Giải "Nobel Xanh" cho “anh hùng xuyên sơn giáp” của Việt Nam

Thành Sơn |

Xuyên sơn giáp là tên gọi khác của tê tê, loài động vật quý hiếm bị giết hại nhiều nhất trên trái đất bởi niềm tin mù quáng của con người - kiểu “dùng vảy tê tê chữa bách bệnh”. Đau đớn trước thực trạng này, Nguyễn Văn Thái - SN 1982, người sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife), một người con của đất Ninh Bình đã không thể cầm lòng.

15 năm qua, anh đã cùng các cộng sự tìm mọi cách để giải cứu, bảo tồn và phát triển loài tê tê, tái thả vào tự nhiên gần 2.000 cá thể, bằng mọi cách nhằm cứu loài động vật quý hiếm này khỏi bờ vực tuyệt chủng. Ngày 16.6.2021, những nỗ lực của anh trong bảo tồn thiên nhiên đã được thế giới vinh danh. Người “anh hùng xuyên sơn giáp” đã mang về cho Việt Nam giải thưởng “Nobel Xanh” - giải thưởng môi trường lớn nhất, danh giá nhất toàn cầu, trị giá 200.000 đô la Mỹ.

“Bén duyên” với tê tê từ những ám ảnh buồn

Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, anh sinh viên Nguyễn Văn Thái có nhiều cơ hội nghiên cứu, tiếp xúc những tài liệu liên quan đến vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học và được truyền cảm hứng từ nhà nghiên cứu bảo tồn người Đức Tilo Nadler - “ông Tây bảo tồn” nổi tiếng khắp Việt Nam.

Khi làm việc ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, anh Thái được tiếp xúc với rất nhiều người nước ngoài là các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, những “va chạm” trong công việc khiến sự “tự ái” trong người anh trỗi dậy. “Những người nước ngoài đã đến Việt Nam cống hiến bản thân, cống hiến thời gian, nỗ lực hết sức mình để bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên cho Việt Nam, thế mà người Việt Nam chúng ta lại không hành động thật sự hiệu quả, ít ra là bằng với họ sao? Vì sao chúng ta chỉ dựa duy nhất vào nguồn lực từ những người nước ngoài tử tế kia đến để giúp đỡ? Vì sao chúng ta không tự nỗ lực, không cố gắng để cứu thiên nhiên của mình? Thế có phải Việt Nam có “hai chân” nội và ngoại trong bảo tồn, thì quý hóa biết bao nhiêu” - hàng loạt câu hỏi vì sao cứ nảy lên trong đầu chàng sinh viên trẻ tuổi vừa tốt nghiệp, thôi thúc anh đi tìm câu trả lời. Tiếng muông thú và số phận nhiều khi còn quá bi thương của chúng vẫy gọi và anh quyết định ở lại VQG Cúc Phương, bắt đầu tham gia cứu hộ.

Hình ảnh anh Nguyễn Văn Thái được vinh danh năm 2021 tại Giải thưởng Goldman- Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường. Ảnh: Giải thưởng Goldman
Hình ảnh anh Nguyễn Văn Thái được vinh danh năm 2021 tại Giải thưởng Goldman- Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường. Ảnh: Giải thưởng Goldman

Những ngày đầu làm việc về tê tê, dù miệt mài tìm kiếm nhưng gần như anh Thái không có được thông tin gì về nhóm loài này. Anh kể: “Chưa hề có ai viết về việc cứu hộ, chăm sóc và làm thế nào để làm việc với tê tê. Vì thế tôi phải tự mày mò, tìm hiểu, đọc tất cả các sách, tài liệu liên quan đến loài động vật này. Sau khi có một vài kiến thức ban đầu, tôi có cơ hội làm việc với một số tình nguyện viên nước ngoài”.

Lúc này, tiếng Anh lại là một trở ngại không nhỏ vì anh Thái không hề nói được tiếng Anh. Phải mất một thời gian dài “ngày làm đêm học”, bằng sự nỗ lực rất lớn của bản thân, anh mới có đủ vốn ngoại ngữ để làm việc với người nước ngoài, bắt nhịp với công việc. “Nếu không cố gắng thì không thể mang đến sự thành công được. Tôi cứ nghĩ như thế, vừa học vừa làm, đã làm thì làm hết mình” - anh Thái tâm sự.

