Dịch SARS và người hùng vĩ đại của dịch tễ học hiện đại

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Câu chuyện đầy cảm động về sự hy sinh của bác sĩ Carlo Urbani sau khi nhiễm bệnh trong đại dịch SARS đã được TS Y khoa Michael T.Osterholm và nhà làm phim tài liệu từng đạt giải Emmy Mark Olshaker kể lại trong cuốn "Dịch bệnh - Kẻ thù nguy hiểm nhất" (ETS - NXB Dân trí). Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

1. Vào cuối tháng Ba năm 2003, Johnny Chen, một doanh nhân người Mỹ 47 tuổi, khỏe mạnh tại Thượng Hải, đang trên đường trở về Singapore từ Hồng Kông thì đổ bệnh với triệu chứng sốt cao và khó thở. Chuyến bay đã chuyển hướng đến Hà Nội, ông được đưa đến bệnh viện Việt Pháp.

Cùng lúc đó, bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới, đồng thời là chủ tịch chi nhánh tại Ý của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, đang làm việc cho WHO tại bệnh viện Việt-Pháp. Ông được đồng nghiệp đánh giá cao nhờ những nỗ lực trong công cuộc đấu tranh với bệnh lưu hành tại Việt Nam và Campuchia. Khi tổ chức Bác sĩ Không Biên giới được trao giải Nobel Hòa bình năm 1999, bác sĩ Urbani là một trong những người lên nhận giải trước sự có mặt của vua Na Uy trong buổi lễ ngày 12 tháng Mười cùng năm - kỷ niệm ngày mất của Alfred Nobel. Urbani quyết định dùng một phần tiền thưởng để thành lập một quỹ với mục tiêu đem lại những loại thuốc thiết yếu cho người nghèo trên thế giới.

Mặc cho những suy đoán của các bác sĩ khác - cúm là một trong các khả năng hàng đầu được nghĩ đến - Urbani nhận ra rằng Chen không mắc bệnh cúm bình thường, bởi vì tình trạng của ông ta không trở nên nghiêm trọng cho đến một tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng sốt và tiêu chảy. Urbani điều trị cho Chen bằng tất cả những biện pháp sẵn có tại một bệnh viện hiện đại được trang bị đầy đủ. Nhưng khi không điều gì mang lại tác dụng, bác sĩ Urbani nhận ra rằng căn bệnh này không giống với bất cứ thứ gì ông từng được chứng kiến trong sự nghiệp của mình.

Sau bảy ngày thở máy, Johnny Chen được chuyển đến Hồng Kông. Dù đã nhận được chăm sóc khẩn cấp hàng đầu, ông qua đời vào ngày 13 tháng Ba. Quay trở lại Hà Nội, Urbani nhận ra nỗi sợ tồi tệ nhất của mình: Các bệnh nhân khác tại bệnh viện, sau đó là các nhân viên y tế, đều xuất hiện triệu chứng bệnh tương tự. Chen đã lây bệnh cho ít nhất 38 người khác. Urbani đã liên hệ với trụ sở của WHO tại Geneva rồi cho phong tỏa bệnh viện nhằm ngăn chặn tác nhân gây bệnh truyền nhiễm bí ẩn, bất kể nó là gì.

Câu chuyện thực sự bắt đầu từ những tháng trước, với một căn bệnh có vẻ như một loại cúm nghiêm trọng bất thường tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc - một khởi đầu quá đỗi bình thường của chủng cúm hằng năm. Tháng Mười một năm 2002, tiến sĩ Klaus Stöhr, quản lý chương trình cúm của WHO đã tham gia cuộc họp định kỳ tại Bắc Kinh về chương trình tiêm chủng tại Trung Quốc. Ông được một nhân viên y tế tại Quảng Đông thông báo rằng tại khu vực của anh ta gần Hồng Kông đã có một số ca tử vong do một loại virus cúm gây bệnh nghiêm trọng. Đây là thời điểm trong năm mà những người chịu trách nhiệm điều tra cúm đang cảnh giác cao với sự xuất hiện của chủng cúm mới tại Trung Quốc cũng như khu vực Viễn Đông - nơi tập trung đông đúc nhất những người có tiếp xúc gần với số lượng khổng lồ lợn, gia cầm, cũng như thủy cầm như vịt và ngỗng. Các loài chim là ổ chứa tự nhiên của virus cúm. Vào ngày 10 tháng Hai năm 2003, ProMED (Program for Monitoring Emerging disease - Chương trình Giám sát Bệnh Mới nổi) đã đăng tải câu hỏi sau của bác sĩ Stephan Cunnion: Đã có ai nghe nói gì về dịch bệnh ở Quảng Đông chưa? Người quen của tôi ở một phòng chat của giáo viên đang sống ở đó thông báo rằng các bệnh viện đã đóng cửa và liên tiếp có người tử vong.

