"Gặp" F.Chopin trong thế giới của Khánh

vi thùy linh |

"Bất chấp" các hãng hàng không ngừng vận chuyển máy bay dân dụng cả năm nay sang Châu Âu, Châu Mỹ, tôi vẫn được "bay" sang Ba Lan mỗi khi về thành phố Cảng. Những điều kỳ diệu đã diễn ra nơi căn phòng ấy, một "sân bay" tuyệt diệu không chỉ của cậu bé tuổi 12.

"Khánh đã cho tôi và những ai thưởng thức tiếng đàn em nâng niu cuộc sống này hơn/ Biết thay đổi tính năng giác quan như thử nghiệm phép màu/Nhìn thế giới bằng tai, qua âm nhạc" - Tôi đã viết bài thơ cho Khánh khi được "gặp" Frederic Chopin tại Hải Phòng. Hải Phòng giờ đây là nơi tôi muốn đến bốn mùa, bởi thêm một lý do hấp dẫn: Được "du ngoạn" Ba Lan.

1. Ông chủ của ngôi nhà này tên Phú. Anh thực sự là một "tỉ phú" khi tôi tìm hiểu về gia đình anh. Khi nhắc đến từ này, chắc ai cũng nghĩ ngay đến tài sản vật chất, ngân khoản, lẽ thường thôi. Không bao giờ hỏi khía cạnh ấy, nhưng tôi biết vợ chồng anh thực sự giàu khi đề cao nghệ thuật là giá trị lớn nhất của tinh thần và dành trọn quan tâm, đầu tư cho con trai út, một cậu bé sinh non, khiếm thị, gây dựng gia sản tâm hồn từ khi bắt đầu biết chữ.

Ngôi nhà 4 tầng đầu phố Phạm Hồng Thái ấy là một "cõi riêng" chất chứa đầy đối nghịch. Phố kinh doanh, nhà nhà ngồn ngộn hàng hóa, vỉa hè không khi nào phát huy bản chất công năng. Chính nhà Bùi Quang Khánh cũng như cái "kho" kỳ lạ cuốn hút tôi. Trước hết, đó là kho đúng nghĩa. Vì hàng hoá chất chồng từ cửa vào, chiếm gần hết tầng một và tầng lửng. Lên tầng hai thì lại thoáng đẹp, yên tĩnh. Cầu thang ở giữa, kề bên thang máy. Phòng trong là căn bếp, sạch tinh, bàn ăn tròn ấm áp - "lãnh địa" của chị giúp việc người Nghệ An. Bên ngoài có ban công trông ra sông Tam Bạc, với cây sấu cổ thụ xõa tán xanh la đà - phòng khách, với piano của Khánh kê gần cửa. Da trắng, gương mặt thanh tú khôi ngô, bàn tay ấm Khánh cầm tay tôi giao cảm, và rồi rời tay tôi để đến bên cây đàn đã gắn bó hơn 6 năm với cháu. Khánh thường nắm tay người đối thoại mà cháu thiện cảm, như một cách "bắt mạch" khiến người có tâm hồn nhạy cảm như tôi vốn không thích nói dối lại càng không thể/ không muốn nói dối. Sao có thể dối được xúc cảm mãnh liệt giữa trưa tháng Sáu năm 2020, lần đầu gặp Khánh, dù đã xem nghe trước các clip trên mạng từ khi Khánh là quán quân Cuộc thi Piano trẻ Hải Phòng đến lúc nhận Cúp vàng Châu Á - Thái Bình Dương. Khánh chưa từng sang Châu Âu, mà ngay lúc đó, khi nắng cháy da, Khánh làm hiện ra trong trí tưởng tôi mùa Đông tuyết lạnh Warszawa. Tôi như bay đến sân bay quốc tế F.Chopin kiến trúc hình cây đàn piano.

