Gặp thầy gặp thuốc

đỗ phấn |

Nếu coi tỉ lệ bác sĩ trên tổng số dân của một quốc gia là một con số càng cao càng tốt thì có vẻ như ta hơi nhầm lẫn. Chỉ số hạnh phúc hình như nằm ở chỗ đất nước có nhiều người khoẻ mạnh chứ không phải nhiều bác sĩ.

Bản thân những thầy thuốc đạo cao đức trọng cũng mong muốn như vậy. 

Cho đến tận giữa thế kỷ trước người Việt mới được hưởng thụ nền y học phương tây. Người ta lập tức nhận thấy thế mạnh của một phương pháp chữa bệnh khoa học. Thăm khám, xét nghiệm, chiếu chụp tìm ra nguyên nhân khoa học của bệnh tình. Thuốc uống dạng viên nén hoặc thuốc tiêm dạng dung dịch vô cùng thuận tiện. Tiêu tốn một khoảng thời gian ít nhất của con bệnh. Đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa giỏi ngày một tăng nhanh về số lượng. Đã không còn những chuyên khoa chỉ lèo tèo vài chuyên gia được coi như “Thần y”.

Lịch sử đất nước 4000 năm tạm coi như chỉ có hai vị Thần Y được tôn vinh cho đến tận bây giờ. Đó là Tuệ Tĩnh thiền sư sống vào khoảng 1330 - 1400 thời cuối Trần. Và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác 1720 - 1791. Chỉ nhìn vào tiểu sử sơ lược của hai vị Thần Y ta cũng có thể thấy ngay cả hai ngài cũng chỉ hưởng thọ khoảng 70 tuổi. Thấp hơn tuổi thọ trung bình của người Việt vào năm 2015 đã là 75,6 tuổi.

Tất nhiên vào thời ấy tuổi thọ của hai vị Thần Y đã là kỷ lục đại thọ. Bởi vì ngay đến cả những ông vua triều Nguyễn sau này cũng ít người sống qua tuổi 50 trừ vua Bảo Đại. Cho đến tận sau hoà bình lập lại năm 1954, người bình thường sống thọ ngoài 70 vẫn được coi là “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”. Người ta chấp nhận câu thơ Đỗ Phủ này như một định đề suốt gần 2000 năm là thế.

Những năm sau hoà bình gần như chỉ có thị dân được tiếp cận với thuốc men và bác sĩ một cách thường xuyên. Cũng chỉ ở mức độ bệnh tình khá nặng mới đến bệnh viện. Nông thôn phần lớn vẫn dùng thuốc đông y với những thầy lang chuyên ngành chữa bệnh phổ thông. Thầy lang cũng có chuyên ngành phẫu thuật nhưng chỉ dừng ở việc chích lẹo mắt bằng dao cạo râu hơ lửa sát trùng. Dân phố cũng chưa quá mức ỷ lại vào thuốc men tân dược.

Đại khái những ngôi chợ trong phố đều có những hàng bán thuốc Nam gồm toàn lá lẩu hái quanh nhà. Làng Đại Yên bên cạnh làng Ngọc Hà bây giờ thuộc quận Ba Đình là nơi trồng cây thuốc mang vào phố bán. Những bệnh như ho, sởi, sổ mũi hắt hơi, sốt, mụn nhọt, dị ứng (mề đay) đều có lá của hàng thuốc cổng chợ chữa trị. Không khỏi mới đi khám bác sĩ.

Những năm chiến tranh bao cấp, thuốc men thiếu trầm trọng vì phải tập trung cho chiến trường. Dân phố cũng quay lại dùng chủ yếu là thuốc Nam. Người ta gần như thuộc lòng từng bài thuốc nam chữa trị những bệnh thông thường. Lá nhọ nồi, lá sài đất, rau sam chữa cảm sốt. Rau mùng tơi, lá sen, lá khoai lang trộn đậu xanh chữa mụn nhọt. Lá nhân trần, hoa actiso uống mát gan giải độc. Râu ngô uống để lợi tiểu...

Những ông lang nổi tiếng rất được kính trọng nhờ vả. Ông Đinh Thọ chữa gãy xương, sư thầy chùa Bộc nổi tiếng về bài thuốc chữa viêm xơ gan, nhà văn Trương Tửu và ông Chí Cửa Nam có môn châm cứu bí truyền. Có thể chữa được mắt lác và méo mồm. Thầy lang Cứu Thế không chỉ giỏi chữa bệnh mà thôi. Ông chơi đàn bầu rất mùi mẫn và còn cưới được vợ khi râu tóc đã bạc phơ.

Ngành Đông y nhà nước cũng tập trung khá nhiều thầy lang xuất sắc. Từ giáo sư Hoàng Bảo Châu chuyên về châm cứu cho đến các cụ Nguyễn Sĩ Lâm, Nguyễn Văn Bách, Nguyễn Thiên Tích... đều là những lương y nắm chắc y lý và y thuật. Không những thế, các cụ còn là những nhà Hán học uyên thâm có rất nhiều đóng góp cho việc dịch thuật kho tàng chữ Hán, Nôm của đất nước.

“Gặp thầy gặp thuốc” là thành ngữ cổ rất hiếm hoi chưa bao giờ cũ. Tây y với phương pháp đào tạo khoa học cũng nhiều khi phải sử dụng phương pháp điều trị diện rộng khi chưa tìm được chính xác căn nguyên của bệnh lý. Kết quả điều trị vẫn có phần trăm may rủi khá cao. Tất nhiên may rủi ở đây chỉ là “gặp thầy gặp thuốc” bệnh tình thuyên giảm hay không mà thôi. Độ an toàn tính mạng vẫn được đặt lên hàng đầu.

Người Việt giờ đây gần như đã có đủ chủng loại thuốc men chữa bệnh từ bình dân đến cao cấp do nhà nước nhập về và sản xuất trong nước. Ba chục năm trước thuốc men phải trông chờ vào một lượng lớn những người đi lao động học tập ở nước ngoài mang về. Những sinh viên và lao động xuất khẩu đóng hòm hàng mang về nước luôn có những mặt hàng thuốc tây. Từ viên thuốc cảm Analgin cho đến sâm nước, viên C sủi, seduxen đủ cả.

Người ta bắt đầu uống nhiều thuốc bằng cách “rỉ tai” nhau cũng bắt đầu từ lúc này. Và cách chữa bệnh không cần gặp thầy thuốc vẫn phát triển mạnh cho đến tận bây giờ. Không khó để tìm thấy trong tủ thuốc của một cụ bà về hưu những là An cung ngưu hoàng hoàn, hạt cỏ methi và vô vàn loại dược phẩm chức năng có những cái tên ngay cả bác sĩ cũng chẳng biết là gì.

Mong một ngày không xa người ta sẽ bỏ được thói quen chỉ “gặp thuốc” mà không “gặp thầy” chữa bệnh, khi mà ai cũng biết chắc rằng cả thầy và thuốc giờ đây không hề thiếu. 3.2018

đỗ phấn
TIN LIÊN QUAN

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.