2. Trong vòng sáu tháng kế tiếp, các hoạt động của ProMED về vụ bùng phát này đóng vài trò then chốt trong việc giúp thế giới hiểu, xác định và kiểm soát mầm bệnh mới trên người. Klaus Stöhr đã đem mẫu virus mà ông có được từ chuyến đi Trung Quốc vào tháng Mười về Geneva, và khi các phân tích chỉ ra nó là một loại cúm thường, mọi người đã hạ thấp cảnh giác. Dẫu vậy, đến tháng Hai năm 2003, những ca viêm phổi nghiêm trọng đã xuất hiện ở các khu vực xung quanh Hồng Kông. Vào thời điểm này, các mẫu máu và nước bọt đều không cho thấy dấu hiệu của cúm. “Chúng tôi ngừng băn khoăn và bắt đầu lo lắng", tiến sĩ Stöhr cho biết.

Đó là lúc một số chuyên gia y tế công cộng giàu kinh nghiệm khác trên thế giới được lấy ý kiến về hiện tượng đang xảy ra. Chúng tôi nhớ rằng những cuộc họp từ xa, với sự tham gia của các thành viên đến từ Hồng Kông, Đông Nam Á, trụ sở WHO tại Geneva, CDC tại Atlanta, NIH tại Bethesda, Trung tâm chỉ huy sự cố thuộc HHS tại Washington, đã diễn ra hằng ngày. Khi được nghe chi tiết về cách căn bệnh không tên này bùng phát giữa một cộng đồng không phòng bị, tôi liền nghĩ đến câu thơ: “Bình minh bừng lên như tiếng sấm, rọi khắp Vịnh biển từ Trung Hoa!” của Rudyard Kipling. Vụ bùng phát này thực sự là không khác gì tiếng sấm từ Trung Quốc đến Hồng Kông và Việt Nam.

Mặc dù dường như có đến hàng trăm người tham gia các cuộc họp từ xa do WHO tổ chức, tôi vẫn bị ấn tượng trước cách Stöhr và tiến sĩ David Heymann, một người Mỹ, khi đó đang là giám đốc điều hành Chương trình Bệnh truyền nhiễm tại WHO, điều phối tất cả các hoạt động điều tra quốc tế. Vào những ngày đầu của vụ dịch, “trạng thái không được biết đến” của nguyên nhân gây bệnh rõ ràng đã làm dấy lên lo ngại. Nỗ lực của Heymann trong việc khiến các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới làm việc một cách thống nhất là một trong những thời khắc tuyệt vời nhất của WHO.

Chúng tôi còn nhớ lúc nghe thấy tiếng Carlo Urbani trong một cuộc họp từ xa. Ông không nói nhiều, nhưng mỗi lần phát biểu đều có vẻ không khỏe. Urbani đã đổ bệnh khi trên đường tới tham dự một cuộc họp y khoa tại Bangkok và được nhập viện ngay khi đến nơi. Trong những ngày đầu nằm viện, ông vẫn có thể tham gia cuộc họp quốc tế từ xa của WHO từ phòng bệnh, nơi ông được cách ly. Rồi ông bắt đầu có những cơn ho đáng lo ngại và dần dần trở nên tồi tệ. Do phạm vi của cuộc họp, những tiếng ho ấy có thể được nghe thấy trên toàn thế giới. Khi hồi tưởng lại, chúng tôi nhận ra đó là một trong những lời cảnh báo sống động nhất rằng căn bệnh này cần được đánh giá một cách cực kỳ nghiêm túc. Ngày 29 tháng Ba năm 2003, Urbani ra đi ở tuổi 47 sau 18 ngày được chăm sóc đặc biệt tại một bệnh viện ở Bangkok. Khi cận kề cái chết, bên cạnh mong muốn có một linh mục thực hiện những nghi lễ cuối cùng, Urbani còn yêu cầu lưu giữ các mẫu mô phổi của ông để phục vụ phân tích khoa học. Tôi hy vọng Carlo Urbani sẽ luôn được nhớ đến như một người hùng vĩ đại của dịch tễ học hiện đại - người với sứ mệnh cao cả đã hy sinh mạng sống của bản thân để chăm sóc cho những người khác và cảnh báo thế giới về hiểm họa sắp xảy ra.