Đêm nhạc Âm Thanh của Sự Tĩnh Lặng - Nhà Hát Lớn TP.Hải Phòng 17.11.2020. Ảnh do gia đình cung cấp
Đêm nhạc Âm Thanh của Sự Tĩnh Lặng - Nhà Hát Lớn TP.Hải Phòng 17.11.2020. Ảnh do gia đình cung cấp

Mang dòng máu Pháp của cha và nửa sau cuộc đời cho đến lúc qua đời gắn bó với Paris, Chopin luôn hướng về đất mẹ Ba Lan nơi ông sinh ra và sống đến năm 20 tuổi. Trái tim ông thuộc về Ba Lan, theo cả hai nghĩa và không chỉ nơi trang viên - bảo tàng Chopin ở ngoại ô Thủ đô Warszawa, mà Cộng hòa Ba Lan coi ông là thiên tài, quốc bảo kiêu hãnh nhất. Chopin là một trường hợp đặc biệt/ không hề sáng tác cho dàn nhạc giao hưởng, chỉ viết cho piano mà được nhân loại tôn vinh là một trong các nhạc sĩ vĩ đại thế giới mọi thời đại. Khánh mới chỉ tập Nocturne số 20 chưa đầy 3 tuần mà chơi điêu luyện. Tôi bật khóc giàn giụa ngay tại phòng khách ấy, trước chị Lan mẹ Khánh và doanh nhân Tô Kiên. Tôi đã nghe nhiều nghệ sĩ chơi Chopin, từ Đặng Thái Sơn, Phó An My, Trinh Hương... tại Hà Nội và ở Pháp, những bản nhạc hay, dù hòa tấu, độc tấu hay giao hưởng, kể cả nhạc phim, đều khiến tôi nao lòng, rơi lệ vì vẻ đẹp và xúc cảm. Khóc vì quá yêu nhạc Chopin. Khóc vì cảm phục sự kiên trì, kiên nhẫn nỗ lực phi thường của Khánh. Khóc vì Khánh cho tôi sống lại những kỷ niệm vô giá của thời thanh xuân trên đất nước Chopin. Khóc vì sự "lưỡng phân" tuyệt diệu. Như được bay đến ngôi nhà Chopin ở làng Zelazowa tràn lan nhạc từ tầng cây, thảm cỏ, khu vườn (với các loa được giấu kín). Khóc vì tôi như được "gặp" Chopin tại trung tâm thành phố Hải Phòng - quê mẹ tôi. Đất Cảng như "Việt Nam nhỏ lại" (thơ Văn Cao) đầy đủ núi, sông, đồng, biển, đảo, cảng, cầu... được mệnh danh thành phố Hoa phượng đỏ, nay thêm tên mới kiêu kỳ "Thành phố Thiên nga", vì đây là đô thị duy nhất Việt Nam chủ trương nuôi thiên nga (300 con nhập khẩu từ Hà Lan) như một biểu tượng mới. Từ ban công, tôi ngắm Tam Bạc bồng bềnh như khuông nhạc với bầy thiên nga cho cổ tích hiện ra. Khánh lại không thể có một hình dung nào xác thực, chỉ bằng tưởng tượng theo miêu tả của mẹ - em không nhìn được. Trẻ sinh non hay bị thiệt thòi này, vì 4 tháng thai hình thành đủ các bộ phận cơ thể, rõ giới tính, còn các giác quan và nội tạng thì phải đủ tháng mới hoàn thiện được... Khánh ra đời khi mới 7 tháng, 1,7 kg. Sau nhiều nỗ lực chạy chữa cứu vớt, bố mẹ cháu đành chấp nhận con út chỉ phân biệt sáng - tối. Một người khỏe mạnh bình thường phải tập luyện từ nhỏ, tập lâu dài bền bỉ, khi muốn theo nghề biểu diễn, phải nhớ bản nhạc dài, khó, là tất yếu. Ngay cả nghệ sĩ lớn như J. Thibaudet (Pháp), Đặng Thái Sơn ra sân khấu, dù tập vài tháng, vẫn phải nhìn bản nhạc, nếu là tác phẩm chưa từng hoặc ít trình tấu. Với người mù, có chữ nổi nhưng không có bản nhạc nổi. Cô giáo, cầm tay chỉ từng nốt, Khánh ghi nhớ vào nếp não, như vậy cậu bé phải cật lực, căng thẳng gấp nhiều lần người mắt sáng. Thật may, Khánh được bù đắp trí nhớ tốt, thông minh nên nhớ nhạc, nhớ mọi thông tin cá nhân người thân, những ai Khánh quý, các mốc kỷ niệm và các triều đại lịch sử phong kiến Việt Nam. Tôi đã bị cuốn hút vào phức cảm xúc động - bất ngờ - ngạc nhiên - nể phục. Bùi Quang Khánh là một tài năng đặc biệt, là một "báu vật" của cha mẹ, dòng họ em và của Hải Phòng.

