Đi tìm ông Whitman “Lá cỏ”

tuyền linh |

“Bài hát chính tôi” (Song of myself) - bài thơ tiêu biểu trong tập “Lá cỏ” của Walt Whitman - nhà thơ lớn của nước Mỹ - đọc “vô thức” hoàn toàn bằng tiếng Anh, hiểu một phần hay không thể/cần/thèm hiểu, để nghe những con chữ cựa quậy, đan cài, xê dịch, cuồng nhiệt, cuồn cuộn tuôn trào... Là hưởng thụ niềm vui lắng nghe những con chữ của Whitman xô đập vào mình.

“Bài hát chính tôi” (Song of myself) - đọc “hữu thức” theo lối song ngữ Anh - Việt, rồi từ tốn tra cứu, thấy rằng hình như “Lá cỏ” như một... cọng chỉ mềm dẫn mình tới sự biết thêm về nước Mỹ. Ngày đầu tiên khi tới New York, tôi vội chạy tìm dấu vết Whitman trên những con đường, qua những ngôi nhà xưa.

1. Tới SoHo - khu của dân “nghệ” san sát những cửa hàng ở Hạ Manhattan, ngôi nhà đầu tiên tôi tìm đến là 155 ở phố cổ Mercer - một chốn quan trọng trong đời thơ của Whitman.

Nơi đây, tháng 12.1855, “tay nhà thơ phóng túng của New York”, một người Brooklyn tiêu biểu, ở tuổi 36 uống ly bia với nhà thơ, triết gia đầu tiên của nước Mỹ - Ralph Waldo Emerson khi đó ở tuổi 55 - mừng tập thơ “Lá cỏ” ấn bản lần đầu, với 12 bài. Whitman nặng nợ ân tình sâu sắc Emerson. Con mắt xanh của Emerson nhìn ra, ủng hộ nhiệt thành tài thơ của Whitman từ những ngày đầu tiên: “Tôi chào mừng anh đang bắt đầu sự nghiệp lớn”.

“Bà tìm gì? Tôi có thể có thể giúp được gì?” - anh bảo vệ da đen lịch sự hỏi tôi. “Tôi tìm nhà Walt Whitman từng đến”. “Walt Whitman là ai? Nhà này đang sửa chữa, sẽ là cửa hiệu của Dolce & Gabbana. Nhà cổ đấy, hơn 150 tuổi. Ở đây không có ông Whitman nào cả”. Tôi bật cười: “Whitman là nhà thơ, nhà báo Mỹ, sinh 31.5.1819, chết 26.3.1892”. “Nhà thơ á? Tôi không biết đâu”.

Thật đáng ngạc nhiên, sao Whitman lại chọn trụ sở của Trạm cứu hỏa làm nơi ra mắt Emerson, tuy tòa nhà kiến trúc thật đẹp? Năm ngoái, 2016, nhà 155 được bán lại với giá hơn 90 triệu USD, kế bên nhà là cửa hàng của “soái ca” thời trang - Marc Jakob.

Tôi loanh quanh trước cửa nhà 155 vài phút và tưởng tượng 162 năm trước, giữa những người lính cứu hỏa cao lớn đẹp trai, Whitman mắt sáng rỡ, cụng ly bia với thần tượng của mình, hào sảng đọc thơ.

Nhà 155 phố cổ Mercer- Soho, New York, nơi 1855 Walt Whitman gặp R.W.Emerson. Ảnh: Thùy Ân
Nhà 155 phố cổ Mercer- Soho, New York, nơi 1855 Walt Whitman gặp R.W.Emerson. Ảnh: Thùy Ân

Rồi chúng tôi tới đại lộ Broadway - một trong mười đại lộ hoa lệ nhất hành tinh, nằm theo trục Bắc Nam New York, dài những 21km. Nơi đây có cả chục căn nhà, nhất là trong khoảng từ số 643 - 677 Whitman thường ghé chân qua, “tụ bạ” với bạn bè, đọc thơ, chia sẻ.

Tôi tìm nhà 308. Tới lui một hồi trong gió rét, mới biết, 308 Broadway nay đã thành một phần Quảng trường Liên bang, số 26.

