Đi tìm mộ Thánh mẫu Tăng Thị Loan

Ghi chép Nguyễn Năng Lực |

Gần một nghìn năm nay, câu chuyện về cuộc trả thù tàn khốc của một người con vẫn còn lưu truyền trong chính sử cũng như huyền sử dân gian. Cả một vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, nay thuộc các quận, huyện Đống Đa, Cầu Giấy, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai... còn rất nhiều địa danh, chứng tích gắn với câu chuyện Pháp sư Từ Đạo Hạnh, tức Đức Thánh Láng, một vị cao tăng đắc đạo đã dày công tu luyện để trả thù cho cha và làm nên một vùng văn hóa đặc sắc.

1. Theo các sách Đại  Việt  sử  ký  toàn  thư, Thiền  uyển  tập  anh ngữ  lục và Lĩnh  Nam chích quái thì Từ Đạo Hạnh (? - 1117) thuộc thế hệ thứ 12 của Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, cùng với Thiền sư Minh Không (thế hệ  thứ 9 dòng Vô Ngôn  Thông) và sư Giác Hải (thế hệ thứ 10 dòng Vô Ngôn Thông), là những thiền sư  nổi tiếng  trong  lịch  sử  Phật giáo dưới triều Lý.

Đạo Hạnh họ Từ, tên Lộ, là một trong những nhân vật có lai lịch, công tích tương đối rõ ràng còn ghi trong sử. Cha tên là Vinh theo học đạo Phật, làm chức Đô sát ngạch Tăng quan đời Lý. Từ Vinh thường đến chơi làng An Lãng, lấy người con gái họ Tăng tên Loan, dựng nhà ở xóm Nam làng ấy rồi sinh ra Từ Lộ. Cô gái họ Tăng ngày ngày cần mẫn trồng rau, dệt vải, hầu hạ chồng làm quan trong triều, nuôi nấng, dạy bảo người con trai khôi ngô dĩnh ngộ. Sau này, người dân lập một ngôi đền trên nền nhà cũ, đặt tên chữ “Đản Thánh Cơ Từ” để thờ Tăng quan Đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Tương truyền khi hậu thân của Từ Đạo Hạnh lên làm vua Lý Thần Tông thì đền trở thành chùa, “Đản Cơ Tự”, tên khác là "Cổ Sơn Tự". Dân gian gọi nôm na là “chùa Nền” vì “Đản Thánh Cơ” có nghĩa là “Nền sinh ra Thánh”.

Theo thạc sĩ Đỗ Danh Huấn (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), làng Đồng Bụt, huyện Quốc Oai mới là nơi sinh và nguyên quán của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Truyện rằng, một đêm nằm ngủ, bà Tăng Thị Loan mộng thấy một chùm hoa sen đỏ mọc ở bên tay trái, rồi từ đó thụ thai. Mộng thấy sự lạ thường, Tăng thị đi tìm nơi linh địa để sinh, đi tới khu Vườn Nở thuộc thôn Ngọc Phúc, thấy chỗ đất hay, sơn thuỷ hữu tình, long tàng quy ẩn, cách chùa Đồng Bụt ngày nay khoảng 500m, bèn ở lại rồi sinh Đức thánh Từ Đạo Hạnh. Làng Đồng Bụt xưa thuộc xã Phục Lạp, tổng Lạp Thượng, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai.

Mộ Thánh mẫu đang chờ hoàn thiện.
Mộ Thánh mẫu đang chờ hoàn thiện.

Từ Đạo Hạnh có khí cốt tiên phật, lúc còn trẻ hay chơi bời phóng túng, nhưng có chí lớn, hành tung ít người lường biết. Đạo Hạnh thường kết bạn với một nhà nho tên là Phi Sinh, một đạo sĩ tên là Lê Toàn Nghĩa và một người đàn hát tên là Phan Ất, đêm thì chăm đọc sách, ngày thì đánh cầu, thổi sáo, đánh bạc làm vui, thường bị cha mắng là đồ dông dài. Một đêm, cha lẻn vào dòm trong buồng, thấy bên ngọn đèn, sách vở la liệt, Đạo Hạnh ngồi dựa án ngủ gật, tay vẫn cầm quyển sách. Biết con chăm học, từ đấy cha không lấy làm lo. Sau Đạo Hạnh thi khoa Bạch Liên, đỗ thứ nhất, nhưng không chịu ra làm quan.

