Duyên thầm của Côn Đảo

Nguyễn Huy Minh |

Nằm ở vị trí tiền tiêu phía đông nam tổ quốc, đảo ngọc Côn Lôn (nay là Côn Đảo) từng là điểm dừng chân của nhiều thế hệ các nhà hàng hải và từ nhiều thế kỷ trước đã lọt vào “tầm ngắm” của các thế lực bành trướng phương Tây. Quần đảo tuyệt đẹp này là một thiên đường hoang sơ của rắn và “quái vật” đã đi vào sách sử.

Học giả J.C Demariaux thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương là người nhiều năm nghiên cứu lịch sử đảo Côn Lôn, kết quả đã được ông công bố bằng tiếng Pháp trên Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire Illustré) số 196, ra ngày 1.6.1944 và số 197, ra ngày 8.6.1944. Bản lược dịch do Hồng Nhung và Hoàng Hằng (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I) thực hiện cho thấy, đây thực sự là những tài liệu tham khảo thú vị có giá trị.

1. Nằm cách mũi Saint - Jacques (nay là Vũng Tàu) chừng 97 dặm và cửa sông Mê Kông chừng 47 dặm là quần đảo Poulo – Condore, người bản xứ gọi là Côn Lôn hay Côn Nôn (nghĩa là Đảo Rắn, do có rất nhiều loài bò sát sinh sống trên các đỉnh đồi). Dường như người Tây Ban Nha là những người Âu đầu tiên đặt chân lên quần đảo này hồi đầu thế kỷ XVI, bởi trong thời gian chiếm đóng của người Pháp, người ta tìm thấy những đồng tiền in hình Charles - Quint niên hiệu 1521. Người Anh đặt chân lên quần đảo này năm 1702, điều đó được ghi lại trong báo cáo của nhân viên Hãng Pháp Ấn – Veret và đã khuyên người Pháp nên chiếm đóng Côn Lôn, bởi đây là “điểm trung chuyển quan trọng đối với các tàu của Trung Hoa, Bắc Kỳ, Ma Cao, Manila, Java”.

Hãng Đông Ấn của Anh (Honorable East India Company) đã đi trước người Pháp khi quyết định cho xây dựng một thương điếm ở đảo Côn Lôn lớn, chính Chủ tịch Allen Catchpole đứng đầu thương điếm Chu Sơn, Trung Hoa được giao điều hành thi công công trình này. Dưới mỏm đá vươn ra Biển Đông, một vịnh nhỏ đầy cát lọt thỏm giữa khu rừng rậm tạo nên khoảng trống lấp lánh. Đó có thể là bãi cát mà người Anh đã đổ bộ và bắt gặp những con rùa biển khổng lồ: “Quái vật có vảy hoe vàng bò cùng hàng ngàn con nhỏ khác mới nở ra” - Allen Catchpole miêu tả.

Côn Lôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của người Anh, họ cố gắng thiết lập quan hệ với người dân nơi đây. Thuyền trưởng Gore đã đặt chân lên quần đảo này từ ngày 20 - 28.1.1780 trong lịch trình vòng quanh thế giới với hai chiếc tàu Résolution và Découverte. Vào thời điểm đó, các đảo Côn Lôn vẫn là đất của triều đình Huế với chừng 30 nóc nhà nằm rải rác. Thuyền trưởng Gore hỏi người dân làm thế nào có thể mua thức ăn dự trữ. Một viên quan theo đạo Cơ đốc tên gọi Luc cho hay, ông ta sẽ bán trâu cho thuyền trưởng, mỗi con chừng 4 - 5 đồng bạc. Lúc khởi hành, thuyền trưởng Gore tặng viên quan một cái kính và nhờ ông ta chuyển một bức thư tới Giám mục tòa Adran Bá Đa Lộc.

