Diễn giả Nguyễn Sơn Lâm: “Giây phút đầu bế con, tôi đã xúc động đến phát khóc”

thủy nguyên |

Đi qua 3 con giáp, cuối cùng, người đàn ông cao chưa tới 1m, từng chinh phục thành công đỉnh Fansipan này cũng đã chạm được vào một “đỉnh núi trong mơ” khác: Làm bố (vào ngày 18.2 vừa qua, nhằm đúng năm Tuổi của anh). Ông bố “tý hon” chia sẻ với Lao Động về niềm hạnh phúc vỡ òa của anh nhân dịp đầu năm mới.

 
 
“Đấy không phải là sự xót thương, đấy là sự trân trọng”

Một “món quà Valentine muộn” thật kỳ diệu, phải không anh?

- Vâng, quả thật là kỳ diệu, đúng như cái tên tôi đã đặt cho cháu: Nguyễn Phúc Diệu (còn tên thân mật của cháu là Sala - loài hoa linh thiêng gắn liền với những câu chuyện về Đức Phật)! Giây phút đầu được bế giọt máu của mình ở trên tay, tôi đã xúc động đến phát khóc. Nó đúng là một “món quà Valentine muộn” từ người bạn gái đã song hành cùng tôi suốt 7 năm qua.

Có phải cái cô Hải Phòng ngày trước không nhỉ?

- À, cô Hải Phòng lấy chồng có con lâu rồi chứ (cười)! Bạn gái tôi hiện sống ở Hà Nội, và làm nghề kinh doanh. Trong một buổi nói chuyện của mình, tôi đã may mắn gặp được cô ấy, rồi từ đó, dần chia sẻ được nhiều điều hơn trong cuộc sống. Đơn giản thế thôi!

Chưa từng nghe ai nói về việc anh lấy vợ. Vậy câu hát “anh vẫn mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ” đã được viết ra như thế nào?

- Một nửa câu hát ấy hiện vẫn là... giấc mơ đây! Vì trên thực tế là hai chúng tôi vẫn chưa về sống chung nhà (con hiện sống với mẹ), và cũng phải chờ thêm ít nữa (ít nữa thôi), tôi mới tậu được ngôi nhà mà tôi mơ ước: Một cái biệt thự có vườn.

Một cái kết có hậu, nhưng đường tròn dường như vẫn chưa trọn vẹn, vì hai kẻ yêu nhau vẫn chưa chịu về chung nhà?

- Cũng có một vài lý do riêng để hai đứa chưa thể đi đến được quyết định đó vào lúc này. Chúng tôi từng nghĩ rằng cái khó nhất là làm sao về cùng nhau để cùng lo cho con, nhưng rồi đến một lúc nào đó, bỗng lại thấy rằng: Ở cạnh nhau hay không thật ra không quan trọng bằng việc cùng có với nhau một cái gì đó. “Cái gì đó” ở đây với chúng tôi không chỉ là một đứa con mà còn là sự tôn trọng, yêu thương nhau và cùng muốn dồn tất cả cho con – điều mà chưa chắc nhiều cặp sống chung nhà đã có được, như tôi từng chứng kiến. Một đường tròn khép kín chưa chắc đã là một đường tròn toàn bích, tôi nghĩ thế.

Làm bố ở tuổi 36, sau một hành trình phi thường để vượt lên số phận, hẳn phải là cả một sự quyết tâm lớn?

- Làm bố quả thật là một mơ ước lớn, nhưng để đi đến quyết định, cũng không hẳn là phải quyết tâm ghê gớm lắm, vì cả hai đều là người lớn cả rồi, chín chắn rồi, và chúng tôi hoàn toàn bình thường mà, không phải nhờ cậy gì đến sự can thiệp của y học.

Ngoài quyết định sinh con cho anh, điều gì ở cô ấy khiến anh xúc động nhất?