Đô sát Từ Vinh do có hiềm khích, dùng diệu thuật xúc phạm đến Diên Thành Hầu, bị Pháp sư Đại Điên là môn khách của Diên Thành Hầu dùng phù yểm giết chết, quăng thây xuống sông Tô Lịch. Trôi đến cầu Tây Dương trước cửa nhà Diên Thành Hầu, cái thây dừng lại, đứng thẳng lên chỉ tay vào nhà Hầu, suốt ngày không chịu trôi đi. Hầu sợ chạy mách Đại Điên, Điên đến chỉ vào cái thây đọc bài kệ: “Tăng giận không đầy đêm sao? Vả sống là trường du hý. Chết mới thành đạo Bồ Đề”. Cái xác Từ Vinh lúc bấy giờ mới trôi đi, đến chỗ Hàm Rồng làng Nhân Mục Cựu thì dừng lại. Dân xã ấy thấy chuyện linh dị bèn xây lăng miếu, đúc tượng thờ, hằng năm kỵ vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch.

2. Sau khi chồng chết, bà Tăng Thị Loan mang con là Từ Lộ về tu tại chùa Ba  Lăng, xã Thượng An, nay là chùa Hoa Lăng, thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Bà chăm chỉ học kinh niệm Phật, quyên góp công đức thập phương tôn tạo cho ngôi chùa thêm khang trang tố hảo. Chùa Ba Lăng được xây vào thời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), cổng hướng về Quảng Phúc Môn của Kinh thành Thăng Long. Chùa được vua Lý Thần Tông (1128 - 1138), tương truyền là hậu thân của Đức thánh Láng Từ Đạo Hạnh, cho xây lại kiểu chữ "Công". Vua cho xuất tiền tôn tạo, tạc tượng phối thờ quan Đô sát Từ Vinh (cha), bà Tăng Thị Loan (mẹ) và chính Từ Đạo Hạnh. Chùa vốn rất nổi tiếng, xưa có câu “Nam thiên tích tự hiện Ba Lăng, nhất phương thắng cảnh, thiên cổ danh lam” (Nơi trời Nam có chùa Ba Lăng, thắng cảnh một phương, danh lam ngàn đời). Bà viên tịch tại đó, nhục thân táng tại khu vườn sau chùa. Ngày kỵ của bà đã đi vào ca dao Hà Nội:

“Tháng Giêng chính kỵ mồng mười

Hai làng phụng sự muôn đời khói nhang”.

Hằng năm, đến ngày giỗ Thánh 7 tháng 3 âm lịch, nhân dân mở hội Láng, rước Thánh từ chùa Láng qua sông Tô Lịch lên chùa Hoa Lăng thăm mẹ.

Từ Lộ bấy giờ đã trưởng thành, sau khi chôn cất mẹ bèn lên đường tầm sư học đạo, quyết trả thù cho cha. Một cuộc tỉ thí sinh tử diễn ra dữ dội bên bờ sông Tô Lịch. Cuối cùng, Từ Đạo Hạnh đã vụt chết Đại Điên tại gần ngôi chùa Duệ Tú (Quảng Khai Tự) là nơi Đại Điên trụ trì. Ngày nay, tại xóm Quan Hoa vẫn còn con ngõ nhỏ chạy từ trong làng ra bờ sông, nhiều người cao tuổi trong làng vẫn gọi là Ngõ Vụt.

Nhà tam bảo chùa Hoa Lăng.
Nhà tam bảo chùa Hoa Lăng.

Nhiều năm trước, người viết bài này có dịp đến vãng cảnh Chùa Hoa Lăng. Trải qua ngót nghìn năm với những biến cố thăng trầm thế sự, ngôi chùa cổ lúc bấy giờ đã nhuốm vẻ tiêu điều, mái ngói, sân chùa rêu phong u tịch. Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trầm mặc trong hiu quạnh. Ngôi chùa chính tàn tạ, từ những năm xa xưa thời phong kiến, không ai còn nhớ vào thời nào, người dân chuyển nhà hậu chùa Hoa Lăng về xóm Quan Hoa, cách chùa chính non cây số về phía hạ lưu sông Tô, dần dần nhà hậu phát triển thành ngôi chùa độc lập. Bây giờ, Chùa Quan Hoa lại trở nên khang trang hơn chùa mẹ, nhà sư trụ trì kiêm quản cả chùa Hoa Lăng. Sau ngày Thủ đô giải phóng, đã có thời chùa Hoa Lăng cổ kính trở thành trạm điều trị bệnh nhân lao phổi. Vòng ra sau chùa, hỏi thăm mấy người dân tá túc trong căn lều sơ sài tạm bợ, tôi được họ chỉ cho một mô đất thấp dưới gốc cây non, xung quanh xếp dăm viên gạch làm vầng, bên trên vứt chỏng chơ cái xô, cái chậu nhựa lấm đất, bảo rằng: Mộ Bà đấy. Chao ôi, hồn thu thảo ngót nghìn năm lúc hiện lúc ẩn vẫn sống trong tâm thức nhân gian mà nay chỉ còn vương trên nấm đất sơ sài thế ư?

