Gánh xiếc gia đình “bước ra từ tiểu thuyết”

Lãng Quân - Sỹ Công |

Trong tác phẩm nổi tiếng “Không gia đình” của nhà văn Hector Malot, cụ Vitalis tốt bụng đã cưu mang cậu bé Remi. Và Remi trở thành một phần của gánh xiếc rong, cùng cụ Vitalis và bầy thú lang thang khắp nơi biểu diễn. Ngoài đời thực, giữa Sài Gòn, nghệ sĩ xiếc Ngọc Viên đã nuôi ăn, ở, học văn hoá, đào tạo nghề cho khoảng ba trăm đứa trẻ bất hạnh và đưa chúng đi diễn khắp trong Nam ngoài Bắc, cả giai đoạn dài họ cũng có những con vật ngộ nghĩnh biểu diễn tài tình và vui đùa với trẻ nhỏ. 

“Ăn xiếc, ngủ xiếc” với đủ cả vinh quang và không ít gian khó, truân chuyên; hơn năm mươi năm qua, tình yêu dành cho xiếc của nghệ sĩ Ngọc Viên nói riêng và đại gia đình ông nói chung chưa bao giờ nguội lạnh.

Mang đến cho trẻ thơ một “thế giới diệu kỳ”

Sân của một trường tiểu học ở quận 7, TP Hồ Chí Minh đầy ắp tiếng cười. Mấy trăm đứa trẻ xếp thành vòng tròn quanh sân, có ghế, nhưng nhiều đứa vẫn ngồi bệt xuống đất để nhìn “Sác-lô”, nhìn chàng hề sặc sỡ như một chú vẹt được rõ hơn. Sân trường hoá thành sân khấu, “Sác-lô” mặc quần áo đầu bếp, dán vuông ria giả đúng điệu... Sác-lô; đó là nghệ sĩ xiếc Nguyễn Ngọc Minh Mẫn. Chú hề đi đôi hia ngoại cỡ, mũi đỏ như trái cà chua là nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Minh Tâm, diễn xiếc hài và ảo thuật. Ông lão Nguyễn Văn Đức (nghệ danh Ngọc Viên) tuổi ngoài thất thập cầm micro chậm rãi giới thiệu từng tiết mục đến khán giả nhí.

Các con của nghệ sĩ Ngọc Viên đều biểu diễn xiếc từ khi còn rất nhỏ.
Các con của nghệ sĩ Ngọc Viên đều biểu diễn xiếc từ khi còn rất nhỏ.

Nơi nào có trẻ con, ảo thuật luôn là tiết mục được chúng chờ ngóng nhất. Với những thiên thần bé, mỗi màn trình diễn là cả một thế giới kỳ diệu. Mấy trăm học sinh của ngôi trường quận 7 cùng reo hò, vỗ tay rần rần khi ảo thuật gia Nguyễn Ngọc Minh Quang và “nhà ảo thuật” nhí Nguyễn Ngọc Minh Tuấn bước ra sân khấu. Anh Mẫn, anh Tâm, anh Quang là ba người con trai của ông Đức, còn cậu bé Minh Tuấn là cháu nội, thế hệ thứ 3 của gánh xiếc gia đình Ngọc Viên. Cả cái nôi của nghệ thuật tạp kỹ Sài Gòn, giờ đây, chỉ còn lại duy nhất một gánh xiếc gia đình này!

Đã nhiều năm nay, sân khấu chính của Ngọc Viên là sân trường. Ban đầu, vì Ngọc Viên bị các đoàn khác cạnh tranh, chèn ép, không chịu được cảnh quần ngư tranh thực nên ông Đức rút về. Nhưng vẫn phải sống vì cả đời ông chỉ có xiếc là nghề, và ông đã nghĩ đến việc đi diễn phục vụ học sinh. Vốn là gánh xiếc nổi tiếng của Sài Gòn, nên Ngọc Viên được các trường học chào đón.