2. Khánh không hề biết gương mặt chính em, của cha mẹ, anh chị, ông bà. Sự nghiệt ngã của số phận đã cướp đi thị lực của Khánh từ lúc chào đời. Em hoàn toàn phải tưởng tượng về thế giới. Có một câu danh ngôn: "Khi ngôn ngữ bất lực thì âm nhạc lên tiếng". Ngôn ngữ ở đây là tiếng nói. Tất cả các loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ. Điện ảnh thì có ngôn ngữ hình ảnh. Còn âm nhạc thì ngôn ngữ phi biên giới về tính cộng hưởng, lan tỏa nhanh nhất.

Festival Âm Nhạc Malaysia 2020.
Festival Âm Nhạc Malaysia 2020.

Âm nhạc là thế giới khác của Khánh. Ở đó, em tha hồ hình dung, có thể khác ý tưởng của nhạc sĩ viết ra tác phẩm mà em chơi, hơn mọi tưởng tượng của tôi (chuyên tư duy hình ảnh) vì toàn bộ hình khối, màu sắc của thế giới hiện thực này được Khánh cảm nhận và nuôi dưỡng theo cách của em. Khi nghe Khánh chơi đàn, tôi đắm chìm vào suối âm thanh từ những ngón mềm trắng xanh mảnh dẻ chạy qua 88 phím trắng đen. Sòng phẳng nhắm mắt nghe sâu, sòng phẳng thấu cảm đánh giá tiếng đàn là kỹ thuật và tâm hồn người chơi, không bị tác động bởi bất cứ sự rung động nào khác của cảm thông hay quan niệm khen động viên người khiếm thị. Khánh và gia đình em không cần, không mong chờ, không thích điều đó. Chính Khánh chủ động xin cha mẹ cho học trường công lập hòa nhập cùng các bạn khỏe mạnh từ khi vào cấp 2, thi đàn từ trong nước đến quốc tế đấu các bảng thi cùng thí sinh bình thường, không bao giờ chú thích về khiếm khuyết thiệt thòi nhất của một con người - "giàu hai con mắt". Bởi Khánh đã và đang giàu lên từ tình yêu âm nhạc, nuôi ước mơ theo đuổi dương cầm chuyên nghiệp suốt đời. Âm nhạc là chìa khóa "Thế giới của Khánh", một phép màu bù đắp cho em và em tạo ra "phép màu" diệu vượt mọi ngưỡng giới.

