Gia đình Trung Túc vương Lê Lai: Một nhà công thần

lê tiên long |

Lấy tính mạng mình cứu mạng chúa, Lê Lai là một “Lũng Nhai công thần” trong khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1427) được phong tới tước vương. Con cháu của ông cũng rất nhiều người có công lớn với nhà Lê. Câu chuyện Lê Lai cứu chúa hầu như học sinh nào cũng biết. Ấy nhưng ít người biết rằng câu chuyện này lại không được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Sự tích ghi sử xanh

Tuy câu chuyện hy sinh của Lê Lai không được chép trong bộ quốc sử chính thống “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng trong sách “Lam Sơn thực lục”, là bộ sách kể chi tiết về diễn biến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được soạn theo lệnh vua Lê Thái Tổ ngay năm 1431, sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn kết thúc không lâu, đã mô tả kỹ lưỡng sự việc diễn ra năm 1418.

Sách viết rằng: "Khi ấy quân ta chỉ mới được nhỏ, mà thế giặc đương mạnh, Nhà vua bèn vời các tướng mà bảo rằng:

- Ai có thể thay mặc áo vàng của trẫm, lĩnh năm trăm quân, hai thớt voi, đánh vào thành Tây Đô. Thấy giặc ra đối địch, thì tự xưng tên: "Ta là chúa Lam Sơn đây!". Để cho giặc bắt? Cho ta được náu mình, nghỉ binh, thu họp cả quân sĩ, để mưu tính việc về sau!

Các tướng đều không dám nhận lời. Chỉ có Lê Lai thưa rằng:

- Tôi bằng lòng xin thay mặc áo Nhà vua. Ngày sau bệ hạ gây nên đế nghiệp, có được thiên hạ, thương đến công tôi, cho con cháu muôn đời được chịu ơn nước. Đó là điều tôi mong mỏi!

Nhà vua lạy Trời mà khấn rằng:

- Lê Lai có công thay đổi áo. Sau này trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì xin đền đài hóa ra rừng núi; ấn vàng hóa ra đồng sắt; gươm thần hóa ra đao binh!

Nhà vua khấn xong, Lê Lai liền đem quân đến cửa trại giặc khiêu chiến.

Giặc cậy quân mạnh xông đánh. Lê Lai cưỡi ngựa, phi vào giữa trận giặc, nói rằng:

- Ta đây là chúa Lam Sơn!

Giặc bèn xúm lại vây, bắt lấy đem về trong thành, xử bằng hình phạt cực ác, ra hẳn ngoài những tội thường làm!

Về câu chuyện tiếp theo sau khi Lê Lai liều mình cứu chúa, sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn viết thêm một chi tiết rằng Lê Thái Tổ khi hỏi chư tướng, có nhắc đến một điển tích:

"Vua hỏi chư tướng có ai hay bắt chước chuyện Kỷ Tín xưa?". Đó là một điển tích thời Hán Sở tranh hùng bên Trung Quốc, khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây rất ngặt ở thành Huỳnh Dương, thế khó thoát, nhờ Kỷ Tín đóng giả mình để lừa Hạng Vũ, vì thế Lưu Bang mới thoát nạn được. Điển tích này từng được Hưng Đạo Vương đưa vào ngay câu mở đầu của bài “Dụ chư tì tướng hịch văn” nổi tiếng của mình: "Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế...".

Phong đến tước vương

“Đại Việt thông sử” viết tiếp rằng, giặc sau khi giết Lê Lai, bèn lui về thành Tây Đô, phòng bị lơi dần. Vua được thong thả nghỉ ngơi, sức dưỡng nhuệ khí, sau đó đánh trăm trận được cả trăm, nhờ đó được thiên hạ. Vua cảm lòng trung của Lê Lai, trước đã lén tìm di hài về táng ở Lam Sơn. Năm đầu đời Thuận Thiên (1428) phong làm công thần đệ nhất, tặng hiệu Súy trung Đông đức hiệp mưu Bảo chính Lũng Nhai công thần, Thiếu úy, cho thụy Toàn Nghĩa. Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), tháng Chạp, vua sai Nguyễn Trãi chép hai đạo văn ước thệ và lời thề chung về Lê Lai cất vào hòm vàng, rồi gia phong cho Lê Lai lên chức Thái úy. Năm đầu đời Thái Hòa (1443), tặng chức Bình Chương quân quốc trọng sự, cho Kim ngư đại kim phù và tước Huyện thượng hầu. Khoảng đầu đời Hồng Đức (1470), vua Lê Thánh Tông tặng Lê Lai tước Diên phúc hầu. Năm thứ 15 (1484), truy tặng Phúc quốc công. Sau gia phong Trung Túc vương.

