực tại cuối cùng mà nhờ đó có thể hiểu rõ nguồn gốc tâm lý sâu xa của những trạng thái cảm xúc đang dâng đầy. Và hẳn nhiên, cảm xúc mãnh liệt đã thôi thúc tôi đến Tây Tạng với tâm nguyện theo dấu Guru Rinpoche!

Lịch sử Phật giáo Tây Tạng ghi rõ, đại giáo sĩ Liên Hoa Sinh (Padmakara) đã đi thăm 20 ngọn núi tuyết của Ngari, 21 nơi thực hành ở miền trung Tây Tạng và Tsang, 25 nơi ở Dokham, 3 thung lũng ẩn khuất và nhiều nơi khác. Mỗi nơi, ngài đều ban phước thành “nơi năng lực thiêng liêng” để mọi người thực hành.

Rất vui, tất thảy tu sĩ mà chúng tôi gặp trên đường về xứ tuyết đều khẳng định, Dedrom là một trong những thánh tích rất thiêng liêng ở miền Trung Tây Tạng. Trước khi đến đây, chúng tôi đã được Sư trưởng Drupon Sonam Jorphel Rinpoche dạy rằng: “Guru Rinpoche từng hành thiền tại Dedrom suốt 7 năm và hàng phục rất nhiều ma quỉ, để bảo vệ dân lành ở vùng đất chưa có Phật giáo. Giữa thung lũng có một dòng suối lớn với nhiều hồ khoáng nóng không bao giờ cạn. Tương truyền, suối nguồn phát lộ sau khi Guru Ronpoche trừng phạt Long vương. Bao đời nay, người Tây Tạng luôn tin rằng, tắm khoáng nóng ở Dedrom có thể thanh tẩy uế trược và gia tăng năng lượng…”

Chúng tôi đến Dedrom đúng vào dịp lễ hội tắm suối thiêng của người Tây Tạng. Nghỉ ở thung lũng Dedrom 8 ngày - đêm với những người lần đầu tiên gặp, đó là khoảng thời gian đủ để sửa soạn thân tâm trước khi lên thăm nơi ở của Guru Rinpoche trên đỉnh núi cao gần 5.000 mét. Không dám hy vọng đôi chân đã yếu vì bị khô khớp gối có thể hiểu bản thân đến vậy, nhưng rõ ràng tôi đã mở lòng để đi và đến!

Không chỉ cao và rộng hơn so với động Asura, hang thiền của đạo sư Liên Hoa Sinh trên đỉnh Dedrom còn có một dòng suối lộ thiên. “Trong suốt thời gian hành thiền cùng vị phối ngẫu tâm linh vĩ đại Yeshe Tsogyel, ngài rất ít khi xuống núi. Tại đây, Guru Rinpoche đã trao truyền cho Yeshe Tsogyel tất cả giáo lý để đức bà trở thành bậc kế thừa tâm linh. Ngày nay, với tâm thanh tịnh, người đời có thể dâng cúng Guru Rinpoche bất cứ thứ gì mình có. Nếu không quản ngại khó khăn cách trở, bạn sẽ tìm thấy đường lên núi và được thọ nhận nước suối thiêng ngay trong hang thiền” - vị sư nữ trông coi thánh tích trên đỉnh cao cô quạnh, cho hay: “Trước tôi là một nữ tu sĩ khác, bà được xem là hóa thân của đức Yeshe Tsogyel. Rồi hội đồng tu viện Dedrom sẽ quyết định lựa chọn tu sĩ khác thay thế dựa trên sự quán chiếu và đề nghị người tiền nhiệm. Trong suốt 12 năm liên tục thực hành bổn phận cao quý này, tôi nhận thấy, dù ngày hay đêm, mưa hay nắng, mùa bão tuyết u ám hay khi mặt trời tỏa sáng ấm áp..., ngọn đèn chánh pháp trên bàn thờ Guru Rinpoche chưa bao giờ tắt”.

Trong ánh sáng tiềm tàng ở nơi trời và đất gặp nhau, một lần nữa tôi chạm đến đôi mắt rực rỡ và hùng mạnh, khác thường nhưng rất người của Guru Rinpoche. Đó là lúc tôi cảm niệm được ngài ban phước một bài học về “tâm thành, chánh quả”. Lại nhớ, trong sách Đại Thừa khởi tín luận có giải thích, khi người học đạo thấy linh ảnh của thiên thần, Bồ Tát và Như Lai, xung quanh là ánh sáng bừng mở thì nên nghĩ rằng, đó là do tâm tạo và không có thực tính. Thật hạnh phúc, dù rằng với tôi, linh ảnh thị hiện chỉ một khoảnh khắc, nhưng sự thực tương đối do tâm tạo có thể sánh với năng lực phi thường.

Phải chăng đó là một dạng trao đổi giữa con người với con người trong yên lặng?

Tạm biệt Dedrom, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Samye - thiền viện đầu tiên ở Tây Tạng do vua Trisong Deutsen và Guru Rinpoche xây dựng cách nay 13 thế kỷ. Tôi tin, bằng chánh niệm và cởi mở tấm lòng, chúng ta có thể tiếp xúc với hiện hữu nhiệm màu.

Bảo Chân
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.