Huân tước Macartney - Đại sứ đặc biệt của Vua Anh Georges Đệ Tam bên cạnh triều đình Trung Hoa - cũng từng dừng chân trên các đảo Côn Lôn trong hai ngày 17 - 18.5.1793. Ông ta muốn xem xem liệu người Pháp đã đổ bộ lên các đảo hay chưa. Một số người trên hai tàu Lion và Indoustan rời thuyền xuống mua thức ăn dự trữ tại một ngôi làng nhỏ, người dân hứa sẽ giúp họ có đủ thức ăn ngay ngày hôm sau. Khi trở lại như đã hẹn, họ thấy cả ngôi làng trống hoác, cửa nhà mở toang, không vật dụng nào bị mang đi, gia cầm thả rông tự tìm thức ăn quanh nhà. Trong một gian nhà, thủy thủ Anh tìm thấy một mẩu giấy viết bằng tiếng Hán: “Chúng tôi không đủ đông, rất nghèo khổ nhưng trung thực và không có khả năng gây hại cho bất kỳ ai. Chúng tôi từng rất sợ hãi khi thấy những con tàu to lớn cùng những người đàn ông lực lưỡng khi chúng tôi không đủ gia súc và các thức ăn dự trữ khác cung cấp theo yêu cầu của họ. Chúng tôi có rất ít đồ ăn cung cấp cho các ngài và chúng tôi không thể làm điều mà các ngài trông mong ở chúng tôi. Nỗi sợ hãi bị ngược đãi và khát khao được sống đã buộc chúng tôi phải chạy trốn... Chúng tôi để lại trong làng mọi thứ chúng tôi có và các ngài có thể lấy đi, nhưng xin đừng đốt các ngôi nhà của chúng tôi”.

Các tác giả của bức thư trên chắc đã từng bị những người nước ngoài đối xử rất thậm tệ. Đoàn thủy thủ người Anh không lấy bất kỳ thứ gì và để lại trong ngôi nhà món quà tặng kèm theo một bức thư tiếng Hán: “Những chiếc tàu ghé thăm hòn đảo và những người đã đặt chân lên đây là người Anh. Chúng tôi đến chỉ để mua thức ăn tươi và không có ý xấu...”.

2. Lịch sử “bị chiếm đóng” của các đảo Côn Lôn ít được biết đến. Sau vụ thảm sát do lính Macassar gây ra năm 1705, người Pháp mới tính đến việc chiếm các đảo Côn Lôn. Theo Tạp chí Địa Lý xuất bản năm 1889 - 1890, Alexis Faure kể lại: Năm 1721, một nhân viên Hãng Pháp Ấn có tên là Renault được giao tiến hành điều tra dân số, khí hậu cũng như hoạt động sản xuất trên các đảo. Trong báo cáo gửi về, Renault nói về sự tồn tại của các sinh vật lạ, sóc và thằn lằn bay. Vào thời đó, Côn Lôn lớn được đặt tên là đảo Orléans để tôn vinh Công tước vùng Orléans của Pháp, tuy nhiên không có bất kỳ công trình nào được dựng lên ở đây. Năm 1752, Dupleix thu thập thông tin từ các nhà truyền giáo và tiếp quản kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn. Bất hạnh thay, ông này bị triệu hồi về Pháp và cuộc chiến Anh - Pháp kéo dài 7 năm đã khiến kế hoạch chiếm đóng Côn Lôn không được quan tâm.

Theo ký giả Charles Maybon, còn có một kế hoạch khác do thương gia Protais-Leroux, người từng có 8 - 9 năm kinh nghiệm làm việc ở Ấn Độ gửi cho De Machault - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Pháp - ngày 15.5.1755. Trong thư, Leroux trình bày các ưu điểm nếu cho xây dựng một thương điếm ở Côn Lôn, “quần đảo nằm ở cửa ngõ eo biển Malacca” có giá trị chiến lược lớn: “Hòn đảo là nơi trú ẩn cho các tàu Âu đến Trung Hoa; chúng ta có thể trú đông, sửa chữa và đóng vá mọi loại tàu trong cảng phía bắc bằng gỗ xây dựng trong vùng nếu cần. Cảng phía nam sẽ đem lại lợi ích rất lớn”. Leroux đề nghị cho xây thương điếm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, tình hình tài chính của Hãng Pháp Ấn không cho phép nghĩ đến kế hoạch to tát ấy. Sau năm 1757, hãng tàu thủy Pháp ngậm ngùi nhìn hãng tàu thủy Anh qua mặt thống trị các biển toàn khu vực Nam Á, trở thành một sức mạnh xâm lược lẫn quân sự.

Trong lịch sử Phái bộ Nam Kỳ, Cha Launay viết lại nhật ký của Cha Levasseur bàn về xây dựng một thương điếm năm 1768 ở Côn Lôn. Năm 1773, cuộc nổi dậy của quân Tây Sơn nổ ra, giám mục Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Ánh chạy trốn trên các đảo dọc bờ biển Nam Kỳ. Phần lớn dân làng An Hải trên đảo Côn Lôn là hậu duệ của nhà Gia Long, họ còn cất giữ rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Hán. Người ta cũng nói về những bộ áo giáp và những khẩu súng mút-kê cũ (sản xuất ở thế kỷ XVI-XVII) được tìm thấy trong một hang động dưới thời chúa đảo Lambert. Khắp nơi trên quần đảo, người ta rỉ tai nhau về những kho báu chôn giấu chưa được tìm thấy. Ngày 25.11.1896, trong khu vực nhà tù số 1, tù khổ sai Dang Van Tam khi đào hào đã phát hiện 2 chum chứa đầy đồng tiền bạc và vòng vàng. Đó có thể là của cải dự trữ được cất giấu của Nguyễn Ánh. Vào ngày chạy trốn khỏi trùng vây thuyền chiến của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã bỏ lại tất cả số vàng bạc đó, tháo thân sang Xiêm. Thống đốc Nam Kỳ Ducos đã ra lệnh bán rồi chia số tiền thu được thành hai phần bằng nhau: Một nửa nộp cho chính phủ thuộc địa, một nửa trao cho tù khổ sai Dang Van Tam. Ngày 14.1.1897, Thống đốc viết: “Khi một kho báu tình cờ được phát hiện, chiểu theo Điều 716 Luật Dân sự, người phát hiện có quyền hưởng một nửa kho báu, phần còn lại thuộc về người sở hữu đất”.

Hiệp ước Versailles ngày 28.11.1787 giữa Vua Louis XV và Vua Gia Long do Giám mục tòa Adran Bá Đa Lộc soạn thảo, theo đó Vua Gia Long đồng ý nhượng lại cho Pháp quyền sở hữu các đảo Côn Lôn. Dù có hiệp ước trên nhưng thực tế, không có bất kỳ đơn vị lính đồn trú Pháp nào được triển khai trên quần đảo. Trong chuyến ghé thăm của Huân tước Macartney ngày 17 và 18.5.1793, ông ta không hề gặp một lính Pháp nào ở đây.

Pháp thực sự sử dụng quyền sở hữu quần đảo này vào ngày 28.11.1861, khi ra lệnh tàu hộ tống cập đảo theo lệnh của Đô đốc Bonard - Thống đốc Nam Kỳ đầu tiên. Theo tài liệu ở Nam Kỳ, tôi (học giả J.C Demariaux) đã tìm thấy và được đọc biên bản chiếm đảo. Đó là một tờ giấy vàng bị rách ở giữa vì mối đục: “Hôm nay, thứ năm là ngày 28.11.1861, vào lúc 10h sáng. Tôi tên là Lespès Sébastien - Nicolas Joachim, đại úy hải quân, chỉ huy tàu Hải quân Hoàng gia Norzagaray, hành động theo mệnh lệnh của chính phủ, tuyên bố chiếm giữ nhóm các đảo Poulo - Condore, nhân danh Hoàng đế Napoléon Đệ Tam - Hoàng đế của người dân Pháp. Theo đúng lệnh, tàu Pháp đổ bộ lên đảo Côn Lôn lớn kể từ ngày này...”. Biên bản được trưng bày tại Hiệp hội Nghiên cứu Đông Dương, sau Nhà triển lãm Sài Gòn.

Khi Pháp đặt chân lên các hòn đảo Côn Lôn, 129 tù binh của triều đình Huế đang bị giam trong một đồn lũy. Ban ngày, số tù binh này được tự do trồng cấy chăn nuôi, nhưng khi đêm đến, tất cả bị cùm xích lại. Phần lớn tù binh đem theo vợ con, sống trong những túp lều lụp xụp quanh đồn, được che chắn bằng phên giậu. Lính đồn trú ở đây gồm 80 người, dưới sự chỉ huy của Quan Chánh - viên quan của triều đình trực thuộc tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Hà Tiên). Binh lính đóng quân 1 năm trên các đảo sau đó được thuyên chuyển vào đất liền, họ không có súng mà chỉ được trang bị giáo mác. Từ năm 1862, đô đốc Bonard đã cho xây dựng ở đây một nhà tù khổ sai để giam giữ những người bị kết án từ 1 - 10 năm tù và đó là nguồn gốc ra đời nhà tù khổ sai sau này. Sau khi người Pháp chiếm đóng các đảo, quần đảo Côn Lôn được chuyển giao, trực thuộc quản lý của Phủ Thống đốc Nam Kỳ, dưới quyền của một quan cai trị hoặc một sĩ quan, với chức danh “Giám đốc nhà tù và các đảo” (Directeur du pénitencier et des les). Nhà tù giam giữ khoảng 1.500 - 2.000 tù nhân, hàng trăm người trong số đó sống ở nông thôn, trong các trang trại, được giao chăn nuôi và trồng trọt. Số khác được sai đi đánh cá hoặc tới làm việc ở các lò vôi với nhiên liệu lấy từ dải san hô. Dải san hô ở Côn Lôn không bao giờ cạn kiệt. Năm 1863, trung úy hải quân Bigot hứa với Đô đốc De la Grandière sẽ cho hoạt động 6 lò vôi để cung cấp vật liệu cho Nam Kỳ nhờ nguồn dự trữ san hô dồi dào.

Các khu rừng rậm phủ kín những ngọn núi của đảo Côn Lôn, đỉnh núi cao nhất ở đây cao tới 596m so với mực nước biển. Người Pháp cho xây đường cáp vận chuyển gỗ từ trên núi xuống. Người ta cũng từng nghĩ đến việc cho xây một sòng bạc ở Côn Lôn lớn để cạnh tranh với Ma Cao, biến hòn đảo thành điểm hẹn của những người giàu có nhàn rỗi quanh vùng Viễn Đông...

3. Tạm gấp lại những nghiên cứu của học giả J.C Demariaux, tôi thuê một chiếc xe máy đi lòng vòng Côn Đảo. Đến đây từ khi còn trẻ, nay trở thành GĐ Vườn quốc gia Côn Đảo, anh Nguyễn Khắc Pho nói với tôi rằng, quần đảo này có dáng dấp của nhiều vùng miền trong cả nước. Côn Đảo là nơi gặp gỡ và dừng chân của nhiều loài động thực vật, hình thành nên nhiều kiểu rừng, nhiều hệ sinh thái. Côn Đảo có 2 kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và rừng kín nửa rụng lá mưa ẩm nhiệt đới, với các kiểu thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam - Nam Trung Hoa; thân thuộc với khu hệ thực vật Malaysia - Indonesia; thân thuộc với khu hệ thực vật Ấn Độ - Miến Điện; kiểu phụ thổ nhưỡng trên đất địa đới úng nước hàng ngày hay từng mùa; kiểu phụ thổ nhưỡng trên đất phi địa đới kiệt nước; kiểu phụ thứ sinh nhân tác. Côn Đảo có 4 hệ sinh thái rừng trên vùng đồi núi thấp; rừng trên đồi cát và bãi cát hạn ven biển; rừng ngập mặn; rừng ngập nước phèn. Những hệ sinh thái này phân bố kế tục nhau trên một không gian nhỏ hẹp tại Côn Đảo, là một nét độc đáo thu hẹp, có ý nghĩa về mặt tự nhiên, diễn thế và khoa học.

Côn Đảo có rất nhiều loài động thực vật quý hiếm mang tầm quan trọng quốc gia và quốc tế. Các nhà khoa học thuộc Phân viện điều tra Quy hoạch Rừng II, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM... đã tiến hành các cuộc điều tra cho thấy, thực vật ở Côn Đảo có 1.077 loài, có nguồn gốc từ miền Bắc, miền Đông Nam Bộ, ĐBSCL, có các hệ thực vật di cư xâm nhập từ Malaysia – Indonesia, Himalaya - Vân Nam - Quý Châu Trung Hoa; có các loài mang gien thực vật Cổ xưa (Cổ nhiệt đới và á nhiệt đới) và cả những nguồn gien quý hiếm, đặc hữu, với 11 loài được lấy tên “Côn Sơn” để đặt tên. Khu hệ động vật có xương sống trên cạn đã thống kê được 160 loài, trong đó có 4 loài động vật đặc hữu chỉ tìm thấy ở đây và cũng chỉ còn có ở đây: Sóc đen Côn Đảo, Thạch sùng Côn Đảo, Khỉ đuôi dài Côn Đảo, Rắn khiếm Côn Đảo. Nhóm động vật quý hiếm có tới 35 loài, Sóc mun, Bồ câu Nicobar, Gầm ghì trắng, Chim điên bụng trắng, Chim nhiệt đới... là những loài chỉ còn có ở quần đảo này trong tổng thể lãnh thổ nước ta.

Anh Pho nói với tôi rằng, tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia Côn Đảo rộng 19.990,7 ha trong đó phần diện tích bảo tồn rừng trên các đảo 5.990,7ha, còn lại là phần diện tích bảo tồn biển, một trong 6 Vườn quốc gia của cả nước vừa có hợp phần bảo tồn rừng vừa có hợp phần bảo tồn biển. Từ trên cao nhìn xuống, quần thể Côn Đảo giống một con gấu hoặc một con bò biển đang nằm trên sóng nước mênh mông. Vùng biển Côn Đảo có đầy đủ 3 hệ sinh thái chính của vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái san hô và hệ sinh thái cỏ biển với nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như Vích, Đồi mồi, Dugong, Trai tai tượng, Cá heo mõm dài... với tổng cộng 1.752 loài sinh vật biển đã được ghi nhận cùng sinh sống tại đây. Vùng biển Côn Đảo đã được Ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng biển ưu tiên bảo vệ trên phạm vi toàn cầu.

Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho giới thiệu cho tôi biết về quần đảo.
Giám đốc Vườn Quốc gia Côn Đảo Nguyễn Khắc Pho giới thiệu cho tôi biết về quần đảo.

Các rạn san hô Côn Đảo cực kỳ quan trọng trong điều hòa môi trường biển, cung cấp dinh dưỡng cho vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa, đồng thời còn là nơi cư trú, sinh sản và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ ở vùng bờ, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa và ngược lại. Hệ sinh thái san hô có diện tích khoảng 1.800ha, phân bố xung quanh các đảo có độ sâu thường gặp từ 1 - 30 mét nước thuộc kiểu cấu trúc rạn riềm điển hình với bãi triều rộng và không điển hình với sườn rạn khá dốc. Độ phủ trung bình của san hô đạt trên 50% với 360 loài, phong phú và đa dạng vào loại nhất nhì của Việt Nam. Chúng chắn sóng, làm giảm tốc độ dòng chảy, cố định nền đáy, bảo vệ bờ biển; chúng tuyệt mỹ và được coi là đa dạng nhất trong các hệ sinh thái biển. Tính đa dạng của sự sống trong rạn san hô Côn Đảo cao đến mức cho đến nay nhiều loài động vật không xương sống vẫn chưa được mô tả, bởi vậy chúng được xem là kho dự trữ gen. Các thảm cỏ biển Côn Đảo có diện tích khoảng 1.000ha thường phát triển ở vùng trung gian của rừng ngập mặn và rạn san hô, giúp ổn định tầng đáy, lắng tụ trầm tích, chống xói lở bờ, là nguồn dự trữ thức ăn cho thủy vực, là nơi cư trú, kiếm ăn, nơi sinh sản và là vườn ươm ấu thể của nhiều loài hải sản có giá trị; là điểm dừng chân của nhiều loài cá, động vật không xương sống, thú và bò sát, là nguồn thức ăn chính của Bò biển Dugong. Trong các rừng ngập mặn Côn Đảo có diện tích 31ha, người ta nhận thấy đây là một khu vực nguyên sinh chưa bị tác động của con người, nơi quần cư của 46 loài thực vật, có 3 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam là Đước đôi, Cóc đỏ và Quao nước; 2 loài chưa có tên trong danh mục thực vật rừng ngập mặn Việt Nam là Vẹt hainesii và Xu rumphii; 2 loài hiếm gặp và ít phân bố tại Việt Nam là Bằng phi và Đước lai. Thế giới rừng ngập mặn Côn Đảo cũng ẩn chứa nhiều bí ẩn.

4. Anh Công - PGĐ Đài PTTH Côn Đảo ra đây từ bé kể với tôi rằng, hồi xưa khi tắm, chân thì giẫm lên cỏ biển và có thể cảm thấy như Bò biển bơi lội đâu đó gần lắm trong làn nước quanh mình. Bò biển, tôi đã nghe nói tới đôi lần trong các chuyến đi từ Hà Nội ra các đảo phương Nam, nhưng chưa từng nhìn thấy. Anh Thắng, cán bộ quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo hỏi rằng, có muốn tận mắt nhìn thấy Bò biển hay không? Chúng tôi rời trụ sở mới của Vườn, đi về trụ sở cũ. Hai mẹ con Bò biển nằm ở đấy, trong hai bể dung dịch gần nhau. Anh Thắng bảo, khoảng mười năm trước khi được bà con báo tin về Bò biển này mắc lưới, tự tay anh đã phẫu thuật. Buồn làm sao khi mổ bụng con vật xấu số thấy lẫn trong đám rong rêu ở dạ dày là những sợi cước, mảng lưới rách của ngư dân vẫn còn nguyên khiến chúng không thể nào tiêu hóa được.

Anh Thắng kể, năm qua, Vườn đã có nghiên cứu tương đối cặn kẽ về chim Yến Hàng Côn Đảo, với tổng số khoảng 4.275 cá thể và 1.798 con được sinh sản thành công trong năm 2017. Trong vòng 6 năm (2012 - 2017) đã ấp nhân tạo 2.693 trứng và nở, nuôi thành công 691 chim Yến Hàng (với tỉ lệ sống là 25,66%) thả về các hang yến tại Côn Đảo. Trong 3 năm (2015 - 2017), số chim non yếu bị rơi khỏi tổ được nuôi cứu hộ 464 con, số chim non nuôi thành công thả về môi trường tự nhiên 437 con, tỉ lệ nuôi sống 94,18%. Trung tâm yến sào Khánh Hoà đã và đang thực hiện một số giải pháp để bảo vệ, phát triển quần thể chim Yến Hàng Côn Đảo, giúp sản lượng yến sào dần dần hồi phục. Anh cũng cho biết, năm 2017 đã điều tra, xác định và lựa chọn, lập hồ sơ được 3 cây cổ thụ, gồm Cóc đỏ và Nhội tại khu vực Hòn Bà, Ông Đụng và Nhà Bàn để đề xuất làm cây di sản. Đồng thời lắp các biển cảnh báo tại một số điểm trên tuyến đường đi Bến Đầm và Cỏ Ống để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông giữa người với khỉ.

Trong nhiều động vật quý hiếm của Côn Đảo, rùa biển đã được chọn làm biểu tượng của quần đảo này. Tại chợ trung tâm Côn Đảo, tôi nhìn thấy một câu khẩu hiệu được sơn trên tường: “Hãy cho rùa biển cơ hội sống”. Có lẽ, ít có câu khẩu hiệu nào ngắn gọn và thiết tha hơn thế!

Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Du xuân vãn cảnh ngôi chùa có vị thế đẹp nhất Việt Nam

VĂN HÀO |

Chùa Núi Một được thiết kế theo kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, có vị trí tọa lạc hết sức ấn tượng, cả 4 hướng đều có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp.

Sau hơn 10 năm, rùa biển lại bơi ở Cù Lao Chàm

Lam Phương |

Lần đầu tiên, 450 trứng rùa biển được vận chuyển vị từ Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) về đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ấp nở đã cho kết quả ngoài mong đợi với tỷ lệ thành công hơn 90%. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy biển Cù Lao Chàm vẫn còn những điều kiện thuận lợi để phục hồi quần thể rùa biển sau hơn 10 năm vắng bóng.

Khám phá nhiều điều thú vị tại Côn Đảo

Lam Linh |

Côn Đảo được đánh giá là 1 trong 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới, theo tạp chí danh tiếng Travel and Leisure.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Du xuân vãn cảnh ngôi chùa có vị thế đẹp nhất Việt Nam

VĂN HÀO |

Chùa Núi Một được thiết kế theo kiến trúc đậm nét Phật giáo Á Đông, có vị trí tọa lạc hết sức ấn tượng, cả 4 hướng đều có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt đẹp.

Sau hơn 10 năm, rùa biển lại bơi ở Cù Lao Chàm

Lam Phương |

Lần đầu tiên, 450 trứng rùa biển được vận chuyển vị từ Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) về đảo Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam), ấp nở đã cho kết quả ngoài mong đợi với tỷ lệ thành công hơn 90%. Đây là một dấu hiệu đáng mừng, cho thấy biển Cù Lao Chàm vẫn còn những điều kiện thuận lợi để phục hồi quần thể rùa biển sau hơn 10 năm vắng bóng.

Khám phá nhiều điều thú vị tại Côn Đảo

Lam Linh |

Côn Đảo được đánh giá là 1 trong 20 hòn đảo bí ẩn nhất thế giới, theo tạp chí danh tiếng Travel and Leisure.