Làm ở Chương trình bảo tồn thú ăn thịt và tê tê tại Vườn quốc gia Cúc Phương một thời gian, năm 2010 anh Thái được nhận học bổng du học một năm tại Anh, chuyên sâu về bảo tồn và cứu hộ động vật tại khóa học Quản lý các loài động vật hoang dã nguy cấp tại Trường Đại học Kent - Vương Quốc Anh. Tiếp đó, anh tiếp tục học Thạc sĩ quản lý Môi trường tại Trường Đại học Quốc gia Australia, năm 2012 - 2013 theo chương trình Học bổng phát triển của Chính phủ Australia. Hai năm vừa học tập vừa làm việc, thậm chí làm thêm để lấy tiền ăn học ở “xứ sở chuột túi” đã mang lại cho anh Thái những trải nghiệm vô cùng hữu ích với công việc của anh sau này.

Không tự nhiên mà anh Thái lại say mê thiên nhiên và công việc bảo tồn của mình như vậy. Tình yêu thiên nhiên ngấm sâu vào tâm hồn của nhà bảo tồn này không phải ngày một ngày hai mà nó bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ đẹp đẽ về những cánh rừng, và cả những ám ảnh mất mát khi chứng kiến sự đau khổ của những con thú bị săn bắt. Anh Thái sinh ra và lớn lên ở xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. "Tôi sống bên cạnh rừng, tuổi thơ của tôi là rừng cây bạt ngàn, là muông thú, chim chóc. Hồi nhỏ, tôi bắt gặp những con tê tê vàng trên đường rừng, hay thậm chí cả những góc ruộng bìa rừng, chúng chậm chạp, lầm lũi. Càng lớn lên, tôi tự hỏi, chúng đi đâu hết cả rồi? Sau này, tôi thấy người ta bắt tê tê, con vật hiền lành nằm im cho chó săn và các thợ săn lọc lõi lần lượt “bế” về giết thịt, "bế" về bán cho con buôn, tôi mới vỡ lẽ...” - anh Thái tâm sự.

Có đợt, anh Thái quyết tâm dành thời gian, tập trung quan sát và ghi chép lại tỉ mỉ các hoạt động, tập tính của loài tê tê. Suốt 2 tháng liền, anh làm việc cả ngày lẫn đêm, không về nhà, làm việc đến quên cả cơn đói. Ban đêm, khi tê tê thức dậy và kiếm mồi, anh lại tỉ mẩn quan sát, ghi chép mê mải đến khi trời rạng sáng, hai mắt thâm quầng, người gầy đi trông thấy. Nghiên cứu của anh và đồng nghiệp đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Zoo Biology, không chỉ giúp cải thiện công tác chăm sóc tê tê ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Anh cũng là đồng tác giả cuốn hướng dẫn quản lý nuôi nhốt bảo tồn tê tê java, là cuốn sách đầu tiên xuất bản cho loại Tê tê này.

Anh trực tiếp đi bắt mối kiến, tìm thức ăn, chăm sóc và theo dõi các cá thể tê tê - loài thú nhỏ bé mang bộ giáp của loài khủng long thời tiền sử nhưng lại lành hiền, giàu tình cảm, chỉ biết cuộn tròn như những quả bóng sắt để trốn tránh sự tấn công của kẻ thù. Nó cũng cuộn tròn ôm con nhỏ vào lòng khi cảm thấy sự nguy hiểm hoặc đối mặt với kẻ thù, lớp “giáp sắt” đó là tay nôi hầu như tuyệt đối an toàn cho các chú tê tê nhỏ dễ thương...

Công tác cứu hộ và chăm sóc tê tê ngày càng được cải thiện từ khát khao thiện lành của anh Thái: “Làm thế nào để tê tê được cứu nhiều nhất có thể và được chăm sóc khỏe mạnh, để tất cả chúng có thể được về với tự nhiên - nơi chúng thuộc về. Giống như con người được trở về ngôi nhà thân yêu của mình vậy”. Thế nhưng, hiện thực lại khó tránh hỏi những ám ảnh buồn.

