Giáo sư Vũ Khiêu: Một khu rừng nhân ái

VI THUỲ LINH |

Mỗi khi nói về sự hồi tưởng, người ta thường dùng câu: "Tất cả trôi như cuốn phim quay chậm". Nhưng với tôi, trưa 5.10.2021, đúng 5 ngày sau khi GS-AHLĐ Vũ Khiêu từ trần, tôi mới định thần được để "mở phòng chiếu" trong trí tưởng, để xem Bộ phim đời của ông, qua nhiều góc quay, mà tôi dựng rất kỹ nơi tinh thần mình, một phim không thể khẳng định thời lượng và hình ảnh cuối cùng, vì chắc khó kết thúc.

Khi làm một bộ phim, dù với bất cứ thể loại nào, thì khâu hậu kỳ, nhất là công đoạn dựng phim (montage) đều rất quan trọng. Dù có kịch bản phân cảnh thì cảm xúc sáng tác tại chỗ khi quay (tiền kỳ) và khi ngồi bàn dựng, cũng sẽ quyết định cấu trúc, mạch chảy của phim. Đặc biệt khó khi đạo diễn nhiều ý tưởng và lượng phim quay được dồi dào.

Như tôi bây giờ, trong nhớ thương vô hạn, nước mắt nhòa chữ gõ phím nhầm, tôi chọn "chiếu" đoạn phim cho mình, cho đồng nghiệp bạn hữu xa gần, cho công chúng mà tôi luôn đề cao, chọn hình ảnh gì cho cảnh đầu tiên trên màn ảnh?

Còn lớn hơn nhiều lần màn bạc 14m2 phòng 1, phòng chiếu lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Đây là màn ảnh panorama hiện ra triệu ảnh động của lịch sử một cuộc đời trong muôn lịch sử. Một hiện thực Vũ Khiêu đầy thần thái, sống động, vĩ đại mà gần gũi - tôi có quãng đời 13 năm cuối của GS được bên Ông. Nhưng tôi đã thụ hưởng một "uyển phép" diệu kỳ khi khám phá, tìm hiểu một phần gia tài Chữ khổng lồ của Ông, để "xuyên" ngàn năm văn hóa Việt. Ông là dòng chảy mãi, là cây dốc hết sức sống mà tỏa bóng, lan hương.

1. Cây xanh, hoa tươi tràn từ ngoài cổng biệt thự tư gia. Ngôi nhà đẹp ông sống hơn thập kỷ cuối đời, sau bao năm chịu cảnh ở chật mà không phàn nàn, kêu câu xin cấp, dù ở vị thế như GS Vũ Khiêu, xứng đáng từ lâu được cấp căn hộ rộng, tiện nghi. Dù hẹp mấy thì ông cũng ở chịu ở chật để dành không gian cho sách và tài liệu, góc để bình hoa và cây cảnh khoảng nhỏ lối sân. Nhà ở phố Cao Xuân Huy (quận Nam Từ Liêm) có rẻo đất sát mặt trong tường rào, trồng hoa tím. Ông thích trồng cây thân lớn, không nhằm ăn trái, mà để thưởng hương, như Ngọc lan, Hoàng lan; vì không có đất vườn, đành chỉ bày chậu cảnh: Lan, mai, hải đường... thêm cây bưởi và các chậu hoa được tặng độ Xuân về. Tôi may mắn được ông thương quý, chỉ dạy và nhận là cháu trước bàn thờ gia tộc trong ngày giỗ Mẹ ông, tình cảm - sự kiện thiêng liêng ấy, đã là máu thịt cuộc đời tôi mãi mãi.

