Dòng họ có 5 đời gìn giữ chữ Nôm Dao ở vùng cao Hòa Bình

Nguyễn Minh |

Là người Dao gốc sinh sống ở huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), dòng họ Dương suốt 5 đời nay luôn cố gắng lưu giữ nét văn hóa truyền thống, chữ Nôm Dao đến với các thế hệ sau.

Cha truyền con nối nghề dạy chữ Nôm Dao

Chữ viết là tài sản, là văn hóa, niềm tự hào của mọi dân tộc. Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, tuy nhiên, chữ viết đang dần bị mai một. Với điều kiện đời sống kinh tế đã có nhiều chuyển biến, tiến bộ hơn, đồng bào dân tộc Dao ở Hòa Bình đang ngày một cố gắng duy trì và phục hồi những nét văn hóa truyền thống, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng.

Tại xóm Thung Dao Bắc, xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), có một người đàn ông năm nay đã gần bước sang tuổi thất thập, cái tuổi vốn dĩ đã nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già, nhưng ông Dương Minh Dũng (SN 1956, người dân tộc Dao) vẫn ngày ngày miệt mài nghiên cứu chữ Nôm Dao và văn hóa của dân tộc mình.

Ông Dũng kể: "Ông cha tôi đã dạy chữ viết cho bà con trong hơn 100 năm qua, đến nay đã là đời thứ 5. Chữ Nôm Dao không chỉ là phương thức dùng để ghi chép tài liệu mà nó còn mang tất cả nét văn hóa, tinh hoa của một dân tộc. Những đời trước răn dạy rằng, chữ viết và những nét văn hóa truyền thống của dân tộc phải giữ gìn, nên dù khó khăn đến đâu tôi cũng sẽ vẫn hết lòng vì nó".

Việc giữ gìn và bảo tồn những nét văn hóa của dân tộc Dao đã được nhiều đời của gia đình ông Dũng duy trì. Những tài liệu, ghi chép về chữ viết và phong tục tập quán của dân tộc cũng được lưu truyền đến hiện tại. Kế thừa truyền thống đó, ông Dũng cùng em trai ruột của mình là Dương Tài Linh (SN 1965) cùng nhau mở các lớp dạy chữ Nôm Dao.

Đến nay ông Dũng đã mở được 4 lớp dạy chữ Nôm Dao cho bà con với hơn 100 học viên, lớp mở gần nhất là vào năm 2019 với 20 học viên và vẫn đang được tiếp tục duy trì. Vì loại chữ này có rất nhiều ký tự ghép lại và không thể đánh vần nên việc học rất khó, cần phải có nhiều năm nghiên cứu, học tập.

"Khó ở đây là do chữ Nôm Dao không phải chữ viết có thể ghép và đánh vần như tiếng Việt hiện đại. Mỗi chữ sẽ được tạo thành từ nhiều ký tự, hoặc các chữ ghép lại với nhau rồi tạo thành một nghĩa khác. Nên việc tôi biết một chữ và thấy một chữ khác có các nét tương tự được viết thêm vài nét mà chưa được thầy dạy thì tôi cũng không thể hiểu được nghĩa của nó" - ông Dũng giải thích.

Sách Nôm Dao cũng được chia thành nhiều cấp bậc như chương trình học hiện đại, phần lớn nội dung của sách học sẽ viết về địa lý, văn hóa, tâm linh, luật tục, tập tục của người Dao. Hằng năm, người Dao thường tổ chức các nghi lễ cơ bản như Lễ Cấp sắc (lễ đặt tên âm cho con trai đã lập gia đình), Lễ Tạ mả (lễ làm mả giả), Tết nhảy, Lễ Khai quang...

Và đặc biệt, đi đầu trong sách dạy chữ Nôm Dao là đạo đức và cách làm người. Có một câu mà ông Dũng in sâu vào tâm trí: "Nếu ra ngoài chợ mà có ai bán bố mẹ thì tôi sẽ mua" - cho thấy sự uyên thâm trong câu nói và đạo lý làm người sâu sắc được thế hệ xưa răn dạy qua từng trang sách, chữ viết.