Lần đầu tiên tại Hải Phòng và trong giới âm nhạc Việt Nam có chương trình solo của một thiếu niên không hề được đào tạo tại Nhạc viện. Đó là đêm nhạc “Âm thanh của sự im lặng” của Bùi Quang Khánh (học sinh lớp 7A8, THCS Hồng Bàng) tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, tối thứ Ba, 17.11.2020, được Đài Truyền hình Hải Phòng truyền trực tiếp. Khi tôi gặp Khánh lần đầu trước sinh nhật Khánh 13 tuổi (26.6.2007). Khánh cùng mẹ và ba mẹ con tôi ra dạo sông Tam Bạc, cho Thiên nga ăn. Sau cuộc nghe đàn trưa, khóc không kiềm chế, cuộc tản bộ chiều tôi đã giấu chị Lan khóc. Vì tôi thấy Khánh chỉ ngắm Thiên nga bằng tai qua tiếng reo hò của lũ trẻ và lời của tôi. Hải Phòng ngày một diễm lệ nguy nga với cầu vượt biển kỳ vĩ và các cây cầu đồ sộ, hiện đại nhất nước, Khánh chỉ cảm nhận được ánh sáng của chúng trong những buổi tối lộng lẫy. Song em giao tiếp với thế giới bằng cầu âm nhạc và từ Khánh, những cây cầu khác được mở ra, cho ai được gặp em nghe em đàn, thêm nghị lực, sự nhẫn nại, vượt nghịch cảnh, vượt thử thách khắc nghiệt nhất bởi niềm tin, đam mê và tình yêu thiết tha với cuộc sống, muốn tận lực và tận hiến. Người trao chìa khóa đúng lúc, kịp thời tạo ra cây cầu màu nhiệm chính là cha nuôi - TS Kinh tế Trần Quang Tuấn (hiện là Bí thư Quận ủy Quận Hồng Bàng). Không hiểu sao anh Tuấn, bạn thân của cha Bùi Quang Khánh lại nghĩ em có thể chơi dương cầm - "ông hoàng" của nhạc cụ thế giới, khi điều kiện để theo đuổi âm nhạc phải đầu tư tốn kém tiền bạc, thời gian, khổ luyện, không dễ gì người mắt sáng dám mơ, dám theo. TS Trần Quốc Tuấn lại gợi ý Khánh học đàn, như một niềm vui sống, một cách để Khánh không cần, và không bao giờ phải mặc cảm về nguồn sáng đời mình. Khánh nhớ như in tối 29.8.2014, khi đến chơi nhà bố Tuấn, nhà vốn nhiều tranh tặng của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam đương đại và đầy hoa. Khánh không thể ngắm tranh và hoa, nên ngồi xuống xuống bên cây đàn, dạo mấy nốt. Không rõ tai nhạc sành hay linh giác giỏi, TS Tuấn nói luôn: Con học đàn thử xem! Và ngay hôm sau cho chở đàn từ nhà anh sang tặng Khánh. Cú hích tuyệt vời ấy đẩy Khánh vào vạch xuất phát cuộc "marathon lên núi cao". Nói như nhà văn Cao Hành Kiện: "Ngọn núi cao nhất là núi trong lòng mình". Đàn Pearl River thành người bạn của Khánh gần 6 năm qua. Xuân 2021, em đón bằng cây đàn mới Yamaha. Đàn cũ là kỷ vật, đặt lên tầng 3, phòng ngủ của Khánh.

3. Vợ chồng doanh nhân Bùi Quang Phú - Nguyễn Thị Lan cùng sinh 1969, người Hải Phòng. Anh Phú là trưởng nam của gia đình 4 chị em: Trúc, Phú, Thọ, Quý. Chị Lan là con thứ 8 trong gia đình 10 người con. Họ có con gái Hồng Nhung (1995, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân đi làm tại một Tập đoàn ở HP, sang du học Kiểm toán quốc tế, đã tốt nghiệp cao học và làm việc tại New Zealand tháng 1.2021), con trai Quang Minh (2002, học khoa Luật Thanh tra, Đại học Nội vụ). Họ là công dân quận Hồng Bàng, quận trung tâm nhất Hải Phòng.

Bị vỡ ối, phải mổ sinh non khi mới được 7 tháng tuổi, con nằm lồng ấp 10 ngày tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, khi phát hiện con không phản xạ thị giác, người mẹ tưởng phát điên. Một tháng tuổi, Khánh đã phải phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Tất cả phương án điều trị và thuốc tốt nhất dốc vào Khánh không cứu nổi thị lực, trong khi đó mắt lại bị bong lỗ chỗ võng mạc. Khánh lại phải sang Singapore, suýt muộn, bác sĩ bên đó đã phải dùng sillicon đặc biệt để giữ phần con mắt còn lành cho Khánh mà chậm chút nữa thì bị tiêu, teo thành hố trũng thì bé còn thiệt thòi hơn về nhân dạng. Nhờ can thiệp kịp thời mổ laser mà Khánh còn gần nguyên con ngươi. Khánh đến tuổi đi học, học trường Khiếm thị ở Kiến An, kề cận đồng hành với con là mẹ Lan.