Thấy Ngọc Viên diễn tốt trên sân trường, không ít đơn vị khác lại sấn vào. Nhưng uy tín của Ngọc Viên thì không nơi nào có thể cạnh tranh, chưa kể các tiết mục của Ngọc Viên luôn khiến khán giả thấy gần gũi, như đang được dự phần trong đó. Nghệ sĩ Minh Tâm ngồi gọn trên chiếc xe đạp một bánh cao lênh khênh tiến ra giữa sân khấu. Anh dang rộng hai tay, đạp xe vèo vèo mấy vòng quanh sân trường, trước ánh mắt thích thú của bọn trẻ. Bất chợt, anh dừng lại, chiếc xe vặn bên này, vẹo bên kia như sắp đổ. Các cháu học sinh nín thở dõi theo nhất cử nhất động của anh hề Minh Tâm. Chiếc xe tiếp tục bon bon qua mặt bọn trẻ, chúng mới thở phào.

Kết thúc tiết mục, hai chiếc xe đạp một bánh cỡ nhỏ được đưa ra sân khấu. Nghệ sĩ già Ngọc Viên hỏi: “Có bạn nào muốn thử đi xe đạp một bánh cùng chú hề không?”. Cả trăm cánh tay giơ lên. Nhật Huy, học sinh lớp 5 được nghệ sĩ Minh Quang dắt lên sân khấu và hướng dẫn. Chiếc xe nhỏ xíu, Huy ngồi lên, chống chân được, cu cậu cười híp cả mắt. Huy đặt chân lên pê-đan, cả hai chân đã nhấc khỏi mặt đất thì “rầm”. Xe đổ, cậu nhăn nhó xoa mông, đám bạn phía dưới cười ngặt nghẽo. Nghệ sĩ Minh Tâm đỡ Huy đứng dậy nói: “Chú muốn cho các con thử, để các con biết rằng trong cuộc sống, không có gì là dễ dàng. Con cứ nỗ lực là sẽ thành công”.

Nghệ sĩ Ngọc Viên - “cụ Vitalis” của Việt Nam.
Nghệ sĩ Ngọc Viên - “cụ Vitalis” của Việt Nam.

Từ cậu bé nghèo thành cụ Vitalis của Việt Nam 

Sinh năm 1946 tại Đồng Nai, trong một gia đình nghèo khó, cậu bé Nguyễn Văn Đức không hiểu sao lại mê xiếc đến lạ kỳ, càng xem người ta diễn, cậu càng mê. Ham đến độ tự cậu mày mò, tập các động tác, rồi tiến đến nghĩ ra ý tưởng tạo thành tiết mục của riêng mình. Năm mười hai tuổi, lần đầu tiên cậu đứng trên sân khấu biểu diễn xiếc, ảo thuật là tại sân trường mình đang học, khán giả là bạn bè và thầy cô giáo. Vóc người tầm thước, da nâu, tóc muối tiêu loăn xoăn dài ngang vai; đôi mắt ông vụt sáng khi nhắc đến ngày thơ bé: “Khi tôi học tiểu học, thấy người ta biến từ không ra có rồi lại từ có ra không, tôi mê lắm. Tôi học xiếc, ảo thuật trên sách báo, truyền hình. Đam mê đến độ thành... tật xấu”.

Chẳng là, khi xem cánh Sơn Đông mãi võ biểu diễn giữa chợ phục vụ bà con, cậu bé Đức lân la đến hỏi, nhưng tất nhiên, là không ai trả lời. “Hỏi không được, thì tôi rình lúc người ta không để ý, tôi trộm đồ của họ về mày mò xem trong đó là cái gì mà họ biến hoá tài thế. Định bụng xem xong sẽ mang đi trả, nhưng chưa kịp trả thì người ta đã tới nhà méc ba mẹ. Tôi bị đánh đòn, vì ba tôi không thích tôi làm mấy trò này. Khi học tiểu học, tôi đã bị ba rầy là bày mấy cái trò lừa gạt người ta, ba tôi không xem đó là nghệ thuật” - ông Đức kể.

