Kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22.12

Điệp khúc quân hành với người chiến sĩ

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú |

Ít có quân đội nào, nước nào trên thế giới mà hình ảnh người lính lại mang tên vị lãnh tụ kính yêu như đất nước Việt Nam ta: “Bộ đội Cụ Hồ”.

1. Ít có dáng hình đất nước nào trên trái đất này mà những dáng núi trập trùng ở biên cương phía Bắc vút lên trời như những mũi chông nhọn. Ít có dòng sông nào lại mang tên hào khí của những chiến công đánh giặc như Bạch Đằng Giang cắm cọc gỗ xuyên thủng thuyền giặc đến 3 lần. Ít có Tổ quốc nào mà có đến ba bản tuyên ngôn độc lập đều khởi thảo từ ngọn bút tài tình của các vĩ nhân là những vị anh hùng dân tộc lại mang hồn thi nhân như: Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà”; Nguyễn Trãi với “Cáo Bình Ngô” và Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản “Tuyên ngôn độc lập” đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Những bài thơ hay nhất lại là những bài thơ khắc lên báng súng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết: “Ta viết tiếp bài thơ báng súng - Con lớn lên viết tiếp thay cha - Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống - Người hôm nay viết tiếp người hôm qua” (Bài thơ báng súng - Hoàng Trung Thông). Điệp khúc quân hành đó được nối tiếp qua bao thế hệ: “Lớp cha trước, lớp con sau - Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu)...

Tôi còn nhớ lúc mình mới vào quân ngũ, bài hát mà chúng tôi thường hay hát trước khi sinh hoạt là: “Vì nhân dân quên mình” cũng do một người lính nhạc sĩ nghiệp dư sáng tác. Nhịp điệu hành khúc: “Vì nhân dân quên mình - Vì nhân dân hy sinh....” cứ vang vọng mãi như nhịp bước trong đội ngũ hành quân ra thao trường luyện tập hay hành quân trên đường vào chiến trường. Nhịp đi rắn rỏi ấy như nhịp đập con tim của tuổi trẻ như những hồi âm của khúc ca chiến trận. Nhịp đi ấy như nhịp cánh võng bạt chung chiêng dưới mái trăng “Bầu trời vuông” khi “Ngũ rừng theo đội hình đánh giặc” (Nguyễn Đức Mậu). Nhịp đi ấy bắt đầu từ những nhịp hát đồng dao, trò chơi đuổi bắt trốn tìm của tuổi thơ qua những ngõ đường làng ken dày những lũy trẻ như những pháo đài xanh vững chắc. Những người lính ra đi từ xóm thôn làng mạc: “Quê hương anh nước mặn đồng chua - Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá - Hai chúng ta đôi người xa lạ - Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau - Súng bên súng đầu súng bên đầu - Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ - Đồng chí!”. Ôi! Hai tiếng đồng chí sao mà thân thương, tri kỷ mà đồng điệu, đồng lòng đến thế. Đồng chí từ đồng bào chung bọc trứng mẹ Âu Cơ từ cội nguồn dân tộc. Đồng chí “từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu”, đồng chí có chung bà mẹ Việt Nam được mang tên: Mẹ Việt Nam Anh hùng. Vâng, chỉ có dân tộc Việt Nam ta trải qua bao lửa đạn bom, bao cuộc chiến tranh liên miên và tàn khốc để vùng lên đứng dậy để “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” với tư thế “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “ra ngõ gặp anh hùng” mới có danh hiệu vẻ vang ấy. Những người lính thuần Việt thuần nông khi ra trận vẫn mang theo tâm thức ruộng đồng thao thiết với nỗi băn khoăn: “Chiến dịch này ăn cơm không phải độn - Mừng thì mừng thương mẹ hết bao nhiêu” (Hữu Thỉnh) thương mẹ gặt hái cánh đồng để dành hạt gạo nuôi con nơi chiến trận.

2. Trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước, hình ảnh người lính bao giờ cũng là nhân vật trung tâm, là điểm tựa tinh thần niềm tự hào lớn lao với màu xanh quân phục mang màu xanh cây lá: Cây lá trong vườn nhà, cây lá của những cánh rừng đại ngàn Tây Bắc (chống Pháp), Trường Sơn (chống Mỹ) dấu bao “bào thai chiến dịch”. Xanh như màu xanh nước biển ngăn ngắt của đại dương thẳm sâu, ở đó có những hòn đảo là một phần đất đai máu thịt của Tổ quốc mà những người lớn áo xanh là những cột mốc sống tiền tiêu gìn giữ. Tất cả đều giành giữ và bảo vệ một màu xanh hòa bình, màu xanh biên cương, màu xanh đồng ruộng. Những người lính với tuổi xanh của mình đã dâng trọn quãng đời đẹp đẽ nhất trên trận tuyến đánh quân thù. Họ ra trận với điệp khúc: “Đời mình là một khúc quân hành - Đời mình là bài ca chiến sĩ” vì: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng - Kẻ thù buộc ta ôm cây súng - Ta yêu sao làng quê non nước mình, tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca ...” (Diệp Minh Truyền). Trong ba lô của người chiến sĩ, hành trang không chỉ là những bộ quân phục sờn vai áo trận, những tăng võng, lương khô thuốc men đạn dược mà còn là những cuốn sách hay, là những khúc ca với điệp khúc quân hành cứ thôi thúc, cứ giục giã, cứ ngân vang đồng hành, đồng điệu. Trập trùng núi non Tổ quốc, trập trùng những đoàn quân điệp trùng cứ thế hòa vào bầu đàn đất nước những âm hưởng da diết tạo thành bản giao hưởng vĩ đại: Khúc ca chiến trận, khúc ca chiến thắng. Ta mới hiểu vì sao: Đất nước Việt Nam ta mới sinh ra cây đàn bầu một dây mảnh mai mà thẳng căng với bao âm điệu âm vực, bao luyến láy nồng nàn khi vút cao như điệu kèn xung trận, khi thẳm sâu như tiếng lòng đắm đuối. Tiếng đàn từ bầu đàn là quả bầu khô đã từng thắt lại như dáng hình đất nước có eo thắt miền Trung mang dáng mẹ thắt lưng buộc bụng, như dáng hình đất nước mảnh mai mà mãnh liệt hình chữ S, mà có nhà thơ đã ví: “Đất nước giống như nàng tiên múa - Lại mang hình ngọn lửa lúc cuồng phong...”.

Trở lại với cánh rừng Trần Hưng Đạo trên chiến khu Việt Bắc, ta bồi hồi đứng dưới những tán cây cổ thụ mà cách đây 76 năm (22.12.1944) đội “Tuyên truyền giải phóng quân Việt Nam” được thành lập với 34 chiến sĩ áo vải vũ khí thô sơ dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tiền thân của quân đội ta hùng mạnh sau này.

Đội quân ấy mở đầu bằng những trận công đồn chớp nhoáng với những chiến thắng Phay Khắt - Nà Ngần rồi chiến dịch biên giới thu đông đến trận chiến Điện Biên Phủ lẫy lừng và đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân 1975 của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tôi lại nghĩ về chiếc mũ nan choàng lưới ngụy trang của anh Vệ quốc đoàn chống Pháp đến chiếc mũ tai bèo hình lá sen của anh giải phóng quân thời chống Mỹ: “Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành - Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh - Mà xông xáo tung hoành ngang dọc” (Tố Hữu). Tôi lại nhớ về tấm áo trấn thủ 36 đường may ngang dọc chéo nhau như những chiến hào đánh lấn. Tôi hình dung ra tấm áo trấn thủ mang hình hài bộc phá chứa đựng kíp nổ nụ xòe là trái tim chiến sĩ. Đến nay, quân đội ta đã được trang bị vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại. Từ tên tre, chông tre đến tên lửa; từ súng kíp, súng trường đến những cỗ đại bác; từ xe đạp thô sơ đến những khối thép xe tăng thiện chiến. Từ những con thuyền độc mộc đến hạm tàu biển khơi. Và trên nền trời xanh cao tự do của Tổ quốc, những cánh én bạc mang ngôi sao vàng cánh nghiêng chào đất nước thống nhất trọn vẹn bờ cõi non sông liền một dải. Tất cả đều do ngươi lính “Bộ đội Cụ Hồ” làm chủ với một lí tưởng cao đẹp, một trái tim nồng nàn với điệp khúc quân hành bền bỉ. Chính đó là hạt nhân sức mạnh, là cội nguồn chiến thắng, là truyền thống ngàn năm. Và vẹn nguyên một tình yêu lãng mạn “Đầu súng trăng treo” ngày nay trong thơ Chính Hữu đến: “Chúng con đến xanh ngời ánh thép” trong thơ Tố Hữu. Đó là người lính Việt Nam được hun đúc, được tôi luyện thành hình ảnh biểu tượng: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững - Lưng đeo gươm tay mền mại bút hoa - Trong và thật sống hai bờ suy tưởng - Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa” (Huy Cận)...

3. Trong những năm chiến tranh ác liệt, bao thế hệ trẻ lên đường ra trận mang theo hào khí của âm vang: “Đường dài đi dọc Trường Sơn - Nghe vọng bài ca đất nước - Đất nước bốn ngàn năm không ngủ - Những đạo quân song song cùng lịch sử - Đi suốt thời gian đi suốt không gian - Sừng sững dưới trời anh dũng kiên gan” trong thơ Nam Hà “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi”. Đó là những thế hệ: “Xa nhau không hề rơi nước mắt - Nước mắt chỉ đề dành cho ngày gặp mặt” (Nam Hà). Bây giờ trong thời bình, những người con yêu dấu ấy lại tạm thời xa nhau lên biên cương, ra hải đảo để giữ gìn bảo vệ non sông Tổ quốc. Và trong những lúc nguy nan nhất của đất nước, khi những trận bão lũ thế kỉ dồn dập đổ về eo thắt miền Trung, đất nước ta lại gồng mình, căng mình thành “con đê trên bán đảo” lại tiếp tiếp những màu xanh áo lính giúp dân, cứu dân chống giặc thiên nhiên khắc nghiệt. Cũng như khi đại dịch COVID-19 quét qua thì cũng chính các anh lại chốt chặn ngăn con virus nguy hiểm ngỡ như vô hình này. Màu áo lính xanh như màu xanh sự sống, xanh như màu hy vọng luôn là điệp khúc của tin yêu cùng đồng hành với nhân dân, với dân tộc, viết tiếp và tô thắm thêm trang sử mới. Người lính vẫn luôn ở tuyến đầu, vẫn mãi hát điệp khúc quân hành: “Mãi mãi lòng chúng ta - Ca bài ca người lính - Mãi mãi lòng chúng ta - Vẫn hát khúc quân hành ca”...

Tùy bút của Nguyễn Ngọc Phú
TIN LIÊN QUAN

Quân đội đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái

Vương Trần |

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của công tác Đảng, Công tác chính trị trong quân đội đó là tiếp tục đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và quân đội

ÁI VÂN |

Thành lập ngày 28.5.1964, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng là đơn vị luôn chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội ta trên trường quốc tế.

Quân đội tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn, không để xảy ra bị động, bất ngờ

. |

Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020 diễn ra ngày 7.12 tại Hà Nội.

Dàn vũ khí hạng nặng của quân đội Việt Nam tại triển lãm quân sự

Nhật Vũ |

Lần đầu tiên công chúng được xem tận mắt nhiều loại khí tài quân sự hạng nặng và hiện đại tại Triển lãm Hội chợ Việt Bắc.

Bài dự thi khổng lồ viết bằng chữ thư pháp tìm hiểu về Quân đội Việt Nam

VƯƠNG TRẦN |

Tác phẩm được thể hiện dưới hình thức chữ thư pháp kết hợp với hình thức hình vẽ minh họa tạo nên những bức tranh sống động về Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Viện Pasteur TPHCM ra công văn khẩn về giám sát viêm phổi nặng do virus

Thanh Chân |

Ngày 24.2, Viện Pasteur TPHCM có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế 20 tỉnh, thành phía nam về việc tăng cường giám sát viêm phổi nặng do virus sau khi Campuchia ghi nhận 2 ca nhiễm cúm gia cầm A (H5N1).

Nếu Quang Hải, Công Phượng trở lại V.League...

PHẠM ĐÌNH |

Những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng có nên tính chuyện trở lại V.League khi ít được thi đấu ở nước ngoài?

Khởi tố 2 giám đốc Trung tâm Đăng kiểm ở Hưng Yên

HỮU CHÁNH |

Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố, bắt tạm giam 2 giám đốc và 5 đồng phạm để điều tra về hành vi "Giả mạo trong công tác và Nhận hối lộ" xảy ra tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 89-02S và 89-05D.

Quân đội đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái

Vương Trần |

Một trong những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của công tác Đảng, Công tác chính trị trong quân đội đó là tiếp tục đi đầu trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và quân đội

ÁI VÂN |

Thành lập ngày 28.5.1964, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng là đơn vị luôn chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc phòng, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội ta trên trường quốc tế.

Quân đội tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn, không để xảy ra bị động, bất ngờ

. |

Báo Lao Động trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2020 diễn ra ngày 7.12 tại Hà Nội.

Dàn vũ khí hạng nặng của quân đội Việt Nam tại triển lãm quân sự

Nhật Vũ |

Lần đầu tiên công chúng được xem tận mắt nhiều loại khí tài quân sự hạng nặng và hiện đại tại Triển lãm Hội chợ Việt Bắc.

Bài dự thi khổng lồ viết bằng chữ thư pháp tìm hiểu về Quân đội Việt Nam

VƯƠNG TRẦN |

Tác phẩm được thể hiện dưới hình thức chữ thư pháp kết hợp với hình thức hình vẽ minh họa tạo nên những bức tranh sống động về Quân đội Nhân dân Việt Nam.