3. Sự chậm trễ trong báo cáo của Trung Quốc đã khiến thế giới lỡ mất cơ hội cực kỳ quan trọng để ngăn chặn căn bệnh từ sớm. Quốc gia này sau đó đã gửi lời xin lỗi tới WHO.

Các công tác điều tra dịch bệnh chỉ ra rằng căn bệnh bí ẩn đã lặng lẽ thâm nhập vào Hồng Kông từ ngày 21 tháng Ba, khi bác sĩ Liu Jianlun, 64 tuổi, đi từ Quảng Đông đến Hồng Kông dự một đám cưới. Ông từng điều trị cho các bệnh nhân mắc viêm phổi nặng không điển hình tại Quảng Đông. Ông lưu trú tại phòng 911 khách sạn Metropole, chỉ cách phòng của Johnny Chen một hành lang. Ngày hôm sau, ông cảm thấy ốm nặng đến mức phải tìm đến hỗ trợ y tế từ Khoa Cấp cứu thuộc bệnh viện Kwong Wah, sau đó ông được nhập viện và nằm tại Khoa Chăm sóc tích cực. Đến lúc các nhà chức trách y tế tại Hồng Kông nhận ra họ đang đối mặt với một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới, căn bệnh đã lan tới Singapore và Việt Nam, nơi nó được phát hiện đồng thời cảnh báo từ Urbani.

Đến ngày 25 tháng Hai, người em rể 53 tuổi của bác sĩ Liu cũng xuất hiện triệu chứng. Ông được đưa vào bệnh viện Kwong Wah ngày 1 tháng Ba. Liu tử vong tại bệnh viện ngày 4 tháng Ba, tiếp theo là em rể ông ngày 19 tháng Ba. Cũng trong ngày hôm đó, một thương nhân từng đến Quảng Đông đã bay từ Hồng Kông trở về nhà tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc), mang theo dịch bệnh đến hòn đảo ấy. Tổng kết lại, khoảng 80% các ca bệnh ở Hồng Kông bắt nguồn từ bác sĩ Liu, bao gồm 16 bệnh nhân tại khách sạn Metropole.

Không ai biết được căn bệnh kinh khủng này là gì cũng như nó sẽ tấn công nơi nào tiếp theo. Câu trả lời xuất hiện không lâu sau đó. Vào ngày 5 tháng Ba, Sui chu Kwan, 78 tuổi, tử vong tại nhà ở Toronto, Canada do suy hô hấp. Cũng như Johnny Chen, bà đã ở khách sạn Metropole trong cùng thời gian với bác sĩ Liu. Hai ngày sau, con trai của bà, Chi Kwai Tse được các nhân viên y tế đưa tới bệnh viện Scarborough Grace với triệu chứng khó thở nghiêm trọng. Anh ta qua đời sáu ngày sau đó.

Như tờ Globe and Mail tại Toronto đã đưa tin, một giám sát viên dịch vụ cấp cứu tên là Bruce Englund đã đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện Scarborough Grace vào cùng đêm Chi được đưa đến bệnh viện sau khi nhận được cuộc gọi đầy lo lắng từ các thành viên đội cấp cứu về trường hợp ấy. Englund đã nhiễm virus tại đó. May thay, ông đã sống sót, nhưng mười năm sau ông vẫn phải chịu các di chứng như mệt mỏi kinh niên và các vấn đề về hô hấp. Lúc đó không ai biết rằng việc đưa Chi đến bệnh viện sẽ làm bùng phát SARS tại mạng lưới các bệnh viện thuộc khu vực Toronto, nơi virus sẽ trải qua đến sáu thế hệ. Vào ngày 12 tháng Ba, WHO công bố cảnh báo toàn cầu, mô tả một chứng bệnh viêm phổi không điển hình, với đặc điểm là “hội chứng hô hấp cấp tính nguy hiểm không rõ nguyên nhân”. Đến ngày 16 tháng Ba, cách giải thích triệu chứng ấy đã trở thành tên chính thức cho căn bệnh: Hội chứng suy hô cấp cấp nghiêm trọng (Severe Acute Respiratory Syndrome) viết tắt là SARS. Hai ngày trước đó, các quan chức y tế tại Vancouver, British Columbia, đã xác định được một người đàn ông 55 tuổi mắc SARS và cũng đã từng ở tại khách sạn Metropole. Người này được cứu sống, và SARS không bùng phát tại bờ biển phía tây Canada như ở Toronto.