- Nếu nhìn từ bên ngoài, có thể mọi người sẽ nghĩ rằng quyết định đó là cả một sự hy sinh của cô ấy. Nhưng nếu nhìn từ trong, thì đó có thể lại là một “đặc quyền hạnh phúc” của bạn gái tôi, vì cô ấy biết rõ có những cô gái cũng đã từng bày tỏ nguyện vọng sinh con cho tôi (cười). Nhưng sở dĩ tôi muốn cô ấy là mẹ của con tôi vì tôi thích cách cô ấy thường xoa bóp chân cho tôi và nói rằng nếu lúc nào không được ở cạnh nhau, chắc cô ấy sẽ nhớ những lúc như thế này lắm. Tôi nghĩ mình cũng sẽ rất nhớ. Đấy không phải là sự xót thương, đấy là sự trân trọng.

“Vượt Fansipan không khó bằng vượt qua những ánh mắt kỳ thị”

Anh hẳn biết câu chuyện vui này chứ: Một cô gái xinh đẹp tìm đến một nhà bác học để đề nghị được sinh con cho ông và hứa: “Con sẽ mang trí tuệ của anh và sắc đẹp của em”, và câu trả lời của nhà bác học là: “Còn nhỡ như ngược lại?”. Anh sẽ nói sao, nếu là một lời đề nghị tương tự: “Đôi chân của em và cái đầu của anh”?

- Ồ, vậy thì chúng ta còn chờ gì nữa?

Nhà thêm người có đồng nghĩa với việc rồi đây anh sẽ có thêm chân thêm tay, khi đã chùn chân mỏi gối?

- Có thể. Nhưng tôi nghĩ vợ hay con dù yêu thương mình đến thế nào thì cũng chỉ đi được với mình một đoạn đường nào đó mà thôi, chưa biết được; duy chỉ đôi chân của mình là sẽ đi theo mình suốt cả cuộc đời. Nên tốt nhất là vẫn nên cố mà đứng vững trên đôi chân của mình, và cố tìm cho ra cái chân nào thuận nhất, cho dù đôi chân đó thế nào.

Đã bao giờ là cảm giác áy náy: Không giúp được gì nhiều cho hai mẹ con?

- Cũng có chút chút! Nhưng như bạn cũng thấy đấy, “nghề” chính của tôi chính là truyền động lực về tinh thần. Tài sản lớn nhất mà tôi có chính là kỹ năng sống, để thích nghi với mọi hoàn cảnh. Và với những thuận lợi trong công việc, tôi cũng nghĩ mình có đủ tiềm lực kinh tế để thừa sức lo cho hai mẹ con...

Được mệnh danh là “Nick Vujicic của Việt Nam”, anh từng so sánh vui: “Anh ấy hơn tôi một gia đình nhỏ nhưng tôi lại hơn anh ấy hai cánh tay để có thể ôm mẹ của mình”, vậy giờ “tỷ số” đã được “dàn hòa” chưa?

- Chắc là rồi. Nhưng tôi nghĩ tỉ số nào cũng không quan trọng bằng chỉ số hạnh phúc.

Anh vẫn hơn Nick hai cánh tay để ôm vợ con mà?

- Chưa chắc đâu! Nick có thể sẽ ôm vợ con anh ấy theo một cách khác. Bằng trái tim, chẳng hạn! Vòng ôm chặt nhất, sự ràng buộc lớn nhất chắc chắn không phải là tờ giấy kết hôn mà là trái tim đấy bạn!

Anh có từng thần tượng và quyết làm được như Nick không?

- Không. Tôi không có thần tượng, chỉ thấy ở mỗi người có thể học hỏi được một ít thôi. Nick, thì tôi thấy đó như một người bạn có cùng cảnh ngộ thú vị.

Chủ đề một buổi nói chuyện của anh từng là “Tạo động lực để chinh phục đỉnh cao”. Nhưng một mặt, anh có nghĩ ngược lại: Cũng cần phải tạo ra đỉnh cao thì mới đưa tới động lực?

- Chính xác là như thế. Đó là lý do mà tôi thường nhiệt tình chia sẻ với mọi người về những «chiến công vượt khó» của tôi mà không sợ mang tiếng vỗ ngực khoe khoang. Vì điều tôi muốn nói chỉ đơn giản là: Nếu như tôi còn làm được, thì tại sao bạn lại không?