Sách “Thiên nam trung nghĩa thực lục” của Phạm Phi Kiến (đỗ tiến sĩ năm 1623) có chép thêm một chi tiết là sau này, vua Lê Thái Tổ phong cho hai con của Lê Lai tên là Bá và Viện làm Trung lang tướng.

Còn trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, chỉ chép về một nhân vật mang tên Lê Lai, trong sự việc diễn ra vào khoảng tháng Giêng năm Đinh Mùi, khi Lê Lợi vẫn đang đóng quân ở bến Bồ Đề bên mặt Bắc sông Hồng, vây Vương Thông trong thành Đông Quan. Sử viết: "Giết tư mã Lê Lai, tịch gia sản, vì Lai cậy có chiến công nói lời ngạo mạn". Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng đây chỉ là một nhân vật trùng tên với Lê Lai ở trên mà thôi.

Một nhà vì nước

Sách “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn, tuy được làm cả hàng trăm năm sau, viết khá chi tiết về lai lịch Lê Lai:

Lê Lai người huyện Lương Giang, sách Đức Giang, thôn Dựng Tú, nay là thôn Thành Sơn, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Cha tên Kiều, nối đời làm phụ đạo, sinh hai con trai, cả tên Lạn, thứ là Lai. Lạn theo Thái tổ khởi nghĩa, có nhiều công lao, trong chiến dịch Ất Tỵ (1425), mất vì việc vua ở Khả Lưu quan. Sau được tặng Thái phó Hiệp Trung hầu, rồi gia tặng Hiệp quận công.

Về bản thân Lê Lai, sách tả rằng: Lai tính cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao rạng. Theo đòi thị vệ, có nhiều công lao. Năm Bính Thân (1416), vua cùng các tướng thân 18 người, nối tên kết thề, hẹn cùng vui buồn, Lai có dự. Được trao chức Tổng quản phủ đô tổng quan Quan nội hầu.

Về các con của Lê Lai, Đại “Việt thông sử “không nhắc đến người con nào tên là Bá và Viện như Phạm Phi Kiến viết. Lê Quý Đôn ghi rằng, Lê Lai có ba con trai, cả tên Lư, thứ tên Lộ, cuối tên Lâm, đều có tài nghệ. Năm Ất Tỵ (1425), vây thành Nghệ An, Lư cùng các tướng chia nhau đánh các xứ, mất tại trận. Đến khi vua lên ngôi (1428), Lư được tặng Thái úy. Đời Hồng Đức, tặng Kiến Tiết hầu (1484). Sau gia tặng Kiến quận công.

Lê Lộ, trong chiến dịch ở sách Ba Lẫm, ải Kình Lọng, đã phát phục binh phá tan quân Trần Trí, được thăng Tả trung quân Tổng đốc chư quân sự. Năm Giáp Thìn (1424), theo vua đánh châu Trà Lân, dự trận Bồ Liệp, phá quân Phương Chính và Sư Hữu, được thăng làm Thái bảo. Tháng Mười năm ấy, bị trúng tên lạc mà chết, được tặng Thái úy (1428). Đời Hồng Đức, tặng tước Chiêu công hầu, sau gia tặng lên tước Chiêu quận công.

Lộ sinh ba con trai: Tích, Tung, Dũng, đều có công phong hầu. Tích cũng sinh ba con trai: Liêu, Ngạp, Quỵ đều nối tước.

