Đứng giữa đỉnh lũ, nhìn lại hệ thống đê điều mà lo!

khánh vũ |

Hệ thống đê điều có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai lụt, bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân cũng như những thành quả phát triển kinh tế xã hội đạt được, đồng thời là những tuyến đường giao thông quan trọng kết nối giao thương giữa các vùng miền. Công sức của nhiều thế hệ đã xây dựng nên một hệ thống công trình đê điều có quy mô rất lớn với chiều dài khoảng 9.300km (gần 2.900km đê biển và 6.400km đê sông). Trong đó có trên 2.700km đê được phân cấp từ cấp III đến cấp đặc biệt, đây là các tuyến đê bảo vệ các khu vực có dân số tập trung đông và nhiều công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Song do công trình đê điều chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của lũ, bão... nhiều tuyến đê bị xuống cấp không đảm bảo an toàn. Mùa mưa lũ năm 2018 đã cho thấy hệ thống đê điều có nhiều bất cập.

Nguy cơ xảy ra sự cố ở 239 trọng điểm đê

Theo ông Phạm Đức Luận – Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục PCTT-Bộ NNPTNT), cả nước hiện nay có 21 tỉnh, thành phố có đê từ cấp 3 tới cấp đặc biệt, qua công tác đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ năm 2018 có 239 trọng điểm, vị trí xung yếu đê, kè, cống. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Thái Bình với 62 vị trí, Thanh Hóa 23 vị trí, Bắc Giang 14 vị trí, Hải Dương 15 vị trí, Nam Định 18 vị trí... “Trên cơ sở báo cáo đánh giá của các địa phương trước mùa mưa bão năm 2018, hệ thống đê từ cấp III đến cấp đặc biệt còn tồn tại trên 243,2km đê thiếu cao trình bị tràn khi có lũ; trên 726km đê không đảm bảo mặt cắt thiết kế, có nguy cơ bị vỡ; trên 12km đê thường xuyên bị đùn sủi và trên 66km đê bị thẩm lậu, rò rỉ chưa được xử lý; 93 cống dưới đê bị hư hỏng nặng cần phải xây mới, 355 cống bị hư hỏng cần phải sửa chữa và 220km kè bị hư hỏng, xung yếu, có diễn biến sạt lở. Kinh phí để giải quyết các tồn tại của hệ thống đê điều nêu trên vào khoảng 28.560 tỉ đồng” - ông Phạm Đức Luận cho biết.

Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống lụt tại khu vực đê sông Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà
Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT Trần Quang Hoài trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống lụt tại khu vực đê sông Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Hà

Ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, nhấn mạnh: Sau đợt mưa lũ vừa qua đã ghi nhận 48 sự cố đê điều tại Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Các địa phương cũng ghi nhận 93 cống hư hỏng nặng cần xây mới thay thế và 239 trọng điểm đê điều xung yếu phải lên phương án bảo vệ trong mùa lũ năm nay. Trước đó, năm 2017, hệ thống đê sông, đê biển chịu tác động rất mạnh bởi diễn biến phức tạp của thiên tai đã gây ra nhiều sự cố về đê điều, trong đó có những sự cố đặc biệt nguy hiểm, gây uy hiếp đến an toàn hệ thống đê. Cụ thể, ngày 15.9.2017, cơn bão số 10 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình với cường độ cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15; do ảnh hưởng của bão mạnh kết hợp với kỳ triều cường cao nhất trong năm đã gây nước dâng và sóng rất lớn, tác động rất mạnh vào hệ thống đê, kè biển, gây hư hỏng nghiêm trọng nhiều tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế với chiều dài trên 55km và 123 sự cố về đê điều. Từ ngày 10 - 13.10.2017, do ảnh hưởng của ATNĐ kết hợp không khí lạnh gây mưa to đến rất to ở vùng Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; trên hệ thống sông các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đã xảy ra một đợt lũ lớn, đặc biệt lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê 5 tỉnh, thành phố nêu trên; lũ đã tràn và xấp xỉ tràn nhiều tuyến đê như đê Lạch Trường, đê Cầu Chày, đê sông Hoạt, đê hữu Hoàng Long; lũ đã gây ra 242 sự cố về đê điều như nứt sạt mái đê, thẩm lậu, rò rỉ mái đê, đùn sủi chân đê... Đặc biệt, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thủy lợi cho thấy, các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương đã xảy ra 106 sự cố đê điều do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, lũ lụt và mưa lớn trong những ngày gần đây: Huyện Chương Mỹ (Hà Nội), một số khu vực của tỉnh Hòa Bình đã bị ngập nặng. Trong đó, có 9 ngôi nhà tại tổ 26 phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã bị “rơi tõm” xuống sông, 35 ngôi nhà khác bị đe dọa phải di dời.