Nhà 308 Broadway, nay là một phần Quảng trường liên bang. Ảnh: Thùy Ân
Nhà 308 Broadway, nay là một phần Quảng trường liên bang. Ảnh: Thùy Ân

Nhà 308 từng có Phòng nghiên cứu Não tướng học của anh em Lorenzo Fowler (Foerler & Well’s Phrenological Cabinet). Whitman rất hứng thú với môn nghiên cứu hộp sọ trong... tướng mệnh vì tin rằng, não, sọ người cho biết tất cả mọi điều về cá tính con người. Nhà 308 được coi như là nơi ấn hành bản đầu tập “Lá cỏ” với bìa xanh lá cây, chữ mạ vàng, mầm cỏ mạ vàng, ra mắt ngày 4.7.1855.

Whitman bỏ tiền túi in thơ của mình. Tập thơ ra mắt, ngay lập tức bị nhiều nhà thơ, phê bình đương thời phê phán bởi sự “tục tĩu, thô lậu; thơ không niêm luật, không vần, không điệu, công khai ca ngợi tình dục, thể xác...”.

Tôi nghĩ, các nhà thơ, phê bình cùng thời Whitman cáu sườn cũng phải, trước Whitman, có tay nhà thơ nào vừa chạm vào Nàng Thơ đã dám ngang xương viết những câu kiêu hãnh, tự tin đầy cái “tôi” nhưng cũng đầy “chúng ta” như thế này không: “Tôi ca tụng chính mình, và hát chính mình/ Điều tôi tin nhận lãnh thì anh cũng tin và nhận lãnh/ Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về anh/ Tôi đi nhởn nhơ và mời mọc hồn mình/ Tôi nghiêng mình thong dong quan sát một ngọn cỏ mùa hè sắc nhọn...”.1*

Thời gian qua đi, “Lá cỏ” - tác phẩm duy nhất của Whitman được coi là “Kinh Thánh của thơ ca Mỹ”, “bài thơ lớn của nước Mỹ”, “đánh dấu sự ra đời của một nền văn học Mỹ mang nặng bản sắc dân tộc”, “Whitman là người có ảnh hưởng lớn nhất tới thơ Mỹ suốt một thế kỷ...”.

Rồi từ Công viên Tòa Thị chính, chúng tôi ra cầu Brooklyn bắc ngang sông Đông. Gió lộng, nắng cuối thu tươi vàng. Ghế sắt hoa uyển chuyển trên cầu, chúng tôi khẽ ngồi bên chàng trai say sưa viết lên trang sổ. Chàng tên David, sinh viên, mơ ước trở thành nhà thơ.

“David, máy tính đâu, sao lại viết tay?” “Mỗi khi cần thanh lọc cái đầu mình, tôi lại viết tay. Mỗi khi cần thanh lọc hồn mình, tôi lại ra cầu Booklyn, viết ra những điều mình nghĩ”.

Hàng trăm khách bộ hành đi ngang David, ngắm chàng, chàng vẫn say sưa viết, những câu rất nhiều chữ “tôi”: “Tôi thấy, tôi cảm thấy, tôi là, tôi không là...”.

Và tôi tưởng tượng, có thể Whitman, người tự tả mình: “Walt Whitman, một vũ trụ, con của đảo Manhattan/ Ngỗ ngược, đẫy đà, thích khoái lạc, thích ăn, nhậu, và trò truyền giống/ Không đa sầu, đa cảm, không đứng trên đàn ông hay đàn bà, hoặc tách khỏi họ/ Không phách lối mà cũng chẳng quá khiêm nhường”2* cũng sẽ đến bên David, ngồi lặng im ngắm chàng trai trẻ lia bút.

Cầu Brooklyn là cầu dây văng đầu tiên của thế giới, từng dài nhất Bắc Mỹ (487,7m) nối Hạ Manhattan và Brooklyn - hai nơi quan trọng trong đời Whitman, được xây trong 14 năm, từ 1869 - 1883.

Trước khi xảy ra Cuộc Nội chiến (1861-1865), năm 1856, Whitman viết bài “Qua phà Brooklyn” (Crossing Brooklyn Ferry). Người ta bình thơ, rằng, viết về những chuyến phà xuôi ngược, lớp lớp sóng xô, Whitman ẩn dụ về những chuyển động trong tâm mình, về những gắn kết giữa mình với người New York, rộng hơn là với độc giả, hay bất kỳ ai...

