Điểm nhấn trong tuần

Giữ “hồn” cho đảo du lịch Cù Lao Chàm

TRƯƠNG TÂM THƯ |

Từ một hòn đảo nghèo nàn lạc hậu, Cù Lao Chàm, Quảng Nam nhanh chóng trở thành điểm đến thu hút du khách. “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, nhờ đó mà mức sống người dân Cù Lao Chàm được nâng cao đáng kể.

Dù việc bảo tồn đa dạng sinh học được chú trọng, nhưng những áp lực từ nhiều phía cũng đang đặt ra những thách thức to lớn trong việc gìn giữ “ hồn” của đảo du lịch Cù Lao Chàm.

Đảo “sạch”

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (KDTSQ) Cù Lao Chàm - Hội An có diện tích 45.279ha, gắn liền với cuộc sống và văn hóa của hơn 90 ngàn người. Đặc biệt, vùng lõi KDTSQ biển đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp) giàu giá trị đa dạng sinh học và cả tiềm năng du lịch, đang được bảo tồn và phát triển mạnh về du lịch, đưa vùng đảo này thoát cảnh đói nghèo.

Nhắc lại quá trình đổi đời của Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND TP. Hội An, nhớ lại: Sau ngày giải phóng, với nhiều lần di dân, dân số trên đảo ổn định đến bây giờ khoảng 2.900 người, chủ yếu tập trung ở bãi Hương, bãi Làng, bãi Ông. Người dân Cù Lao Chàm trước đây chủ yếu đánh bắt hải sản, người đàn ông sáng đi tối về, người phụ nữ ở nhà chờ cá về bán và ngồi chơi. Biển động khoảng 1 tuần là dân đói, phải cứu trợ. Lúc đó đặt ra vấn đề cho người dân Cù Lao Chàm là lưng phải tựa vào núi, mặt phải hướng ra biển để giải quyết bài toán phát triển. “Thành phố khi ấy chọn bãi hòn Chồng để làm du lịch, cùng với việc thành lập Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, quy hoạch ra vùng lõi, vùng đệm, chủ yếu là bảo vệ. Điều quan trọng là bảo tồn làm sao mà bản thân người dân ở đó sống được và giàu lên. Và Cù Lao Chàm đến bây giờ đang giải quyết được điều đó. Người dân nhờ rừng và biển này mà giàu lên” - ông Sự kể.

Sau ngày được công nhận là KDTSQ (năm 2009), cùng với việc thành lập Ban QL, thành phố Hội An phát động phong trào nói không với túi nilon đối với dân Cù Lao Chàm, mà ông Sự là người đưa ra sáng kiến. Người dân Cù Lao Chàm hưởng ứng mạnh mẽ, bởi lúc đó du khách đã bắt đầu đến đây, mua sắm, ăn đồ biển của dân. Thành phố lúc đó phát giỏ xách cho dân, kiểm tra chặt chẽ ở các chợ. Đến giờ, nơi đây sạch bóng túi nilon. Cù Lao Chàm cũng không xây khách sạn, nhà nghỉ rầm rộ. Thay vào đó là mô hình homestay, du khách cùng ăn cùng sinh hoạt với người dân, thả mình dưới rừng cây và biển xanh ngắt rất thoải mái. “Có người nói với tôi, Cù Lao Chàm phải xây khách sạn, tôi nói không. Anh xây dựng dự án, không những các bãi biển bị mất, ảnh hưởng môi trường mà chính người dân Cù Lao Chàm phải làm thuê trên mảnh đất của mình. Đừng có để bi kịch xảy ra là chính người dân phải làm thuê trên mảnh đất của mình. Đó là điều không nên. Dân phải làm chủ mảnh đất của họ, làm ra tiền trên mảnh đất của họ và yêu mảnh đất của họ” - ông Sự nói. Hội An cũng ra quy định khống chế số lượng khoảng 3.000 khách ra Cù Lao Chàm mỗi ngày, nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ và kiểm soát môi trường.

Đối mặt nhiều thách thức

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó chủ tịch UBND TP. Hội An, nhìn nhận, để giữ được danh hiệu này là một thách thức vô cùng to lớn, đặc biệt là trong bối cảnh KDTSQ đang chịu rất nhiều tác động từ các hoạt động phát triển du lịch, xây dựng và phát triển kinh tế ven bờ, mưa bão, lũ lụt với cường độ và tần suất ngày càng lớn… Chỉ tính riêng Cù Lao Chàm, 

năm 2009 đón khoảng 26 ngàn khách, thì năm 2015 đã lên khoảng 400.000 khách, nghĩa là bình quân 1 người dân đón 120 khách/năm. Trước sự suy giảm của san hô trong thời gian qua, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã phục hồi bằng cách nuôi cấy 4.800 tập đoàn san hô và ươm thêm 750 tập đoàn san hô khác để tiếp tục cấy ghép. Tỉ lệ sống của san hô nuôi cấy tại vườn ươm đạt khoảng 87% và tại vùng phục hồi là 74%. Một số tập đoàn san hô bàn, cành mới cũng đã được ghi nhận phát triển tại các ghềnh đá quanh vùng biển Cù Lao Chàm. Điều đó cho thấy dấu hiệu phục hồi tự nhiên của các loài san hô tạo rạn tại các vùng nước được bảo quản, giữ gìn sạch sẽ.