Xuất phát chính từ nỗi sợ hãi rằng loài tê tê có thể biến mất không tăm tích khỏi thiên nhiên Việt Nam như loài tê giác Java, hay hổ Đông Dương, anh Thái quyết tâm tìm một sự công bằng cho loài tê tê: “Nhiều người mù quáng tin vào tác dụng chữa bệnh của vảy tê tê, vô tư giết hại chúng, dẫn đến nguy cơ tuyệt diệt của của tê tê vàng và tê tê Java ở Việt Nam. Thậm chí, nhiều năm làm công tác bảo tồn, tôi đã không còn thấy một con tê tê vàng nào trong tự nhiên nữa”.

Có lần, cơ quan chức năng đã bắt giữ các đối tượng buôn lậu và thông báo cho SVW đến cứu hộ 115 cá thể tê tê còn sống. Đội của anh Thái lập tức lên đường. Thế những, khi họ đến nơi thì hơn 90 con tê tê đã bị chết do chiếc xe buôn lậu phơi nắng giữa mùa hè, thùng xe niêm phong đóng kín, lực lượng chức năng có mặt thì xử lý chậm trễ. “Tôi không bao giờ quên giây phút mở thùng xe tải ra và thấy hơn 90 con tê tê đã chết ngạt. Hình ảnh chúng lăn lóc, phơi thây giữa cái nắng mùa hè cứa vào tim tôi. Giá như họ linh hoạt và có trách nhiệm hơn, thì những con tê tê kia đã không chết” - anh Thái buồn bã nói.

Quyết liệt, bằng những hành động thiết thực

Càng chứng kiến sự mất mát, càng đau đớn, anh Thái càng quyết liệt. Những năm qua, “đầu lĩnh” Nguyễn Văn Thái cùng Trung tâm SVW đã bắt tay với VQG Cúc Phương và Pù Mát trực tiếp thực hiện các hoạt động cứu hộ, phục hồi, tái thả động vật hoang dã vào tự nhiên.

Với 2 Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, nhóm đã trực tiếp cứu hộ 1.888 cá thể ĐVHD thuộc 40 loài khác nhau với 60% cá thể được tái thả thành công. Nhóm đã trải qua 179.660km đường cứu hộ và đường rừng tái thả động vật. Từ đó, xây dựng mới 74 chuồng động vật mới, 2 bệnh viện thú y và 1 khu bán hoang dã chăm sóc động vật hoang dã.

Anh Thái kiểm tra số lượng bẫy thú và súng săn mà lực lượng kiểm lâm và nhóm Anti Poaching đã gỡ được từ trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Thành Sơn
Anh Thái kiểm tra số lượng bẫy thú và súng săn mà lực lượng kiểm lâm và nhóm Anti Poaching đã gỡ được từ trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Thành Sơn
Anh Thái kiểm tra số lượng bẫy thú và súng săn mà lực lượng kiểm lâm và nhóm Anti Poaching đã gỡ được từ trong Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Thành Sơn

Trung tâm SVW đã cứu hộ, chăm sóc, tái thả thành công hơn 1.600 cá thể tê tê về với rừng, góp phần phục hồi quần thể ngoài tự nhiên. Anh Thái không ít lần đã tự cõng tê tê đi vào rừng sâu để tái thả. Mỗi khi trở về ngôi nhà thiên nhiên, tê tê lại được bảo vệ từ xa bằng cách gắn chíp theo dõi từng cá thể, rồi sử dụng cả máy bay không người lái hiện đại nhất từ Úc để giám sát những con vật có gắn chíp phát sóng.

Hơn thế, anh Thái cũng là hạt nhân thúc đẩy thành lập nhóm Anti-Poaching (nhóm tuần tra bảo vệ rừng, giải cứu thú rừng) đầu tiên ở Việt Nam và phối hợp cùng Kiểm lâm bảo vệ VQG Pù Mát.

“Trong hoàn cảnh thiếu thốn về kinh phí, con người, cơ sở vật chất, chúng tôi may mắn được hợp tác với SVW, đưa ra các chiến lược dài hạn, làm sao bảo vệ tốt nhất cho VQG Pù Mát, từ tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành vi bằng các cuộc hội thảo, bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, đến các hành động giải cứu thú rừng thiết thực” - ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát chia sẻ.