4. Đến tháng Tư, CDC và Phòng Xét nghiệm Vi sinh Quốc gia Canada đã xác định virus gây ra SARS là một loại coronavirus chưa từng được biết đến. Sở dĩ có tên như vậy bởi dưới kính hiển vi điện tử, khi chưa xâm nhập vào tế bào, các protein trên bề mặt virus nhô ra như hình vương miện (corona nghĩa là vương miện). Đến tháng Năm, người ta đã phát hiện hai ổ chứa chính của căn bệnh là cầy vòi mốc và chồn lửng, có nguồn gốc từ vùng Quảng Đông và được bán làm thực phẩm tại các khu chợ địa phương. Vậy sự lây truyền sang người của SARS có thể cũng tương tự như Ebola khi người địa phương tại vùng Trung Tây Châu Phi ăn thịt thú rừng nhiễm bệnh. Các nghiên cứu bổ sung cho thấy cầy vòi và chồn lửng có khả năng cao đã nhiễm virus từ loài dơi tại một thời điểm nào đó nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi vụ bùng phát xảy ra.

Điều đáng báo động vào lúc này là SARS, một căn bệnh không có vaccine hay phương pháp điều trị đặc hiệu, có khả năng sẽ tồn tại lâu dài trong cộng đồng như HIV, hoặc trở thành một mối nguy theo mùa như cúm. Nỗi sợ lan tràn khắp khu vực, một số điều dưỡng lựa chọn bỏ việc thay vì chăm sóc cho các bệnh nhân SARS, gợi lại phản ứng lúc đầu của một số nhân viên bệnh viện với các bệnh nhân AIDS. Tiêu đề đăng trên trang nhất của tờ The Toronto Star ngày 24 tháng Ba đã viết như sau: “Mầm bệnh bí ấn khiến các phòng cấp cứu đóng cửa”. Do có quá ít thông tin nên truyền thông chính thức thường mơ hồ và mâu thuẫn. Việc trao đổi thông tin

giữa các quan chức và nhân viên tuyến đầu không được hệ thống hóa và đôi khi còn không được thực hiện. Vào ngày 2 tháng Tư, WHO chính thức khuyến cáo không di chuyển đến Quảng Đông hoặc Hồng Kông trừ khi cực kỳ cần thiết. Vào ngày 23 tháng Tư, Toronto cũng được đưa vào danh sách khuyến cáo.

Điều cuối cùng đã ngăn chặn được sự lây lan không phải là y học hiện đại, bởi không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho SARS. Thay vào đó là việc triển khai các biện pháp kiểm soát lây nhiễm hoàn hảo, bao gồm cách ly bệnh nhân và bắt buộc các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, sau đó theo dõi chặt chẽ cả nhân viên y tế và những người tiếp xúc trong cộng đồng. Những người có các triệu chứng sớm của SARS sẽ được cách ly ngay lập tức. Đến giữa tháng Năm, dịch bệnh dường như đã thoái lui và Ontario dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Chỉ vài ngày sau, các bệnh viện lại bắt đầu quá tải các bệnh nhân mắc bệnh. Những nỗ lực ngăn chặn căn bệnh một lần nữa trở lại toàn lực, và phải mất thêm năm tuần SARS mới thực sự được kiểm soát tại Toronto.

5. Có lẽ bí ẩn y khoa lớn nhất của vụ bùng phát SARS là tại sao một số người như bác sĩ Liu cũng như ông Chen có thể lây bệnh cho rất nhiều người họ tiếp xúc, thậm chí chỉ tình cờ gặp mặt, trong khi những người bệnh khác lại hiếm khi lây cho người xung quanh. Bởi những lý do chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn hiểu hết, một số cá nhân nhất định khi nhiễm coronavirus sẽ trở thành những người “siêu lây nhiễm”.

