Hà Nội chẳng bao giờ vắng họ

Nguyễn Năng Lực |

"Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ" - câu ca dao ấy không chỉ nói về những nghề đòi hỏi tinh xảo như kim hoàn mỹ nghệ, chế tác đồ trang sức, mà cả về những nghề bình dân. Đã mưu sinh ở đất Hà thành, thì phải khéo tay hay nghề mới trụ nổi.

Nhất nghệ tinh

Nhà tôi có mấy cái quạt điện, chạy sà sã cả chục năm, nay bắt đầu giở chứng.

Đầu tiên là cái quạt hơi nước, đang yên đang lành bỗng thở hắt ra. Ấn nút khởi động, nó chỉ rồ lên vài giây rồi ắng lặng. Chợt nhớ phố bên có ông thợ, thấy bảo giỏi lắm, tôi xách cái quạt đến, cứ phân vân, chả biết giá cả thế nào, liệu có một tiền gà ba tiền thóc không, hay thà mua cái quạt mới còn hơn.

"Xưởng" của ông thợ là căn phòng hẹp chừng chục mét vuông, chất chồng những quạt, những lò vi sóng, những động cơ cũ hỏng, có cái chờ sửa, có cái để lấy linh kiện. Mấy thứ đồ đang sửa bày khá gọn gàng trên vỉa hè, xung quanh ông thợ là ổ cắm, đèn tín hiệu mắt cua đỏ đòng đọc, là mỏ hàn, tô vít... Ông thợ trạc 60 tuổi, người nhỏ gọn, nét mặt hồ hởi, thân thiện, kiểu người luôn tự hài lòng và muốn người khác hài lòng với mình. Đón cái quạt tôi trao, ông cắm điện, thử khởi động, rồi tháo nắp vỏ ra xem. Ngẫm nghĩ, ngửi hít một lát, ông phán: Nổ bảng mạch rồi, không có linh kiện thay thế đâu ạ. Thấy vẻ bần thần của khách, ông gợi ý: "Nếu bác đồng ý, em sẽ lắp mấy cái công tắc, nối điện trực tiếp, không phải qua bảng mạch nữa". Thế rồi, cái quạt được hồi sinh, đủ cả các chức năng đảo gió, phun hơi nước, mất có 100.000 đồng, chỉ phiền mỗi lần muốn điều khiển lại phải ra tận nơi vặn công tắc.

Lần thứ hai là cái quạt Panasonic điều khiển từ xa, đã bền bỉ cả chục năm bỗng không nhận tín hiệu từ remote nữa. Lần này, tôi ngờ rằng ông chịu, vì liên quan đến điều khiển từ xa với IC vi mạch... trình độ "thợ vườn" liệu có xử lí được. Ấy thế mà ông bảo: "Để em mang về nhà, tối nay nghiên cứu". Hôm sau, ông gọi điện bảo xong rồi đấy. Cái quạt lại êm ái như chưa hề hỏng hóc. Tiền công, tiền linh kiện mất 150.000 đồng, so với ngót 3 triệu đồng mua quạt thời giá hơn 10 năm trước, quá được...

Tôi thích thú quan sát ông làm việc, giao tiếp. Khách của ông phần lớn là dân áo ngắn, hoàn cảnh chả dư dả gì nên mới phải mang đồ cũ hỏng ra sửa, vớt vát, tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy, chứ chả nhẽ mỗi lần trục trặc lại vứt đi, chạy ăn còn mệt, tiền đâu mà sắm đồ mới. Ông quê Đan Phượng, học xong cấp III thì xin đi học sơ cấp 6 tháng nghề điện ở trường Thanh Trì, rồi đi bộ đội 4 năm. Ra quân, ông xin đi làm ở ngành Môi trường để có hộ khẩu Hà Nội, rồi bỏ việc, đi làm hộp quảng cáo. Ông khoe, ngày làm quảng cáo ở phố Lê Văn Hưu, thỉnh thoảng ông được gặp ông Phạm Thế Duyệt, ông Nguyễn Lân Dũng. Ông Dũng đi xe Chaly, cũng trà chén, cơm hộp như nhiều người. Ông gom tiền, mua được căn nhà nhỏ trong ngõ làng Vòng, thuê chỗ mở cửa hàng sửa chữa đồ điện đã chục năm, có uy tín trong một vùng bán kính vài cây số, đủ bận rộn, đủ "rau cháo cho con đi học".