Cùng học Trung cấp Y, rồi học Đại học Quản trị kinh doanh, chị Lan và anh Phú làm Công ty Xăng dầu. Được 3 năm thì chị ra khỏi Nhà nước, kinh doanh thiết bị văn phòng. Anh làm thêm ít năm rồi chuyển sang kinh doanh vật tư thiết bị nâng - hạ sau một năm sinh bé Khánh. Kết hôn với đôi bàn tay trắng, họ gây dựng kinh tế bằng sự nhạy bén và chịu khó. Từ ngôi nhà trong ngõ Đặng Kim Nở, họ mua nhà mặt tiền 90 phố Nguyễn Đức Cảnh, ở đó từ 2002 đến 2014 thì bán. Ra đời năm 2010, Công ty Cổ phần Vật tư Phú Quý là ghép tên anh Phú và em trai. Họ mua hai căn nhà tại phố Phạm Hồng Thái một bên 6 tầng x 60m2 để ở, bên đối diện là nhà 3 tầng chỉ để làm kho hàng. Chị Lan bán hàng tại nhà để chủ động thời gian, kinh tế cho các con. Lên cấp 2, Khánh xin học tại trường THCS Hồng Bàng, học sinh khiếm thị duy nhất tại đây, song luôn là đạt kết quả khá giỏi. Cô Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1983) từ Trung tâm Hand Art (Bàn tay nghệ thuật) thực sự can đảm và kiên cường, phá vỡ ngần ngại của chính mình khi nhận dạy Khánh và gắn bó 6 năm, do chính sự nỗ lực của em không mệt mỏi, không thoái chí, không kêu ca, dù vất vả gấp nhiều lần học sinh thường. Khi bộ não Khánh phải quá tải do vận động trí nhớ, cùng với thể lực không khỏe, nhưng Khánh lại chinh phục chính mình và thôi thúc, kích thích người thân, cô giáo bằng sự say mê và thành quả của em.

Tháng 11.2017, Khánh đoạt giải Nhất Hội thi “Cây đàn tuổi thơ” Hải Phòng lần 18 (do Sở Giáo dục và Thành đoàn tổ chức). Năm 2018, giải Nhất Piano Sonata Festival 2018, với tác phẩm “Bức thư gửi Elise” của L.Beethoven. Năm 2019, vừa giải Nhất Festival Piano Phượng Hồng kèm giải phụ Thí sinh đam mê nhất, lại đoạt giải Nhất miền Bắc - Nhì quốc gia và giải phụ Thí sinh truyền cảm hứng nhất của Trung tâm CEG (nhạc sĩ Nguyễn Cường là giám đốc nghệ thuật). Đặc biệt, mùa Xuân năm ngoái, Khánh là thí sinh khiếm thị duy nhất thi và đoạt giải Gold Award tại cuộc thi Youth Friendship for Peace - Asia Pacific Arts Festival tại Melaka, Malaysia. Chuyến xuất ngoại thi đấu đầu tiên, Khánh đi cùng mẹ và cô giáo Trang, từ 21 - 25.2.2020, Khánh được giới thiệu thay thế một thí sinh bỏ thi ở phút chót. Ban tổ chức đài thọ ăn ở, đưa đón; gia đình mua vé máy bay. Thi xong, BTC cho các thí sinh lên thủ đô Kuala Lumpur tham quan. Mọi kỳ quan Khánh không thể chiêm ngưỡng. Giải thưởng gồm bằng chứng nhận và Cup, không kèm hiện kim. Nhưng Khánh đã "lãi ròng" bằng thắng lợi lịch sử: Lần đầu tiên, một thí sinh khiếm thị giành giải Vàng tại cuộc thi này.

Ông nội mất 2017, ông ngoại mất 2012, Khánh còn bà ngoại nay 90 tuổi, bà nội. Tại Thủy Nguyên, có bác Trúc và chú Thọ. Bà nội 78 tuổi ở riêng, thỉnh thoảng ra chơi. Khánh được nhận yêu thương nhất của 2 họ nội ngoại không phải là sự bù đắp cho đứa trẻ thiệt thòi mà chính cậu bé ấy làm dòng họ tự hào vì không hề có ai theo nghệ thuật, nay có Khánh theo, vượt khó phi thường dành giải quốc tế.