Theo người Dao, văn hóa được thể hiện rất rõ qua các ký tự, ngôn ngữ, chữ viết. Thông qua chữ Nôm Dao, có thể thấy được cội nguồn, văn hóa, tín ngưỡng, sự phát triển của người Dao trong dòng chảy của dân tộc. Bên cạnh đó, các bài cúng cấp sắc còn răn dạy con người phải biết ơn cha mẹ, hướng tới chân - thiện - mỹ, sống chân thật, không lừa lọc, phải có lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì người khác và sống hài hòa với thiên nhiên. Ngay cả vấn đề chấp hành pháp luật cũng được đề cập tới. Con cháu người Dao không được gây họa, phải tôn trọng luật lệ, nếu ai không tuân theo luật lệ đều phải đưa ra trị tội.

Ông Dũng cho hay, quy định của các cụ từ xưa đến nay, thì lớp học bắt đầu được mở vào ngày lập Xuân và kết thúc vào ngày lập Đông hàng năm. Sách cấp 1 - 2 có 9 quyển, 5 cấp còn lại mỗi cấp 1 quyển. Thường thì mỗi năm học 1 quyển sách nên phải thật kiên trì và đam mê mới học được hết các cấp.

Cuốn sách Nôm Dao có tuổi đời hơn 100 năm được ông Dương Minh Dũng xem như kho báu của mình. Ảnh: Nguyễn Minh
Cuốn sách Nôm Dao có tuổi đời hơn 100 năm được ông Dương Minh Dũng xem như kho báu của mình. Ảnh: Nguyễn Minh

Gìn giữ và bảo vệ "kho báu"

Ngồi kể về chữ viết của dân tộc mình, ông Dũng liền đứng lên và lấy "kho báu" của đời mình cho PV được mục sở thị, đó là hơn 10 quyển sách chữ Nôm Dao. Tất cả đều đã cũ, có quyển còn bị rách qua thời gian dài sử dụng.

"Đây là số sách mà các cha ông đời trước truyền lại, có những quyển đã trên 100 năm tuổi. Sách đã cũ và nhiều phần còn bị nhàu nát, nhiều người bảo tôi đã chép lại rồi thì bỏ đi, nhưng đây là một báu vật, cũng là di vật các cụ để lại nên tôi hết sức giữ gìn và bảo quản" - ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, người đàn ông này còn miệt mài chép lại các cuốn sách, để từ đó có tài liệu dạy học hoặc lưu trữ. Những câu từ được ông viết lại một cách tỉ mỉ không chỉ để dễ đọc mà đây còn là tâm huyết của một đời người, truyền lại cho các thế hệ người Dao sau này.

Không những thế, ông Dũng còn đi nhiều vùng để sưu tầm các bài hát như Hát khía, hát đối đáp giao duyên... hay một số ca khúc trong các lễ làm đám tâm linh dân tộc Dao như Múa chèo, múa chuông, điệu nhảy...

Gia đình họ Dương đã nối tiếp nhau 5 đời dạy chữ Nôm Dao, đến nay ông cũng truyền lại cho 2 người con trai của mình và được họ đón nhận. Ông Dũng hạnh phúc nói về điều này vì trước đây ông luôn đau đáu nỗi lo lưu giữ chữ viết, văn hóa của dân tộc mình.

Ngoài việc dạy chữ, người đàn ông còn là người có uy tín đối với xóm làng, đưa mọi người tránh xa tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, cùng người dân xóm người Dao phát triển trong suốt gần 40 năm qua (từ khi ông xuất ngũ năm 1984).

Ông Dũng chia sẻ: "Nhận thức rõ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng không chỉ có vai trò quan trọng giúp truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn như những cánh chim đầu đàn dẫn dắt mọi người dân trong thôn, bản đi theo Đảng, Nhà nước nên tôi đã chủ động tìm hiểu thông tin, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gương mẫu thực hiện tốt để tuyên truyền, giáo dục đồng bào".

Trao đổi với PV, ông Bạch Công Luyện - Bí thư xã Tú Sơn cho hay: "Ông Dương Minh Dũng là người đi đầu trong việc lưu giữ và truyền dạy nét văn hóa của dân tộc Dao tại địa phương, đặc biệt là chữ viết. Việc mở lớp chữ Dao giúp ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa người Dao được phổ biến rộng rãi, góp phần giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho ông Dũng và các lớp học được thuận tiện hoạt động. Đồng thời, ông còn là người có uy tín, hỗ trợ chính quyền tuyên truyền chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân".

