"Hà Nội 1967 - 1975" của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt: Những ký ức không thể lãng quên

LÊ QUANG VINH |

Với những người dân sinh ra ở Hà Nội hoặc đã gắn cuộc sống của mình với Thủ đô trong thời gian chiến tranh chống Mỹ phá hoại miền Bắc, hẳn không thể nào quên những năm tháng gian nan, nhưng đầy hào hùng đó. Với triển lãm ảnh "Hà Nội 1967 - 1975", mỗi bức ảnh như một trang nhật ký, chân thực và bình dị, nhắc nhớ những khoảnh khắc lịch sử của xã hội.

Làm quen với mặt tối của nghề nhiếp ảnh ngay từ thời trẻ

Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt nhất của Cộng hoà Dân chủ Đức. Những tấm ảnh về chiến tranh Việt Nam cuối thập kỷ 1960 đã khiến ông nổi tiếng khắp thế giới. Ông sinh năm 1937, lớn lên ở Chemnitz, hay còn được gọi là Karl-Marx-Stadt thời Cộng hoà Dân chủ Đức. Mẹ ông, bà Maria Schmid-Billhardt, là nhiếp ảnh gia tự do với hiệu ảnh riêng. Ở tuổi 14, ông được mẹ và các đồng nghiệp nhiếp ảnh khác đào tạo nghề.

Ở vùng khai thác than nâu Grosskayna, ông đã làm quen với mặt tối của nghề nhiếp ảnh, khi phải ghi lại các vụ tai nạn có người bị thương nặng hay thậm chí tử vong. Từ năm 1958 đến 1963, ông học tại Đại học Nghệ thuật Thị giác Leipzig và tốt nghiệp với bằng cử nhân nhiếp ảnh và thiết kế ảnh. Ông làm nghề chụp ảnh tự do đến năm 1971. Từ năm 1972 đến 1981, ông là trưởng nhóm công tác ở DEWAG - Công ty quảng cáo Berlin. Trong thời gian 1982 - 1989, ông điều hành Xưởng ảnh Billhardt. Thomas Billhardt là thành viên Hiệp hội Nhà báo Đức từ năm 1989 và thành viên Hội sáng tác ảnh tự do từ năm 1990, và tới năm 2019, được tôn vinh là thành viên danh dự của Hội này. Từ 1999, các tác phẩm của Thomas đã được triển lãm tại gallery ảnh nghệ thuật nổi tiếng CAMERA WORK và ở nhiều quốc gia. "Hà Nội 1967 - 1975" là triển lãm thứ ba của ông ở Việt Nam sau triển lãm năm 1972 và một buổi trình diễn cho dự án làm phim "Nước chanh đá cho Hong Li" năm 2000 trên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội.

Sự nghiệp trải dài qua những điểm nóng

Cả cuộc đời, Thomas Billhardt trung thành với chính mình. Những bức ảnh của ông bắt thế giới phải tự soi lại mình và đồng thời, cho thấy hy vọng vẫn tồn tại. Chúng kể cho ta nghe về sự bất công xã hội trên thế giới, về sự nghèo đói, về sự đau khổ. Người chuyển tải thông điệp của ngôn ngữ nhiếp ảnh Thomas luôn luôn là trẻ em, với biểu tượng là những đôi mắt trẻ thơ to tròn, đầy biểu cảm. Nghệ thuật của ông mang tính chính trị, nhưng không đơn giản có thể khiến ông trở thành một ngôi sao, cả ở trong nền nghệ thuật và nhiếp ảnh phương Tây.

Là một phóng viên ảnh, Thomas Billhardt đã đi khắp nơi với tư cách đại diện của các cơ quan nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức, các thông tấn xã và UNICEF. Ông ghi lại hình ảnh của các điểm nóng của thế giới như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc, Chile, Guinea, Indonesia, Campuchia, Liban, Mozambique, Cận Đông, Nicaragua, Philippines. Chuyến đi xa đầu tiên của ông, như một bước ngoặt trong đời, là đến Cuba vào năm 1961 với tâm niệm “không thờ ơ với những trải nghiệm và sự mê hoặc của phong trào cách mạng. Tôi đã tìm hiểu cả hai mặt của xã hội‘‘. Từ 1962 đến 1985, Thomas đã đến Liên Xô 50 lần, đến Italia 20 lần, đã bị mê hoặc bởi các mâu thuẫn xã hội thể hiện trên những gương mặt người mà ông gặp. Cả thảy, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 12 lần và là một trong những nhiếp ảnh gia quốc tế đầu tiên tới TP.Đà Nẵng sau giải phóng vào tháng 5.1975 và từ Hà Nội đi Sài Gòn trong tháng 9 năm đó. Năm 1979, khi hay tin về cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đoàn thanh thiếu niên tự do Đức (FDJ) ở CHDC Đức (Đông Đức cũ), đã lập tức cử Thomas sang Việt Nam và ông là phóng viên duy nhất của CHDC Đức đưa tin về cuộc chiến này ở khu vực Lạng Sơn.

Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.
Một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt.

Việt Nam, Hà Nội - từ sự lạ lẫm ban đầu

Giai đoạn 1962 - 1975, Thomas Billhardt đã đến Việt Nam 6 lần, và trở lại sau đó 6 lần nữa. Trong đó, Thomas tới Hà Nội lần đầu năm 1967 sau các chặng Mátxcơva, Irkutsk, Bắc Kinh, Nam Ninh. Khi đó, ông là cộng tác viên của Xưởng phim tài liệu độc lập Heynowski & Scheumann. Chuyến đi nhằm thực hiện một bộ phim tài liệu phỏng vấn các tù binh phi công Mỹ bị bắn rơi và bắt giữ. Trong dự án phim “Những phi công mặc pyjama“ (1968), Thomas phụ trách các cảnh quay ngoại cảnh. Những bức ảnh ông chụp trong chuyến đi này xuất hiện trên tạp chí Life (Mỹ), báo Paris Match (Pháp), tạp chí Stern và Spiegel (Tây Đức) và nhiều họa báo khác. Một số hình ảnh về tù binh phi công Mỹ cũng hiện diện trong triển lãm “Hà Nội 1967 - 1975‘‘ ở tháng 10 này.

Những tư liệu từ chuyến đi nói trên và một chuyến tiếp theo qua Việt Nam đã được trưng bày trong triển lãm lưu động đầu tiên về chiến tranh Việt Nam ở CHDC Đức, CHLB Đức, Thuỵ Điển và Mátxcơva năm 1969. Những bức ảnh chụp trong các chuyến đi tới Việt Nam trong thời gian 1962 - 1975 của ông đã được xuất bản trong 4 cuốn sách ảnh: “Những phi công mặc pyjama“ (1968), “Khát vọng hoà bình: Việt Nam“ (1973), “Hà Nội - Những ngày trước hoà bình“ (1973), “Những gương mặt Việt Nam“ (1978) và bây giờ, năm 2020, là triển lãm “Hà Nội 1967 - 1975‘‘ tại Hà Nội và cuốn sách ảnh cùng tên sắp được ra mắt.

''Hà Nội 1967 - 1975’’ giới thiệu 130 bức ảnh đen - trắng và màu được Thomas chụp trong 6 chuyến đi tới Việt Nam của ông, mang tới cho người xem những lát cắt đời thường của một Hà Nội trong dòng thời gian 1967 - 1975 đầy chân thực, khiến cho những người dân Thủ đô không khỏi bồi hồi khi được xem lại những hình ảnh khó quên của một thời Hà Nội bộn bề gian khó, nhưng đong đầy yêu thương. ''Hà Nội 1967 - 1975’’ qua ống kính của Thomas là niềm vui đón đứa trẻ chào đời trong thời chiến, là những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, là những phố xá vắng bóng người, là những dáng người lầm lụi trong mưa, là hình ảnh những phi công Mỹ nhận thư nhà trong trại giam, là những gương mặt trẻ thơ trong sáng, là những niềm vui và nỗi buồn nhỏ bé của người dân Hà Nội suốt dọc dài cuộc chiến...

Ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe - đã có những nhận xét khá chân xác: ''Ảnh của Thomas là những khoảnh khắc không thể tái hiện, là những hình ảnh xác thực và chân thành, như một khuôn mặt đẹp trong thế giới xám xịt, một nụ cười ngây thơ trong bối cảnh khắc nghiệt và hăm dọa, một cảnh nên thơ thường nhật khiến ta quên đi nỗi sợ và chiến tranh, đem đến cho ta hy vọng vào trạng thái bình thường hoà bình’’.

Với một góc nhìn của một người luôn yêu say Hà Nội, họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn cho rằng: “Những người Hà Nội trên dưới 70 tuổi bây giờ chợt như được sống lại khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ trước khi xem những bức ảnh đầy cảm xúc của tác giả. Điều quan trọng nhất của nhiếp ảnh theo Thomas Billhardt, chính là một hiện thực đầy đặn khổng lồ trước ống kính người nghệ sĩ. Chính vì lẽ ấy, cả một vùng ký ức Hà Nội đủ đầy lần lượt hiện ra trong triển lãm này. Dĩ nhiên, người Hà Nội chụp ảnh về Hà Nội là rất nhiều. Nhưng ngạc nhiên thay, ta chưa có một bộ ảnh đời thường nào đủ đầy đến thế. Một vài góc cắt lạ lẫm, một vài chùm ánh nắng trong suốt trên phố Phan Đình Phùng hay cái Tháp Rùa huyền ảo trong sương sớm thì có. Nhưng để có một bộ ảnh chụp về Hà Nội trong sự vận động suốt cả chiều dài hàng chục năm thì chưa từng...''.