Ông thợ giày trên vỉa hè bên kia đường đối diện quán Cà phê Sách chỉ có cái tủ con con, cái bàn con con bày những đôi giày đã sửa, chờ trả cho khách. Khách cũng đủ thành phần, cậu nhân viên công ty, cô thợ gội đầu... Họ mang đến những đôi giày mới có, cũ có. Giày mới thì nhờ khâu thêm đường chỉ, dán thêm miếng đế cho khỏi bong. Có những đôi giày cao gót, đế nhọn hoắt đưa đến để ông dán miếng cao su bé tẹo bằng cái móng tay cho lâu mòn, đi cho êm... Khi làm việc, nom ông y như nhân vật trong Truyện cổ Grimm, tấm tạp dề da nhem nhuốc phủ kín bụng, kín đùi, cái cốt giày, cây kéo sắc lẻm, con dao khoằm ngắn ngủi... Ông cứ nhẩn nha, kiên nhẫn dùi, luồn chỉ theo một cách riêng để khâu một đường viền bao quanh đế giày. Vừa làm ông vừa nhỏ nhẹ kể chuyện. Ra ông vốn là thợ Nhà máy Da Giầy Thụy Khuê, đã từng tu nghiệp tại Hãng Bata nổi tiếng bên Tiệp Khắc những năm thời bao cấp. Nhà ông bị giải tỏa làm đường, được đền bù căn hộ khu tái định cư X3 Cầu Giấy. Mưu sinh, ông phải ra vỉa hè. Ông lấy công phải chăng, thường chỉ mấy chục nghìn đồng, thì khách của ông cũng chỉ sắm đến đôi giày vài ba trăm nghìn đồng là cùng. Khách sang đi giày tiền triệu ít khi vời đến ông, trừ khi cần đánh xi.

Quân là thợ sửa xe máy có uy tín ở phố Cầu Giấy, dù rằng cậu bị di chứng một cơn sốt hồi 3 tuổi khiến tay trái yếu hẳn. Học xong phổ thông, cậu theo nghiệp bố. Bố cậu là thợ xe máy quốc doanh những năm 1980-1990. Nhà có tí mặt tiền còn lại sau khi giải tỏa mở đường, cậu mở cửa hiệu, tự làm tự ăn. Khách đến sửa xe ung dung ngồi uống trà ngon, giao lưu chuyện trên giời dưới bể, trong khi cậu cứ nhoay nhoáy làm. Cậu sẵn sàng cho khách thiếu nợ tiền, sau nhớ thì trả. Cứ thế mà đủ nuôi hai con ăn học.

Khu dân cư nào cũng có những "hiệu" sửa chữa quần áo ở ngay căn hộ, hoặc chân cầu thang, sảnh chờ thang máy với tiền công rất dễ chịu. Khu vực Chợ Giời, đầu phố Phủ Doãn... vẫn còn những người thợ vá yếm xe. Họ làm việc một cách điêu luyện, kế thừa tinh hoa của nghề vá dép nhựa những năm 60, 70 thế kỷ trước.

Chưa có một thống kê đầy đủ, chính xác Hà Nội có bao nhiêu người sống bằng nghề dịch vụ. Những người thợ lam lũ ấy tuy làm nghề thủ công, không đòi hỏi quá tinh xảo nhưng phần lớn đều chân thật, tử tế. Không chỉ sửa chữa, họ còn cẩn thận dặn dò khách cách bảo quản, giữ gìn đồ dùng được bền, đẹp. Tuy chưa đến mức xây được biệt phủ nhà lầu, nhưng họ cũng có thu nhập đủ ăn, nuôi con đi học. Và câu răn dạy của các cụ: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" bao giờ cũng đúng. Vinh đây là nỗi vinh quang của người lao động lương thiện. Ngược lại, anh nào làm cẩu thả, chất lượng kĩ thuật, mỹ thuật kém, đương nhiên bị đào thải, mất khách, đói.

