Điểm mặt những vụ vượt ngục điên rồ nhất thế giới

Hương Giang |

Sẽ ra sao khi gom hàng ngàn con người về sống chung tại một khu vực cách ly, trong khi họ rất nhiều thời gian rảnh, cơ hội sáng tạo và đầy rẫy những nỗi tuyệt vọng? Câu trả lời là những vụ vượt ngục không thể tin nổi.

Cuộc đào tẩu vĩ đại

Bất chấp thực tế rằng Công ước Geneva về đối xử với tù binh chiến tranh đã biến nhà tù Salag Luft III của phát xít Đức thành một chốn giống như khách sạn 5 sao trong thời Thế chiến thứ hai, tù nhân người Anh Roger Bushell vẫn cảm thấy rằng ông phải trốn khỏi nơi này.

Ông và 49 tù nhân khác đã lên kế hoạch đào ba đường hầm, có biệt danh Tom, Dick và Harry, nhằm ra khỏi Salag Luft III - nơi được sinh ra để khiến những kẻ âm mưu đào hầm phải nản chí, bởi nó có nền đất pha cát vàng không phù hợp cho việc xây hầm, bên cạnh việc được trang bị các micro ghi nhận chấn động nằm dọc theo hàng rào của nhà tù. Chỉ cần một tù nhân cắm xẻng xuống vùng đất gần hàng rào, tín hiệu báo động sẽ lập tức được chuyển tới ban quản lý nhà tù và tất cả những kẻ âm mưu đào tẩu sẽ bị trừng trị.

Điều này khiến cho cả đội quyết định thử nghiệm một phương pháp đào hầm mới. Theo đó, họ đào những cái hố sâu tới 10 mét xuống lòng đất để tránh bị micro thu chấn động phát hiện. Từ đây họ đào các đường hầm xuyên qua những bức tường của nhà tù. Các tù nhân thậm chí đã tạo ra một hệ thống đường ray đặc biệt, giúp việc đào hầm nhanh hơn.

Họ thắp sáng đường hầm bằng những bóng đèn Giáng sinh, với nguồn điện lấy thẳng từ lưới điện của nhà tù. Những tù nhân khéo tay còn tạo ra một hệ thống thông gió làm từ những món đồ vụn vặt mà người ta khó có thể hình dung: Các thanh dát giường, gậy hockey, vợt bóng bàn và những chiếc hộp đựng sữa bột được đục thủng hai đầu rồi cán phẳng.

Khi có tin đồn xuất hiện rằng một số tù nhân sẽ bị chuyển đi các nhà tù khác, nhóm đã tăng tốc độ đào. Điều này đã thu hút sự chú ý từ những viên sĩ quan cai ngục và họ sớm phát hiện đường hầm Tom. Ngay trước khi đường hầm Harry hoàn tất, một số tù nhân chịu trách nhiệm đào hầm chính đã bị chuyển đi một nhà tù mới hơn nên không bao giờ có cơ hội đào tẩu.

Nhưng những người ở lại vẫn tiếp tục đào hầm. Trong một đêm không trăng của tháng 3.1944, cuối cùng họ đã có thể ra đầu bên kia của nhà tù. Cả nhóm đã đưa tổng cộng 76 người chạy trốn thành công và chỉ tới khi tù nhân thứ 77 tìm cách đào tẩu, các cai ngục mới biết có chuyện đã xảy ra.

Sau khi kiểm tra lại, các cai ngục không khỏi choáng váng trước số lượng vật dụng được nhóm tù nhân lén lút sử dụng để phục vụ cuộc đào tẩu của họ. Tổng cộng đã có 90 chiếc giường biến mất, trở thành một phần của các hệ thống thông khí. Đi cùng với chúng là 4.000 thanh gỗ dát giường, 52 chiếc bàn, 34 chiếc ghế, 10 chiếc bàn dài, 76 chiếc ghế dài, 1.219 con dao, 478 cái thìa, 582 cái dĩa, 69 ngọn đèn dầu, 246 can đựng nước, 30 cái xẻng, gần 500m dây điện, 3.424 cái khăn tắm, 1.700 cái chăn và hơn 1.400 hộp sữa. Hãy nhớ rằng các tù nhân đã có thể lấy tất cả những thứ này khi ở trong tù.

Đáng tiếc là cuộc đào tẩu vĩ đại này đã có cái kết rất đáng buồn. Gần như mọi tù nhân đều bị bắt lại. Họ hoặc bị giết ngay, hoặc bị tống vào các nhà tù an ninh cao hơn.