Ước mong của Khánh là được theo học Học viện Âm nhạc quốc gia VN (nơi từng có sinh viên mù Nguyễn Thanh Tùng học và biểu diễn đàn bầu xuất sắc). Khánh tin ở môi trường được đào tạo hàn lâm, bài bản, em sẽ đạt trình độ biểu diễn để trở thành nghệ sĩ có thứ hạng, được sang châu Âu và chơi đàn trên quê hương Chopin. Cao 1m60/46kg, Khánh có quyền ước mơ ở tuổi thiếu thời và em đủ điều kiện để theo đuổi, biến ước mơ thành hiện thực.

Gia đình Khánh cũng tin tưởng, tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, cái nôi đào tạo uy tín nhất VN về âm nhạc, không có sự kì thị, "bắt nạt" nào với em, em tin những người tốt, điều tốt quanh mình, như các bạn đã cùng trường cùng lớp ở Hải Phòng quê hương vẫn chia sẻ, giúp Khánh bằng sự nể phục sòng phẳng chứ không phải do "châm chước", ưu tiên. Khánh học, làm bài bằng máy tính và luôn là học sinh giỏi.

4. "Cửa sổ tâm hồn" bị đóng, Khánh đã mở ánh sáng cho chính em và truyền tỏa năng lượng từ trái tim yêu thương và khát vọng đến mọi người như sức Xuân không giới hạn theo những ngón tay.

Âm thanh của sự tĩnh lặng (The Sound of Silence, 1964) - bản nhạc nổi tiếng của Paul Simon (Hoa Kỳ) được lấy làm chủ đề của buổi hòa nhạc, cũng là một chân dung của Khánh lần đầu xuất hiện trước công chúng. Trong đêm diễn ấy, cả khán phòng hòa cảm tối đa. Thính giả tưởng như không ai cần/muốn mở mắt họ như bị lôi cuốn, "thôi miên" vào âm nhạc chìm đắm từ ngón đàn mở ra thế giới cao khiết và thánh thiện. Từ lần đầu gặp đang tập đến đêm diễn, chưa đầy 4 tháng, Khánh chơi nhuyễn Sonata 15, Sérénade của Mozart, hay Vũ khúc Hungary số 5 của Johannes Brahms... được Khánh trình tấu bằng sự hào hứng, cảm xúc tươi mới, say sưa như em tập luyện bền bỉ hàng ngày, chơi đàn tặng cho tôi hay ai đến nhà muốn nghe. Phong thái thoải mái, tự nhiên và tự tin, bởi Khánh, bằng nghị lực và cảm nhận đặc biệt, không mặc cảm tự ti mà luôn thấy ánh sáng phía trước nhờ phép màu của âm nhạc. Khánh là chỗ dựa không chỉ cho người đồng cảnh mà cả những người lớn biết bền chí, nỗ lực vượt lên bất hạnh và những thử thách khốc liệt để từng ngày sống đẹp và ý nghĩa.

Lần đầu tiên tôi viết bài thơ cho một tay dương cầm nhí - một nghệ sĩ thực sự: "Không chỉ vì mắt Khánh không thấy được/Mà vì phép màu từ âm nhạc Chopin/Chúng tôi được thấy thế giới khác bằng tai và các giác quan tinh khôi trở lại /Giai điệu Chopin giữ Hải Phòng tĩnh lặng/ Ôm Khánh, nắm bàn tay gày mảnh/ Tôi không muốn mở mắt/ Để níu khoảng khắc lưu luyến gặp Chopin...".

vi thùy linh
TIN LIÊN QUAN

Nghệ sĩ Kpop có nhiều MV đạt 900 triệu view nhất: Blackpink, BTS hay PSY?