Hiểm họa từ những “quả bom nước” khổng lồ

Trong những năm gần đây, việc điều hành hồ chứa đã mang lại hiệu quả to lớn, nhà máy thuỷ điện phát vượt mức yêu cầu đề ra; mặt khác do việc quyết định cho các hồ tích nước sớm hơn so với quy định nên gần như năm nào cũng đảm bảo tích đủ nước; đặc biệt những năm gần đây là những năm nước kiệt ít thấy, các hồ đã góp phần quyết định vào việc tích đủ nước phát điện vào mùa khô, xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc tích nước sớm sẽ vô cùng nguy hiểm nếu xảy ra lũ muộn với mức lũ cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện nay Bắc Bộ có 2.985 hồ (286 hồ chứa lớn, 2.699 hồ chứa nhỏ). Trong các hồ chứa lớn, thì 14/286 hồ đầy nước (Sơn La 2, Phú Thọ 1, Bắc Giang 3, Quảng Ninh , Thái Nguyên 1, Lạng Sơn 1, Ninh Bình 1, Hòa Bình 3), số hồ còn lại đạt 45 - 75% dung tích thiết kế; mực nước thấp hơn MNDBT từ 2-4m; hiện không có hồ vận hành xả lũ. Đối với các hồ chứa nhỏ, có 782/2.699 hồ tích đầy nước (Lào Cai 77, Lai Châu 3, Phú Thọ 45, Hà Giang 50, Bắc Giang 70, Hòa Bình 510, Ninh Bình 22, Lạng Sơn 5), số hồ còn lại đạt 60 - 85% dung tích thiết kế; mực nước thấp hơn MNDBT từ 1-3m. Bắc Bộ có 138 hồ chứa xung yếu (Hà Giang 6, Cao Bằng 4, Lào Cai 5, Yên Bái 12, Tuyên Quang 11, Bắc Kạn 6, Thái Nguyên 9, Lạng Sơn 8, Quảng Ninh 9, Sơn La 8, Phú Thọ 9, Vĩnh Phúc 7, Bắc Giang 9, Hải Dương 5, Hòa Bình 20, Ninh Bình 6). Khu vực Bắc Trung Bộ có 1.920 hồ (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ); 83/132 hồ đầy nước (Thanh Hóa 45, Nghệ An 38), số hồ còn lại đạt 50 - 70% dung tích thiết kế, hiện không có hồ vận hành xả lũ; có 988 hồ chứa nhỏ (trên tổng số 1.788 hồ chứa nhỏ) đã tích đầy nước (Thanh Hóa 375, Nghệ An 471, Hà Tĩnh 142), số hồ chứa còn lại đạt 55 - 85% dung tích thiết kế; mực nước thấp hơn MNDBT từ 1 - 4m. Khu vực Bắc Trung Bộ có 95 hồ chứa xung yếu (Thanh Hóa 24, Nghệ An 21, Hà Tĩnh 18, Quảng Bình 12, Quảng Trị 14, Thừa Thiên Huế 7).

Chính phủ bố trí 1.300 tỉ đồng để xử lý cấp bách sự cố đê điều

Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, sau lũ năm 2017, thực hiện Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017, trong đó có yêu cầu Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, nhất là các khu vực đê xung yếu đã bị ảnh hưởng bởi bão lũ thời gian qua để có phương án sửa chữa ngay từ cuối năm 2017. Bộ NNPTNT đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bố trí 3.500 tỉ đồng để thực hiện xử lý cấp bách các sự cố đê điều đã xảy ra, tu bổ nâng cấp một số tuyến đê chưa đảm bảo an toàn chống lũ và đầu tư xóa một số vị trí trọng điểm xung yếu về đê điều trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và hỗ trợ một số tuyến đê dưới cấp III, nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như từng bước tăng cường khả năng chống lũ, bão của hệ thống đê điều/6.595 tỉ đồng các địa phương đề nghị hỗ trợ. “Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm đến hệ thống đê điều, mặc dù ngân sách Trung ương còn hạn chế, nhưng Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng 1.300 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để hỗ trợ các địa phương xử lý cấp bách các công trình đê điều do ảnh hưởng của lũ, bão năm 2017. Hiện nay các tỉnh đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để thực hiện” - ông Phạm Đức Luận nêu ý kiến.

Nhằm tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ; bảo vệ trọng điểm đê, kè, cống xung yếu năm 2018, ngày 9.4.2018, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã ban hành Chỉ thị số 2646/CT-BNN-PCTT yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đê tập trung chỉ đạo và giám sát thực hiện công tác tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều và công trình liên quan đến đê điều. Tập trung xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều bị hư hỏng do bão lũ năm 2017, lập phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa lũ, bão năm 2018. Chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban ngành của tỉnh, thành phố theo chức năng, chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho đê, đặc biệt là các vị trí xung yếu; chuẩn bị sẵn sàng tổ chức phương án hộ đê, phương án ứng phó trong điều kiện có bão, lũ lớn, lũ đặc biệt lớn... Mới đây, Bộ NNPTNT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí xung yếu đê, kè, cống theo phương châm 4 tại chỗ (vật tư tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ); tổ chức và kiểm tra công tác chuẩn bị theo phương án được duyệt; tập huấn, diễn tập công tác hộ đê...