Trốn tù “sang chảnh”

Sinh ra tại vùng Montpellier của Pháp, Pascal Payet đã dành cả tuổi thơ sống tại Lyon trước khi chuyển tới Marseille. Cuộc đời của Payet gắn liền cùng những lần va vấp với pháp luật. Năm 1988, gã từng bị kết án vì tội tấn công người khác. Năm 1993, gã tiếp tục bị bắt vì âm mưu phạm tội.

Đỉnh điểm là vào ngày 20.11.1997, khi Payet tham gia một cuộc tấn công nhằm vào một chiếc xe chở tiền của ngân hàng Banque de France ở vùng Salon-de-Provence, khiến một bảo vệ có mặt trên chiếc xe thiệt mạng. Payet bị bắt cùng Éric Alboreo ở Paris vào tháng 1.1999.

Gã bị giam giữ trong thời gian chờ xét xử tại một nhà tù nằm trong làng Luynes của Pháp. Đây là một nhà tù an ninh cao, cực kỳ khó tiến hành vượt ngục, nhưng nó lại có một nhược điểm về thiết kế: Một khoảng không mở rộng ở trên đầu và Payet biết cách để lợi dụng kẽ hở này.

Ngày 12.10.2001, Payet đã tẩu thoát, bằng cách lên chiếc trực thăng do nhân vật có tên Frédéric Impocco điều khiển đậu xuống nhà tù. Chỉ 6 ngày sau, Impocco bị bắt và đưa về Paris để thẩm vấn. Về phần mình, Payet đã bốc hơi không để lại một dấu vết nào. Nhưng gã sống trong im lặng không lâu.

Dựa vào kinh nghiệm có được từ vụ đào tẩu của mình, ngày 14.4.2003, Payet đã tổ chức một cuộc đào tẩu thứ hai bằng trực thăng tại chính nhà tù Luynes. Lần này Payet đưa trực thăng tới để giải cứu các đồng bọn Franck Perletto, Michel Valero và Éric Alboreo, những kẻ bị bắt cùng gã vào năm 1999. Cả bọn bị tóm lại chỉ 3 tuần sau khi đào tẩu thành công.

Tháng 1.2005, Payet bị tuyên phạt 30 năm tù giam vì tội giết người do có liên quan tới vụ đánh cướp chiếc xe chở tiền ở Salon-de-Provence. Tháng 1.2007, Payet thừa nhận tổ chức vụ đào tẩu hồi năm 2003 và bị tuyên phạt thêm 7 năm tù giam. Gã cũng bị tuyên phạt thêm 6 năm tù giam nữa vì lên kế hoạch đào tẩu cho chính mình hồi năm 2001.

Tới tháng 7 năm đó, Payet đã trở thành một trong những tù nhân bị để ý kỹ nhất tại Pháp và không bao giờ ở lại nhà tù nào quá 6 tháng. Người ta xếp Payet vào diện “tăng cường giám sát” và nhốt gã trong một phòng biệt giam Nhưng tất cả các biện pháp đề phòng này vẫn không thể ngăn gã tổ chức một vụ đào tẩu thứ ba, vẫn bằng trực thăng.

Ngày 14.7.2007, lợi dụng nước Pháp đang tổ chức mừng ngày độc lập, 4 người đàn ông đã đánh cướp một chiếc trực thăng từ sân bay Cannes - Mandelieu. Tiếp đó chúng dùng chiếc máy bay này để giải cứu Payet khỏi một nhà tù ở vùng Grasse.

Sau khi bay khỏi nhà tù, chiếc trực thăng hạ cánh ở Brignoles, cách vùng Toulon 38km. Payet và các đồng phạm bỏ trốn khỏi hiện trường và bị truy nã trên toàn cõi Châu Âu hai ngày sau đó.

Phải tới ngày 21.9.2007, nhà chức trách mới bắt lại được Payet, khi gã đang ung dung nghỉ dưỡng tại thị trấn ngoại ô Mataró của Tây Ban Nha. Gã được giải về Pháp vào ngày 4.10 cùng hai đồng phạm đã thực hiện vụ đào tẩu là Alain Armato và Farid Ouassou. Sau đó gã bị tống giam tại một nhà tù bí mật, vì “lý do an ninh”.

Trong ngày 25.7.2008, tòa án Pháp tiếp tục tuyên phạt Payet thêm 15 năm tù, không có cơ hội phóng thích sớm, do trốn tù nhiều lần. Cho tới nay, chưa có ai vượt qua kỷ lục trốn tù đặc biệt này của gã.

