Đồ uống có đường gây nhiều bệnh

Bs Trần Kiên |

Đồ uống có đường (ĐUCĐ) cho cảm giác sảng khoái, ngon miệng, nhưng thực sự rất không tốt.

Malaysia vừa đánh thuế 0,1 USD/lít với các loại nước ngọt (NN), do tình trạng thừa cân ở nước này ngày càng trầm trọng. Từ năm 2012, ở Pháp, mọi nước giải khát có đường bị đánh thuế 5,73cent/lít, việc này ngay lập tức tác động đến thói quen tiêu dùng. Tạp chí Le Figaro công bố, từ đó người Pháp tiêu thụ ĐUCĐ ít hơn nhiều nước, bình quân/người 65,5 lít năm 2015 so với 106,6 lít ở Anh và chỉ bằng nửa ở Mỹ. Năm 2018, Pháp tăng thuế lên 19 cent/lít với NN có lượng đường hơn 11g/100ml. Tháng 6.2017, Arab Saudi đánh thuế 50% với ĐUCĐ và 100% với thuốc lá, được cho là nguyên nhân làm tăng cao chi phí y tế Chính phủ phải chi trả. Các sản phẩm này buộc phải in cảnh báo bằng tiếng Arab và tiếng Anh về tác hại cho sức khỏe.

Tháng 9.2017, ở Thái Lan, nước giải khát có lượng đường quá tiêu chuẩn của WHO (6g/100ml) phải chịu thuế gấp đôi thuế tiêu thụ đặc biệt và sẽ tăng sau 6 năm. Singapore, một trong những nước Châu Á đầu tiên đánh thuế và dán nhãn lên các loại ĐUCĐ. Các công ty sản xuất nước giải khát CocaCola, Pepsi F&N Foods, Malaysia Dairy Industries, Nestle, Pokka và Yeo Hiap Seng đã ký cam kết: Mọi sản phẩm NN của họ bán ở Singapore sẽ có lượng đường không quá 12% vào năm 2020. Tháng 4 vừa qua, ở Anh, thuế với ĐUCĐ có hiệu lực, lượng đường hơn 5g/100ml, thuế 0,21 euro/lít và hơn 8g/100ml, thuế 0,26 euro/lít. Chính phủ Anh ước tính thu khoảng 274 triệu euro/năm, sẽ dùng tài trợ cho hoạt động thể dục, thể thao hay bữa ăn sáng ở các trường học.

Vì sao đường lại gây hại?

Trong cơ thể bình thường, lượng đường trong máu tăng cao sẽ chuyển thành đường dự trữ trong gan và cơ dưới dạng glycogen. Khi glucoza máu hạ xuống dưới mức bình thường, glycogen sẽ giải phóng vào máu thành glucoza, “đốt cháy” sinh năng lượng cho hoạt động tim mạch, hô hấp, thần kinh... Cơ thể quá thừa đường sẽ chuyển thành mỡ dự trữ dưới da và bám ở màng các tạng (béo). Để xác định béo hay gầy, dựa vào chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index - BMI) = cân nặng (kg)/chiều cao (m) áp dụng cho người trưởng thành, với các mức sau: Dưới 18,5: gầy; 18,5 - 24,9: trung bình; 25 - 29,9: thừa cân (TC); 30 - 34,9: béo phì (BP) độ 1; 35 - 39,9: BP độ 2; 40 trở lên: BP độ 3.

Theo thống kê của Fitch Solutions (công ty thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings Inc, ở New York, một trong ba tổ chức xếp hạng lớn nhất nước Mỹ), tình trạng BP tăng nhanh ở Đông Nam Á đã tạo ra gánh nặng lớn cho chăm sóc y tế và ngân sách các nước trong khối, nặng nhất là Malaysia với tỉ lệ BP 13,3% dân số và Indonesia 5,7%. Malaysia cũng là nước có tỉ lệ TC cao nhất Đông Nam Á, với gần một nửa TC đến BP trong hơn 30 triệu dân và số người BP ở nước này tăng gấp 3 lần trong hai thập kỷ gần đây!

