Điều gì khiến Mark Zuckerberg và đế chế Facebook "trói mình"?

Thế Lâm |

Dịch virus COVID-19 ư? Không hề. Đế chế mạng xã hội online toàn cầu với hơn 2,5 tỉ người dùng hàng tháng như Facebook trong dịch COVID-19 thậm chí còn phát triển mạnh hơn cả về cái xấu lẫn cái tốt. Điều tốt là người ta dù hạn chế gặp gỡ vì dịch bệnh nhưng vẫn có thể tương tác trên Facebook. Điều xấu là quá nhiều tin giả về COVID-19 trên Facebook thời gian qua...

Tiếp sau 5 tỉ USD tiền phạt là tự... “trói mình”...

Không phải chờ lâu, mới đây CEO Mark Zuckerberg đã phải thành lập một cơ cấu tổ chức hoàn toàn mới trong nội bộ Facebook. Đó là Hội đồng Giám sát độc lập. Theo kế hoạch, trước hết sẽ tìm kiếm và chọn lựa ra một người và người này sẽ tiếp tục tuyển chọn thêm nhân sự cho hội đồng với con số lên tới 40 người.

Hội đồng với chức năng chính là giám sát hệ thống và cân bằng quyền lực với "vua" Mark Zuckerberg (hẳn nhiên là lâu nay quyền lực rất lớn) cũng như hội đồng quản trị hiện thời. Về nguyên tắc, Hội đồng Giám sát độc lập có quyền phản biện, bác bỏ một số quyết định nếu cho rằng không phù hợp, ảnh hưởng tới vấn đề bảo mật về dữ liệu, quyền lợi người dùng, quyền riêng tư... Thậm chí, trong nhiều vấn đề liên quan kể trên, hội đồng này còn có thẩm quyền ra quyết định hơn cả Mark Zuckerberg và hội đồng quản trị hiện thời.

Nếu nhìn về mặt cấu trúc doanh nghiệp, Hội đồng Giám sát độc lập rõ ràng là một cơ chế chia sẻ quyền lực trong nội bộ Facebook. Hay nói cách khác, hội đồng này trong nhiều tình huống như là một cơ chế “trói mình” đối với vị CEO trẻ và cả hội đồng quản trị của anh ta.

Trên thực tế không phải “bỗng dưng” mà đế chế Facebook lại quyết định thành lập Hội đồng Giám định độc lập để chia sẻ bớt quyền lực của “vua” Mark. Theo trang Digital Trends, Brent Harris - Giám đốc quản trị và các vấn đề toàn cầu của Facebook - vào tháng 9.2019 đã công bố cơ cấu tổ chức mới này chính là một phần trong thỏa thuận dàn xếp giữa Facebook và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Theo đó, Facebook nộp phạt khoản tiền mặt 5 tỉ USD vì vụ bê bối dữ liệu của 87 triệu người dùng với Cambridge Analytica, đồng thời tái cấu trúc doanh nghiệp để ngăn chặn những vụ bê bối tương tự như vậy diễn ra trong tương lai. Thay vào đó, FTC sẽ không bàn đến phương án có “chẻ nhỏ” doanh nghiệp Facebook hay không.

“Vua” Mark buộc phải tự kìm hãm...

Việc tái cấu trúc với một Hội đồng Giám sát Độc lập tại Facebook thực sự là một cơ cấu lạ của doanh nghiệp nói chung trên thế giới hiện nay. Thế nhưng, điều đó đã xảy ra và hội đồng này sẽ bắt đầu hoạt động trong năm 2020 này. Đã thế, Facebook còn phải chu cấp kinh phí cho hội đồng hoạt động. Theo kế hoạch, hội đồng 40 thành viên này sẽ hoạt động với mỗi nhiệm kì 3 năm, và kéo dài trong 6 năm, với tổng kinh phí hoạt động là 130 triệu USD. Như vậy, mỗi năm hội đồng có hơn 21 triệu USD để chi tiêu - một ngân khoản không nhỏ chút nào.

Nhìn một cách toàn cục, những tham vọng gần đây của Facebook trong việc mở rộng sức ảnh hưởng của đế chế mạng xã hội này đang gặp phải những cảnh báo và rào cản không nhỏ, thậm chí, có cả những động thái ngăn chặn từ một số quốc gia. Đơn cử, về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư, dữ liệu người dùng Facebook bị FTC buộc phải thúc đẩy từ cơ cấu tổ chức đến các giải pháp, thậm chí buộc phải bị giám sát và chia sẻ quyền lực để tránh lặp lại bê bối như vụ Cambridge Analytica.

Cùng với đó, tham vọng với dự án tiền ảo Libra do Facebook sáng lập sau những tháng đầu khá hưng phấn thì nay gặp rào cản càng ngày càng lớn. Rào cản thứ nhất là sự ngăn chặn từ một số quốc gia Châu Âu và cả từ các nghị sĩ Mỹ. Rào cản thứ hai từ chính liên minh Libra, nhiều thành viên trước đó như MasterCard, VISA, Stripe, Paypal, eBay đã tuyên bố rút khỏi Libra. Tính từ ngày thành lập tới nay, đây chính là thời điểm Facebook gặp thách thức lớn nhất vì những rào cản tới từ hệ thống luật pháp, các cơ quan chức năng với yêu cầu buộc phải bảo vệ người dùng tốt hơn. Tuy nhiên, về hoạt động kinh doanh, cả doanh thu và lợi nhuận của Facebook vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định chứ không giảm sút như những dự báo đầy quan ngại trước đó sau khi Facebook để xảy ra vụ bê bối Cambridge Analytica.

CEO Mark Zuckerberg cũng rất nhanh chóng thích nghi với cơ chế mới hình thành thêm Hội đồng Giám sát độc lập. “Nếu bất cứ ai không đồng ý với quyết định mà công ty đưa ra, họ có thể khiếu nại với chúng tôi trước và sau đó có thể kháng cáo lên Hội  đồng Giám định độc lập. Quyết định của hội đồng sẽ có giá trị buộc tôi hoặc bất kỳ ai tại Facebook phải tuân thủ. Hội đồng sẽ giải quyết các vấn đề theo cách cởi mở và bảo vệ sự riêng tư cho mọi người” - Mark Zuckerberg viết về Hội đồng Giám sát độc lập của Facebook. Và điều đáng nói hơn, vị CEO này còn hứa hẹn có thể cung cấp kinh phí hoạt động cho hội đồng này nhiều hơn nữa trong tương lai.

Chia sẻ quyền lực thúc đẩy phát triển

Nếu chỉ đọc những thông tin về một cơ cấu mới là Hội đồng Giám định độc lập trong lòng Facebook sẽ không ít người cho rằng, rồi đây nội bộ Facebook có thể va chạm dễ rạn nứt hoặc có thể xảy ra “đánh nhau” to giữa “vua” Mark và hội đồng quản trị công ty với một bên là Hội đồng Giám sát độc lập.

Mọi chuyện chưa xảy ra thì về lí thuyết đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, có một điều rất hiển nhiên rằng, chẳng có một doanh nghiệp cùng với hội đồng quản trị và CEO của doanh nghiệp ấy lại dại dột cứ đi “nuôi ong tay áo” một cấu trúc chỉ nhằm chia sẻ quyền lực và cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu điều đó xảy ra, hội đồng kia sẽ khó mà tồn tại lâu dài. Bản chất vấn đề ở đây là, sự kiểm soát và chia sẻ quyền lực với Hội đồng Giám sát độc lập là do chính Facebook hình thành và chấp nhận nó. Nếu hội đồng làm tốt công việc của mình thì sự cảnh báo và hỗ trợ của họ đối với ban lãnh đạo Facebook sẽ giúp tránh sa vào các sai sót xâm phạm đến quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và có lợi cho tất cả các bên, trong đó có người dùng Facebook trên toàn cầu và các nhà đầu tư, cổ đông của Facebook.

Nhìn theo hướng đó, tất cả cùng một phe. Cùng hướng về một đích chung có lợi cho doanh nghiệp thì việc bị giám sát hay phải chia sẻ quyền lực là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được trong một cơ chế quản trị khá đặc biệt và khác biệt như tại mạng xã hội lớn nhất toàn cầu Facebook. Tư bản thì cái nhìn lớn nhất vẫn là về lợi nhuận, vấn đề là theo hướng nhất thời hay bền vững mà thôi. Chính vì thế, dù “vua” Mark của đế chế Facebook có bị kìm hãm bớt quyền lực mà hoạt động của doanh nghiệp tốt lên thì chính Mark Zuckerberg cũng được hưởng lợi  khi đang nắm giữ khoảng 15% cổ phần tại Facebook.

Thế Lâm
TIN LIÊN QUAN

Trộm cắp tài khoản Facebook, bị xử lý thế nào?

đặng nụ |

Bạn đọc có địa chỉ: huongtongxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi vừa bị kẻ gian lấy trộm tài khoản facebook. Nếu bị phát hiện, người này sẽ bị xử phạt thế nào?

Xử lý hình sự Facebooker kêu gọi không bán khẩu trang được không?

Thế Lâm |

Cơ quan chức năng đang tiếp tục truy xét đối tượng có nick là Nguyễn Kim Dung đã đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân trong nhóm “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” với nội dung kêu gọi, lôi kéo những người khác không nhập không bán khẩu trang.

Deepfake là gì mà Facebook phải ra lệnh cấm trước bầu cử Tổng thống Mỹ

Thế Lâm |

Deepfake, sản phẩm video ghép mặt người vào hình ảnh người khác bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây đã bị Facebook cuống cuồng ra lệnh cấm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Động thái này cho thấy, Facebook muốn ra tay trước khi các video deepfake lợi dụng nền tảng này để lan truyền cho các quảng cáo chính trị.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Trộm cắp tài khoản Facebook, bị xử lý thế nào?

đặng nụ |

Bạn đọc có địa chỉ: huongtongxxx@xx gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi vừa bị kẻ gian lấy trộm tài khoản facebook. Nếu bị phát hiện, người này sẽ bị xử phạt thế nào?

Xử lý hình sự Facebooker kêu gọi không bán khẩu trang được không?

Thế Lâm |

Cơ quan chức năng đang tiếp tục truy xét đối tượng có nick là Nguyễn Kim Dung đã đăng dòng trạng thái trên trang cá nhân trong nhóm “Chợ thuốc Hapulico Hà Nội” với nội dung kêu gọi, lôi kéo những người khác không nhập không bán khẩu trang.

Deepfake là gì mà Facebook phải ra lệnh cấm trước bầu cử Tổng thống Mỹ

Thế Lâm |

Deepfake, sản phẩm video ghép mặt người vào hình ảnh người khác bằng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây đã bị Facebook cuống cuồng ra lệnh cấm trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Động thái này cho thấy, Facebook muốn ra tay trước khi các video deepfake lợi dụng nền tảng này để lan truyền cho các quảng cáo chính trị.