Từng ngoạn mục chinh phục đỉnh Fansipan mà ngay cả nhiều người khỏe mạnh bình thường cũng không thể, đến giờ này, anh thấy đỉnh núi nào là khó vượt qua nhất?

- Vượt Fansipan khó nhưng cũng chỉ mất có 3 ngày. Nhưng để vượt qua những ánh mắt kỳ thị thì có khi phải mất già nửa đời người đấy, và đó hẵng còn là may mắn!

Trung thành thường được đánh giá là phẩm chất số 1 ở con vật mà hai bố con anh cầm tinh. Anh có cho rằng đó là phẩm chất quan trọng nhất của con người?

- Trung thành rất quan trọng, nếu như đúng nghĩa trung thành, nghĩa là không trung thành một cách mù quáng. Nhưng tôi nghĩ, phẩm chất quan trọng nhất của con người chính là sự bao dung độ lượng. Chỉ có phẩm chất ấy mới giúp chúng ta xích lại được gần nhau hơn hết trong sự yêu thương chân thành và xóa nhòa đi mọi khác biệt.

Khi dị tật ở đôi chân là bắt nguồn từ chứng loãng xương, anh sẽ cô đặc mình bằng những điều gì?

- Tri thức, trí tuệ, và sự mạnh mẽ lớn dần theo năm tháng...

Xin cảm ơn anh.

thủy nguyên
TIN LIÊN QUAN

Kết nối yêu thương của người thầy cả đời mặc chiếc áo xanh tình nguyện

Phố Nhơn |

“Tôi vừa nghỉ hưu được hơn một tháng, nhưng vẫn bận rộn như ngày nào. Ngẫm lại những gì mình đã làm, âu đó cũng là câu chuyện để tri ân cuộc đời. Câu chuyện còn dài, tôi cũng sẽ lại cố gắng, để tiếp thêm nghị lực cho các em chừng nào mình còn sức”, thầy giáo già Lương Thạch Nghĩa trải lòng.

Nữ bác sĩ hiến giác mạc truyền nghị lực sống cho con

L.Hà |

Câu chuyện cảm động của bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, (Bệnh viện 19-8) đã hiến đôi mắt sau khi qua đời một lần nữa được nhắc tới tại tại Ngày hội “Chung tay vì sự sống” năm 2017 được tổ chức tại Nam Định ngày 17.11.

Bé gái cuốn giẻ vào đầu gối: Khao khát có đôi chân đến trường

L.N - Phạm Đông |

Mới đây, trên trang facebook cá nhân Nguyễn Hùng đăng tải đoạn clip một bé gái học sinh tiểu học người dân tộc hàng ngày vẫn đến trường dù đôi chân không còn nguyên vẹn khiến nhiều người cảm phục. 

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Kết nối yêu thương của người thầy cả đời mặc chiếc áo xanh tình nguyện

Phố Nhơn |

“Tôi vừa nghỉ hưu được hơn một tháng, nhưng vẫn bận rộn như ngày nào. Ngẫm lại những gì mình đã làm, âu đó cũng là câu chuyện để tri ân cuộc đời. Câu chuyện còn dài, tôi cũng sẽ lại cố gắng, để tiếp thêm nghị lực cho các em chừng nào mình còn sức”, thầy giáo già Lương Thạch Nghĩa trải lòng.

Nữ bác sĩ hiến giác mạc truyền nghị lực sống cho con

L.Hà |

Câu chuyện cảm động của bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, (Bệnh viện 19-8) đã hiến đôi mắt sau khi qua đời một lần nữa được nhắc tới tại tại Ngày hội “Chung tay vì sự sống” năm 2017 được tổ chức tại Nam Định ngày 17.11.

Bé gái cuốn giẻ vào đầu gối: Khao khát có đôi chân đến trường

L.N - Phạm Đông |

Mới đây, trên trang facebook cá nhân Nguyễn Hùng đăng tải đoạn clip một bé gái học sinh tiểu học người dân tộc hàng ngày vẫn đến trường dù đôi chân không còn nguyên vẹn khiến nhiều người cảm phục.