Qua những đóng góp và tâm huyết với dân tộc, ông Dương Minh Dũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh, huyện. Gần đây nhất vào năm 2022, ông được UBND tỉnh Hòa Bình tặng bằng khen điển hình tiên tiến vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì đã có cống hiến trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao.

Nguyễn Minh
TIN LIÊN QUAN

Chuyện cô đỡ thôn bản vùng cao

Khánh Linh |

Sơn La - Ở vùng cao, những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trạm y tế hay bệnh viện đều xa, người duy nhất mà những sản phụ nơi đây có thể trông cậy trong cơn trở dạ là những cô đỡ thôn bản.

Độc đáo cách người Nùng ở vùng cao Tuyên Quang nhuộm vải

Nguyễn Tùng |

Đồng bào Nùng sinh sống tại một số thôn của xã đặc biệt khó khăn Hùng Lợi (Yên Sơn) từ nhiều đời nay vẫn giữ được truyền thống nhuộm vải từ cây chàm, đây cũng là nét văn hoá riêng và độc đáo ít nơi còn giữ được.

Nghi lễ treo tranh thờ của người Dao vùng cao Tây Bắc

Khánh Linh |

Tranh thờ chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao vùng cao Tây Bắc. Tranh thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh.

Hà Nội mở lại tàu du lịch trên hồ Tây, chuyên gia môi trường nói gì?

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Sau 6 năm dừng hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, tàu du lịch ở hồ Tây, Hà Nội dự kiến sẽ cho phép các loại hình kinh doanh này mở lại. Theo TS.Hoàng Dương Tùng, thành phố nghiên cứu cho mở lại cần phải dựa trên các tiêu chí bảo vệ cảnh quan, môi trường và chất lượng nước hồ Tây sau cùng mới tính đến tiêu chí lợi nhuận thu được.

Xe đỗ thành 3 hàng chiếm nửa lòng đường, cảnh sát xử phạt không xuể

Tô Thế |

Hà Nội - Đoạn đường trước Khu chung cư CT12 Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) luôn có hàng loạt xe ôtô dừng, đỗ sai quy định, xếp thành 3-4 hàng, chiếm nửa lòng đường. Mặc dù biết là vi phạm nhưng nhiều chủ xe đành chịu bị xử phạt vì "làm gì có chỗ khác mà đỗ".

Nghi nước sinh hoạt tại Hoàng Mai bẩn: Sẽ lấy mẫu nước để xét nghiệm

Minh Hạnh |

Theo phản ánh của người dân tại Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội sau khi thau rửa bể nước sinh hoạt đã phát hiện có rất nhiều cặn bẩn, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Tuy nhiên, đại diện Công ty Nước sạch Hoàng Mai cho rằng, muốn biết rõ nguyên nhân phải xét nghiệm nước.

Tranh cãi về việc đối chiếu máy đo nồng độ cồn

Quý An |

Tự mua máy đo nồng độ cồn để đối chiếu với kết quả đo của cơ quan chức năng đang là vấn đề gây tranh cãi.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Chuyện cô đỡ thôn bản vùng cao

Khánh Linh |

Sơn La - Ở vùng cao, những nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trạm y tế hay bệnh viện đều xa, người duy nhất mà những sản phụ nơi đây có thể trông cậy trong cơn trở dạ là những cô đỡ thôn bản.

Độc đáo cách người Nùng ở vùng cao Tuyên Quang nhuộm vải

Nguyễn Tùng |

Đồng bào Nùng sinh sống tại một số thôn của xã đặc biệt khó khăn Hùng Lợi (Yên Sơn) từ nhiều đời nay vẫn giữ được truyền thống nhuộm vải từ cây chàm, đây cũng là nét văn hoá riêng và độc đáo ít nơi còn giữ được.

Nghi lễ treo tranh thờ của người Dao vùng cao Tây Bắc

Khánh Linh |

Tranh thờ chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao vùng cao Tây Bắc. Tranh thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ, mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh.