Gặp gỡ cuối tuần

Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSƯT Thanh Ngoan: “Phải coi chèo là nghệ thuật kinh điển của VN”

DIỄM ANH THỰC HIỆN |

NSƯT Thanh Ngoan là một trong số không nhiều nghệ sĩ đã “đóng đinh” được tên tuổi của mình với cái nghiệp Chèo gian truân này. Nói gian truân là bởi, gần 40 năm làm nghề, chị trung thành và đăm đắm một ước vọng là làm sao cho Chèo - một bộ môn nghệ thuật truyền thống đã từng bị thế hệ trẻ không quan tâm - trở thành một nhu cầu thưởng thức thường xuyên của khán giả trong và ngoài nước.

Thế nhưng, còn một Thanh Ngoan khác, đó là Thanh Ngoan - Giám đốc. Chị làm Giám đốc Nhà hát Chèo VN đã 4 năm và trong hơn 3 năm qua, có thể nói bộ mặt của Nhà hát có những sự thay đổi đáng kể, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Việc Bộ VHTTDL chọn Nhà hát Chèo VN là một trong 5 đơn vị đầu tiên mang những chương trình có chất lượng cao biểu diễn thường xuyên, luân phiên tại Nhà hát Lớn trong dịp Quốc khánh vừa qua đã phần nào chứng tỏ vị thế của Nhà hát.

Các đoàn, nhóm biểu diễn Chèo trong truyền thống được gọi là “Chiếu Chèo”, giờ các chiếu ấy được rải ra ở Nhà hát Lớn - nơi vốn được coi chỉ dành cho những chương trình nghệ thuật sang trọng - có phù hợp không, thưa chị?

- Quá hay chứ sao? Đành rằng trước đây chúng ta vẫn quen gọi là “chiếu Chèo”, “gánh Chèo” nhưng thế kỷ 20 Chèo đã đưa vào sân khấu và đã phục vụ, chinh phục được biết bao thế hệ khán giả. Hơn nữa, Chèo là một bộ môn nghệ thuật truyền thống có không gian biểu diễn rất ước lệ. Những gì đặc trưng của nó đều nằm trong sự thể hiện của chính người diễn viên, thông qua lời ca, vũ điệu, ánh nhìn... Nhà hát Lớn là nơi mà người ta vẫn cho là nó gắn liền với không gian văn hóa sang trọng, vì thế việc đưa Chèo vào đó biểu diễn là nâng tầm nó lên. Nhà hát Lớn là nơi có dấu ấn lịch sử, có kiến trúc đẹp, độc đáo... hoàn toàn là một nơi rất đáng đến đối với du khách trong và ngoài nước. Vì thế, tại sao ta không tổ chức như thế để quảng bá “2 trong 1” luôn: Vừa quảng bá được văn hóa truyền thống, vừa quảng bá được một điểm đến đẹp của Thủ đô? Hơn nữa, theo tôi, Chèo cũng có thể được/nên coi là nhạc kinh điển của VN - như Opera là nghệ thuật kinh điển của thế giới. Chèo là nghệ thuật chỉ có ở VN. Thế thì tại sao ta không mang nó đến nơi sang trọng để biểu diễn, tôn vinh nó?

Thế còn trên sân khấu Nhà hát Chèo VN (71 Kim Mã, HN) thì sao, thưa chị?

- Đương nhiên, nói như thế, không có nghĩa là diễn ở sân khấu của Nhà hát Chèo VN là không sang trọng. Dù biểu diễn ở đâu thì những người nghệ sĩ chúng tôi cũng vẫn cố gắng như nhau. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, công tác truyền thông của chúng tôi chưa tốt, vì thế, chưa thật nhiều người đến với Nhà hát. Bởi vậy, việc đưa ra Nhà hát Lớn biểu diễn cũng là một hình thức quảng bá thêm cho chèo đến với đông đảo khán giả hơn, để từ đó, họ quan tâm, yêu thích nhiều hơn.

Đảm nhận vai trò Giám đốc, chị có chịu áp lực nào không, khi điều hành một Nhà hát tầm quốc gia và có đến 60 năm tồn tại và phát triển?