Ở Việt Nam đến năm 2018, chưa có mô hình nào tương tự như ở VQG Pù Mát, khi mà lực lượng kiểm lâm cùng đội Anti - Poaching được trang bị các phương tiện hiện đại nhất, trực tiếp tuần tra hàng tháng trời ở trong rừng, cùng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, xử lý người xâm phạm rừng, giải cứu thú rừng bị dính bẫy, gỡ các rông bẫy, phá hủy lán trại dựng trái phép của lâm tặc...

Những kết quả thu được thực sự đáng kinh ngạc, khi các hoạt động trên đã làm giảm được trên 80% các hoạt động phá rừng và săn bắt trái phép, đã góp phần trả lại bình yên cho những cánh rừng.

Từ thành công của mô hình bảo vệ Vườn quốc gia Pù Mát, SVW đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển mô hình nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng ra các Vườn quốc gia gồm Cát Tiên, Cúc Phương, U Minh Thượng, U Minh Hạ và hướng tới thúc đẩy công tác bảo vệ rừng ở tất cả các VQG Khu bảo tồn ở Việt Nam.

Mong muốn ai cũng có thể trở thành người hùng bảo vệ động vật hoang dã

Ngay khi thành lập Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife vào ngày 22.7.2014, Giám đốc Nguyễn Văn Thái đã luôn tâm niệm sẽ xây dựng một tổ chức bền vững, lớn mạnh, có sự ảnh hưởng lớn đối với công tác bảo tồn ở Việt Nam và kỳ vọng vào những thế hệ người Việt sẽ cùng nhau bảo vệ thiên nhiên, trước hết là cho đất nước mình.

Suốt 15 năm qua, anh Thái đã trở thành một người anh hùng “bất đắc dĩ” của loài tê tê, vận dụng hết công sức, trí tuệ của mình để cứu chúng khỏi nạn tuyệt chủng. Những thành công của anh Thái và cộng sự SVW ngày hôm nay, là bản tổng kết dằng dặc chặng đường vất vả, nỗ lực, tâm huyết và thực tâm với nghề bảo tồn. Kết quả trả về cho anh, chính là sự phục hồi của tê tê ở ngoài tự nhiên.

“Mặc dù tê tê là một trong những loài động vật bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, một loài rất đắt đỏ, luôn là đối tượng của tất cả thợ săn; mặc dù Việt Nam có là một trong những nước ăn, sử dụng, buôn bán, vận chuyển tê tê trái phép nhiều nhất nhưng sau 15 năm nỗ lực giải cứu, hiện nay chúng tôi đã ghi nhận được rất nhiều hoạt động sinh sản của tê tê. Đây chính là động lực để chúng tôi tiếp tục bảo vệ thêm nhiều loài động vật hoang dã khác” - mở cho chúng tôi xem những hình ảnh tê tệ mẹ cõng con thong thả đi trong rừng mà anh và các cộng sự chụp được, anh Thái xúc động đến rơi nước mắt.

Ngày 16.6.2021, tại Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Thái của Việt Nam đã được vinh danh khi nhận Giải thưởng Goldman - Giải thưởng lớn nhất, danh giá nhất thế giới về môi trường, được mệnh danh là “Nobel Xanh" với trị giá giải thưởng khoảng 200.000 đô la Mỹ (tương đương gần 5 tỉ đồng).

Đáng trân quý hơn, ngay khi giải thưởng Goldman được công bố, anh Thái đã quyết định dành toàn bộ giải thưởng 5 tỉ đồng của cá nhân mình cho công tác bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam. “Tôi muốn dùng số tiền này để nâng cao năng lực, để đầu tư vào những hoạt động Save VietNam Wildlife đang làm mà hiện tại đang thiếu các nguồn ngân sách, từ đó để tạo ra một tổ chức phát triển bền vững, một tổ chức tồn tại mãi mãi và có đóng góp to lớn cho công tác bảo tồn ở Việt Nam sau này” - anh Thái chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên anh Thái dành toàn bộ giải thưởng hiến tặng cho công tác bảo tồn. Tháng 4.2016, anh là người Việt Nam đầu tiên đã mang về Giải thưởng “Future For Nature” dành cho những người trẻ có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn ĐVHD thế giới, cùng khoản tiền thưởng 50.000 Euro (khoảng gần 2 tỉ đồng) cho các hoạt động bảo tồn tê tê ở Việt Nam. Không chỉ là số tiền lớn từ 2 giải thưởng, Trung tâm SVW của anh Thái đã gây quỹ được gần 100 tỉ đồng để thực hiện các hoạt động bảo tồn ở Việt Nam trong những năm qua.