DI PY |

"As If It's Your Last" là MV thứ 4 của Blackpink đạt trên 900 triệu lượt xem trên YouTube. Đồng nghĩa với đó, 4 cô gái nhà YG vẫn áp đảo về số lượng ca khúc đạt thành tích này so với BTS, PSY.

Nghệ sĩ Vân Dung trải lòng về năm 2020 đầy biến động

Hương Mai - Hồng Cường |

Năm 2020, một năm chứng kiến thiên tai, dịch bệnh và những mất mát không đong đếm nổi. Cuộc sống của tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều, và nghệ sĩ Vân Dung có những trải lòng về năm 2020 của mình.

Các nghệ sĩ hài và Hoa hậu, Á hậu Việt gửi lời chúc Tết báo Lao Động 2021

Nhóm PV |

Nghệ sĩ hài Vân Dung, Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Tiểu Vy, ca sĩ Ngọc Sơn... cùng loạt nghệ sĩ, Hoa hậu, Á hậu đã gửi những lời chúc Tết thân thương nhất tới báo Lao Động cùng toàn thể độc giả.

Loạt nghệ sĩ Việt góp mặt trong MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca"

T/D |

1.000 nghệ sĩ Việt nổi tiếng cùng các bác sĩ, người dân đã góp giọng trong MV "Việt Nam rạng rỡ hoan ca" do Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Oscar Media phối hợp cùng ekip Đạo diễn Mai Thanh Tùng – Vũ Minh Ly và Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Trí sản xuất. Đây là một ca khúc được sáng tác hoàn toàn mới với giai điệu hào hùng, tươi vui, đầy khát vọng và tự hào dân tộc.

10 kênh YouTube của nghệ sĩ Kpop: Blackpink vẫn áp đảo BTS, TWICE, EXO

DI PY |

Blackpink đang là nghệ sĩ Kpop dẫn đầu lượt theo dõi trên YouTube. Trong khi đó BTS, TWICE, EXO khi nào mới đuổi kịp?

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Nghệ sĩ Kpop có nhiều MV đạt 900 triệu view nhất: Blackpink, BTS hay PSY?

DI PY |

"As If It's Your Last" là MV thứ 4 của Blackpink đạt trên 900 triệu lượt xem trên YouTube. Đồng nghĩa với đó, 4 cô gái nhà YG vẫn áp đảo về số lượng ca khúc đạt thành tích này so với BTS, PSY.

Nghệ sĩ Vân Dung trải lòng về năm 2020 đầy biến động

Hương Mai - Hồng Cường |

Năm 2020, một năm chứng kiến thiên tai, dịch bệnh và những mất mát không đong đếm nổi. Cuộc sống của tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng ít nhiều, và nghệ sĩ Vân Dung có những trải lòng về năm 2020 của mình.

Các nghệ sĩ hài và Hoa hậu, Á hậu Việt gửi lời chúc Tết báo Lao Động 2021

Nhóm PV |

Nghệ sĩ hài Vân Dung, Hoa hậu Đỗ Thị Hà, Hoa hậu Tiểu Vy, ca sĩ Ngọc Sơn... cùng loạt nghệ sĩ, Hoa hậu, Á hậu đã gửi những lời chúc Tết thân thương nhất tới báo Lao Động cùng toàn thể độc giả.

Loạt nghệ sĩ Việt góp mặt trong MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca"

T/D |

1.000 nghệ sĩ Việt nổi tiếng cùng các bác sĩ, người dân đã góp giọng trong MV "Việt Nam rạng rỡ hoan ca" do Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Oscar Media phối hợp cùng ekip Đạo diễn Mai Thanh Tùng – Vũ Minh Ly và Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Trí sản xuất. Đây là một ca khúc được sáng tác hoàn toàn mới với giai điệu hào hùng, tươi vui, đầy khát vọng và tự hào dân tộc.

10 kênh YouTube của nghệ sĩ Kpop: Blackpink vẫn áp đảo BTS, TWICE, EXO

DI PY |

Blackpink đang là nghệ sĩ Kpop dẫn đầu lượt theo dõi trên YouTube. Trong khi đó BTS, TWICE, EXO khi nào mới đuổi kịp?