Ngày 10.11.2009 (tức ngày 24 tháng 9 năm Kỷ Sửu), chính quyền và nhân dân, Phật tử thập phương công đức bắt đầu tôn tạo lại chùa, những mong ngôi chùa cổ linh thiêng trở thành địa chỉ giao lưu của nhân dân địa phương và Phật tử cả nước. Cho đến nay, việc tôn tạo chùa vẫn đang tiếp tục.

3. Mùa xuân năm nay, tôi lại đến thăm chùa Hoa Lăng. Cổng chùa cửa đóng then cài, tịnh không bóng người, nhưng cảnh chùa đã khang trang hơn trước với tam quan, gác chuông ngói mới. Cô hàng nước trước cổng chùa cho hay, chùa chỉ mở cửa vào ngày rằm, mồng một cho khách thập phương đến thắp hương, lễ Phật. Liên hệ với sư thầy Thích Đàm Nguyên - đệ tử của sư cụ Thích Đàm Đức - coi sóc chùa Quan Hoa, một lúc sau có một thanh niên đến mở cổng chùa mời tôi vào. Hỏi chuyện, được biết người thanh niên này là cháu nội cụ Trưởng Thung, một thầy cúng có tiếng ở làng Quan Hoa cách nay mấy chục năm. Vòng ra sau chùa, không còn thấy cảnh nhếch nhác lộn xộn, nền sân lát đá phẳng phiu, sát tường hậu cung là ngôi lăng mộ chưa hoàn thiện xong. Ngôi mộ xây bằng đá xi măng, chiều cao, chiều rộng khoảng hơn 1m, trên đỉnh tường hậu có hình long phù đắp nổi, trên bệ đã đặt sẵn bát hương. Điều ngạc nhiên là tấm bài vị mộ còn để trống.

Vì sao mà cơ sự lại dở dang thế?

Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa Đinh Trọng cho biết, công trình tôn tạo chùa Hoa Lăng bắt đầu từ năm 2009, đã hoàn thành nhiều hạng mục nhưng sau khi khảo sát, phát hiện gian tam bảo mối mọt nhiều, đã hư hỏng nặng, cần sửa chữa. Thế là phải dừng lại chờ kinh phí. Còn ông Đỗ Đình Cường - Bí thư Chi bộ, ủy viên Ban Quản lý di tích phường, Trưởng Tiểu ban Quản lí di thích xóm Quan Hoa - cho hay: Chùa Hoa Lăng đã tôn tạo xong nhiều hạng mục. Gác chuông tam quan đã xong, nhưng chưa có thang để trèo lên, thành ra quả chuông "Hoa Lăng tự chung" đúc từ thời Lê, sau được đúc lại vào thời Thành Thái vẫn treo trong tam bảo, chưa đưa lên gác chuông được. Ngôi mộ Thánh Mẫu cũng vì thế mà phải tạm ngừng hoàn thiện. Các cụ bô lão đang liên hệ với các nhà nghiên cứu để xin chữ khắc lên bài vị Thánh Mẫu. Việc này sẽ hoàn thành khi công trình trùng tu chùa hoàn tất.

Ông Cường cho biết thêm, có người cho rằng, mộ Bà là ở chùa Phượng Vũ, thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Tìm hiểu, được biết, địa phương này có lễ hội vào ngày 9, 10 tháng Giêng hàng năm với màn rước kiệu quay độc đáo, thu hút đông đảo người dân địa phương và các vùng miền khác đến dự. Hội làng là dịp để người dân Thọ Lộc nói riêng và xã Minh Khai nói chung tụ họp, cùng thành kính dâng lễ lên Thánh Từ Đạo Hạnh, cầu xin các vị thánh phù hộ cho cuộc sống nhân dân no đủ, bình an, tri ân Đức Thánh đã về đây dạy dân trồng cấy. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, những người dân trong vùng tin rằng, mộ Thánh Mẫu Tăng Thị Loan nằm tại phía sau chùa Hoa Lăng, vì đây là nơi bà tu hành và viên tịch. Vào những năm 80 thế kỉ trước, ông Đặng Huynh - Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm - đã mời nhà ngoại cảm về, xác định có mộ bà tại chùa Hoa Lăng.

Nhìn ngôi chùa cổ đang trong quá trình phục hưng còn ngổn ngang dang dở, thấy vui vì cổ sự, công đức tổ tiên không bị lãng quên. Bà mẹ vĩ đại sinh ra người con vĩ đại có ảnh hưởng sâu rộng trên một vùng văn hóa phía Tây Kinh thành và cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ, với những góc khuất còn cần được làm rõ về hành trạng và mối quan hệ của Ngài, với những pho tượng thờ đã nhiều trăm năm ở nhiều chùa tại nhiều địa phương cách xa nhau hàng trăm cây số: Chùa Láng, Chùa Thầy, Chùa Hoa Lăng, Chùa Phượng Vũ... giống hệt nhau về dung mạo và kích thước, vẫn sống trong tâm thức dân gian như sự truyền đời tiếp nối những giá trị văn hóa Việt.

Ghi chép Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.