Đáng ngại, Việt Nam là nước dẫn đầu về “tốc độ” tăng số TC đến BP giai đoạn 5 năm 2010 - 2014 với mức 38%, thứ đến là Indonesia 33%. WHO thống kê thấy Việt Nam tiêu thụ ĐUCĐ tăng 7 lần trong 15 năm gần đây. Năm 2016, Việt Nam tiêu thụ trên 4 tỉ lít NN, năm 2018 trên 5 tỉ lít và dự kiến 2025 là 11 tỉ lít; năm 2017, người Việt tiêu thụ đường 46,5g/ngày (giới hạn tối đa 50g/ngày), gần gấp đôi mức khuyến cáo của WHO: Dưới 25g/ngày. Người Việt tiểu đường (TĐ) tăng hơn 200% trong vòng 10 năm; trẻ em và thanh niên 5 - 19 tuổi TC đến BP từ 2002 đến 2016 tăng 273%. NN gây nghiện, không tạo cảm giác no nê nhưng lại gây TC và BP là do tích lũy ít hơn mỡ dưới da, nhiều hơn là mỡ bao quanh các tạng (tim, gan, dạ dày, ruột, thận, tụy và màng, bao của các tạng này) - những nơi người ta không hề mong muốn, tạo ra dạng béo bụng; đặc biệt nguy hiểm là trong các tế bào gan (nhiễm mỡ không cồn) vì NN làm tăng hơn 100% mỡ trong gan và xương. Trẻ thường xuyên uống NN tăng 0,24% IBM so với trẻ không uống; trẻ từ 2 - 5 tuổi thường xuyên uống NN tăng nguy cơ BP hơn 40%. Tiêu thụ ĐUCĐ là nguy cơ chính gây “dịch” BP, nếu cộng thêm các yếu tố ngoại sinh: lười vận động; ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại nhiều; thức ăn nhiều dầu mỡ, ít rau; môi trường ô nhiễm, nguy cơ sẽ tăng gấp bội. Trên 90% người BP là do nguyên nhân này, chỉ dưới 10% là do bệnh lý di truyền, nội tiết và BP là nguyên nhân hàng đầu đưa đến TĐ type 2.

Nghiên cứu của trường y tế công, ĐH Harvard (Mỹ) chỉ rõ ĐUCĐ dẫn đến TĐ type 2, do tụy phải sản xuất ngày càng nhiều insulin để ổn định đường huyết; uống ngày một lần tăng nguy cơ 15% và ngày hai lần tăng nguy cơ mắc TĐ 26%, so với uống một tháng một lần. NN, cả loại dành cho người ăn kiêng đều chứa axit photphoric, giúp tăng hương vị và chống vi khuẩn, nấm mốc, axit này làm hấp thu canxi nhiễu loạn: gây loãng xương; phá hủy men, ngà, xương răng như ma túy đá; bệnh thận, teo nhỏ sợi cơ. Tạp chí Faseb của Hiệp hội sinh học thực nghiệm Mỹ, công bố nghiên cứu: Nồng độ phosphate cao thúc đẩy nhanh lão hóa, chuột chết sớm hơn 5 tuần so với những con nồng độ phosphate bình thường. Nghiên cứu công bố năm 2014: Những người tiêu thụ 17 - 21% calo từ đường tăng 38% nguy cơ chết vì bệnh tim hơn những người tiêu thụ 8%, gồm nhồi máu cơ tim, suy tim, ngừng tim. Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo phụ nữ nên dùng tối đa 6 thìa càphê đường mỗi ngày (ít hơn 8,75 thìa trong một lon nước ngọt). GS thần kinh Suzanne. M, thuộc Bệnh viện Rhode Island (tiểu bang nhỏ nhất nước Mỹ) và Trường y tế Đại học Brown (ở thủ phủ Provindence của Rhode Island) công bố nghiên cứu: Insulin được sản xuất cả ở não và cùng với hormon tăng trưởng (GH - Growth hormone) cần thiết cho sự tồn tại của tế bào não. Khi thiếu hoặc không có insulin, não sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với thiếu insulin ở TĐ type 1, 2 và mức độ tổn thương phụ thuộc vào thiếu insulin não nhiều hay ít. Kháng insulin thường kèm theo thoái hóa tế bào não, nghĩa là có bằng chứng liên quan giữa TĐ và Alzheimer (một bệnh hiện chưa rõ căn nguyên, chỉ giới hạn ở quan sát lâm sàng và những yếu tố thúc đẩy: thiếu, thừa những chất nào đó), vì thế Alzheimer được gọi là “TĐ não” hay TĐ type 3. GS Suzanne. M cho rằng, insulin và GH góp phần cải thiện tình trạng bệnh Alzheimer. Mặt khác, các nhà khoa học Nhật nhận thấy, những người TĐ type 2 có gấp đôi nguy cơ mắc Alzheimer hay các chứng mất trí khác.