Về nhà, tra cứu tư liệu, tôi biết thêm, 22 năm nay, hàng năm thường vào tháng 6, nhân kỷ niệm ngày thành lập Poets House, các nhà thơ Mỹ đều tới cầu đọc thơ, tất nhiên, không thể thiếu bài thơ “Qua phà Booklyn”, người hâm mộ Whitman luôn tìm được những người vẻ ngoài giống ông nhất, lên trên cầu, đọc thơ.

Theo tour gợi ý của Hiệp hội các nhà thơ Hoa Kỳ, tới New York, tôi chỉ có thể đi tìm Whitman tới vậy. Đi, cảm nhận niềm vui êm ả, rồi giật mình nhớ lại những vần thơ của ông: “Tôi di sản chính mình cho đất để mọc lên từ đám cỏ tôi yêu/ Muốn thấy lại tôi hãy tìm tôi dưới đế giày của bạn”*3.

Và “Không gặp được tôi ngay xin đừng nản chí/ Hụt mất tôi nơi này, hãy tìm kiếm nơi kia/ Tôi dừng chân đâu đó đợi bạn kìa”*4.

2. Trong chương trình văn học ở một số trường đại học nước ta, cùng với tác phẩm của một số nhà văn thơ Mỹ, thơ của Whitman đã được đưa vào. Tôi được biết, tại miền Bắc, thơ Whitman lần đầu được dịch, giới thiệu trân trọng và được đón nhận là vào những năm cuộc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt - những năm bảy mươi thế kỷ 20.

Nhà thơ Mỹ tương lai trên cầu Brooklyn. Ảnh: Thùy Ân
Nhà thơ Mỹ tương lai trên cầu Brooklyn. Ảnh: Thùy Ân

Năm 1981, NXB Văn học ấn hành tuyển tập “Lá cỏ” qua bản dịch của dịch giả Vũ Cận và Đào Xuân Quý.

Năm 2015, NXB Hội nhà văn ấn hành bản dịch “Bài hát chính tôi” do nhà thơ Hoàng Hưng chuyển ngữ.

So sánh giữa các bản dịch, thơ Whitman trong tiếng Việt “qua tay” nhà thơ Hoàng Hưng, như tôi thấy, vẫn mãnh liệt hơn... Ngoài ra, những lời chú giải của Hoàng Hưng cung cấp khá nhiều kiến thức, có thể gợi ở người đọc niềm hứng thú tìm hiểu về nước Mỹ, người Mỹ...

1*, 3*, 4*: Bản dịch của Hoàng Hưng

2*: Bản dịch của Vũ Cận

tuyền linh
TIN LIÊN QUAN

Khám phá núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ ở Sapa

VĂN HÀO |

Đến Sapa không thể bỏ qua ngọn núi được đánh giá là đẹp nhất Tây Bắc có tên là Ngũ Chỉ Sơn. 

Gent lãng mạn và yên bình

việt văn |

Đến thăm Bỉ, một đất nước nhỏ bé và xinh đẹp nổi tiếng yên bình với những tòa lâu đài cổ hàng trăm năm mà không thăm Gent là cả một điều đáng tiếc. May mắn là tôi có mặt ở đây cả tuần để thăm thú và khám phá. 

Cái Mơn - Không chỉ là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ

Lục Tùng |

Theo bia đá còn lưu lại, Nhà thờ Cái Mơn tiên khởi vào năm 1702. Với mốc thời gian này, Cái Mơn được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam Kỳ. Tuy nhiên đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhà thờ cổ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Khám phá núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ ở Sapa

VĂN HÀO |

Đến Sapa không thể bỏ qua ngọn núi được đánh giá là đẹp nhất Tây Bắc có tên là Ngũ Chỉ Sơn. 

Gent lãng mạn và yên bình

việt văn |

Đến thăm Bỉ, một đất nước nhỏ bé và xinh đẹp nổi tiếng yên bình với những tòa lâu đài cổ hàng trăm năm mà không thăm Gent là cả một điều đáng tiếc. May mắn là tôi có mặt ở đây cả tuần để thăm thú và khám phá. 

Cái Mơn - Không chỉ là nhà thờ cổ nhất xứ Nam kỳ

Lục Tùng |

Theo bia đá còn lưu lại, Nhà thờ Cái Mơn tiên khởi vào năm 1702. Với mốc thời gian này, Cái Mơn được xem là nhà thờ cổ nhất xứ Nam Kỳ. Tuy nhiên đến đây, du khách không chỉ được ngắm nhà thờ cổ.