Bên cạnh những tồn tại của hệ thống đê điều đã nêu ở trên, hệ thống đê điều còn bị tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, mưa lũ cực đoan đã và đang xuất hiện. Năm 2017 ở một số khu vực có tổng lượng mưa lớn hơn 1,5 lần bình quân nhiều năm đã gây lũ quét và lũ lớn, đặc biệt lớn trên một số hệ thống sông; uy hiếp an toàn hệ thống đê điều gây nguy cơ vỡ ở nhiều tuyến đê. Bão mạnh kết hợp triều cường đã xuất hiện (cơn bão số 10 năm 2017) đã gây uy hiếp đến an toàn các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh. Lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, lũ vượt lũ lịch sử đã xảy ra trên hệ thống sông trong thời gian gần đây: Trên sông Hoàng Long tỉnh Ninh Bình năm 2017 vượt lũ lịch sử năm 1985 là 29cm; trên sông Cầu Chày tại trạm Xuân Vinh tỉnh Thanh Hóa năm 2017 đạt 10,91m, vượt lũ lịch sử năm 1985 là 21cm; trên sông Đáy tỉnh Nam Định năm 2017 tại Cổ Đam vượt lũ lịch sử năm 1985 là 30cm.

Tư tưởng chủ quan, lơ là, “ỷ lại” vào hồ chứa thủy điện

Trong 16 năm qua, kể từ sau trận lũ 2002, trên hệ thống sông Hồng chưa có lũ lớn, vì vậy, đã xuất hiện tư tưởng chủ quan cả từ người dân đến cán bộ lãnh đạo các cấp đều cho rằng các hồ chứa thủy điện hiên nay đã đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và vùng hạ du. Việc này đặc biệt rất nguy hiểm, bởi nếu xuất hiện lũ ở hạ du sẽ chủ yếu là lũ lớn vì do lúc đó các hồ thượng lưu đã hết khả năng điều tiết. Ngoài ra nếu sau nhiều năm mới xuất hiện lũ lớn, rất có thể sẽ bị lúng túng trong điều hành chỉ đạo do thiếu kinh nghiệm đặc biệt là lãnh đạo các cấp chính quyền. Việc điều hành hồ chứa trong mùa lũ luôn phải chịu sức ép rất lớn đó là làm sao phát huy hiệu quả tối đa các mặt lợi của hồ chứa; trong khi giữa phát điện và chống lũ luôn tồn tại mâu thuẫn lợi ích rất khó dung hoà. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), cũng bày tỏ quan ngại khi tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An là những địa phương có nhiều hồ đập xung yếu và phần lớn các hồ, đập đã tích đầy nước trong những đợt mưa lớn gần đây. Ngay trong đợt mưa bão số 3 vừa qua, tại Nghệ An xảy ra 2 sự cố đập tại huyện Yên Thành. Còn tại các tỉnh phía bắc, các hồ trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lai Châu cũng đạt công suất tích nước 100%.

khánh vũ
TIN LIÊN QUAN

Dự báo thời tiết 5.8: Rãnh áp thấp phát triển mạnh, Bắc Bộ mưa lớn

Thế Anh |

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển mạnh nên từ nay đến ngày 5.8 ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa đến mưa to, riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ có khả năng mưa rất to. 

Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang đồng loạt xả lũ do mưa lớn hoành hành

Thảo Anh |

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang mở các cửa đáy xả lũ do mưa lớn tiếp tục hoành hành.

Đêm ở rốn lũ Chương Mỹ: Đi ủng lúc ăn cơm, chập chờn giấc ngủ vì chân ngứa ngáy

VƯƠNG TRẦN |

Ghi nhận của PV Lao Động, cho tới chiều 3.8, nhiều xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn bị ngập sâu, chìm trong dòng nước lênh láng. Đặc biệt là các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến… khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Dự báo thời tiết 5.8: Rãnh áp thấp phát triển mạnh, Bắc Bộ mưa lớn

Thế Anh |

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp trên khu vực Bắc Bộ phát triển mạnh nên từ nay đến ngày 5.8 ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa, mưa vừa đến mưa to, riêng các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Phú Thọ có khả năng mưa rất to. 

Thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang đồng loạt xả lũ do mưa lớn hoành hành

Thảo Anh |

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã yêu cầu thủy điện Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang mở các cửa đáy xả lũ do mưa lớn tiếp tục hoành hành.

Đêm ở rốn lũ Chương Mỹ: Đi ủng lúc ăn cơm, chập chờn giấc ngủ vì chân ngứa ngáy

VƯƠNG TRẦN |

Ghi nhận của PV Lao Động, cho tới chiều 3.8, nhiều xã của huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn bị ngập sâu, chìm trong dòng nước lênh láng. Đặc biệt là các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến… khiến mọi sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.