Mục tiêu là nụ cười mãn nguyện của trẻ em

Ông Wilfried Eckstein - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội - chia sẻ: “Chụp một bức ảnh chân thực không phải điều dễ dàng. Ngày nay, chúng ta liên tục diễn trước máy ảnh của điện thoại di động. Chúng ta đăng những thứ giống nhau lên mạng xã hội, với những động tác nhất định và nụ cười giả tạo, lượm lặt “likes“ từ những người theo dõi gần xa. Thế nhưng, ngay cả trước thời đại kỹ thuật số này, việc chụp một bức ảnh chân thực của một con người cũng không dễ, bởi bất cứ khi nào nhìn thấy máy ảnh, phản xạ của chúng ta là trưng ra một tư thế, làm dáng hoặc cố né khỏi khung hình.

Thomas Billhardt đã phát triển một kỹ thuật độc đáo của riêng ông. Ở không gian công cộng, ông dùng ống kính tele để đến gần hơn với con người, những người mà ông tách họ ra khỏi thực tế xã hội chủ nghĩa đầy khẩu hiệu ở Cộng hoà Dân chủ Đức, và đi tìm nhân cách, tâm trạng và cá tính thật của họ. Một cách khác là dùng mẹo góc, kỹ thuật chụp từ góc bên của ông. Ông nâng máy ảnh lật ngang tầm mắt, mắt áp sát ô cửa tìm hình, nhưng ống kính chĩa qua bên, tức là ông sẽ nhìn mọi thứ lộn ngược và đảo chiều phải trái. Dần dần, ông đã rèn cho đôi mắt mình không để ý đến sự đảo chiều nữa và có thể tìm được đối tượng của mình ngay tức khắc... Ông muốn đi tìm gốc rễ của sự vật và chia sẻ cho thế giới biết: Mục tiêu của ông là nụ cười mãn nguyện của trẻ em...“.

Trong buổi khai mạc triển lãm ''Hà Nội 1967 - 1975’’, Viện Goethe đã có nhã ý “bắc cầu“ 15 phút giao lưu trực tuyến với nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt ở bên Đức. Ở tuổi 83, Thomas nom vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Ông chia sẻ niềm vui khi những bức ảnh của mình được triển lãm và in thành sách ở Hà Nội. Ông kể về sự lạ lẫm của mình trong lần đầu tới Hà Nội, khi ở khách sạn Metropole - nơi mà “chuột còn nhiều hơn khách và trong nước máy có những con giun nhỏ xíu nghoe nguẩy'', rồi thấy những cảnh chưa từng thấy bao giờ trên thế giới. Năm ngoái, Thomas đã trở lại thăm Hà Nội, thấy thành phố đã có nhiều đổi thay, phát triển. Ông những muốn chụp thêm những hình ảnh đổi thay đó, để so sánh với những hình ảnh xưa cũ ở nơi đây. Lần triển lãm này, ông cũng rất muốn thêm một lần tới Hà Nội, nhưng vướng bởi đại dịch COVID-19. “Hy vọng, nhiều người dân Hà Nội hãy đến xem triển lãm, để có thể nhìn lại hình ảnh trước đây về cuộc sống và con người Hà Nội, trong đó có bản thân...'' - nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt nhắn gửi.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Những hình ảnh về Hà Nội giai đoạn 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức

Nguyễn Hà - Hoài Anh |

Những hình ảnh về Hà Nội trong giai đoạn 1967-1975 hiện lên đầy sinh động qua con mắt của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Những bức ảnh này hiện đang được trưng bày triển lãm tại 14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún (Hà Nội) đến ngày 15.11.

Hà Nội và tôi

Nguyễn Năng Lực |

Quê tôi ở ngoại thành, nơi có con sông Tô Lịch đã một thời sầm uất trên bến dưới thuyền và nghề làm giấy lâu đời. Tháng Chạp năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, mặt trận Cầu Giấy vỡ, cả nhà tôi phải gồng gánh dắt díu nhau tản cư ra vùng tự do. Người chạy về Sơn Tây, người vào Thanh Hóa, mấy tháng sau mới đoàn tụ.

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Những hình ảnh về Hà Nội giai đoạn 1967-1975 của nhiếp ảnh gia người Đức

Nguyễn Hà - Hoài Anh |

Những hình ảnh về Hà Nội trong giai đoạn 1967-1975 hiện lên đầy sinh động qua con mắt của nhiếp ảnh gia người Đức Thomas Billhardt. Những bức ảnh này hiện đang được trưng bày triển lãm tại 14 Phan Huy Ích và số 2 ngõ Hàng Bún (Hà Nội) đến ngày 15.11.

Hà Nội và tôi

Nguyễn Năng Lực |

Quê tôi ở ngoại thành, nơi có con sông Tô Lịch đã một thời sầm uất trên bến dưới thuyền và nghề làm giấy lâu đời. Tháng Chạp năm 1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, mặt trận Cầu Giấy vỡ, cả nhà tôi phải gồng gánh dắt díu nhau tản cư ra vùng tự do. Người chạy về Sơn Tây, người vào Thanh Hóa, mấy tháng sau mới đoàn tụ.