Điện ảnh Việt cần “Mai”, “Đào...” và hơn thế nữa

Việt Văn |

Điện ảnh Việt Nam cần những gì để phát triển đáp ứng được với nhu cầu của khán giả, nhưng cũng để phục vụ cho "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" mà Chính phủ đã phê duyệt? Thực tế từ những bộ phim làm trong những năm gần đây có thể gợi ý cho câu trả lời về vấn đề này.

Khán giả cần được thưởng thức những phim như “Đào"

Hiện tượng bộ phim “Đào, phở và piano” (xin gọi tắt là “Đào”) tạo nên cơn sốt phòng vé cho thấy một bộ phim được Nhà nước đặt hàng, xưa nay mang nhiều định kiến là làm để chiếu những dịp lễ lạt, kỷ niệm rồi “xếp kho”- vẫn có thể thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ. Sức hút của “Đào, phở và piano” đến từ việc biết khơi gợi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước là những giá trị bất biến, trường tồn, nằm trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt.

Nhưng hơn thế là đạo diễn Phi Tiến Sơn đã kể một câu chuyện chiến tranh bằng giọng điệu trữ tình, toát lên được chất hào hoa, lãng mạn của người Hà Nội và tạo được cái kết bi tráng, gây xúc động cho khán giả. Đó còn là sự tưởng thưởng của những công phu tìm tòi, trăn trở, tâm huyết của một đạo diễn tài hoa gốc Hà Nội cho một đề tài khó, và không nhiều tư liệu lịch sử, nhưng đã tận dụng chính cái khó để phô diễn trí tưởng tượng, sáng tạo của mình.

Dĩ nhiên thành công của “Đào” có công sức bất ngờ và hiệu ứng mạnh mẽ từ một review phim mang tính cá nhân của một TikToker trên mạng, và nếu bằng vào con mắt phê bình khó tính thì phim vẫn có những thiếu sót trong có phần thiết kế mỹ thuật. Nhưng rõ ràng từ bài học của “Đào” có thể thấy nếu có cách tiếp cận thích hợp, những bộ phim về đề tài lịch sử, có sự hỗ trợ của Nhà nước, hoàn toàn có thể sống được, thu về kinh phí cho Nhà nước. Cũng như dòng phim chính luận vẫn được khán giả quan tâm.

Qua đó cho thấy trong cơ chế tài trợ kinh phí cho dòng phim Nhà nước, việc không có phần kinh phí dành cho phát hành phim và quảng bá phim là thiếu sót, trong bối cảnh các phim tư nhân dành kinh phí “khủng” cho quảng cáo.

Trong khi chưa có những quy định mới bổ sung, thì nên chăng cần áp dụng một số điều khoản trong các Nghị định hay Luật Điện ảnh về phổ biến phim để tìm đường ra cho phim Nhà nước. Nghị định số 131/2022/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh, trong đó điều 9 nêu rõ: “Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.

Về lâu dài Nhà nước mà cụ thể là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Cục Điện ảnh phải đóng một vai trò lớn hơn. Thị phần thị trường phim ảnh không thể chỉ nằm phần lớn trong tay tư nhân, mà Nhà nước cũng nên phát triển một hệ thống rạp, chứ không thể chỉ trông cậy vào một Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Phim “Mai“. Ảnh: Nhà sản xuất
Phim “Mai“. Ảnh: Nhà sản xuất

Khán giả đại chúng cũng thích “Mai”

Thành công về mặt doanh thu của Trấn Thành đối với phim “Mai” và nhiều phim trước đây cho thấy, anh là một người rất giỏi nắm bắt đối tượng khán giả - khách hàng của mình để làm phim chiều khán giả chứ không phải chiều sở thích riêng; và anh đã làm rất tốt khâu marketing cho phim.

Xem “Mai” không phải bằng con mắt xem phim nghệ thuật mà xác định rõ là phim thương mại với mục đích thương mại, phục vụ nhu cầu giải trí của số đông. Phim “Mai” dễ xem, với sự tung hứng nhịp nhàng của Phương Anh Đào và Tuấn Trần, và có một cái kết phá đi sự nhàm chán, tạo ra một chút thương cảm, ngậm ngùi cho người xem về số phận của Mai. Thế là thành công vì không thể bắt phim Trấn Thành phải hay như là nhiều bộ phim giải trí của Hollywood vì ngoài kịch bản, còn cần bối cảnh, kinh phí và cả trình độ của người làm phim cũng như số đông khán giả. Phim Trấn Thành là phù hợp với thị hiếu khán giả đại chúng, nội dung đơn giản, dễ xem, dễ hiểu, đặt trong bối cảnh Việt Nam và có thể mang ra chiếu cho người Việt ở nước ngoài để tăng thêm doanh thu.

