Giải thưởng Kovalevskaia xướng danh các nữ tướng giải mã thành công

Lệ Hà |

Chưa đầy 3 ngày của tháng 2.2020, các nhà khoa học Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo nuôi cấy và phân lập thành công virus Corona mới (nay gọi là SARS-CoV-2) trong phòng thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu được đưa ra vào thời điểm cả cộng đồng thế giới đang “hoang mang” với dịch COVID-19.

Chủng virus quá mới có sức lây lan nhanh chóng với số ca mắc và tử vong tăng nhanh từng ngày. Việc các nhà khoa học Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nuôi cấy và phân lập thành công SARS-CoV-2 đã giúp phần nào giải toả những lo lắng.

Tại sự kiện trao tặng bằng khen của Bộ Y tế ngày 12.2 cho tập thể nhóm nghiên cứu và các cá nhân của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công virus SARS-CoV-2, lần đầu tiên, báo chí được nhìn thấy các nhà khoa học làm nên chiến tích ấy: GS.TS Đặng Đức Anh (Viện trưởng), PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai (Phó Viện trưởng), TS Hoàng Vũ Mai Phương (Trưởng khoa Virus), PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng (Phó Trưởng khoa Virus), Ths Vương Đức Cường (Khoa Virus) và Ths Nguyễn Thanh Thủy (Trung tâm nghiên cứu Y sinh học). Điều đặc biệt, nhóm nghiên cứu có đến 4 nữ nhà khoa học.

Một tin vui nữa đến với nhóm các nhà khoa học khi tập thể khoa học nữ Phòng Thí nghiệm Cúm, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) đã được lựa chọn để trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2019.

Ngày đêm “tóm gọn” SARS-CoV-2

Bước ra từ phòng nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó Trưởng Khoa Virus (Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương) - không giấu nổi sự mệt mỏi nhưng ánh mắt ngời hạnh phúc vì bao vất vả của cả một tập thể đã được đền đáp: Chỉ trong thời gian ngắn các nhà khoa học đã phân lập thành công SARS-CoV-2, đưa Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia phân lập thành công virus này.

Khó để tin chỉ trong 72 tiếng, các nhà khoa học có thể nuôi cấy và phân lập được chủng virus mới. Các nhà khoa học Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã làm được.

Sau đúng 72 giờ nghiên cứu, phân lập, lúc 9h40 ngày 7.2, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm. Toàn bộ quá trình nghiên cứu diễn ra phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 - cấp độ an toàn sinh học áp dụng đối với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, “nữ tướng” chỉ huy cuộc nuôi cấy và phân lập SARS-CoV-2 bước ra từ phòng nghiên cứu sau nhiều ngày quên ăn, quên ngủ: “Chúng ta đã thành công. Chúng tôi làm việc 24 giờ mỗi ngày để có kết quả hôm nay”.

Từ trước Tết Nguyên đán, một ngày làm việc của nhóm nghiên cứu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thường bắt đầu từ sáng sớm và kéo dài đến khi trả hết kết quả xét nghiệm trong ngày, lúc đó có thể là 7, 8 giờ tối. Có thời điểm, họ rời phòng nghiên cứu đã là nửa đêm. Đặc biệt, dịp Tết vừa qua, trong khi nhiều gia đình đang quây quần đón năm mới, tại phòng nghiên cứu, các nhà khoa học quên đi bữa cơm gia đình mà nghĩ đến làm sao phải “đánh gục” virus SARS-CoV-2.

Mỗi bước đều phải rất thận trọng. Thời điểm đó đã là 30 Tết nhưng mọi người đều ở lại phòng nghiên cứu, quên cả Tết. Sang ngày mùng 1 Tết, tất cả vẫn quay cuồng ở viện để “canh” từng mẫu hoạt động. Thời điểm nhận định được kết quả, tất cả mới thở phào.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó Trưởng Khoa Virus - chia sẻ: “Đến thời điểm này, việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm “nhàn” hơn rất nhiều và đi vào thường quy rồi. Không như những ngày đầu, thông tin về bệnh rất hiếm hoi. Qua Hệ thống giám sát Cúm toàn cầu, chỉ le lói xuất hiện thông tin một dạng bệnh viêm phổi lạ có khả năng do virus mới gây ra tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, chưa xuất hiện mẫu bệnh phẩm, nên việc nghiên cứu hay hiểu biết về loại virus này còn mờ nhạt. Đến khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định thuộc dòng virus Corona thì các nhà nghiên cứu của viện xác định tinh thần “chiến đấu” với nó.

Quá trình nuôi cấy và phân lập diễn ra nhanh chóng và đầy nguy hiểm. Để nuôi cấy, nhóm nghiên cứu lựa chọn 2 trong số 9 mẫu bệnh phẩm dương tính với COVID-19 và nuôi cấy trên 2 mẫu tế bào được cung cấp bởi phòng thí nghiệm của trường Đại học Nagasaki (Nhật Bản).

Sau khi gây nhiễm, tế bào gây nhiễm được theo dõi hàng ngày bằng kính hiển vi và xác định sự có mặt của virus bằng phương pháp realtime RT-PRC. Cuối cùng, các nhà khoa học Việt Nam đã nhìn thấy hình hài con SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng nhớ lại: Với virud SARS-CoV-2, chúng tôi phải tiến hành trong phòng an toàn thí nghiệm cấp độ 3. Với phòng thí nghiệm như vậy, các tác nhân mới nổi nguy hiểm không chỉ có SARS-CoV-2 sẽ phải được đảm bảo không phát tán ra bên ngoài. Điều kiện của phòng thí nghiệm cũng như các nghiên cứu viên làm việc trong điều kiện ngặt nghèo. Các nhân viên đều được đào tạo chuẩn chỉ về những tiêu chuẩn kĩ thuật, áp suất không khí đặc biệt.

Đối với các nhân viên khi thực hiện, thao tác trong phòng, chúng tôi cũng tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt trong phòng an toàn thí nghiệm cấp độ 3. Với những tác nhân virus nguy hiểm không nhìn thấy, chúng ta phải kiểm soát, không thì chính những nghiên cứu viên làm việc sẽ có nguy cơ mắc cao nhất. Chúng tôi và nhóm nghiên cứu đều tuân thủ hết sức nghiêm ngặt và cũng cảm thấy phần nào yên tâm khi tiếp xúc với tác nhân mới này.

TS.BS Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - chia sẻ: Đặc thù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận từ những khâu nhỏ. Nhóm chúng tôi làm việc với mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm, thu thập từ dịch họng của họ. Lựa chọn nghề này, chúng tôi xác định mình cũng sẽ đối mặt nhiều nguy cơ. Nhưng trong chúng tôi, ai cũng có thâm niên gắn bó với phòng thí nghiệm trên 10 năm.

Ít ai biết, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chính là một trong những “chiến binh” đã “chinh phục” virus SARS vào năm 2003.

Quay về câu chuyện của 17 năm về trước, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai kể: Tham khảo thông tin quốc tế, chúng tôi được khuyến cáo có thể sử dụng virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus mới. Hiện viện vẫn lưu trữ virus SARS-CoV cách đây 17 năm nên chúng tôi đã vào phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3 để lấy virus ra và tạo ra những mẫu chứng dương ban đầu. Phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3 của viện đã đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Việt Nam-1 trong 4 nước phân lập thành công SARS-CoV-2

Kết quả nuôi cấy thành công này sẽ giúp giải mã chính xác về nguồn gốc của COVID-19, độc lực, cơ chế gây bệnh, khả năng miễn dịch, sức chịu đựng của virus trong các môi trường... Đây cũng là dữ liệu tiên quyết để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các sinh phẩm chẩn đoán đặc hiệu và vaccine ngừa bệnh.

Với việc nuôi cấy, phân lập thành công SARS-CoV-2, Việt Nam có khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. Ngay sau khi Việt Nam nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2, Hội đồng Khoa học Công nghệ cấp quốc gia đã họp, thẩm định kinh phí để triển khai các đề tài: Nghiên cứu chế tạo Bộ Sinh phẩm RT-PCR và Realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus SARS-CoV-2; nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc SARS-CoV-2; nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 gây ra.

Sau khi phân lập virus thành công, viện đã tiến hành sản xuất mẫu đối chứng cung cấp cho một số đơn vị để sản xuất các bộ kít xét nghiệm sớm ở y tế tuyến tỉnh, giúp phát hiện, sàng lọc sớm các ca nghi ngờ. Tuy nhiên, trước khi chuyển giao công nghệ xét nghiệm, viện có kế hoạch tập huấn, đánh giá cơ sở vật chất, nhân lực, đặc biệt về an toàn sinh học. Những đơn vị đủ điều kiện sẽ được cấp chứng nhận để thực hiện.

Việc phân lập và nuôi cấy thành công chủng virus SARS-CoV-2 sẽ giúp ích rất nhiều trong sản xuất các bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh COVID-19. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu về độc lực của virus, từ đó có thể xác định các phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đây là cơ sở để nghiên cứu, sản xuất vaccine về sau.

Lệ Hà
TIN LIÊN QUAN

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

Những phong tục đón Tết Âm lịch độc đáo trên thế giới

Quỳnh Nga |

Nhiều quốc gia ở châu Á như Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore, Trung Quốc… cũng đón Tết Âm lịch như Việt Nam, có nhiều phong tục đặc sắc.