Điều ít người biết về cây cầu Long Biên huyền thoại

Hoàng Hằng - Minh Phúc |

Cầu Doumer trước đây, cầu Long Biên ngày nay, không chỉ có chức năng giao thông mà vượt lên đó là biểu tượng của kiệt tác kiến trúc và kết cấu thép đồ sộ nhất khu vực Đông Nam Á.

1. Paul Doumer sớm nhận thấy sự cần thiết của việc thiết lập hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và đường biển.

Nhà văn Kipling nhận định, Doumer xứng đáng nằm trong số những người được gọi là cha đẻ của các cây cầu bởi ông được biết đến qua cây cầu dài 1.600m bắc qua sông Hồng, cầu ở Huế nối Hoàng thành với khu phố Pháp, cầu Bình Lợi trên tuyến đường Sài Gòn - Biên Hòa, cầu Hải Dương, Việt Trì, Lào Cai... và cầu Hàm Rồng - cây cầu đẹp nhất, nhẹ nhất với một nhịp duy nhất.

Dường như tất cả công trình được thực hiện tại Đông Dương về sau này đều dựa trên các dự án của ông: Ông từng dự kiến xây dựng kinh đô mùa hè Đà Lạt, trường học, các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Đông Dương nối biên giới Trung Hoa với Xiêm, đường sắt Vân Nam... song để thực hiện một phần chương trình của ông, người ta phải mất tới hơn 40 năm sau nhiều lần do dự.

Sự nhất quán, bền bỉ, kiên trì là phẩm chất cần thiết nhất ở một chính khách. Trái lại, coi thường dư luận cũng được xem là một phẩm chất. Và Paul Doumer hội tụ đầy đủ cả hai phẩm chất đó.

Ngay sau khi nhậm chức, Toàn quyền Paul Doumer đã đưa ra ý tưởng xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng dài 1.600m và vấp phải nhiều ý kiến cho rằng ý tưởng này điên rồ và không thể thực hiện được. “Đặt một cây cầu ngang qua sông Hồng à? Thật là điên rồ! Điều này giống như là chồng núi lên núi để lên trời”. Rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng thêm 8m vào mùa lũ, lòng sông luôn luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông không thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ trong một lòng sông đầy sóng dữ và không gì chống đỡ nổi.

Những vị quan An Nam có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng tỏ ra hoài nghi và cho rằng đây là quyết định liều lĩnh. Họ nói:

- Các ông định kéo một sợi dây cáp từ bờ bên này sang bờ bên kia để dẫn tàu thủy?

- Không, chúng tôi xây một cây cầu bằng đá và sắt bắc ngang sông.

- Sông quá rộng, không một cây cầu nào có thể chịu được.

- Chúng tôi đặt cầu trên những trụ đá.

- Nhưng sông quá sâu, không thể xây trụ được.

- Chúng tôi có thể xây trụ ở những nơi rất sâu.

- Các ông định làm như vậy thật sao? Các ông không sợ thất bại sẽ khiến người dân mất lòng tin à?

- Chúng tôi đảm bảo là sẽ thành công bởi chúng tôi có đủ các phương tiện hành động.

Các quan lại kêu lên:

- Sao có thể làm được như vậy!

Sau đó, họ thì thầm với nhau rằng thật là điên rồ.

Vài tháng sau, khi các trụ cầu nhô khỏi mặt nước và việc lắp ghép khung sắt bắt đầu được tiến hành, các quan lại mới chịu thừa nhận. Họ nói: “Thật là kinh khủng. Đúng là người Pháp muốn gì được nấy”.

Song trong thâm tâm mình, các quan An Nam nghĩ rằng con sông sẽ làm thất bại những toan tính của con người và khiến mọi nỗ lực xây cầu trở nên vô ích.

Một điều lạ lùng hơn nữa đó là chính người Pháp cũng không mặn mà hơn người An Nam là bao. Những người thân cận với Toàn quyền, kể cả Kỹ sư trưởng cầu đường cũng tỏ ra quan ngại.

Tờ Le Courrier d’Haiphong, cơ quan ngôn luận của giới thương gia tại thành phố này, tỏ vẻ hiểu những tình cảm mãnh liệt nhất theo chiều hướng đó. Sau khi mỉa mai tính huênh hoang của Doumer, tờ báo tỉnh lẻ này còn viết thêm:

“Khi xây một cây cầu, người ta phải biết nó có dùng được hay không, có thể nào bắc qua một con sông hay không. Thế nhưng Doumer không nghĩ tới điều đó, không mường tượng ra sự thay đổi liên tục của con sông. Ông ta không hề nghĩ tới việc con sông tính khí thất thường này thay đổi lòng sông cực kỳ dễ dàng. Hơn thế, ông ta cần phải biết việc Tòa Công sứ Hưng Yên từng bị nó nuốt chửng...”.

Bỏ ngoài tai những lời chỉ trích, bất chấp dư luận của dân di cư, của giới thương nhân và khuyến cáo của các quan chức, Doumer vẫn quyết tâm xây cầu và chưa đầy 4 năm 7 tháng, cây cầu đã được hoàn thiện trong khi thời gian dự kiến là 5 năm. Điều đặc biệt nữa là kinh phí xây dựng không vượt quá khoản tín dụng đã duyệt.

Kết quả tuyệt vời này đã mang lại vinh quang cho Toàn quyền Doumer, cho các kỹ sư và những người lao động An Nam, những người phải thích nghi với công việc nguy hiểm và hoàn toàn mới đối với họ.

2. Ngày 12.9.1898, viên đá đầu tiên chính thức được đặt với nghi lễ vô cùng long trọng. Hôm đó, ngoài Paul Doumer, còn có tướng Bichot - Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương, Thống sứ Bắc Kỳ Fourès, Khâm sứ Trung Kỳ Boulloche, Khâm sứ Cao Miên Ducos, giám đốc các nha, sở chuyên môn, chủ tịch phòng Thương mại Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên. Về phía các nhân vật của Châu Á có: Tướng Tô, Chỉ huy trưởng quân đội Trung Quốc ở Quảng Tây; quan phụ chính Nguyễn Trọng Hiệp; đại diện Nam triều Nguyễn Thân và tổng đốc Thuận Khánh Trần Bá Lộc.

Paul Doumer đã dùng chiếc bay bằng bạc gắn tấm biển bằng đá hoa cương đen khắc dòng chữ “12.9.1898” lên đầu cầu, và tuyên bố công việc xây cầu bắt đầu. Tất cả đều phải tự tạo tại chỗ, phải đào tạo một đội ngũ thợ lành nghề cho các công trình rất tinh tế. Thoạt đầu, người ta tuyển người Trung Quốc nhưng họ nhanh chóng bị thợ An Nam, khéo léo hơn và chịu đựng hơn gạt ra rìa. Đội quân thợ đá, thợ mộc, thợ xây, thợ sắt... hơn 2.000 người, có lúc lên tới 3.000 người làm việc dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 quản đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp. Nhờ việc giám sát chặt chẽ, nên không một tai nạn nghiêm trọng nào xảy ra dù công việc cực kỳ nặng nhọc.

Ban đêm, công trình sáng rực dưới ánh đèn của các bóng điện công suất lớn. Số đèn này cũng như các máy công cụ và các máy nén khí hoạt động nhờ một xưởng phát điện 350CV.

Công ty trúng thầu thiết kế là Daydé et Pillé, và công ty này đã đưa ra thiết kế kiểu dầm chìa đỡ hai bên, các thanh đỡ hình răng cưa, đỉnh cao nhất là 17m tính từ trụ cầu. Paul Doumer chọn thiết kế dầm chìa này có lẽ vì nó đã được ứng dụng để xây cầu đường sắt tuyến Paris - Orléans. Khi họ giới thiệu đường nét kiêu hãnh và duyên dáng của cây cầu trong hình vẽ toàn cảnh, nhiều người lo ngại khối sắt hình răng cưa nhẹ tới mấy cũng không bao giờ có thể thành hiện thực. Nhưng nhiều người không hiểu rằng chính 20 trụ cầu, mỗi trụ cao 44m trong đó 30m nằm dưới mực nước, sẽ đỡ cho cây cầu dài 1.682m, cao 17m so với mặt trụ và 61m so với các móng, rằng cũng nhờ các trụ đó mà cây cầu được nối thành khớp.

Việc thi công được tiến hành khẩn trương, và tháng 11.1901, cầu đặt được khối sắt vào bờ trái, và chiếc cầu cạn bằng đá, nối cầu với ga bị phá hẳn. Ngày 3.2.1902, hai bờ được nối với nhau; chỉ còn phải san lấp khoảng vài trăm mét, một công việc chỉ cần vài ngày. Việc xây dựng cầu cần 30.000m3 đá và 5.300 tấn thép. Chi phí lên tới 6.200.000 franc, xấp xỉ bằng dự toán.

3. Và một ngày đẹp trời, Paul Doumer đã có thể giới thiệu công trình tuyệt vời của khoa học và kĩ nghệ Pháp với vua Thành Thái trước khi về Pháp, sau một nhiệm kỳ dài (13.1.1897 - 3.1902) với nhiều thành tựu to lớn.

8g30 sáng ngày 28.2.1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội, đưa vua Thành Thái, Toàn quyền và đoàn tùy tùng lên tàu. Tại lối lên cầu, các quan khách an tọa trên một khán đài trang trí hoa và cờ để nghe diễn văn của Thống sứ Bắc Kỳ, của Chủ tịch phòng Thương mại Hà Nội, Giám đốc Nha Công chính... Bài diễn văn nào cũng ca ngợi sự vĩ đại của công trình.

Theo lời của quan nhiếp chính Nguyễn Trọng Hiệp, chất trữ tình bao trùm lên cả cây cầu: “Vươn dài như một con rồng xanh nổi lên trên mặt nước, hay như một cây cầu vồng tuyệt đẹp sừng sững giữa khoảng không bao la”. Ít trau chuốt hơn, một diễn giả người Pháp mua vui viên toàn quyền bằng những câu như: “Ngài - dòng sông hiện lên thật hạnh phúc và kiêu hãnh! Tôi là dòng chảy của con sông đó”. Con sông Hồng dữ dội đã không còn là nỗi kinh hoàng của những con người nơi đây. 5 năm trước, Paul Doumer đến nơi này trên một chiếc xà lan một cách mệt mỏi. Giờ đây trở lại nơi này, ông là người đầu tiên đi trên tuyến đường sắt xuống tận Hải Phòng.

Đến nay, cùng với sự phát triển của đất nước, Hà Nội đã có thêm những cây cầu mới, hiện đại hơn để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Cây cầu Long Biên không còn giữ vai trò huyết mạch giao thông nhưng vẫn giữ nguyên một giá trị văn hóa, kiến trúc, là một phần không thể thiếu trong lòng người Hà Nội và là ấn tượng sâu đậm với các du khách nước ngoài từng đặt chân đến nơi đây.

Tài liệu tham khảo:

- Tuần báo Đông Dương, số 184 ngày 9.3.1944.

- Arnaud Le Brusq, Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa, Nhà xuất bản Amateur, 1999.

Hoàng Hằng - Minh Phúc
TIN LIÊN QUAN

Toàn cảnh quá trình đưa quả bom tại chân cầu Long Biên lên bờ

SƠN TÙNG - HOÀI ANH - TÔ THẾ |

18h45 tối 22.6, quả bom tại chân cầu Long Biên đã được đưa lên bờ tại khu vực bến cát Phú Viên (Long Biên, Hà Nội). Quá trình đưa bom lên bờ được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Công nhân nấu nhựa đường, vá ổ gà trên mặt đường cầu Long Biên

Phạm Đông |

Thời gian qua mặt đường cầu Long Biên đã xuống cấp, chằng chịt ổ gà, gây ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông. Chính vì vậy, các công nhân đang phải gấp rút, sửa chữa và nâng cấp.

Cầu Long Biên tắc cứng ngày tiễn ông Công ông Táo về trời

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhiều người dân đồng loạt lên cầu Long Biên thả cá chép vàng khiến giao thông ùn ứ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Toàn cảnh quá trình đưa quả bom tại chân cầu Long Biên lên bờ

SƠN TÙNG - HOÀI ANH - TÔ THẾ |

18h45 tối 22.6, quả bom tại chân cầu Long Biên đã được đưa lên bờ tại khu vực bến cát Phú Viên (Long Biên, Hà Nội). Quá trình đưa bom lên bờ được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.

Công nhân nấu nhựa đường, vá ổ gà trên mặt đường cầu Long Biên

Phạm Đông |

Thời gian qua mặt đường cầu Long Biên đã xuống cấp, chằng chịt ổ gà, gây ảnh hưởng đến an toàn của người tham gia giao thông. Chính vì vậy, các công nhân đang phải gấp rút, sửa chữa và nâng cấp.

Cầu Long Biên tắc cứng ngày tiễn ông Công ông Táo về trời

HOÀI ANH - HỒNG CƯỜNG |

Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, nhiều người dân đồng loạt lên cầu Long Biên thả cá chép vàng khiến giao thông ùn ứ.