Tình yêu của mẹ

Jay Junior Sigler là một phạm nhân thụ án 20 năm tù giam, vì tội tiến hành cướp có vũ trang, ở nhà tù Everglades của Mỹ. Tháng 4.1998, gã đang thụ án trong năm thứ 8 liên tiếp thì được mẹ đẻ cùng vài người bạn ghé thăm, theo cách thức hết sức đặc biệt.

Giữa ban ngày ban mặt, các bạn của Sigler là John Beaston cùng Christopher Michelson và Kelly Mitchell đã lái một chiếc xe tải 18 bánh hạng nặng đâm xuyên qua 4 lớp tường và rào bảo vệ, vào tận phần sân của nhà tù. Theo sau rất sát chiếc xe này là một chiếc Cutlass Supreme do chính bà Sandra Sigler, mẹ đẻ của Jay, cầm lái.

Khi Jay chạy tới chiếc xe tải phá tường rào, Beaston đã ném cho gã một khẩu súng săn. Cùng nhau, chúng nã đạn liên tiếp về phía các quản giáo đang đổ tới. Tiếp đó cả bọn nhảy lên chiếc Cutlass của bà Sandra, hệt như một lũ trẻ vừa tan lớp học võ, và chuồn khỏi nhà tù.

Chiếc xe tới một điểm đổ xăng ở địa phương thì dừng lại để lấy thêm xe. Jay và Michelson đi trên một chiếc xe, trong khi bà Sandra Sigler, Beaston và Mitchell đi trên xe còn lại. Jay và Michelson đã đi tới bãi biển Pompano Beach, cách nhà tù chừng 60km, khi chúng nhận ra mình đang bị theo dõi.

Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm tẩu thoát, chúng đã đi vào một con đường ngách hẹp và khi lao ra đầu bên kia, chúng đã lao thẳng vào một chiếc xe đi ngược chiều và khiến nạn nhân 50 tuổi chết tại chỗ.

Michelson, kẻ mới ra tù gần đây, bị bắt giữ và khởi tố với tội danh giết người nghiêm trọng cùng Jay Sigler. Về phần Sandra, bà ta cùng các đồng phạm bị bắt tại một trạm xăng cách nhà tù chỉ vài cây số sau khi đổi xe.

“Theo thông tin chúng tôi thu được, bà mẹ là chủ mưu và lên kế hoạch cho mọi thứ”, thanh tra Rudy Espinosa của cơ quan cảnh sát Miami cho biết ngay sau khi bắt những kẻ liên quan tới vụ vượt ngục. Thực tế thì không phải vậy, bởi Jay Sigler đã lên kế hoạch đào tẩu trước đó 4 tháng. Sandra chỉ lo một chi tiết “be bé” trong vụ này, đó là sắp xếp để một chiếc xe tải hạng nặng đâm thủng bốn lớp tường rào của nhà tù.

Như một trò đùa

Ngày 13.12.2000, 7 phạm nhân gồm nhiều tử tù tại nhà tù John Connally ở quận Karnes, Texas, đã tiến hành một cuộc đào tẩu thông qua việc kết hợp khéo léo giữa sức mạnh và một kế hoạch hoàn hảo. Vụ đào tẩu bắt đầu khi phạm nhân George Angel Rivas thuyết phục viên quản giáo phụ trách hoạt động bảo trì là Patrick Moczygemba cho phép gã và một số bạn tù không ăn trưa để có thời gian đánh bóng sàn căn phòng bảo trì.

Cả bọn lừa Moczygemba đi vào nhà kho và ngay khi tới đây, Rivas đánh lạc hướng nạn nhân bằng cách hét lớn: “Ê! Nhìn về phía này mà xem!”. Theo phản xạ, Moczygemba quay đầu về phía Rivas và lập tức ăn trọn một cú đánh bằng cán rìu vào đầu. Các phạm nhân dùng một con dao tự chế để đe dọa Moczygemba, lột trần quần áo, trói ông rồi quẳng vào một căn phòng điều khiển điện.

Từ đây trở đi, các sự kiện của vụ đào tẩu đã diễn ra như một trò đùa, với đầy những lỗi khôi hài do các quản giáo phạm phải. Các quản giáo lần lượt tiến vào căn phòng bảo trì và lần nào họ cũng bị đánh lạc hướng bằng câu: “Ê! Nhìn về phía này mà xem!”.

Ngay khi xoay mặt sang hướng có tiếng nói, họ liền nhận một cú đấm vào mặt, cùng lời đe dọa sẽ bị đâm chết. Tổng cộng nhóm phạm nhân đã khống chế được 9 giám sát, 4 quản giáo và 3 phạm nhân vô tình đi vào căn phòng bảo trì, theo cùng một cách thức giăng bẫy duy nhất, vô cùng đơn giản.

Thông qua việc đóng giả một trong nhiều giám sát viên để thực hiện ba cuộc gọi điện thoại khác nhau, các phạm nhân không chỉ vượt qua một trong 12 cuộc điểm danh diễn ra thường nhật trong nhà tù mà còn vào được căn phòng điều khiển cổng ra vào nhà tù, dưới vỏ bọc các kỹ thuật viên lắp đặt màn hình giám sát. Viên cảnh sát bảo vệ căn phòng đã không nghi ngờ, ngăn chặn hoặc chất vấn bất kỳ “kỹ thuật viên” nào.

Khi vào được phòng điều khiển, các phạm nhân tiếp tục tung chiêu đánh lừa và khống chế viên cảnh sát, để có quyền vào tháp sóng vô tuyến của nhà tù. Tại tòa tháp, tử tù Randy Ethan Halprin đã vớ được một khẩu súng côn nằm trên bàn và sau khi khua nó lên dọa dẫm trước mặt một viên cảnh sát bảo vệ, gã đã có thể mở cổng nhà tù.

Viên cảnh sát thậm chí sợ hãi tới mức còn chỉ cho cả bọn về một kho vũ khí nằm ngay dưới chân tòa tháp. Có vũ khí, xe cộ lấy được từ nhà tù, nhóm Texas 7 cao chạy xa bay, qua đó châm ngòi cho cuộc săn lùng lớn nhất lịch sử Mỹ.

Đầu tiên nhóm Texas 7 chạy tới San Antonio. Nhưng sau khi nhận ra mình đang cạn tiền, chúng đã tiến hành đánh cướp cửa hàng Radio Shack ở Pearland, Texas. Ngày 19.12, 4 thành viên trong nhóm đi cướp cửa hàng bán đồ thể thao Oshman’s Sporting Goods ở Irving. Chúng khống chế, trói người ở trong cửa hàng và lấy đi ít nhất 40 khẩu súng, bên cạnh vô số đạn dược.

Một nhân viên của cửa hàng may mắn thoát khỏi cuộc tấn công đã báo với cảnh sát. Tuy nhiên một viên cảnh sát ở Irving tới hiện trường trước những người khác đã bị nhóm này phục kích bắn 11 phát đạn vào người và tử vong.

Phải tới khi chương trình America’s Most Wanted phát sóng về nhóm Texas 7, nhà chức trách mới lần ra rồi tóm được chúng vào tháng 1.2001, nhờ tin báo của người dân.

Đi ra trong khói lửa hoành tráng

Antonio Ferrara giống như diễn viên điển hình trong một bộ phim găngxtơ kinh điển: Gã là thành viên băng cướp ngân hàng chuyên nghiệp có biệt danh “Dream Team,” vốn bị Interpol gọi là “băng đảng nguy hiểm nhất châu Âu”. Gã cực kỳ nổi tiếng trong thế giới ngầm của Pháp, bởi tài năng tạo ra một hỗn hợp chất nổ đủ mạnh để thổi bay cánh cửa bảo vệ của mọi két sắt, nhưng không làm hư hại số tiền ở bên trong. Ở tuổi 29, gã bị tuyên phạt 8 năm tù giam do thực hiện hai vụ cướp ngân hàng. Gã cũng bị nghi ngờ đã tham gia vào ít nhất 15 vụ khác.

Sau 5 năm thụ án tù, Ferrara quyết định sẽ không bóc lịch thêm nữa và sẽ tẩu thoát bằng thuốc nổ, thứ gã giỏi nhất. Vào 4 giờ 30 sáng ngày 12.3.2003, 6 người đàn ông đã lái xe tới cổng trước của nhà tù Fresnes trong bộ dạng của những viên cảnh sát Pháp. Điều khác biệt duy nhất là tất cả đều đeo mặt nạ. Một số trong nhóm cầm súng AK-47 bắn về phía hai tháp canh nằm gần cổng, thu hút sự chú ý để số còn lại dùng súng chống tăng bắn tung cổng trước.

Trong khi tất cả những chuyện này diễn ra, Ferrara điềm tĩnh dùng một chút thuốc nổ dẻo phá bung cánh cửa phòng giam của gã. Người ta tin một quản giáo đã đưa thuốc nổ cho Ferrara. Thoát khỏi phòng giam, gã hội ngộ với đồng bọn trong băng là Michael Bay, kẻ đi vào bên trong sau khi cánh cửa nhà tù bị phá, rồi cả bọn tẩu thoát. Tất cả mọi chuyện diễn ra trong vòng vỏn vẹn 10 phút.

Sau 4 tháng tự do (và trở thành kẻ bị săn lùng gắt gao nhất nước Pháp) Ferrara sa lưới trong một chiến dịch đặc biệt của cảnh sát, khi đang ở trong một quán bar tại Paris. Có tin nói lúc mặt đối mặt với viên cảnh sát chìm chịu trách nhiệm thực hiện lệnh bắt, Ferrara chỉ thốt ra một câu duy nhất: “Lại là ông à?”.

Vượt biển tới tự do

Mỗi khi nghĩ tới hai chữ vượt ngục, người ta thường nghĩ tới Alcatraz và đây là điều không gây ngạc nhiên. Nhà tù an ninh tối cao này được bao quanh bởi làn nước lạnh giá của Thái Bình Dương, với mỗi phòng giam được kiểm tra 12 lần một ngày, chuyên giam giữ những chuyên gia vượt ngục như Frank Morris.

Frank và các bạn tù Allen West, Clarence Anglin, John Anglin thấy rằng có một con đường nhỏ dùng để chạy thiết bị điện nước, thông gió nằm dưới các phòng giam của chúng và không có ai canh gác khu vực này. Con đường này có chứa một ống thông khí dẫn tới các phòng giam và phần mái của nhà tù. Để vào được ống thông khí, West đã ăn trộm các mũi khoan, một động cơ máy hút bụi và dùng chúng để chế ra một chiếc khoan.

Bằng thiết bị này, chúng khoan nhiều lỗ nằm sát nhau quanh ô thông khí nằm trong phòng giam. Chúng dùng chính chiếc nắp đậy ô thông khí để che đi các lỗ khoan. Sau một thời gian, cả một mảng tường nằm trong ô thông khí đã bị thủng và các phạm nhân có thể chui xuống con đường nhỏ nằm dưới phòng giam.

Tiếp đó, anh em nhà Anglin được giao nhiệm vụ dùng giấy bồi để làm giả những cái đầu người, có tóc thật lấy từ phòng cắt tóc của nhà tù. Nhóm cũng nhờ các bạn tù lấy trộm hơn 50 chiếc áo mưa cá nhân và dùng keo dính chúng với nhau để tạo ra một chiếc xuồng bơm hơi dài 1m8 x 4m. Morris thậm chí còn chỉnh sửa một chiếc kèn accordion, biến nó thành bơm hơi làm phồng xuồng.

Ngày 11.6.1962, sau 2 năm lên kế hoạch, Morris quyết định rằng đã tới lúc để vượt ngục. Allen West, do bận bịu với việc làm thiết bị cứu sinh và mái chèo, đã chưa khoan thủng lỗ thông khí nằm trong buồng giam của gã. Morris không buồn quan tâm tới điều này nên vẫn tiếp tục tiến hành đào tẩu. Gã cùng anh em nhà Anglin để những cái đầu người giả trên giường và chui qua lỗ thông khí bị khoan thủng vào con đường nhỏ. Tiếp đó, chúng leo theo 10m ống dẫn nước để lên phần mái nhà tù, trước khi tiếp tục leo xuống tự do bằng đoạn ống nước dài gần 20 mét.

Trong một cuộc thẩm vấn sau đó, West khai rằng toàn bộ kế hoạch sẽ bao gồm việc chèo thuyền tới đảo Angel nằm kế đó, rồi lợi dụng thủy triều để vào bờ, nơi mỗi phạm nhân sẽ đi một hướng khác nhau. Không ai có thể biết rõ Morris và anh em nhà Anglin có thể thực hiện kế hoạch và đào tẩu thành công hay không.

Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng chúng đã tẩu thoát thành công. Vì sao lại thế? Bởi trước đó đã có không ít kẻ tìm cách trốn khỏi Alcatraz và xác chúng thường được phát hiện rất nhanh. Nhưng do thi thể của Morris và anh em nhà Anglin không bao giờ được tìm thấy, người ta tin chúng đang an hưởng cuộc sống mới ở nơi nào đó trên đất Mỹ.

Hương Giang
TIN LIÊN QUAN

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng, tập trung phát triển đường bộ cao tốc

Đặng Tiến |

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đặt mục tiêu giải ngân 94.161 tỉ đồng năm 2023, tập trung phát triển đường bộ cao tốc và nhiệm kỳ sau tập trung phát triển đường sắt tốc độ cao.