- Tôi là người rất mạch lạc trong công việc. Làm cái gì cũng nghĩ là làm cho Nhà hát, cho nghiệp Chèo. Lúc nào cũng muốn điều tốt cho Nhà hát. Tất nhiên, một mình tôi thì không thể làm được điều mong muốn đó, vì thế, tôi kêu gọi mọi người cùng góp sức, hay nói cách khác là “chiêu hiền, đãi sĩ”. Việc không đúng thì tôi bảo không đúng, nhưng tôi không “loại bỏ” ai bao giờ. Quan điểm của tôi là không có một người nào là thừa, không có một người nào là không quan trọng - kể cả người xuất hiện vài giây trên sân khấu, người điều khiển âm thanh, ánh sáng, người tạp vụ chuẩn bị sân khấu... nhưng tôi luôn đòi hỏi chương trình phải có chất lượng cao nhất. Ngược lại, mọi người được tin, được trân trọng nên cũng không ẩu được. Khi buổi biểu diễn thành công thì thành công đó thuộc về cả một tập thể, của Nhà hát. Cũng may, tất cả mọi người đều chung quan điểm với tôi, cho nên có vất vả đến mấy trong tập luyện, họ vẫn cảm thấy gắn bó với Nhà hát và công hiến các chương trình có chất lượng tốt nhất bằng trái tim yêu nghề của mình.

“Cơ chế” là từ cụm từ được nhiều nhà quản lý hay dùng để nói về những khó khăn, vướng mắc của mình trong việc quản lý, điều hành. Chị có nằm trong số đó?

- Cơ chế ngày nay đã thoáng hơn rất nhiều. Chỉ có điều làm thế nào tổ chức đúng người, đúng việc để khuyến khích tài năng. Và một khi đã hoạch định văn hóa ngang tầm chính trị, ngang tầm kinh tế thì phải có chính sách và cơ chế rất rõ ràng, rành mạch thì mới đạt được mục tiêu.

“Sống được bằng nghề” - đó dường như là nỗi niềm của rất nhiều nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống hiện nay. Với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo VN thì sao, thưa chị?

- Cả đời tôi có biết làm nghề gì khác đâu? Bây giờ làm quản lý tôi vẫn đi show (tất nhiên có chọn lọc hơn). Các nghệ sĩ của Nhà hát cũng thế thôi: Dù họ có đi làm thêm cái gì đó đi nữa thì nó cũng chỉ là thời điểm, vụ việc thôi, còn lại vẫn phải sống bằng đồng lương nghệ sĩ. Mà nếu họ có đi hát ở chỗ khác thì cũng từ xuất phát điểm là họ phải có nghề người ta mới mời... Các nhà hát khác cũng vậy, người ta dạy cho các bạn có cái nghề, để bây giờ các bạn đi hát ở chỗ khác thì chả làm nghề thì là gì? Thế nên tôi khẳng định, nghệ sĩ nói chung vẫn sống được bằng nghề. Chỉ có điều, mong muốn hơn là tại Nhà hát - nơi mình cống hiến, được hưởng lương - có đời sống cao hơn mình không phải chạy chỗ nọ, chỗ kia, có thể nhiều tiền hơn nhưng rõ ràng việc làm nghề không được đầy đủ, chuyên nghiệp như ở Nhà hát.

Chị đánh giá thế nào về các loại hình nghệ thuật truyền thống hiện nay?

- Người ta vẫn hay nói: “Bao giờ cho đến ngày xưa?”, nhưng người ta cũng quên rằng, “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Bây giờ ăn cái gì cũng không thấy ngon vì nhiều lựa chọn quá. Ngày xưa, ăn no là đủ rồi, thỉnh thoảng mới có một món ăn mới lạ so với thường ngày thì sẽ cảm thụ được hết cái ngon, cái lạ của nó. Văn hóa cũng vậy, năm có đôi lần chỉ có gánh chèo đi qua làng thì thực sự là một sự kiện, nhớ mãi... Đúng là văn hóa truyền thống ngày xưa được các cụ đúc kết qua hàng nghìn năm, biểu diễn rất hay, rất giỏi. Thế nhưng tôi vẫn khẳng định rằng, thời nay cũng rất hay, còn hay hơn nữa bởi vì điều kiện của chúng ta, mọi thứ tốt hơn rất nhiều, diễn viên được đào tạo bài bản hơn.

