Đừng để báu vật rơi vào quên lãng

lê quang vinh |

Từ xa xưa, Đông Hồ đã là một làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian ở Việt Nam, thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả quốc tế. Nhưng hiện nay, sự lấn át của thời công nghệ đã khiến cho dòng tranh dân gian Đông Hồ đang dần mai một và di sản văn hóa này đang đứng trước nguy cơ bị lãng quên...

''Làng Mái có lịch có lề’’

Làng tranh Đông Hồ thuộc địa bàn xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), cách Hà Nội chừng trên 25km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi tắt là làng Hồ và khi xưa còn gọi là làng Mái) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ (nay là cầu Hồ). Các cụ làng Đông Hồ vẫn truyền lại mấy câu ca rằng: "Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về/ Làng Mái có lịch có lề/ Có sông tắm mát có nghề làm tranh". Tục ngữ Việt Nam có câu: "Giấy rách phải giữ lấy lề". Chữ "lề" ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, rất trọng lời ăn tiếng nói, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm. Thế nên, từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau.

Ngày xưa, làng Đông Hồ có chợ tranh tấp nập dịp tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) với 5 phiên chợ vào các ngày 6, 11, 16, 21, 26. Trong mỗi phiên chợ, các loại tranh được mang ra bán buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về treo trong dịp Tết với ý niệm mong mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Chính vì thế, người ta còn gọi nôm na tranh dân gian Đông Hồ là tranh Tết, bởi nó được sản xuất và bán vào dịp Tết Nguyên đán cho khắp các chợ quê. Vào những ngày đó, trên từng vách nứa nhà tranh đơn bạc, màu sắc của tranh tưng bừng ẩn chứa niềm vui và mơ ước đầu năm. Hằng năm, làng Hồ mở hội làng vào Rằm tháng 3 âm lịch với nhiều nghi thức truyền thống như tế thần, thi mã, thi tranh rất náo nhiệt.

Về đề tài, tranh Đông Hồ khá đa dạng, có loại chúc tụng như ''Đàn gà’’ - ước cho ai nấy đều xum xuê con cháu. Đứa bé ôm con gà ''Vinh hoa’’, ôm con vịt ''Phú quý’’. Bên cạnh đó là tranh sinh hoạt: Đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy... Rồi tranh lịch sử như Bà Trưng, Phù Đổng Thiên Vương, Ngô Quyền... Tranh truyện như Kiều, Thạch Sanh. Có loại tranh mang tính bình luận về xã hội phong kiến - như “Đám cưới chuột” rất dí dỏm và sâu sắc. Ngoài ra, còn có loại tranh thờ. Trong thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian nói chung, tranh Đông Hồ hàm chứa cái ý vị hồn nhiên, giản dị, chân thật, có lúc ngây ngô đến vụng về. Nhưng nó bao hàm một vẻ đẹp không thể cưỡng lại của sự nối tiếp âm thầm nguồn mạch một nền văn hóa lâu đời.

Ở Việt Nam, chỉ có ít làng nghề làm tranh dân gian, trong đó ở miền Bắc nổi tiếng là làng tranh Đông Hồ. Thời thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là ở thế kỷ XVII, XVIII. Quanh năm, rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm làng tranh Đông Hồ và mua tranh làm kỷ niệm. Một số khách sạn, nhà hàng ở một số thành phố lớn còn về đây đặt những bức tranh khổ lớn để trang trí cho phòng khách, hoặc phòng ăn lớn. Nhưng trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, tranh dân gian làng Hồ không tiêu thụ được nhiều như trước và dân làng Hồ chủ yếu sống bằng nghề làm vàng mã và hiện chỉ có ít gia đình nghệ nhân còn theo nghề tranh, nhằm gìn giữ di sản tranh Đông Hồ. Trước đây, trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng có một quầy bán tranh Đông Hồ, nay dường như không duy trì nữa (?).

Ấn phẩm ''Tranh dân gian Đông Hồ qua các nghệ nhân nổi tiếng’’  là một nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu một phần di sản văn hóa Việt. Ảnh: L.Q.V
Ấn phẩm ''Tranh dân gian Đông Hồ qua các nghệ nhân nổi tiếng’’ là một nguồn tư liệu quý trong việc tìm hiểu một phần di sản văn hóa Việt. Ảnh: L.Q.V

Một nghề dân dã, công phu

Theo sử sách, người Việt đã biết làm loại giấy mật hương chỉ ở thế kỷ thứ III, còn nghề khắc ván có từ thế kỷ XI, XII. Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Ván in nét thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Gỗ thị có thớ đa chiều, vừa mềm, dễ khắc. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve, được làm bằng thép cứng. Mỗi bộ ve có khoảng 30-40 chiếc. Ván in màu được làm bằng gỗ mỡ bởi khi phết màu để in tranh, gỗ mỡ có khả năng giữ màu cao hơn nhiều loại gỗ khác.