Trong thế giới bệnh truyền nhiễm của lĩnh vực y tế công cộng, chúng tôi lo lắng nhất về các bệnh có tỉ lệ tử vong cao và có khả năng lây truyền hiệu quả qua đường hô hấp - nói cách khác, một căn bệnh chết người mà bạn có thể mắc phải chỉ bằng việc hít thở chung bầu không khí với người hoặc động vật mắc bệnh. Với hầu hết các bệnh truyền nhiễm, khả năng một người truyền bệnh cho người khác được gọi là hệ số lây nhiễm, hay Ro. Hệ số này có xu hướng tương đối đồng nhất giữa các ca mắc cùng một loại bệnh khi những người tiếp xúc của họ đều dễ bị ảnh hưởng, tức là đều cùng chưa được tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh từ trước. Ví dụ, hệ số Ro điển hình của bệnh sởi, một căn bệnh có khả năng lây truyền qua hô hấp cao, là từ 18 đến 20. Như vậy, mỗi ca bệnh sẽ truyền virus cho trung bình từ 18 đến 20 người tiếp xúc dễ bị ảnh hưởng. Đối với virus bại liệt lây qua đường phân-miệng, hệ số Ro thường có giá trị từ 4 đến 7. Các ca “siêu lây nhiễm” phá bỏ quy luật của hệ số Ro. Họ truyền bệnh cho nhiều người tiếp xúc hơn những người khác mang cùng mầm bệnh. Chúng ta vẫn chưa rõ lý do tại sao các ca siêu lây nhiễm có thể truyền bệnh cho nhiều người đến vậy. Điều chúng ta biết là họ có thể khiến nhiễm coronavirus trở thành một tình thế vô cùng đáng sợ. Những ca siêu lây nhiễm không có điểm đặc trưng; họ không nhất thiết phải là người ốm, người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi hay đang mang thai - những tình trạng thường liên hệ với việc dễ dàng lan truyền bệnh.

Tổng kết lại, SARS khiến 44 người chết tại Canada trong tổng số 438 người có thể đã mắc bệnh. Trên toàn cầu, con số tử vong là 916 người - 11% tổng số người nhiễm. Đây là tỉ lệ tử vong khá kinh hoàng đối với một căn bệnh truyền nhiễm có khả năng lan tràn ra toàn cầu. Thiệt hại ước tính về ngành du lịch của Toronto là khoảng 350 triệu đô la, thêm vào đó là tổn thất 380 triệu đô la trong lĩnh vực bán lẻ. Ngân hàng Thế giới ước tính dịch SARS đã gây thiệt hại 54 tỉ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Phần lớn con số này không đến từ chi phí chăm sóc trực tiếp, mà do những “hành vi ác cảm” của công chúng. Tiến sĩ Anne Schuchat, Phó giám đốc thường trực của CDC đã nói: “Công cụ duy nhất có thể sử dụng để kiểm soát SARS chính là thứ chúng ta đã có sẵn trong tay hàng trăm năm.” Dù vậy, hai hoạt động rất khác biệt dựa trên nền tảng y tế công cộng đã đóng vai trò bổ trợ rất quan trọng trong việc chặn đứng vụ bùng phát của SARS: Thứ nhất, loại bỏ nguồn lây từ động vật ở Trung Quốc, và thứ hai, kiểm soát lây nhiễm hiệu quả. Khi cầy vòi và chồn lửng được xác định là nguồn có khả năng lây truyền virus cho con người, chúng ngay lập tức bị loại bỏ khỏi thị trường Đông Nam Á và mọi người được cảnh báo không ăn thịt hay tiếp xúc với chúng. Điều này, trên một số phương diện, chính là “tháo bỏ tay cầm vòi bơm”, tương tự điều bác sĩ John Snow đã làm với vòi bơm nước phố Broad tại London gây ra dịch tả chết người hàng loạt năm 1854.Với việc không có thêm ca bệnh nào ở người xảy ra do phơi nhiễm với động vật, tất cả những gì còn phải làm là kiểm soát truyền nhiễm tại các bệnh viện và theo dõi chặt chẽ người tiếp xúc trong cộng đồng để tránh lây nhiễm từ người sang người. Nếu một người tiếp xúc xuất hiện bất cứ dấu hiệu sớm nào tương tự với triệu chứng của SARS, ngay lập tức họ sẽ được cách ly. Mặc dù việc đó khó thực hiện hơn dự đoán, đặc biệt đối với những ca siêu lây nhiễm, sự lây truyền từ người sang người đã được ngăn chặn và các biện pháp kiểm soát y tế công cộng cuối cùng cũng thành công. Đến mùa hè năm 2003, SARS đã được dập tắt trên toàn cầu.

6. Nhưng tiến sĩ Peter Daszak, nhà sinh thái học đồng thời là chủ tịch của EcoHealth Alliance (Liên minh Sức khỏe Sinh thái), một tổ chức quốc tế với mục đích đổi mới khoa học bảo tồn, kết nối sinh thái với sức khỏe con người và sinh vật hoang dã, đã cho biết: "SARS vẫn sống khỏe mạnh tại Trung Quốc, và vẫn sẵn sàng cho vụ bùng phát tiếp theo".