Cha phản đối, mẹ thì không, nhưng bà sợ chồng nên cũng không dám ra mặt ủng hộ con. Những lúc chồng không có nhà, bà vẫn để Đức thoả sức với những trò mà cậu sáng tạo ra. Cả tuổi thiếu nhi, thiếu niên, rồi thanh niên, Đức đều say mê tự học, tự tập rồi đi biểu diễn xiếc và ảo thuật. Tuổi thanh niên, đang học ĐH Luật Sài Gòn thì Đức bỏ để chuyên tâm vào xiếc. Ông không giấu giếm: “Phần vì tôi mê xiếc quá, phần vì kinh tế gia đình - ba mẹ và anh chị em ở quê nghèo khó, nên tôi bỏ học đi diễn, vừa thoả được đam mê, vừa kiếm được tiền phụ ba mẹ”. Và cậu sinh viên bỏ ngang trường đại học ấy đã gần như thành hiện tượng của làng xiếc. Không ít người nghĩ ông là con nhà nòi. Đến khi biết cả gia tộc nhà Đức, không có bất kỳ ai làm nghệ thuật, thì không ít người ồ lên kinh ngạc.

Những năm tung hoành trên khắp các sân khấu lớn nhỏ, các tụ điểm ca nhạc, nghệ sĩ xiếc Nguyễn Văn Đức đã gặp được một nửa của đời mình - ca sĩ Ngọc Nhi. Ông bà có với nhau năm người con. Kỳ lạ là người nào cũng mang “dòng máu xiếc” của cha từ ngày còn trong bụng mẹ. Cả năm người đều trở thành nghệ sĩ xiếc, đều đứng trên sân khấu xiếc từ lúc lẫm chẫm biết đi. Người con nào lên 3 - 4 tuổi là đã có thể đi xe đạp một bánh. Chị Lan Thảo, người con lớn của ông Đức tâm sự: “Đời xiếc với tôi, nói cực cũng đúng mà không cực cũng đúng. Ngày đó tôi còn nhỏ, mà mỗi buổi diễn đã kiếm được bằng cả tháng lương cơ bản bây giờ. Nhưng ba tôi đèo bòng, đi diễn ở đâu, gặp tụi nhỏ mồ côi, cơ nhỡ là ông lại nhận nuôi, nên thành ra cực. Hai ba mẹ, năm chị em và một đàn trẻ mồ côi sống trong một căn nhà cấp bốn nhỏ xíu. Nhưng bù lại, đó cũng là thời kỳ rực rỡ của Ngọc Viên”.

Cha con nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Minh Quang, Ngọc Viên (thứ hai và thứ tư từ trái qua) trên sân khấu vinh danh của Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế I.M.S.
Cha con nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Minh Quang, Ngọc Viên (thứ hai và thứ tư từ trái qua) trên sân khấu vinh danh của Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế I.M.S.

Lão nghệ sĩ phân trần: “Giai đoạn đó đang phát triển việc các đoàn tạp kỹ, lô tô, xiếc đi biểu diễn khắp các tỉnh. Đến tỉnh nào tôi cũng thấy những đứa trẻ mồ côi, đứa đói ăn, đứa lang thang nhặt rác. Nhìn tụi nó, tôi nhớ đến tuổi thơ nghèo khó của mình. Tụi nó tầm tuổi các con tôi, làm sao có thể bước qua những đứa trẻ đang cần một mái nhà. Tôi bàn với bà xã nhận tụi nó về nuôi. Lúc đầu bà ấy không đồng ý, vì nghề xiếc thu nhập bấp bênh, con mình, mình còn chưa nuôi nổi. Nhưng thấy tôi quyết tâm quá nên bà đành chịu. Lúc đó tôi chỉ có một ý nghĩ là mình phải làm điều gì cho tụi trẻ, nên tôi đưa tất cả về”. Thế là gánh xiếc gia đình của nghệ sĩ Ngọc Viên ngày một đông, diễn viên chính lại đa phần là con nít. Điều đó đã để lại dấu ấn khó quên trong đời sống giải trí của người Sài Gòn suốt nhiều năm.

Vinh quang xây đắp từ sự nhọc nhằn tử tế

Có giai đoạn, gánh xiếc Ngọc Viên nổi tiếng với cái tên “Đoàn ảo thuật xiếc thiếu nhi Ngọc Viên”. Nhớ lại ý tưởng lập đoàn xiếc thiếu nhi, ông Đức - nghệ sĩ Ngọc Viên - vừa thật thà, vừa hài hước: “Ngày đó gánh xiếc của tôi hay đi diễn ở các tỉnh, nên hai vợ chồng, rồi lần lượt một, hai... đến năm đứa con cùng đi theo ba mẹ. Đứa nào cũng tập, cũng diễn được. Tôi còn ganh với tụi nó, vì khi tụi nó ra diễn, ai cũng ngó nghiêng và vỗ tay, trong khi mình ra thì không ai thèm ngó. Thấy ngay thế mạnh của tụi trẻ trong lòng khán giả, nên tôi nghiêng về đào tạo trẻ con, trước mắt là những đứa con ruột của mình, dần dần đào tạo cả những đứa mồ côi. Một thời gian sau, Sở Văn hoá Thông tin TP Hồ Chí Minh cho phép tôi lập đoàn ảo thuật xiếc thiếu nhi”.

Chú hề Minh Tâm và “Sác-lô” Minh Mẫn của gánh xiếc gia đình Ngọc Viên.
Chú hề Minh Tâm và “Sác-lô” Minh Mẫn của gánh xiếc gia đình Ngọc Viên.
Chú hề Minh Tâm và “Sác-lô” Minh Mẫn của gánh xiếc gia đình Ngọc Viên.

Nhìn ngôi nhà nhỏ gia đình nghệ sĩ Ngọc Viên đang sinh sống trong con hẻm thuộc phố Nguyễn Thần Hiến (quận 4), thật khó để hình dung đây vừa là nơi ở, vừa là sàn tập của cả gánh xiếc. Càng khó hình dung gần ba trăm đứa trẻ đã được ông cưu mang tại nơi này. Có đợt cao điểm, ngôi nhà là nơi trú ngụ của cùng lúc hai trăm con người! Nuôi ăn, ở, dạy nghề, cho đi học văn hoá chừng ấy đứa trẻ, nên gánh xiếc vốn bấp bênh lại càng thêm phần chật vật. Đến độ, khoảng năm 2000, một Việt kiều tên Lê Danh, có biết đến việc làm nhân ái của ông chủ gánh xiếc Ngọc Viên, nên đã mời ông Đức đến gặp và hỏi: “Nghe nói anh nuôi nhiều trẻ mồ côi, mà chỉ có gánh xiếc thì cực quá. Tôi có thể giúp anh được. Bây giờ theo ý nguyện của anh, anh muốn gì?”. Chẳng ngờ, ông Đức trả lời: “Tôi muốn có một rạp xiếc nho nhỏ để tự tổ chức, tự biểu diễn, tự kiếm tiền để nuôi con tôi và tụi nhỏ mồ côi”.

Ông Đức không xin cá, mà chỉ xin chiếc cần câu. Ông Lê Danh trân trọng điều đó nên hỗ trợ ngay. Giọng ông Đức nghẹn lại: “Một người chưa từng biết tôi mà dám bỏ muối xuống biển như vậy là hiếm lắm. Trong thời điểm khổ cực nhất của cuộc đời, gặp được một người đặc biệt như vậy, tôi mừng lắm”. Nhắc đến cố nhân, ông Đức xúc động là vậy, nhưng khi kể về những biến cố của gánh xiếc - cũng là những biến cố của đời mình - giọng ông lại tưng tửng như không: “Có được cái rạp chưa được bao lâu, thì năm 2001 đi diễn ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang trong hội chợ Tết; tất cả đã xong xuôi, đèn sân khấu đã sáng tưng bừng, chỉ còn chờ khán giả đến thì mưa lớn, giông bão đến, lốc đi ngang làm rung rinh rạp. Trẻ coi chui xuống gầm sân khấu, rạp sập, tiêu tan luôn mọi thứ. Đồng nghĩa với việc ngày mai cả đoàn không có cơm ăn. May có cái chùa gần đó, họ biết gánh xiếc gặp nạn nên mời cả đoàn qua ăn cơm”.

Từ gánh xiếc rong, từ lòng nghĩa hiệp của nghệ sĩ Ngọc Viên, khoảng ba trăm đứa trẻ bơ vơ đã được chắp cánh vào đời, có những người tiếp tục theo nghề xiếc. Như ông Ngọc Thuận (ngoài 50 tuổi), đi theo gánh xiếc từ khi còn là cậu bé đen nhẻm ở An Giang, nhiều năm nay, ông Thuận đã là chủ của một gánh xiếc ở miền Tây. Như Minh Tân, đang phụ trách gánh xiếc chuyên biểu diễn Kungfu nổi tiếng khắp Sài Gòn. Cũng có không ít người không theo nghề xiếc, nhưng được cha nuôi cho ăn học thành tài và có sự nghiệp, cuộc sống riêng, như cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, đang dạy học ở trường Cấp II Phạm Hữu Lầu bên quận 7. Nhắc đến người cha nuôi nhân ái, chị nói đầy lòng biết ơn: “Vào thời điểm gia đình tôi gặp khó khăn nhất, duyên số đã cho tôi gặp ba. Ba nhận và dạy tôi diễn xiếc. Đến giờ, dù không đi theo nghiệp của ba nhưng tôi luôn biết ơn ông về tất cả”.

Lão nghệ sĩ già nghèn nghẹn: “Nuôi chừng ấy đứa trẻ, tôi chỉ nghĩ, mình cứ nuôi dạy chúng hết sức, dù sau này đứa nào có rời đi, thì chúng cũng có một nghề, có chữ để vươn lên trong cuộc sống, và để chúng không thành danh thì cũng thành nhân”. Không chỉ nuôi chúng, mà lão nghệ sĩ hào hiệp ấy còn hứng lên là làm... từ thiện, một cách lặng lẽ. Anh Minh Tâm kể: “Đi diễn ba đêm, thì cứ có tiền bán vé của đêm cuối là ba tôi nói “bữa nay để làm từ thiện nha”. Ba tôi đã xây nhà tặng bà con ở Cà Mau, Rạch Giá, Tây Nguyên, ông chưa bao giờ nói đã xây bao nhiêu căn; nhưng mẹ con tôi áng chừng, thì cũng cỡ mấy chục căn”. Tử tế với Đời - có lẽ đó mới thực sự là lý do gánh xiếc gia đình Ngọc Viên vẫn còn trụ lại được với nghề như ngày hôm nay.

Hai năm trước, tại TPHCM đã diễn ra Lễ trao giải Merlin Awards, một giải thưởng danh giá do Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế I.M.S (International Magicians Society) trao tặng dành cho các ảo thuật gia xuất sắc nhất của Việt Nam. Một trong ba người nhận được Cúp Merlin Awards là ảo thuật gia Nguyễn Ngọc Minh Quang - người con út của nghệ sĩ Ngọc Viên. Cũng tại sự kiện này, Hiệp hội Ảo thuật Quốc tế I.M.S đã vinh danh và trao bằng Tiến sĩ Ảo thuật (Doctor of Magic) cho ảo thuật gia lão thành Nguyễn Văn Đức (nghệ danh Ngọc Viên) để tôn vinh những cống hiến của ông cho nền ảo thuật Việt Nam.

Lãng Quân - Sỹ Công
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.