Tôi áy náy day dứt vì mấy lần rủ cô Hoàng Cúc (NSND Kịch nói) đến thăm ông thì cô không ở Hà Nội, rồi cuộc sống trăm mối lo khi đã qua tuổi 40 mà hai đứa con còn nhỏ dại, tôi đã không thăm tháng cuối hành trình sinh phận. Tôi không biết hôm nào sẽ trở lại ngôi nhà đầy ký ức ấy. Tôi sợ đối diện hụt hẫng tột độ khi không còn thấy ông. Chỉ có tượng ông bằng đá trắng ngồi dưới tán xanh trong vườn (do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng nhiều năm trước); chỉ có tượng đồng vầng trán cao tỏa trí tuệ trong phòng khách, nơi treo một bức ảnh hiếm: Chân dung Vũ Khiêu hợp bởi ngàn mảnh ghép là ảnh ông tại bao sự kiện, mà một fan ngưỡng mộ GS đã kỳ công cả năm thực hiện.

Kỳ công ấy chỉ đáp lại một phần nhỏ muôn công trình mà đại trí thức, nhà văn hóa lớn Vũ Khiêu đã dành cả cuộc đời hơn thế kỷ để lặn sâu, để khai khoáng những vỉa tầng còn khó gấp bội công việc của nhà địa chất học, khi hệ thống lịch sử, văn hiến dân tộc bằng những bộ sách tầm vóc về dung lượng và giá trị văn hóa. Lịch sử của xã hội, của văn chương, của những tài danh qua mỗi triều đại, thời đại được hội tụ đầy sức sống và cuốn hút qua vạn trang hiển lộ kiến văn bác học, thông thái và tài hoa.

Gia đình GS Cảnh Khanh - cháu đích tôn Cảnh Linh với GS Vũ Khiêu.  Ảnh: TS Cảnh Linh cung cấp
Gia đình GS Cảnh Khanh - cháu đích tôn Cảnh Linh với GS Vũ Khiêu. Ảnh: TS Cảnh Linh cung cấp

2. Văn chương Vũ Khiêu vừa trí tuệ sang tỏa gấm châu, vừa chân thực gần gũi mà đại chúng thường biết qua văn bia, câu đối của GS hiện diện khắp đất nước và nước ngoài. Nói Vũ Khiêu là nhà nho, nhà thư pháp thượng thừa cuối cùng là đúng, song chưa đủ. Vũ Khiêu là một hiện thân ưu tú của Cổ văn thấm đẫm tư duy hiện đại. Ông tinh sành Hán ngữ, thông thạo Pháp văn, văn minh Châu Âu và trầm tích phương Đông đan hòa từ phong cách sống, tư duy giáo dục con cháu và học trò, tới tư tưởng viết. Vì thế, ông trẻ trung. Diệp lục trí tuệ và tâm hồn vẫn chiết tỏa mỗi chữ viết, câu nói, cử chỉ, khiến ai được tiếp xúc sẽ nhanh buông bỏ sự khách khí xã giao, dù vẫn "ngợp" trước một nhân cách lớn, vẫn dám và can đảm bày tỏ ý nguyện, quan điểm. Bởi không bao giờ ông tỏ ra phong kiến, trịch thượng, cây cao bóng cả là có quyền áp đặt.

Ông dân chủ, tôn trọng con cháu ruột và con cháu xã hội đến với ông. Ông cực dí dỏm, nhanh nhạy hòa nhịp, thậm chí dẫn dắt lớp trẻ chúng tôi một cách hài hước rất Pháp, khi tôi được ngồi ăn tối với ông và hai cháu gái nội của ông, Hoa Lam (1985) - Hoa Lê (1988) khi các em từ Pháp trở về quây quần. Vợ chồng người con trai út Hoa Thạch - Hà Khánh Lương sống cùng Cha, thỉnh thoảng qua Paris ở với con gái có khi tới 6 tháng. Họa sĩ Hoa Lam - Hoa Lê du học và hiện sống, làm việc tại Paris. Cụ Khiêu đặt cho chắt trai - cháu đầu tiên của người con út hiền, hiếu thảo là Chiêu Dương - hội tụ ánh sáng mặt trời. Cụ mong cháu đích tôn Cảnh Linh có con trai, vì vợ chồng người con trai trưởng là hai GS. TS là giảng viên ĐH Thăng Long Đặng Cảnh Khanh (1947) - Lê Thị Quý (1950) chỉ sinh được một người con duy nhất cũng theo nghiệp Xã hội học của bố mẹ - TS Đặng Vũ Cảnh Linh. Hai người em trai thứ: Hạ Vũ (1950), Hoa Thạch (1957) của GS Khanh đều có hai con gái. Tiền tích cóp, mọi người gần xa biếu tặng, GS Vũ Khiêu lập Quỹ Văn hiến Việt Nam từ 5 năm nay, đến 2019, khi yếu hẳn, ông giao con dâu trưởng điều hành, con trai cả là Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Quỹ.

Phả hệ dòng họ rực sáng nhất bởi GS Vũ Khiêu, niềm tự hào của làng Hành Thiện (cùng làng Tổng Bí thư Trường Chinh), đất học hàng đầu miền Bắc, mà của dòng họ Võ - Vũ Việt Nam, của quốc gia này. Ở Châu Á, nhất là Nhật Bản, không hiếm người thọ qua 100 tuổi, nhưng cực ít người vượt bách niên vẫn làm được việc. GS Vũ Khiêu là bộ não hiếm có không chỉ của Châu Á mà còn của cả thế giới khi vẫn minh mẫn, muốn làm việc ở tuổi 100.

3. GS Vũ Khiêu không ham được khen thọ, sống lâu, ông chỉ muốn sống nhiều, sống đầy. Sống nhiều đồng nghĩa học, tư duy, cống hiến không ngừng. Ông đã hiến mình cho nền khoa học xã hội nhân văn, cho văn chương tinh túy của dân tộc. Sức sống Vũ Khiêu không chỉ qua những bộ sách nặng mọi nghĩa - phi ông khó ai làm nổi, lấy thước mét ra đo; qua văn bia, bài minh, câu đối, đề từ khắc tạc nơi bia đá, đình đền, những mỹ tự treo trong các ngôi nhà coi bút tích Vũ Khiêu như một bảo vật, mà còn trong trí nhớ bao người đã được gặp, học, xin chữ, được giúp đỡ, sẻ chia, khích lệ từ ông. Không phải ai cũng có ảnh chụp kỷ niệm với ông, để lỡ dịp hoặc không chú ý, mất cơ hội thành ân hận mãi. Người lòng thiện sống trong đời, gặp ông, đều được học thêm về chữ Hiếu - Trung - Tín - Nghĩa - Trí - Mỹ. Tình yêu nước sâu sắc khiến ông dày công nghiên cứu và làm sáng lên lịch sử hào hùng qua điệp trùng áng thơ, biền ngẫu của phú, hịch, hùng văn. Lòng bao dung, thương người, bác ái vô bờ khiến ông không chỉ sáng tác một “Văn tế anh hùng liệt sĩ cách mạng tháng Tám”, “Truy điệu những lương dân chết đói 1945”, mà thường chia sẻ tiền bạc cho hoàn cảnh khó khăn ông gặp, cho các Quỹ Khuyến học, Quỹ Văn hóa, hỗ trợ ra tác phẩm bằng cả vật chất (giúp kinh phí) lẫn năng lượng chắt chiu (đọc, góp ý). Càng lớn tuổi, sức lực yếu đi, ông càng quý từng giây. Ông muốn làm nốt... làm thêm... làm nữa công trình này, bộ tổng tập kia. Ông xin Trời thêm vài năm, xin từng chút một, Trời thương cho. Đến phút ra đi, GS vẫn minh mẫn, giao cảm bằng mắt, vẫn cứ đang dở việc. Lúc nào cũng muốn tận hiến nên không chịu làm "Tổng tập Vũ Khiêu".

Người Anh hùng ấy không cho mình nghỉ ngơi, không một lần tham, mưu cầu ích kỷ. Có người khoe ông, tôi lắm điền sản, tài khoản ngân hàng mấy ngàn cây vàng. GS Vũ Khiêu nói ngay: 5.000 cây vàng của ông sao bằng tôi 5.000 bạn! Con số so ví tượng trưng thôi, chứ bạn của Vũ Khiêu là cả những con dân nông thôn đến những lãnh đạo cấp cao nhất quốc gia còn kính ông như Cha, Ông mình thì vàng nào, thì ai ghen hờn mà sánh bì cho nổi!

4. GS chiếm giữ nhiều kỷ lục đầu tiên và cuối cùng. Nhà báo, nghệ sĩ Vũ Khiêu là nhân chứng, học trò cuối cùng của lớp cán bộ làm việc gần lãnh tụ Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc (khi ông là Phó Tổng Giám đốc TTXVN thuở đầu) sống đến năm nay. Vũ Khiêu, một yếu nhân đặt nền móng cho khoa học xã hội nước nhà, Viện trưởng đầu tiên của Viện xã hội học - nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam... Vũ Khiêu, người sáng lập ngành Mỹ học, hơi thở - giọng ấm truyền qua bài giảng từ tim óc bậc thầy Triết học, vẫn ngân vang tâm trí nhiều thế hệ. Ông là giáo sư của nhiều giáo sư, thầy của những người thầy.

Ông sáng tác ngàn câu đối hay, nhưng dường như chỉ câu đối mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dành tặng GS ở sinh nhật tuổi 95 là đúng nhất: "Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa Anh hùng". Hội viên cao tuổi nhất của Hội Nhà văn, Nhà báo Việt Nam vừa ra đi. Chốn trần thế đầy thị phi, dối gian, ác nghiệt đã có lúc cũng chẳng "tha" cho một nhà hiền triết. Nhà Mỹ học nghĩ - sống đẹp, không vẩn bụi tục tham, như một ông Tiên đã ngự cảnh giới thanh cao ngay giữa bão táp xô bồ bởi từng giây ham sống. Quý hoá từng khắc để mỗi ngày sống đều dư vị đẹp và ích cho đời. Lợi ích văn hóa hơn cả vàng ròng mà ông bảo tồn, tạo dựng, truyền phổ cho Việt Nam khắp xứ sở này, xoải cánh tới các chân trời khác. Tôi tin lời NSND Hoàng Cúc: "Ông là người cõi trên". Đúng, chỉ có siêu nhân phi phàm mới có thể lao động 18 giờ ngày ở tuổi 97 với 7 thư kí lo đánh máy và quản lý dữ liệu. Cả khi phải đặt nội khí quản, thở oxy và tiếp dinh dưỡng bằng ống thì ông vẫn ham giao tiếp bằng bút đàm. Ông chỉ ham sống để được viết tiếp.

Ông có 7 cháu, 14 chắt ruột; nhưng số người ông nhận là con nuôi, cháu nuôi thì khá đông, đến độ con gái ông trêu đùa: "Bố cứ như Lạc Long Quân đời mới".

5. Có nhiều danh từ gắn với tên SG Vũ Khiêu, một trí tuệ - tâm hồn lớn, tài năng kiệt xuất, hiếm biệt. Lớn và bao trùm nhất vẫn là nhà văn hóa, bên trong là nhà văn, nhà thơ, dịch giả.

Ông, người được Thủ đô vinh danh Công dân ưu tú năm 2010 sau 10 năm nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, sẽ gặp lại mọi người trong lần gặp cuối chia tay Hà Nội. Gia đình đã chọn sáng 11.10 làm tang lễ cho ông, 1 ngày sau ngày tròn 67 năm Thủ đô giải phóng. Đau đớn mà không bi lụy, mất mát. Vì ông vẫn còn đấy, sinh ngữ Vũ Khiêu tràn ngập lấp lánh tinh hoa sức sống; còn đấy tiếng cười bàn tay mềm ấm. Và nhất là tuệ nhãn tỏa thần khí của bậc tiên hiền. Ông chọn ngày cuối của tháng 9 rời đi, kịp qua sinh nhật để bước sang tuổi 106. Không phải kết thúc, mà khởi hành một hành trình bất tận khác. Đích đến của chuyến đi dài này là về nơi cắt rốn chôn rau, về quê nhà Hành Thiện đã lâu không về, để đoàn tụ bên người vợ tào khang Nguyễn Thị Quý (1918 - 1994) chờ ông 27 năm; bên những người ruột thịt, họ hàng, bà con nội ngoại xóm làng.

Cuối năm 2022, Trường Tiểu học Xuân Hồng A tròn 100 năm. GS Vũ Khiêu không thể hiện diện trong đại lễ, nhưng ông sẽ từ trên cao mà ngắm mọi người trong trìu mến. Tôi có kỷ niệm đắt giá: Được cùng 2 người Anh hùng Lao động về quê ông mùa khai giảng 2012. Sáng 4.9.2012 dự khai giảng trường TH Dân lập Cao Phong (lấy từ một bút danh của Vũ Khiêu năm 2011, tiền thân là trường cấp III Xuân Trường thành lập 1998), chiều qua thăm Trường cũ nơi GS là học trò duy nhất của khóa 1 École Primaire Hành Thiện còn sống. Sân trường có cây ông trồng Thu 2011 đã vút cao.

Ông ơi! Cháu kìm mãi, không kìm thêm được nữa, cháu rất nhớ ông. Cháu mất ông nội 40 năm, khi chỉ 1 tuổi rưỡi, ký ức qua lời cha cháu kể. Nhưng cháu nhận phước báu được là cháu ông.

Ông không chỉ là đại thụ rợp bóng, mà ông là cả cánh rừng với bao cây tốt tươi ông trồng, cho lịch sử, văn chương, văn hóa, cho Tiếng Việt đẹp đẽ vô ngần mà ông góp phần làm trù phú và biểu cảm, tạo nghĩa mới, bằng cả tình đời chan chứa nhân gian.

Ông đặt tên cho hai đứa con của tôi, hai cháu nội của cô Hoàng Cúc và bao đứa trẻ ơn lành được mang tên một đời từ anh hoa trí tuệ khát vọng ông trao gửi, đã - đang lớn lên, chắc chắn luôn tự hào và noi theo ông mà sống đẹp. Như tôi, học trò nhỏ tít tắp của ông, cũng ý thức từng ngày trôi qua cần làm gì để lại.

VI THUỲ LINH
TIN LIÊN QUAN

Giáo sư Vũ Khiêu - Tâm và tầm trong khoa học

PGS.TS Bùi Xuân Đính |

Với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu là bậc quá lớn trên nhiều phương diện: tuổi tác, kiến thức và vị thế xã hội. Tưởng như cái bóng quá lớn của ông sẽ làm tôi không bao giờ có thể gần ông được.

Đọc lại những câu đối hay và tinh tế của Giáo sư Vũ Khiêu

Hải Ngọc |

Giáo sư Vũ Khiêu vốn nổi tiếng với những câu đối tặng bạn bè, người thân. Ông thường viết nhiều câu đối bộc trực, nói thẳng ý mình, nhất là những câu nặng về tình, về nghĩa.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu qua đời ở tuổi 106

Phạm Đông |

Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 ngày 30.9 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 106 tuổi.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Giáo sư Vũ Khiêu - Tâm và tầm trong khoa học

PGS.TS Bùi Xuân Đính |

Với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu là bậc quá lớn trên nhiều phương diện: tuổi tác, kiến thức và vị thế xã hội. Tưởng như cái bóng quá lớn của ông sẽ làm tôi không bao giờ có thể gần ông được.

Đọc lại những câu đối hay và tinh tế của Giáo sư Vũ Khiêu

Hải Ngọc |

Giáo sư Vũ Khiêu vốn nổi tiếng với những câu đối tặng bạn bè, người thân. Ông thường viết nhiều câu đối bộc trực, nói thẳng ý mình, nhất là những câu nặng về tình, về nghĩa.

Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu qua đời ở tuổi 106

Phạm Đông |

Giáo sư, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Vũ Khiêu đã qua đời vào lúc 12h37 ngày 30.9 tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), hưởng thọ 106 tuổi.