Hai nghiên cứu sau đó đã ủng hộ cho kết luận trên. Mẫu xét nghiệm loài dơi ở Trung Quốc và Đài Loan được phát hiện có mang một loại coronavirus gần như tương đồng về mặt di truyền với virus SARS, và bất cứ ngày nào đó trong tương lai, loại virus này có thể truyền sang một loài động vật khác có tiếp xúc gần gũi với con người. Điều này đã xảy ra ở các tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào các năm 2002 và 2003 có thể lại tái diễn nếu một trong các loại virus ở dơi lây cho con người thông qua, khả năng cao nhất là, một động vật nhiễm bệnh khác. Chúng ta không được phép, dù chỉ một chốc lát, tin rằng SARS đã biến mất vĩnh viễn.

Một khi chúng ta đã hiểu được lịch sử tự nhiên của SARS và coronavirus trong tự nhiên cùng với việc dơi có khả năng là một ổ chứa, sẽ chẳng có lý do hợp lý nào để cho rằng việc tiêu diệt cầy vòi và chồn lửng sẽ ngăn được thiên nhiên giáng thêm vài loại coronavirus về phía chúng ta.

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

WHO hạ cấp 3 biến thể SARS-CoV-2

Hải Anh |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hạ cấp 3 biến thể SARS-CoV-2 xuống biến thể đang theo dõi sau khi sự lưu hành của những biến thể này đã bị các biến thể khác, chủ yếu là biến thể Delta, ngăn chặn.

Nam Phi phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới nguy hiểm "đột biến nhiều nhất"

Hải Anh |

Biến thể SARS-CoV-2 mới phát hiện ở Nam Phi được xem là "đột biến nhiều nhất cho tới nay", lây nhiễm mạnh hơn đồng thời có thể né vaccine.

Khả năng miễn dịch kỳ lạ của một số người với SARS-CoV-2

Quốc Hùng (dịch) |

Ngay trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã nhận ra rằng có những người thuộc nhóm mà virus "không thể chạm tới". Họ là những người dường như miễn nhiễm với COVID-19 dù làm việc trong "vùng đỏ", hoặc cả gia đình bị bệnh nhưng họ thì không.

Nghiên cứu sốc về khả năng thay hình đổi dạng của SARS-CoV-2

Thanh Hà |

Virus SARS-CoV-2 có khả năng thay đổi hình dạng để cải thiện khả năng sống sót, một nghiên cứu ở Singapore chỉ ra.

Hai phát hiện đột phá về khả năng miễn dịch SARS-CoV-2

Hải Anh |

Hai nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện miễn dịch virus SARS-CoV-2 có thể kéo dài ít nhất một năm, thậm chí cả đời và sẽ cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau tiêm chủng.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

WHO hạ cấp 3 biến thể SARS-CoV-2

Hải Anh |

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hạ cấp 3 biến thể SARS-CoV-2 xuống biến thể đang theo dõi sau khi sự lưu hành của những biến thể này đã bị các biến thể khác, chủ yếu là biến thể Delta, ngăn chặn.

Nam Phi phát hiện biến thể SARS-CoV-2 mới nguy hiểm "đột biến nhiều nhất"

Hải Anh |

Biến thể SARS-CoV-2 mới phát hiện ở Nam Phi được xem là "đột biến nhiều nhất cho tới nay", lây nhiễm mạnh hơn đồng thời có thể né vaccine.

Khả năng miễn dịch kỳ lạ của một số người với SARS-CoV-2

Quốc Hùng (dịch) |

Ngay trong những tháng đầu tiên của đại dịch COVID-19, các nhà khoa học đã nhận ra rằng có những người thuộc nhóm mà virus "không thể chạm tới". Họ là những người dường như miễn nhiễm với COVID-19 dù làm việc trong "vùng đỏ", hoặc cả gia đình bị bệnh nhưng họ thì không.

Nghiên cứu sốc về khả năng thay hình đổi dạng của SARS-CoV-2

Thanh Hà |

Virus SARS-CoV-2 có khả năng thay đổi hình dạng để cải thiện khả năng sống sót, một nghiên cứu ở Singapore chỉ ra.

Hai phát hiện đột phá về khả năng miễn dịch SARS-CoV-2

Hải Anh |

Hai nghiên cứu mới của Mỹ phát hiện miễn dịch virus SARS-CoV-2 có thể kéo dài ít nhất một năm, thậm chí cả đời và sẽ cải thiện theo thời gian, đặc biệt là sau tiêm chủng.