Nghề sửa giày.
Nghề sửa giày. Ảnh: Năng Lực

Mẹo vặt

Cũng như nhiều người, tôi hay tìm đến thợ quen mỗi khi có việc. Đã mấy chục năm nay, tôi chỉ cắt tóc ở hiệu ông Thọ, thành ra ông rất thuộc "phom" đầu của khách. Hoặc cái xe máy phân khối lớn có chuyện, tôi thường chỉ đến một cửa hiệu ở phố Phủ Doãn. Nhà ấy trước có cháu Chính rất trẻ mà tay nghề rất khá, lại trung thực, tận tình. Những nơi làm ăn tử tế thường khá đông khách, toàn khách ruột.

Nhưng có nhiều thợ đánh đổi uy tín của mình lấy chút lợi. Một lần cái xe máy của con trai tôi vừa rửa xong, nổ máy đi được một đoạn thì tậm tịt. Dắt xe vào hiệu bên đường Nguyễn Khánh Toàn, thợ phán hỏng hai con IC, thay mới hết 500.000 đồng. Con gọi điện về cầu cứu bố. Tôi ra, bảo cậu thợ xăm trổ đầy người thử nổ máy, rồi đồng ý thay IC. Chủ hiệu mua phụ tùng mới về, lắp vào nổ ngon ơ. Ngay lập tức tôi bảo giữ nguyên hiện trường, lắp trả hai con IC cũ vào, lại vẫn nổ máy ngon lành. Cậu thợ xăm trổ nghệt mặt không dám ho he. Chủ cửa hiệu chạy ra, lúng túng xin lỗi.

Hơn hai chục năm nay, tôi khá thân với T - thợ đồng hồ ở phố H.G. Nhiều lúc ngồi xem cậu ấy hí hoáy, tự nhiên thấy yêu "những người thợ tài hoa của Hà thành". Thế nhưng, lắm lúc nghe cháu chê bai thợ này thợ khác, lại thấy có gì không ổn. Nào là ông H ở phố H.B có lần nhận cái đồng hồ cổ của khách, sau bảo là đánh mất, xin đền mấy trăm triệu đồng, nhưng ông khách già còn giữ hóa đơn từ thời Pháp, cái đồng hồ trị giá tiền tỉ, nên H ta phải "tìm" lại bằng được để trả cho khách... Năm trước, tôi có cái đồng hồ hiệu danh tiếng của Thụy Sĩ trục trặc, đưa đến cho T lau dầu mà nửa năm trời, đã nhiều lần nhận về vẫn trục trặc. Biết tôi trung thành với nguyên tắc đã tin ai là chí cốt với người ấy, T cứ gạ tôi bán cho cậu ấy cái đồng hồ "hỏng" này. Đến lúc phải mang cho thợ khác xem, thì được biết nguyên nhân chỉ là cần phải lau dầu, thế thôi. Từ đó, tôi không đến với T nữa, và biết rằng, nhiều khách cũng đã bỏ cậu mà đi.

Làm ăn kiểu ấy, là sự xúc phạm cái hồn cốt Hà thành thanh lịch.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội và cuộc "Gặp gỡ 100 năm"

Thuỳ Linh - An Nhiên |

Hà Nội với bốn mùa “xuân - hạ - thu - đông”, dù là xưa hay nay đều mang nét đẹp riêng khó lẫn, và đó chính là lý do khiến Das - một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi dành 7 năm để thực hiện một bộ ảnh “Hà Nội 100 năm trước”.

Nơi “an nghỉ” của pháo đài bay B-52 ở Hà Nội xuống cấp, ô nhiễm

Tô Thế - Hoài Anh |

Gần 48 năm qua, xác "pháo đài bay" B-52 vẫn nằm yên dưới lòng hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, môi trường hồ Hữu Tiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều hạng mục xuống cấp, ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích lịch sử.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Hà Nội và cuộc "Gặp gỡ 100 năm"

Thuỳ Linh - An Nhiên |

Hà Nội với bốn mùa “xuân - hạ - thu - đông”, dù là xưa hay nay đều mang nét đẹp riêng khó lẫn, và đó chính là lý do khiến Das - một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi dành 7 năm để thực hiện một bộ ảnh “Hà Nội 100 năm trước”.

Nơi “an nghỉ” của pháo đài bay B-52 ở Hà Nội xuống cấp, ô nhiễm

Tô Thế - Hoài Anh |

Gần 48 năm qua, xác "pháo đài bay" B-52 vẫn nằm yên dưới lòng hồ Hữu Tiệp (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Tuy nhiên, môi trường hồ Hữu Tiệp đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều hạng mục xuống cấp, ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích lịch sử.