Tuy nhiên, theo TS. Chu Mạnh Trinh - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), các dấu hiệu về suy giảm chất lượng nước vùng cửa sông Thu Bồn đang ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Cù Lao Chàm. Hiện tượng nước ngọt, phù sa, rác thải ngày càng ảnh hưởng xấu đến các vùng rạn san hô. Việc mở đường quanh đảo, xây dựng bờ kè, sửa chữa lại âu thuyền và các công trình hạ tầng khác cũng tác động xấu đến đa dạng sinh thái ở KDTSQ. Sự mất đi khá nhiều diện tích rừng tự nhiên đồng nghĩa với việc mất đi các hệ sinh thái thượng nguồn. Rừng bị mất đi thì không còn phát huy được vai trò giữ nước và tất yếu sẽ thiếu nước vào mùa khô nhưng lại tăng cường độ lũ vào mùa mưa, gây sạt lở và phá hủy tàn khốc từ thượng nguồn cho đến tận biển khơi Cù Lao Chàm. Không thể khác, muốn bảo vệ thì phải chấn chỉnh, nghiêm cấm các hoạt động nguy hại môi trường để ổn định đa dạng sinh học. Đề xuất cách tiếp cận tổng hợp vùng bờ, TS. Chu Mạnh Trinh cho rằng, mở rộng phạm vi bảo tồn biển vào trong vùng bờ mà cụ thể là vùng cửa sông Thu Bồn và dọc theo đường bờ của Quảng Nam là điều cấp thiết. Theo đó, tiếp tục trồng dừa nước và các loài cây ngập mặn như sú, vẹt, đước tại xã Cẩm Thanh và cửa biển Cửa Đại. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư ven biển trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải cũng như không đánh bắt hải sản tận diệt.

TRƯƠNG TÂM THƯ
TIN LIÊN QUAN

Bổ sung nguồn vốn gần 31,4 nghìn tỉ đồng cho Bộ Giao thông vận tải

Vương Trần |

Bộ Giao thông vận tải được bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển với số tiền là 31.392 tỉ đồng để bố trí kế hoạch vốn cho 5 dự án giao thông.

Tiến Linh xếp hạng 29, Son Heung-min giành Quả bóng vàng Châu Á 2022

AN NGUYÊN |

Tiền đạo Tiến Linh của tuyển Việt Nam xếp thứ 29 trong cuộc bầu chọn Cầu thủ hay nhất Châu Á 2022.

Thời tiết nồm ẩm, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng

Thùy Linh |

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao hơn tuần trước đó.

Bảo hộ công dân Việt Nam sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Song Minh |

Ngay sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ ngay với các chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin nhằm làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Ăn chè miễn phí, ít nhất 88 người ngộ độc ở An Giang

Lâm Điền |

An Giang - Các thầy thuốc đang nỗ lực cứu chữa 4 bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn chè miễn phí.

50m có hơn 10 lối ngang tự mở qua đường sắt: Đâu ai muốn gặp nguy hiểm

Tô Thế |

Đi dọc tuyến đường Ngọc Hồi qua địa bàn thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội), chỉ khoảng 50m đã có hơn 10 lối ngang tự mở, gần như mỗi hộ dân ở đây đều có riêng cho mình một lối ngang qua đường sắt. Hầu hết người dân đều biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác đành liều mình đi qua.

Liên tiếp phát hiện hàng trăm cân ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép

Băng Tâm |

Ngày 6.2, tại cảng Lạch Huyện, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Công an Hải Phòng phát hiện, thu giữ thêm gần 130 kg ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép.

Chồng nạn nhân tử vong do lật thuyền chưa biết vợ đang mang thai

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Ngày 6.2, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Công an TPHCM xác định toạ độ vụ lật thuyền trên sông Đồng Nai khiến 12 người rơi xuống sông, 11 người được cứu sống, còn nạn nhân N.T.H (32 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ phường An Bình, TP Biên Hòa) tử vong do đuối nước, để lại hoàn cảnh thương tâm khi người chồng phải chịu cảnh "gà trống" nuôi 2 con nhỏ.