Đổi mới sáng tạo - Yếu tố sống còn cho doanh nghiệp

NGŨ HIỆP |

Cùng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới của đất nước, các doanh nghiệp (DN) Việt đã và đang có những bước chuyển mình khá tích cực để dần thích nghi với xu thế cạnh tranh “sòng phẳng” với DN nước ngoài. Yếu tố năng suất luôn được đặt lên hàng đầu, là cơ hội sống còn đối với bất kỳ DN nào. Tuy nhiên, không có nghĩa DN nào cũng nhận thức đầy đủ về điều này. PV đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn xoay quanh vấn đề năng suất của DN hiện nay.

Thời gian qua, Viện Năng suất Việt Nam đã có những hoạt động cụ thể gì để nâng cao năng suất thưa ông?

- Năm 1997, trước yêu cầu hỗ trợ DN nâng cao năng lực để hội nhập, Trung tâm Năng suất Việt Nam đã được thành lập (sau này đổi tên thành Viện Năng suất Việt Nam) với vai trò là hạt nhân của phong trào năng suất quốc gia tại Việt Nam. Hơn 20 năm qua, Viện Năng suất Việt Nam đã nỗ lực để đưa khái niệm năng suất và chuyển giao các giải pháp nâng cao năng suất đến với các DN.

Đặc biệt từ năm 2010, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hoạt động năng suất, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21.5.2010 (Chương trình 712). Nhiều hoạt động hỗ trợ DN thúc đẩy năng suất đã được triển khai sâu rộng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN... Viện Năng suất Việt Nam đã triển khai các chương trình nâng cao nhận thức về năng suất thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng tài liệu phổ biến, hướng dẫn áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất; đào tạo chuyên gia thực hành cho các DN; nghiên cứu, tính toán các chỉ số năng suất, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và chuyển giao cách thức áp dụng cải tiến năng suất...

Ông đánh giá hoạt động triển khai năng suất tại các DN Việt hiện nay như thế nào?

- Với xu thế kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay, nâng cao năng suất là yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế và tăng trưởng. Yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các DN Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất.

Điều này thể hiện qua việc ngày càng có nhiều DN chủ động tìm kiếm và thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy, các DN khi triển khai các dự án cải tiến, tối ưu hóa quá trình sản xuất theo các công cụ “truyền thống” như: Lean/Kaizen; 5S, ISO... đã có thể cải thiện năng suất tăng từ 15-20%. Theo tôi, điều quan trọng hơn cả là nhận thức về sự cần thiết cải tiến năng suất cho chính DN của người lãnh đạo, từ đó thúc đẩy sự tham gia của từng cá nhân, tập thể cán bộ công nhân viên của chính DN đó.

Yếu tố nào tác động trực tiếp tới hoạt động năng suất tại các DN?

- Mỗi DN, mỗi ngành đều có những yếu tố khó khăn riêng trong hoạt động nâng cao năng suất. Ví dụ trong điều kiện ngành may, các chương trình hỗ trợ tăng năng suất lao động tập trung vào cải thiện quá trình sản xuất, sắp xếp và bố trí các dây chuyển hợp lý hơn, giảm các lãng phí trong sản xuất; đồng thời cải thiện trình độ quản lý cũng như ý thức từ bản thân người lao động. Các yếu tố đang cản trở hoạt động tăng năng suất lao động là quản lý yếu, thiếu chuyên nghiệp, người lao động thiếu tính kỷ luật cũng như tác phong công nghiệp.

Đối với các ngành công nghệ vừa và cao như: Nhựa, hóa chất, cơ khí... đòi hỏi lao động kỹ thuật cao, cần có định hướng cụ thể về đổi mới công nghệ; có giải pháp phù hợp nhân sự dôi dư khi DN đưa công nghệ tự động hóa trong sản xuất. Lĩnh vực liên quan đến khai thác hoặc xuất khẩu thì phụ thuộc nhiều vào biến động của giá cả trên thị trường thế giới…

Có thể nói, hội nhập kinh tế là cơ hội và cũng là thách thức đối với DN. Bên cạnh đó, DN không thể trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải đi lên từ sự nỗ lực của chính bản thân DN.

Có ý kiến cho rằng, phần lớn DN Việt đều là nhỏ và vừa, theo đó, việc áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo… không phải dễ, theo ông giải pháp nào hiện phù hợp hơn cả?

- Đổi mới sáng tạo là một khái niệm khá rộng bao gồm: Đổi mới sản phẩm; đổi mới quy trình, công nghệ; đổi mới tiếp thị; đổi mới quản lý và tổ chức... Đôi khi, đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có đầu tư công nghệ. Về vấn đề này, Bộ KH&CN đã có các chương trình hỗ trợ DN thông qua các quỹ đổi mới công nghệ hoặc DN có nhận được các ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, đổi mới sáng tạo không có nghĩa là phải đầu tư lớn. Ví dụ, chỉ cần đổi mới tổ chức quản lý, DN đã có thể cải thiện năng suất một cách đáng kể.

Theo tôi bước đầu, khi thực hiện đổi mới sáng tạo, quan trọng nhất là sự quan tâm, nhận thức đúng của DN để nâng cao năng suất, từ đó từng bước thực hiện một cách có kế hoạch, bài bản và đúng hướng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay có thể nói “Đổi mới sáng tạo” là yếu tố sống còn cho chính DN.

Ông có chia sẻ gì với DN Việt đang muốn tiếp cận với KHCN để nâng cao năng suất, ngoài việc áp dụng các công cụ “truyền thống”?

- Ngoài các yếu tố khó khăn ở nội tại DN như đã nêu ở trên, còn có các yếu tố khó khăn khác từ bên ngoài như: Tìm kiếm đối tác tốt để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; thông tin đổi mới KH&CN chuyên ngành; lựa chọn đơn vị tư vấn về nâng cao hiệu quả sản xuất phù hợp; sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường... cũng gây khó cho các DN muốn tạo dựng thương hiệu.

Thời gian gần đây, các cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ “nút thắt” để các DN có cơ hội tiếp cận với môi trường kinh doanh tốt hơn. Đơn cử như Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt với 96% lô sản phẩm, hàng hóa được chuyển sang hậu kiểm, năm 2017, Bộ KH&CN dẫn đầu việc thực hiện cải cách hành chính về hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi, “cởi trói” DN trong việc nhập khẩu máy móc, công nghệ mới, hỗ trợ DN đổi mới công nghệ... Điều này không chỉ tạo điều kiện cho DN thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa mà còn tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế của đất nước.

NGŨ HIỆP
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.