Cũng phải nói rằng, một thời gian rất dài, chúng ta đã quá thờ ơ với văn hóa truyền thống, bởi thế cho nên khán giả cũng không quan tâm. Từ chỗ không quan tâm, không hiểu sâu về nó nên cũng không cảm nhận được những cái hay, cái đẹp của nó. Nhưng ở giai đoạn này, tôi thấy giới trẻ lại quan tâm rất nhiều. Bằng chứng là số người trẻ đến Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN (Đình Hào Nam, HN) để học ngày càng nhiều. Khán giả của Nhà hát Chèo cũng được trẻ hóa.

Chị nói “Mọi thứ bây giờ tốt hơn rất nhiều...” - nhưng trên thực tế, có vẻ như những vở Chèo cổ vẫn chiếm ưu thế trong việc thu hút khán giả đến Nhà hát. Vậy, kịch bản có phải là vấn đề?

- Nhà hát Chèo nói riêng và các nhà hát nói chung đều gặp vấn đề này. Để tìm được những kịch bản mới, ý tưởng mới là vô cùng khó. Còn lại cứ ăn sẵn những kịch bản cũ thì ai xem? Mà thực ra cũ bây giờ cũng chả có nữa. Kể cả có hay thì cứ dựng đi dựng lại thì liệu có kéo được khán giả đến với mình? Chính vì thế, thời gian gần đây, tôi phải đọc tiểu thuyết, hoặc lấy từ kịch bản phim để hướng dẫn cho mọi người viết, xây dựng, chuyển thể. Năm nay Nhà hát Chèo VN sẽ đi Hội diễn Sân khấu với hai tác phẩm “Dây tràng hạt diệu kỳ” của Trần Đình Ngôn, và “Giai điệu Tổ quốc” - kịch bản văn học của Vương Huyền Cơ. Ở Nhà hát Chèo VN, các vở truyền thống, kinh điển vẫn được dựng lại và duy trì, nhưng bên cạnh đó còn phải có những vở bắt nhịp thời đại như “Giai điệu Tổ quốc” - nói về biển đảo, lòng vị tha của người VN sau chiến tranh. Tôi khuyến khích tất cả mọi người có ý tưởng hay, rồi ngồi với nhau, cùng xây đắp lên kịch bản.

Chị hình dung thế nào về tương lai của chèo?

- Nhà hát Chèo VN sẽ là điểm đến để giới thiệu nghệ thuật Chèo thường xuyên cho khách du lịch trong và ngoài nước để đời sống của cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ đỡ vất vả hơn, để mỗi tối mọi người đều được làm, được cống hiến ngay trên “sân nhà”… Nhưng quan trọng hơn là để các bạn trẻ nối tiếp được việc gìn giữ, phát huy được nghệ thuật này. Tôi cũng mong Nhà nước đầu tư để Chèo phát triển và có thương hiệu như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Nô của Nhật Bản, bởi Chèo là một loại hình văn hóa truyền thống rất VN, các loại hình văn hóa khác - đâu đó còn vay mượn, nhưng riêng Chèo là thuần Việt.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

- NSƯT Thanh Ngoan (quê Thái Bình), học hát chèo từ khi mới 9 tuổi. Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, chị được nhận nhiều Huy chương Vàng tại các hội thi, hội diễn trong nước.

- NSƯT Thanh Ngoan còn là Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc VN. Cùng với những nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Thao Giang, NSND Xuân Hoạch; các NSƯT Văn Ty, Hạnh Nhân… chị đã có công làm sống lại và phát huy có hiệu quả, “truyền lửa” cho thế hệ trẻ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó đặc biệt là xẩm.

 

DIỄM ANH THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.