Đừng lạm dụng

Chưa hết, nhiều loại NN, nhất là loại có hương vị cam, quýt... thường chứa dầu thực vật brôm (brominated vegetable oil - BVO), được dùng để chống mất mùi hương của nước và liên quan đến rối loạn thần kinh, mất trí nhớ, tổn thương da, vì thế đã bị cấm trong thành phần NN ở Châu Âu và Nhật. Hiện nay, các hãng NN đều sử dụng đường si-rô từ ngô biến đổi gen của Mỹ (90% ngô ở Mỹ) thay đường mía vì rẻ hơn nhiều. Các nghiên cứu khẳng định thực phẩm biến đổi gen có thể gây vô sinh, tăng trưởng khối u, gây hại hệ tiêu hóa và được cho rằng còn nhiều tác hại chưa được làm rõ. Màu caramel (từ vàng nhạt đến nâu sẫm) tạo nên “hình ảnh quen thuộc” của Coca-Cola, Pepsi hay những nước uống cola khác đều là 2-methylimidazole và 4-methylimidazole - những chất gây ung thư ở động vật và màu là để bắt mắt, chẳng có mùi vị gì, nhưng Chương trình độc học quốc gia Mỹ công bố năm nay trên tạp chí Plos one: Có bằng chứng gây ung thư rõ ràng ở chuột. Năm 2011, luật Proposition 65 của bang California, Mỹ, buộc phải có nhãn cảnh báo ung thư liên quan đến 2 chất này trên lon NN. Sau đó, Coca-Cola và Pepsi tuyên bố đã sử dụng màu không có hai chất trên, nhưng còn những hãng khác và (nói chung) có kiểm soát được? Nhựa sản xuất chai đựng NN thường trộn BPA (Bisphenol-A, phát hiện từ 1890, 1950 tổng hợp với một vài chất cho ra loại nhựa đàn hồi và bền). Các nghiên cứu chứng minh BPA có thể hòa tan vào đồ ăn, uống, đặc biệt nguy hiểm khi vỏ nhựa có nhiệt độ cao hơn bình thường hay làm sạch bằng chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với đồ ăn, uống có tính axit.

Bộ Y tế Canada khẳng định, BPA rất nguy hiểm vì phá hủy nội tiết, làm thay đổi hành vi, dậy thì sớm, giảm lượng tinh trùng, gây vô sinh, bệnh Down, ung thư vú và tiền liệt tuyến. Nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo phụ nữ có thai và cho con bú tránh sản phẩm chứa BPA. Nhiều hãng sản xuất bình bú em bé đã cam kết và in "BPA free" (không chứa BPA) trên vỏ hộp. Một số hãng NN hướng tới việc sản xuất bao bì không BPA nhưng việc thực hiện chưa triệt để. Chất ngọt nhân tạo Aspartame (NutraSweet, Equal) có trong NN cho người ăn kiêng liên quan đến nhiều chứng rối loạn não: Co giật, đa xơ cứng (tổn thương chất Myelin của tế bào não, tủy sống) và u não. Bệnh nhân động kinh không được dùng loại nước này. Đại học Texas, Mỹ thống kê hơn mười năm thấy: Ngay cả những người uống NN ăn kiêng vẫn tăng 70% vòng eo so với những người không uống. Gần đây nhất, các nhà khoa học Anh phát hiện ở những người thích ngọt một chủng Clostridium difficile (vi khuẩn gây tổn thương ruột, tiêu chảy nặng, mất nước cấp) mới, độc lực mạnh, kháng nhiều kháng sinh, lây lan rất cao do biến đổi gen và lo ngại “siêu” bệnh do một “siêu” vi khuẩn kháng thuốc mới. Vì vậy, đừng lạm dụng nước ngọt.

Bs Trần Kiên
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Quốc hội họp bất thường lần 3, xem xét công tác nhân sự

Vương Trần |

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khoá XV diễn ra chiều 18.1 sẽ xem xét nội dung về công tác nhân sự.

Người dân chen chân trong siêu thị ngày cận Tết mua hàng giảm giá, bình ổn

THUỲ TRANG |

Đà Nẵng - Với nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mãi, giảm giá, các siêu thị đang thu hút lượng lớn người dân đến tham quan, mua sắm Tết.

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.