Quan điểm của Nhà nước Việt Nam về văn hóa từ trước đến nay luôn nhấn mạnh yếu tố “đại chúng”, kể từ “Đề cương văn hóa” ra đời năm 1943 cho đến "Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam". Theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thì điện ảnh được xem là một ngành mũi nhọn để tập trung phát triển vì có sẵn lợi thế và tiềm năng.

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thì ngành điện ảnh đạt doanh thu 250 triệu USD, tương đương hơn 6.000 tỉ đồng và các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% GDP cả nước. Như vậy doanh thu cao chứng tỏ phim hợp thị hiếu của đông đảo khán giả đại chúng và cũng là một nội dung của "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam". Và dòng phim tư nhân từ trước đến nay đáp ứng khá tốt yêu cầu về mặt doanh thu. Một loạt các nhà làm phim tư nhân như Trấn Thành, Lý Hải, Nhất Trung, Võ Thanh Hòa... với những phim gồm: “Bố già”, “Nhà bà Nữ”, “Mai”, series phim “Lật mặt”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Quỷ cẩu”... lập nên những con số doanh thu ấn tượng, cho thấy trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, điện ảnh không chỉ mang lại lợi nhuận cho cá nhân, mà còn là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Dòng thị trường tồn tại là có lý do của nó và bản thân sự tồn tại của nó đang nuôi sống ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam.

Nói như vậy để thấy dòng phim giải trí mang tính chất đại chúng, dành cho số đông khán giả vẫn là một dòng chủ lực trên thị trường phim ảnh Việt Nam. Còn muốn đi xa hơn nữa như một bộ phim giải trí vẫn có thể mang tính nghệ thuật kiểu “Titanic” hay hoàn toàn dùng công nghệ để chinh phục khán giả kiểu như phim “Avatar” thì điện ảnh Việt Nam hiện nay rõ ràng không thể đạt tới tầm đó, dù nguồn cảm hứng sáng tạo cho những phim mang tính “bom tấn” có đầy rẫy trong lịch sử Việt Nam. Chỉ có điều nếu bằng lòng với hiện tại và vẫn mãi như vậy thì cũng có nghĩa là để cho điện ảnh Việt Nam đứng chân tại chỗ.

Chỗ đứng của dòng phim nghệ thuật, độc lập

Điện ảnh Việt Nam rõ ràng còn rất nhiều điểm yếu. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà rất khó có câu trả lời: Điện ảnh Việt Nam ở đâu trên bản đồ điện ảnh thế giới? Đã có những tác phẩm gì tiếp cận với điện ảnh thế giới? Đã có những hoạt động nổi bật gì để giao lưu quốc tế? Các thế hệ nghệ sĩ, đạo diễn có những ai vươn tới tầm ngôi sao bên ngoài lãnh thổ Việt Nam? Và điều quan trọng nhất, đâu là bản sắc điện ảnh Việt Nam? Điện ảnh Việt Nam sẽ phát triển như thế nào nếu quanh năm suốt tháng vẫn chỉ là sản xuất những bộ phim giải trí tầm trung với thị hiếu của khán giả Việt? Bù đắp vào những điểm yếu đó, không chỉ là dòng phim chính luận do nhà nước đặt hàng, mà còn cần chú trọng phát triển dòng phim độc lập, nghệ thuật.

Dòng phim nghệ thuật, độc lập ở Việt Nam khá kén người xem, song đây lại là dòng phim không chỉ cho thấy sự đam mê, tài năng sáng tạo của người làm nghề, mà còn có khả năng tiếp cận với trình độ điện ảnh thế giới. Một số giải thưởng quốc tế gần đây của phim Việt Nam như: “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải Khinh khí cầu Vàng tại Liên hoan phim Ba châu lục tại Nantes (Pháp) năm 2022, “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân giành giải Camera Vàng (Camera D’or) dành cho Phim đầu tay xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2023..., đã cho thấy vị thế và thành công của dòng phim nghệ thuật, độc lập.

Sự phát triển của dòng phim này rất đáng được khuyến khích. Tuy nhiên, cũng vì yếu tố nghệ thuật, độc lập, nên việc tránh những yếu tố nhạy cảm, quá đà, mang tính tiêu cực về xã hội và con người Việt Nam, cần phải được chú ý. Thực tế trước đây cũng đã có một số tác phẩm phim độc lập vướng phải những điều này, tạo ra những lùm xùm trong dư luận.

Điện ảnh là công việc sáng tạo đặc thù, là thành quả của rất nhiều người, hướng đến lượng công chúng đông đảo bậc nhất trong các loại hình nghệ thuật. Một nền điện ảnh mang tính toàn diện, đa dạng và phong phú với nhiều dòng phim, nhiều thể loại phim, có sự phát triển cân bằng để có những bộ phim hay, có chất lượng nghệ thuật, có doanh thu cao, là điều mà những người làm điện ảnh Việt Nam đang hướng tới. Trong nỗ lực làm nghề, không thể không quan tâm đến sự cân đối giữa vai trò quản lý đúng đắn của Nhà nước với sự phát triển của tư nhân trong thị trường điện ảnh, để cho nền điện ảnh Việt Nam thật sự khởi sắc.