Nền tranh là giấy dó (làm bằng vỏ cây dó) được phết lên bằng chổi lá thông một lớp điệp có màu óng bạc (bột tán từ vỏ con điệp - một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ - nấu từ gạo tẻ, hay gạo nếp, hoặc bột sắn). Loại giấy này được sản xuất theo phương cách thủ công đưa từ làng Đông Cảo (Bắc Ninh) hay làng Yên Thái ở vùng Bưởi (Hà Nội) về, cắt thành nhiều cỡ, nhỏ nhất là 11cmx12cm, lớn nhất là 22cmx31cm.

Màu sắc được sử dụng trong tranh Đông Hồ là màu tự nhiên: Màu đen (như màu váy lĩnh trong mùa quan họ) lấy từ than gỗ xoan, rơm nếp hay than lá tre được ngâm kỹ vài tháng; màu xanh (như lũy tre) lấy từ gỉ đồng hay lá chàm - loại lá ở vùng dân tộc ít người phía Bắc thường dùng để nhuộm quần áo; màu vàng (tượng trưng cho sự no đủ) lấy từ hoa dành dành, hoa hòe - loài hoa về mùa hè người ta vẫn dùng để sắc nước uống thanh nhiệt; màu đỏ (màu của yếm thắm) lấy từ gỗ vang và sỏi son trên núi Thiên Thai; màu trắng lấy từ điệp. Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô. Chính bởi sự hòa quyện của các chất liệu chắt chiu từ thiên nhiên đó, nên khi in thành tranh, kể cả cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt.

Tranh dân gian Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục và thể hiện màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ. Do đó, xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản, nhưng hợp lý hợp tình.

Những năm gần đây, có một số người khi in tranh đã sử dụng một số màu và hoá chất hiện đại, khiến tranh không còn tươi màu sắc nét như tranh làm kiểu truyền thống. Nguyên nhân là bởi người ta trộn màu trắng vào điệp quét giấy để bớt lượng điệp, khiến giấy mất độ óng ánh. Một điểm đáng lưu ý khác nữa là một số bản khắc đã đục bỏ phần chữ Hán (hoặc chữ Nôm) bên cạnh phần hình của tranh khiến tranh ít nhiều bị què cụt về mặt ý nghĩa. Có thể có một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, như thế hệ sau này không phải ai cũng đọc và hiểu được các ký tự đó, nên người làm tranh tự bỏ đi. Việc khác, cũng do không đọc hiểu được, nên các ván khắc truyền lại "tam sao thất bản", đến mức dù còn lại các ký tự, nhưng không đọc được ra chữ gì.

Lần giở những ''báu vật’’

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, giới thiệu và triển lãm tranh dân gian Việt Nam nói chung và tranh Đông Hồ nói riêng mới chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 30 - 40 của thế kỷ trước và cũng chỉ có vài đầu sách, đặc biệt như 2 tập ''Tranh khắc gỗ dân gian cổ Việt Nam”, do hai họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm và Quang Phòng cùng một số nghệ nhân phối hợp thực hiện, NXB Mỹ thuật và Âm nhạc ấn hành năm 1970, đã đoạt một số giải thưởng Sách quốc tế. Còn gần đây, ở năm 2018, là cuốn ''Họa sĩ - nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần và dòng tranh dân gian Đông Hồ’’ do họa sĩ Nguyễn Đăng Dũng - con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Sần viết, NXB Mỹ thuật xuất bản, khắc họa chân dung một tài danh nghệ thuật đã có đóng góp quan trọng cho sự bảo tồn và phát triển của dòng tranh Đông Hồ. Qua đó, lần đầu tiên, cuộc sống, con người và nghề làm tranh ở làng Đông Hồ được mô tả một cách chân thực cả về quá khứ lẫn hiện tại.

Mới đây, NXB Mỹ thuật đã ấn hành cuốn ''Tranh dân gian Đông Hồ qua các nghệ nhân nổi tiếng’’ của hai tác giả Đặng Bích Ngân và Quang Việt, in bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh, là một tập hợp nghiên cứu đầy đủ đề cao vai trò cá nhân của các nghệ nhân - chủ thể sáng tạo trong lịch sử phát triển của dòng tranh độc đáo này. Mở đầu sự khảo cứu khá công phu này, các tác giả đã trích dẫn ''một trong áng văn hay nhất viết về tranh dân gian Đông Hồ” của tác giả Lê Văn Hòe viết năm 1953, đã được Maurice Durant dẫn nguyên văn bằng tiếng Việt và dịch sang tiếng Pháp trong Lời giới thiệu cuốn sách nổi tiếng của ông có tựa đề “Tranh dân gian Việt Nam”: ‘’Tranh gà tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ, hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cầy, toàn những sắc màu quen thuộc thân-mến từ bao nhiêu đời người rồi. Những sắc màu ấy in sâu vào tâm-não nông-dân, hết thế-hệ này đến thế-hệ khác thành những màu sắc dân-tộc rồi. Những sắc màu xanh đỏ chói rực của tranh Tàu, tranh Tây nó chướng quá, nó không mộc-mạc, quen thuộc như những xanh, đỏ thô-kệch, điềm-đạm, thật-thà của tranh lợn, tranh gà...”.