Lâm theo vua đánh giặc Minh có công, khi thường các người thuộc đội Thiết đột hỏa thủ có công ở Lũng Nhai, được trao Trung Lãng đại phu Câu Lưu vệ tướng quân, tước Thượng trí tự, hiệu Suy trung Đồng đức Hiệp mưu Bảo chính công thần. Năm Thuận Thiên thứ ba (1430), làm tiên phong đi đánh Ai Lao, bị trúng mũi nhọn tẩm thuốc độc mà chết, được tặng Thiếu úy. Lâm sinh Nậm, là một đại thần thời Lê Thánh Tông

Đầu năm Quang Thuận (1460), Nậm có công truất Nghi Dân lập Thánh Tông nên Lâm được tặng Đô đốc, rồi gia tặng Trung Lễ hầu (1484), rồi Thái úy Trung quốc công, ban thụy Uy Vũ.

Người cháu phò vua Thánh Tông

“Đại Việt thông sử” cũng cho biết Nậm là người thông minh, văn võ kiêm toàn. Khi trẻ, nhà nghèo, mới dời nhà tới xã Duy Tinh, huyện Thuần Hữu (nay là huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa). Năm Thiệu Bình thứ 6 (1439) được ấm phong chức Cận thị chính chưởng, thăng chức Thiểm tri nội mật viện sự (1445). Nậm theo Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, về được thăng làm An Vũ phó sứ ở Tây Đạo (1448), rồi thăng làm Tuyên ủy Đại sứ trấn An Bang (Quảng Yên).

Tháng 10 năm Kỷ Mão 1459, Nghi Dân giết vua Nhân Tông, cướp ngôi. Lúc ấy Nậm làm Xa kỵ Vệ đồng tổng tri chư quân sự vụ, họp cùng các đại thần bỏ Nghi Dân, lập hoàng tử Tư Thành lên làm vua, tức Thánh Tông. Từ đó, Nậm được cực kỳ trọng dụng cả về văn lẫn võ. Đầu tiên được thăng Đình thượng hầu (1460), cho quốc tính, tham dự triều chính. Khi vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành (1470), Nậm được đi theo, rồi trở lại làm Phó tướng quân dẹp Chiêm Thành lần thứ hai (1471). Năm Hồng Đức thứ 10 (1479), Nậm cầm quân đi đánh Bồn Man, đuổi chúa Sầm Công đến sông Tràng Sa giáp biên giới Miến Điện. Nậm được phong Tinh quốc công, rồi mất năm 1485.

Nậm có 15 con trai. Trai thứ tên Khủng tử trận ở Chiêm Thành, được tặng Thái bảo Thuần quận công. Đời Cảnh Hưng, dòng họ còn hơn trăm đinh sinh sống ở thôn Ngọc thuộc huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Con thứ của Nậm tên Chí cũng có công trong chiến dịch đánh Chiêm Thành, rất được Thánh Tông yêu. Chí làm quan đến Thái bảo, được ban tước Quỳnh quận công, sau được tặng Hoài quốc công.

Chí sinh năm con trai, dòng họ có nhiều người làm quan đến Thái bảo, tước quận công, như Công Thái, Công Từ giúp Trang Tông và Trịnh Kiểm, đều được phong mỹ hiệu công thần.

Đến đời Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa năm thứ 13 (1692), vua sai quan lưu thủ Thanh Hóa là Nguyễn Thì Vân, theo nền cũ ở thôn nhà, dựng từ đường thờ Trung Túc vương Lê Lai, cấp ruộng tế để nêu công huân cũ.

Đến nay, ở tỉnh Thanh Hóa, hai ngôi đền thờ Trung Túc vương Lê Lai ở quê nhà, làng Tép, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc và nơi con cháu của ông sinh sống sau này tại làng An Lạc, xã Hoằng Hải, huyện Hoằng Hóa vẫn được nhân dân ngày đêm hương khói. Vào tháng Tám âm lịch hằng năm, trước ngày giỗ Lê Thái Tổ, nhân dân vẫn mở lễ hội lớn để tưởng nhớ vị tướng đã hy sinh thân mình cứu chúa, theo câu ca dao truyền tụng từ đời xưa, kể tích Lê Thái Tổ dặn con cháu hãy làm lễ cúng giỗ Lê Lai trước ngày giỗ mình: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi".

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.