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Để điện ảnh Việt Nam ngày càng đậm nét trên bản đồ thế giới

Việt Văn |

Với chiến lược công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh, nền điện ảnh Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời công nghệ số, nhất là khi Luật Điện ảnh năm 2022 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006 - tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, việc tham gia và tổ chức các Liên hoan phim quốc tế, và tổ chức các Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài, đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ.

Tham vọng của điện ảnh Việt Nam và giấc mơ giữa muôn trùng khó khăn

Hào Hoa |

“Giữa muôn trùng vây” hay “Thập diện mai phục” vốn là tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhưng cụm từ này đang trở nên thích hợp để diễn tả muôn vàn khó khăn, bộn bề của điện ảnh Việt khi được xác định là một trong 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp hóa văn hóa.

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam cần những ưu đãi về thuế, thành lập Quỹ Điện ảnh...

TRẦN Việt (lược thuật) |

Ngày 23.11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23, Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) nhằm tạo diễn đàn để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính… cùng chia sẻ thông tin, đánh giá, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh trong những năm tới.

Chung cư không sổ hồng ở Hà Nội rao bán vẫn lãi gần 1,5 tỉ đồng

Thu Giang |

Nguồn cung thiếu hụt đã khiến phân khúc căn hộ chung cư tại TP Hà Nội dù chưa có sổ hồng vẫn tăng giá, lãi hàng tỉ đồng sau vài năm sử dụng.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới năm 2024

Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn |

Từ ngày 1 – 2.3 (theo giờ địa phương), Hội nghị Hội đồng Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) lần thứ hai đã diễn ra tại Sao Paolo, Brazil. Đoàn đại biểu cấp cao của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch WFTU làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị.

Sườn đồi nứt toác, người dân nơm nớp lo sạt lở nhưng không muốn di dời

Đinh Đại |

Yên Bái - Dù sườn đồi phía sau nhà bị nứt toác, có thể sạt lở bất cứ lúc nào nhưng nhiều hộ dân ở thôn Trung Tâm, xã Yên Thành, huyện Yên Bình vẫn không di dời do chưa thống nhất được phương án tái định cư.

Thêm hàng trăm thợ xây tố cáo Giám đốc Công ty Hưng Phát cắt liên lạc, nợ lương

Nhóm PV Tây Bắc |

Hoà Bình - Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH Thương mại và Phát triển xây dựng Hưng Phát (Công ty Hưng Phát) “xù” lương hơn 100 người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Báo Lao Động tiếp tục nhận được tố cáo của 14 nhóm thợ xây (khoảng 200 người) về hành vi có dấu hiệu lừa đảo, chậm trả tiền công nhân của doanh nghiệp này.

Hình ảnh đường hơn 700 tỉ đồng nối 2 quận ở Hà Nội trước một tháng thông xe

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Đường Lê Quang Đạo kéo dài đang gấp rút hoàn thành để thông xe vào tháng 4, tăng tính kết nối giữa quận Nam Từ Liêm với Hà Đông, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cho khu vực.

Để điện ảnh Việt Nam ngày càng đậm nét trên bản đồ thế giới

Việt Văn |

Với chiến lược công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh, nền điện ảnh Việt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong thời công nghệ số, nhất là khi Luật Điện ảnh năm 2022 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006 - tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, việc tham gia và tổ chức các Liên hoan phim quốc tế, và tổ chức các Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài, đã góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ.

Tham vọng của điện ảnh Việt Nam và giấc mơ giữa muôn trùng khó khăn

Hào Hoa |

“Giữa muôn trùng vây” hay “Thập diện mai phục” vốn là tên một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, nhưng cụm từ này đang trở nên thích hợp để diễn tả muôn vàn khó khăn, bộn bề của điện ảnh Việt khi được xác định là một trong 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp hóa văn hóa.

Công nghiệp điện ảnh Việt Nam cần những ưu đãi về thuế, thành lập Quỹ Điện ảnh...

TRẦN Việt (lược thuật) |

Ngày 23.11, trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23, Hội thảo “Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam” được tổ chức tại Đà Lạt (Lâm Đồng) nhằm tạo diễn đàn để các nghệ sĩ điện ảnh, nhà sản xuất, nhà quản lý, người làm chính sách, các doanh nghiệp, các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ điện ảnh, truyền thông, tài chính… cùng chia sẻ thông tin, đánh giá, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển công nghiệp điện ảnh trong những năm tới.