Theo thống kê của 2 tác giả cuốn sách nói trên, tranh dân gian Việt Nam còn rất thu hút sự quan tâm của các học giả nước ngoài. Năm 1949, tại Hà Nội (trong thời gian Pháp tạm chiếm), Trường Viễn đông Bác cổ Pháp đã tổ chức triển lãm một bộ tranh dân gian Việt Nam. Đầu năm 1960, tại Paris, Bảo tàng Guimet với sự trợ giúp của Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, cũng đã tổ chức một triển lãm tranh dân gian Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu, họa sĩ quốc tế còn để công tiến hành các cuộc điền dã, sưu tầm tranh, viết sách về tranh dân gian Việt Nam. Vào năm 1974, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức một triển lãm chuyên đề quy mô lớn về tranh dân gian Việt Nam, cụ thể hóa chủ trương mà họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung - người sáng lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - chú trọng ngay từ khi thành lập bảo tàng, rằng: Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế và trưng bày thường xuyên tranh dân gian Việt Nam ở tư cách là những tác phẩm có giá trị mỹ học quan trọng và độc lập, một bộ phận không thể tách rời của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Trong đời sống mỹ thuật Việt Nam, tranh dân gian Đông Hồ cũng đã có ảnh hưởng tới hoạt động sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ.

Với cuốn ''Tranh dân gian Đông Hồ qua các nghệ nhân nổi tiếng’’, bạn đọc có cơ hội tìm hiểu các giá trị và những thăng trầm của dòng tranh Đông Hồ, cũng như ảnh hưởng của nó tới hoạt động mỹ thuật ở Việt Nam và sự nhìn nhận của giới khoa học, nghệ thuật quốc tế về dòng tranh dân gian này. Có 5 gương mặt tiêu biểu, đại diện cho các nghệ nhân làng Hồ được đề cập trong ấn phẩm này, bao gồm: Nguyễn Đăng Sần (1918 - 1982), Nguyễn Hữu Sam (1930 - 2016), Nguyễn Đăng Khiêm (1914 - 2002), Nguyễn Đăng Chế (1937 -) và Trần Nhật Tấn (1938 - 2008). Trong ấn phẩm này, đáng chú ý là phần giới thiệu các đề tài được thể hiện trong dòng tranh Đông Hồ mà các tác giả đã tìm được qua các bản in cũ và mới từ các nghệ nhân. Đây thực sự là sự bổ khuyết cho những thiếu hụt trong nhận thức của lịch sử dòng tranh này, đồng thời tạo cơ hội cho những người đam mê tranh dân gian Đông Hồ khám phá những bức tranh độc đáo chưa có dịp tập hợp đầy đủ để công bố, trưng bày rộng rãi.

Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đã được tôn vinh là ''Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia’’ vào năm 2013. Hiện nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang phối hợp cùng tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan chuyên môn tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học để trình Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể’’ (hạng mục ''cần phải bảo vệ khẩn cấp’’) ở dịp xét đề cử vào năm 2024. Hẳn rằng, ấn phẩm ''Tranh dân gian Đông Hồ qua các nghệ nhân nổi tiếng’’ sẽ góp phần là một nguồn tư liệu quý để các cơ quan chức năng và chuyên gia tham khảo trong quá trình lập hồ sơ khoa học.

Họa sĩ Quang Phòng đã từng thổ lộ cảm xúc đầy thi vị của mình về sự quyến rũ của dòng tranh Đông Hồ: ''Cầm tờ tranh trên tay khi nó vừa mới in xong còn thơm nức mùi hồ nếp, hòa lẫn với vị nồng của điệp, đắng của dó, chát của hòe, hăng hắc của vhàm, ngòn ngọt của rơm... ta thấy nó hoàn toàn là sản phẩm của đất trời. Và phải chăng đó cũng là ân huệ của thiên nhiên ban cho những nghệ nhân tài hoa vô danh để họ có cơ hội sáng tạo nên những tờ tranh nhỏ bé, mỏng manh mà chứa đựng nhiều điều kỳ diệu, dạt dào, bao la hồn dân tộc...’’.

lê quang vinh
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.