“Tôi may mắn vì được làm công việc yêu thích và có một số tiền lương dù không nhiều vẫn đủ để trang trải cho cuộc sống. Giải thưởng này không chỉ là của riêng tôi mà là công sức của cả một tập thể. Sử dụng giải thưởng này để đầu tư cho công tác bảo tồn ĐVHD được tốt hơn thì mới xứng đáng với ý nghĩa mà giải thưởng mang lại. Tôi rất tự hào vì là người Việt Nam đầu tiên trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD nhận được giải thưởng danh giá như Goldman. Giải thưởng này đã ghi nhận những nỗ lực của bản thân tôi, cũng như những nỗ lực của Save Vietnam’s Wildlife đã thực hiện được cho công tác bảo tồn ĐVHD ở Việt Nam. Tôi hy vọng giải thưởng này sẽ là động lực, truyền cảm hứng cho không chỉ riêng tôi mà cho nhiều người Việt Nam khác sẽ cùng hành động để bảo vệ ĐVHD, ai cũng có thể trở thành người hùng bảo vệ ĐVHD”, anh Thái nói.

Những cống hiến lớn lao và những ước muốn giản dị của anh Thái, có lẽ, đáng để chúng ta phải tạm dừng dòng thời gian “sống vội” của mình để trăn trở, suy ngẫm và phải làm gì đó cho thiên nhiên.

Thành Sơn
TIN LIÊN QUAN

Indonesia phát hiện 2 cá thể động vật nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới

Phương Linh |

Công viên quốc gia Indonesia phát hiện 2 tê giác Java con, loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Sơn La: Bắt 4 đối tượng vận chuyển xương động vật quý hiếm

Minh Nguyễn |

Công an tỉnh Sơn La vừa bắt giữ 4 đối tượng vận chuyển xương động vật quý hiếm.

Hơn 1000 người kêu gọi chấm dứt buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã

Thùy Linh |

Chiều 26.5, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố trong khảo sát mới nhất thực hiện cuối năm 2020 đã có hơn 1.000 người dân Nghệ An kêu gọi chính quyền địa phương triệt để chấm dứt tình trạng buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Triệt phá đường dây vận chuyển động vật quý hiếm, thu giữ 40 rắn hổ mang

Văn Đức |

Công an tỉnh Yên Bái vừa triệt phá đường dây vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

TRẦN TUYÊN |

Sáng 28.4, tại huyện Con Cuông (Nghệ An), UBND huyện tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình "Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép".

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Indonesia phát hiện 2 cá thể động vật nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới

Phương Linh |

Công viên quốc gia Indonesia phát hiện 2 tê giác Java con, loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Sơn La: Bắt 4 đối tượng vận chuyển xương động vật quý hiếm

Minh Nguyễn |

Công an tỉnh Sơn La vừa bắt giữ 4 đối tượng vận chuyển xương động vật quý hiếm.

Hơn 1000 người kêu gọi chấm dứt buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã

Thùy Linh |

Chiều 26.5, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) công bố trong khảo sát mới nhất thực hiện cuối năm 2020 đã có hơn 1.000 người dân Nghệ An kêu gọi chính quyền địa phương triệt để chấm dứt tình trạng buôn bán, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Triệt phá đường dây vận chuyển động vật quý hiếm, thu giữ 40 rắn hổ mang

Văn Đức |

Công an tỉnh Yên Bái vừa triệt phá đường dây vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Nghệ An: Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép

TRẦN TUYÊN |

Sáng 28.4, tại huyện Con Cuông (Nghệ An), UBND huyện tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình "Huyện Con Cuông nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép".