Đi tìm hình tướng của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Ghi chép của HẢI AN |

Dù là gì, là hoàng thái tử, là bậc minh quân, là thái thượng hoàng, là thiền sư, là mây trắng nghìn năm thì Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn muôn thuở ung dung lạc đạo giữa Đời và Đạo, trở thành một hình tượng tiêu biểu độc đáo nhất trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng. Sự ung dung đó hiển thị rõ ràng trong từng hình tướng nhục thể của ngài mà lớp lớp hậu thế dày công tạc dựng.

LÝ TƯỞNG TRƯỢNG PHU CỦA HOÀNG ĐẾ TRẦN NHÂN TÔNG

Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử lỗi lạc của Việt Nam. Ông không những cùng dòng họ Trần lập nên những võ công hiển hách mà còn góp công lớn tạo dựng nên một triều đại thịnh trị kéo dài gần 2 thế kỷ, từ năm 1226 đến năm 1400.

Trần Nhân Tông tên huý là Trần Khâm, sinh ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ niên hiệu Thiệu Long năm thứ nhất (tức ngày 7.12.1258). Ngài là trưởng tử của vị vua thứ hai của nhà Trần là Trần Thánh Tông (tức Trần Hoảng). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi sinh ra, Trần Nhân Tông “đã được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, hai cung cho là kỳ lạ nên gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, có thể cáng đáng được những việc lớn...”.

Những miêu tả của Đại Việt sử ký toàn thư về tướng mạo sơ sinh của Trần Nhân Tông đã cho chúng ta thấy đây là một con người phi phàm, sinh ra để gánh vác những chuyện lớn. Tư chất của Trần Nhân Tông rất thông minh, sớm lĩnh hội hệ thống tư tưởng Tam Giáo, đặc biệt am hiểu tường tận về Phật giáo, có trình độ kiến thức cao về các lĩnh vực âm nhạc, quân sự, lịch số học, thiên văn học...

Năm 16 tuổi, ngài được lập làm Hoàng thái tử (năm 1274). Cùng năm đó, ngài thành thân với công chúa Quyên Thanh - trưởng nữ của Trần Quốc Tuấn. Bốn năm sau, năm Mậu Dần 1278, ngài được vua cha truyền ngôi, xưng là Hoàng đế, lấy hiệu là Hiếu Hoàng. Năm 1279, Trần Nhân Tông đổi niên hiệu là Thiệu Bảo.

Trong giai đoạn trước khi bước lên ngai vàng, mặc dù đã ngài đã sớm bộc lộ ý nguyện xuất gia để tu hành, thậm chí đã từ bỏ tất cả để lên Yên Tử ẩn tu, nhưng đến khi trở thành bậc quân chủ của Đại Việt, ngài lại lấy lý tưởng trượng phu để phụng sự đất nước và dân tộc.

Lý tưởng trượng phu của Trần Nhân Tông rất rõ ràng: Tiếp tục theo gương cha ông thực hiện các chính sách khoan hoà, đặt mục đích dân chúng lên hàng đầu, lấy đức mà trị quốc, lấy nhân mà gần dân, xây dựng quốc gia hoà bình, thịnh trị, tích cực đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để dân no, nước yên.

Trần Nhân Tông cũng nỗ lực phát triển nền kinh tế thủ công - thương nghiệp, khuyến khích nhân dân làm giàu. Năm 1280, ngài ra lệnh hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy thương mại khắp cả nước. Việc điều tra dân số, cập nhật số đinh cũng đã được tiến hành để có được cái nhìn tổng thể chính xác về nguồn lực trong nước. Nhằm giữ cho tình hình nội trị luôn đoàn kết và vững chắc, Trần Nhân Tông rất tích cực xử lý các án oan của dân chúng hay thực hành các chính sách đoàn kết dân tộc giữa các vùng miền của Đại Việt, tiêu biểu như vụ cử Trần Nhật Duật đi thu phục Trịnh Giác Mật ở vùng Đà Giang bằng “ngoại giao văn hoá bản địa”.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bản đồng. Ảnh: Hải Anh
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bản đồng. Ảnh: Hải Anh

Đó là những yếu tố để sử quan và hậu thế dùng hai chữ “minh quân” khi nhận xét về Trần Nhân Tông. Tuy nhiên, Trần Nhân Tông không chỉ là một đấng minh quân mà còn là một vị hoàng đế anh hùng khi đem được lý tưởng trượng phu của mình vào việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ trước hai đợt xâm lăng của quân Nguyên Mông.

Bảy năm sau khi đăng cơ, Trần Nhân Tông đã phải đối phó với hiểm hoạ Mông Cổ, khi đạo quân của Thoát Hoan ồ ạt vượt qua biên giới, đánh chiếm Đại Việt lần thứ hai. Tuy nhiên, hiểm hoạ ngoại xâm vốn được nhà Trần cảnh giác cao độ suốt nửa cuối của thế kỷ 13. Hai năm trước khi Thoát Hoan xua quân vào Đại Việt, Trần Nhân Tông và vua cha đã trao quyền tổng chỉ huy quân sự cho Trần Quốc Tuấn, bất chấp mọi hiềm nghi. Đây là một quyết định sáng suốt, có tính then chốt dẫn tới thắng lợi của 2 cuộc kháng chiến sau này.

Quyết định này thể hiện sự ung dung của Trần Nhân Tông rằng “dùng người là phải tin” và đặt vận mệnh quốc gia, dân tộc lên cao nhất. Ông đã ung dung trao quyền lực tối thượng cho con của một người đã từng mưu phản hoàng quyền. Rất ít người có thể làm được điều đó.

Nhưng chính nhờ thế mà quân đội Đại Việt dưới thời Trần Nhân Tông đã có một chỉ huy tài giỏi để có thể quét sạch đội quân mạnh nhất thế giới ra khỏi lãnh thổ không chỉ một lần mà là hai lần vào năm 1285 và 1288. Không đất nước nào làm được điều đó như Đại Việt và không vị hoàng đế nào làm được điều đó như Trần Nhân Tông.

Sau khi binh lửa qua đi, Trần Nhân Tông tích cực dồn sức vào việc tái thiết đất nước và phục hồi hậu quả chiến tranh. Những chính sách như khoan sức dân, tạo điều kiện giúp dân sinh nhai, thực hành tiết kiệm triệt để, tinh giảm biên chế quan lại... đã giúp Đại Việt sớm phồn vinh trở lại.

Đến năm 1293, sứ nhà Nguyên sang Đại Việt là Lương Tăng và Trần Phu đã chứng kiến những hình ảnh như “lúa mỗi năm gặt bốn lần”, hay “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” và “thuyền bè các nước mọi ngoài biển đều đến rất đông”, (theo An nam tức sự của Trần Phu).

Năm 1293 cũng là năm Trần Nhân Tông truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên (Hoàng đế Trần Anh Tông) để trở thành Thái thượng hoàng. Một năm sau, ngài chính thức xuất gia tu Phật. Lý tưởng trượng phu của Trần Nhân Tông giờ đây sẽ chuyển sang lý tưởng Bồ Tát, nhưng không xa rời thế cuộc và đời.

LÝ TƯỞNG BỒ TÁT CỦA PHẬT HOÀNG

Có thể nói, con đường của Trần Nhân Tông đến với Phật giáo cũng hao hao như con đường của Phật Tổ Như Lai. Thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm con của vua nước Tịnh Phạn cũng được sinh ra với nhiều tướng tốt như “dưới hai lòng bàn chân có hình bánh xe nghìn căm và có 32 tướng tốt khác”.

Tuy nhiên, Tất Đạt Đa đã bỏ lại tất cả để trở thành một tu sĩ và rồi trở thành Như Lai của Phật giáo. Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy con đường của Như Lai đã đi có dấu chân của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Ngay từ khi còn nhỏ, Trần Nhân Tông đã được Tuệ Trung Thượng sĩ (tức Trần Tung, bác của Trần Nhân Tông) điểm đạo, khai mở kiến thức về đạo Phật, được trao truyền hết yếu nghĩa thiền tông. Chính vì thế, Trần Nhân Tông đã thờ Tuệ Trung Thượng sĩ là thầy, suốt ngày toạ thiền, tụng kinh, sám lễ Tam Bảo, đạt trình độ thấu đạt cả nội điển lẫn ngoại điển.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bản đất. Ảnh: Hải Anh
Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, bản đất. Ảnh: Hải Anh

Cũng như Như Lai của cả nghìn năm trước, khi còn là Hoàng thái tử, Trần Nhân Tông cũng đã bỏ cung điện, bỏ quyền kế vị để lên Yên Tử ẩn tu khiến vua cha phải phái người đi tìm, khuyên nhủ. Lý tưởng trượng phu của Trần Nhân Tông đã khiến ngài quay về. Ngài biết, mình cần phải ung dung với Đời thì mới ung dung với Đạo.

Tư tưởng đó của Trần Nhân Tông thể hiện rất rõ trong bài thơ Cư Trần Lạc Đạo:

Cư trần lạc đạo, thả tuỳ duyên

Cơ tắc xan hề, khốn tắc miên

Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch

Đối cảnh vô tâm, mạc vấn thiền

Ông tuyên bố minh bạch rằng, sống ở đâu cũng thế, cứ việc ung dung mà vui với đạo, hễ đói thì ăn, hễ mệt thì ngủ, không việc gì phải cố cưỡng cầu, miễn cưỡng theo hoàn cảnh. Ở hoàn cảnh nào mà vẫn ung dung được thì đúng là đạo, là đã giải thoát.

Điều này cho thấy ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng của Tuệ Trung Thượng sĩ, người ung dung húp quả trứng sống một cách thản nhiên và ngon lành, rồi sau đó lý giải cho em gái của mình rằng: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Văn Thù cứ Văn Thù, Bồ Tát cứ Bồ Tát”.

Thế nên, Trần Nhân Tông đã ung dung bước lên ngôi báu để làm lợi lạc cho quốc gia, dân tộc và dòng tộc rồi sau đó ung dung giã từ tất cả để trở thành một Hương Vân Đại Đầu Đà, rồi lại ung dung thống nhất 3 dòng thiền của Đại Việt khi đó gồm Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường để lập nên dòng thiền Trúc Lâm.

Đây chính là dòng thiền mang bản sắc riêng của Phật giáo Đại Việt, và giờ là Phật giáo Việt Nam với tư tưởng xuyên suốt qua Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông và Hương Vân Đại Đầu Đà là “cư trần lạc đạo” và “Hoà quang đồng trần” từ thế kỷ 13 cho tới nay.

Trần Nhân Tông ung dung xuất gia nhưng vẫn ung dung nhập thế, thậm chí sẵn sàng làm những việc “kỳ lạ” miễn sao có lợi cho đất nước, cho dân tộc và Phật giáo.

Dốc lòng theo Phật từ nhỏ, hiểu rõ giới luật, nắm vững các điều Phật tử không được phép làm, nhưng khi đất nước lâm nguy, Trần Nhân Tông vẫn sẵn sàng giết giặc (phạm giới sát sinh) để bảo vệ lãnh thổ. Thậm chí ngài còn ngắm thủ cấp của Toa Đô và cất lời khen: “Làm tôi thì phải như người này”. Phải chăng ngài không sợ giới không sát sinh?

Trần Nhân Tông rất hiểu giới không sát sinh nhưng với cương vị của một nguyên thủ quốc gia, nếu ngài giữ giới, không thúc giục binh sĩ hăng hái giết giặc cứu nước, cả Đại Việt sẽ lâm nguy, toàn dân Đại Việt sẽ lâm cảnh lầm than, chết chóc. Giới sát sinh đó mới là đại tội.

Ngay cả khi đã chính thức xuất gia (năm 1294), trên cương vị Thái thượng hoàng, Trần Nhân Tông cũng đích thân cầm quân đội đi chinh phạt nước Ai Lao. Tại sao lại thế, lần này là đi chinh phạt chứ không còn lý do vệ quốc để bào chữa? Vấn đề có vẻ phức tạp với mọi người, nhưng với một người luôn điều hoà giữa lý tưởng trượng phu và lý tưởng Bồ Tát như Trần Nhân Tông, mọi thứ rất nhẹ nhàng và hợp lý. Việc chinh phạt là không thể tránh khỏi. Trước đây, ngài đã từng giao chiến với quân Ai Lao nên biết rõ đặc điểm dụng binh của họ. Từ hai yếu tố đó, ngài ung dung xuất quân chinh phạt nhằm đạt mục đích nhanh nhất với tổn thất sinh mạng (của cả hai phía) thấp nhất. Đó chính là tâm Bồ Tát của Trần Nhân Tông đối với những vấn đề khó hiểu, gây tranh cãi. Với Trần Nhân Tông, tổ quốc và dân tộc vẫn được đặt cao nhất và tôn giáo là bệ đỡ của hai giá trị đó.

Vì tổ quốc, Hương Vân Đại Đầu Đà cũng chẳng ngại phạm giới tỳ kheo. Trong lần vân du sang xứ Chiêm Thành để giáo hoá cho dân chúng nơi đây, cũng nhằm dùng đức độ tu hành để cảm hoá vua Chiêm Thành là Chế Mân, tạo mối giao hảo giữa Chiêm Thành và Đại Việt, ngài còn hứa gả con gái của mình là Huyền Trân cho Chế Mân. Nhờ đó, Đại Việt có thêm 2 châu Ô và Lý mà Chế Mân dâng tặng. Việc mai mối cưới hỏi, hôn nhân có lẽ không có vị thiền sư hay tăng già, tu sĩ nào dám làm, trừ Giác hoàng Điều ngự Trần Nhân Tông.

Xuất gia mà vẫn tích cực nhập thế, nhập thế mà ung dung như xuất gia, khởi tạo dòng Thiền đậm bản sắc Việt Nam; ra sức diệt trừ những tín ngưỡng mê muội, dâm tà trong dân gian để đưa nhân dân vào Phật giáo; lòng đã nhuộm chín mùi Thiền mà vẫn lo giải quyết các vấn đề thế sự và rồi thanh thản nằm như sư tử xanh trên mây trắng, để cho ngọn trúc xuyên đùi làm ngát lên hương thơm khắp dãy Yên Tử... lý tưởng Bồ Tát của Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thấm đẫm vào đất nước, dân tộc!

ĐI TÌM SỰ UNG DUNG CỦA GIÁC HOÀNG ĐIỀU NGỰ

Đã có người đặt câu hỏi: Tầm vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông với Phật giáo Việt Nam là rất rõ ràng, tuy nhiên, chúng ta không thấy hình tướng của ngài ở các ngôi chùa tại Việt Nam, ngoài trừ Yên Tử, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử và một vài nơi khác có liên quan mật thiết đến ngài?

Đó là một câu hỏi đúng nhưng thiếu đi sự ung dung của tư tưởng Trần Nhân Tông. Với một người đã buông bỏ mọi danh vọng cao sang, cung điện đền đài để đi lên non thiêng Yên Tử, nằm gối lên mây trắng mà ngủ mệt, hớp sương mai trên lá để đỡ khát... thì ngài đâu quan tâm đến cái đó.

Hình tướng của ngài hiển hiện trong tâm trí của chúng ta, trong lòng yêu nước, thương nòi của mỗi con người Việt Nam. Tự trong cõi lòng của chúng ta, đều có hình tướng của ngài ngự ở đó, hướng dẫn chúng ta cách “cư trần lạc đạo” mỗi ngày, mỗi giờ.

Nghệ sĩ điêu khắc Hà Minh Tuấn, người vừa hoàn thành một bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong thời gian vừa qua, cảm nhận rất rõ điều đó. Anh một người mến mộ Giác hoàng Điều ngự và tư tưởng của ngài, luôn hình dung về hình tướng của ngài trong mạt na thức để có được hình mẫu.

Hà Minh Tuấn luôn bị thôi thúc trong sau thẳm tâm thức của mình về việc tạc dựng một hình tướng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Những gì đã thôi thúc anh hướng tới ánh hào quang chói rọi toả ra từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông như thế?

“Đầu tiên, đó là sự kính phục dành cho một người yêu nước vĩ đại như Hoàng đế Trần Nhân Tông”, anh trầm ngâm. Với anh, Trần Nhân Tông là một vị anh hùng dân tộc vĩ đại, luôn cố gắng để tránh chiến tranh nhưng khi giặc đến là tận trung báo quốc. Giữ yên phương Bắc, bình định phương Nam, mở mang bờ cõi, giữ vững chủ quyền ở mọi hoàn cảnh chính là võ công hiển hách của Phật Hoàng.

Một nguyên nhân khác khiến Hà Minh Tuấn có mối nhân duyên với Phật Hoàng Trần Nhân Tông đó chính là Phật giáo và Thiền. Tuổi trẻ của anh đã có gần 10 năm gắn liền với một thiền tự ở xứ Huế, nơi anh thao thức về lý tưởng giác ngộ, suy tưởng về các bậc đại giác ngộ và mải miết tạo dựng tượng Phật bằng đất, bằng gỗ hay bất cứ nguyên liệu anh có.

Có thể nói, Hà Minh Tuấn đã làm rất nhiều tượng về Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhưng anh đều không ưng ý bởi không lột tả được sự ung dung giữa Đạo và Đời của ngài. Mối duyên đã có, nhưng đôi khi, phải có thêm người trợ duyên.

Người trợ duyên cho Hà Minh Tuấn là một bậc thiện trí thức tên là XZY Phương. Như Hà Minh Tuấn mô tả, đây là một tri thức thuần thành, yêu mến thiền môn, tu tập thiền ngay giữa đời thường theo tấm gương của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đúng như câu:

Thượng căn tu ở triều đình

Trung căn tu chợ, hạ căn tu chùa.

Hà Minh Tuấn đã nhận được sự ủng hộ và cổ vũ của anh Phương để tiếp tục tìm tòi hình tướng Phật Hoàng mà anh vẫn hình dung trong tư lương thức. Họ cùng có chung ý tưởng làm rạng danh Phật Hoàng Trần Nhân Tông và dòng thiền do ngài sáng lập, và khơi lại cội nguồn tinh thần của dòng thiền Việt Nam.

Họ đã cùng nhau lên thiền định tại chùa Quỳnh Lâm, chùa Hoa Yên rồi cả am Ngoạ Vân để tìm kiếm cảm xúc tâm linh, những mối giao cảm với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Và rồi những ý niệm, những lời cầu nguyện đã theo khói hương bay lên non thiêng Yên Tử, để Hà Minh Tuấn đã có được hình dung về Phật Hoàng mà anh hài lòng. Hình dung đó dần dần hiện hình dưới chất liệu đất, rồi thạch cao, rồi cuối cùng là đồng.

Bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông của Hà Minh Tuấn có dáng dấp mềm mại nhưng đầy đặn, tròn trịa và khoẻ khoắn không có cơ bắp. Đó là cơ thể của một người chủ về văn chương hơn là võ nghệ. Miệng của tượng hơi vuông mà không thô, tỏ vẻ cương quyết mà buông xả, tai dày vừa bạt phong vừa định tĩnh, dái tai vừa phải.

Mắt tượng tròn, sâu, sáng nhưng không xếch như mắt phượng, cặp lông mày cong và không gồ lên. Đôi mắt mở to và nhìn về phía xa xăm, lột tả sự minh sang, nhu nhuyễn, tuỳ duyên thuận pháp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Với Hà Minh Tuấn, mắt của tượng Phật Hoàng đang nhìn thẳng như đang nghe trình pháp hoặc chứng pháp cho ngài Pháp Loa chứ không phải ngồi thiền như bức tượng nổi tiếng ở tháp Huệ Quang, chùa Hoà Yên, Yên Tử. Trải nghiệm riêng của Tuấn khi ở chùa lẫn thời gian nghiên cứu mỹ thuật đã khiến anh đưa ra quyết định đó.

Mũi của tượng tròn chảy xuống vừa phải nhưng sống mũi hơi khoằn, đỉnh mũi hình giọt lệ như nhân tướng chung của các bậc triết gia hay những người thường nghiền ngẫm suy tưởng. Ngón tay của tượng có khiếm khuyết bởi Phật Hoàng đã đốt 2 ngón tay để cúng dường chư Phật và tỏ rõ quyết tâm xuất gia.

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông được đặt trên một bệ được làm theo mẫu của thời Trần hiện chỉ còn sót lại vài mẫu tại chùa Bối Khê hay chùa Thầy. Hoa văn bệ phức tạp gồm hình chim thần, cánh hoa sen... để làm tôn lên vẻ đẹp đơn giản, mạnh mẽ và minh triết của ngài.

Nhìn tổng thể, bức tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông của Hà Minh Tuấn có thông số như sau: Tượng cao 40cm. Bệ cao 18cm, rộng 34cm, sâu 23cm. Tất cả các chi tiết của tượng và bệ tượng đều trao đổi kỹ với những nhà chuyên môn có am hiểu về Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong lịch sử và lịch sử Phật giáo, về bức tượng trong tháp Huệ Quang.

Đó là một lễ vật chân thành mà Hà Minh Tuấn có được để dâng lên Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi mùa Xuân về trên khắp dãy Yên Tử trong năm Tân Sửu này!

Nghệ sĩ Hà Minh Tuấn. Ảnh: Tô Thế
Nghệ sĩ Hà Minh Tuấn. Ảnh: Tô Thế
HÀ MINH TUẤN

Sinh năm: 1971

1990-1995: Học Đại Học Mỹ Thuật 42 Yết Kiêu Hà Nội.

Cử nhân nghệ thuật Khoa Điêu Khắc.

1995-1999: Nghệ sĩ tự do.

1999-2006: Tu học tại Học viện Phật Giáo Nguyên Thủy Huyền Không. Nghiên cứu Mỹ Thuật Phật Giáo tại Huế.

2006-2010: Nghệ sĩ thị giác tự do.

CÁC TÁC PHẨM QUAN TRỌNG

- Giải nhì triển lãm Sinh viên Mỹ thuật Thủ đô 1993

- Tượng đài Hồ Chí Minh cao 28m tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (Phó tổng công trình sư).

- Phù điêu phủ sơn mài Đức Phật Đản sinh, Thành đạo, Niết bàn tại chánh điện chùa Sơn Lôi, Việt Trì.

- Tượng Im Lặng Hy Lạp (Đà Nẵng)

- Phác thảo tượng đài Trịnh Công Sơn (Hà Nội)

- Tượng chân dung đạo diễn Trần Văn Thủy (Nam Định).

- Tượng Marie Curie tại trường THPT Marie Curie (Hà Nội).

- Tượng đài Phan Đình Phùng tại trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

TRIỂN LÃM

- Triển lãm Mỹ Thuật Toàn quốc 2006: Tác phẩm Biến tấu Sen.

- Triển lãm cá nhân A!BỤT

- Sắp đặt tượng - cát và tranh sơn mài.

- Trình diễn sắp đặt Rao bán ước mơ tại Viet Art - 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

- Triển lãm tác phẩm sơn mài Được mùa Phật Giáo.

- Triển lãm Nhịp Mưa Trầm (Huế).

Ghi chép của HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Khu vườn hơn 20 năm tuổi, nhiều loại cây trái của nghệ sĩ Giang còi

ĐÔNG DU |

Nghệ sĩ Giang còi có khu vườn hơn 20 năm tuổi ở ngoại ô Hà Nội. Ông trồng rất nhiều cây trái, hoa.

Nghệ sĩ Kpop có nhiều MV đạt 900 triệu view nhất: Blackpink, BTS hay PSY?

DI PY |

"As If It's Your Last" là MV thứ 4 của Blackpink đạt trên 900 triệu lượt xem trên YouTube. Đồng nghĩa với đó, 4 cô gái nhà YG vẫn áp đảo về số lượng ca khúc đạt thành tích này so với BTS, PSY.

NSND Hoàng Dũng, Hoài Linh và các nghệ sĩ gạo cội "gừng càng già càng cay"

ĐÔNG DU |

NSND Hoàng Dũng, NSƯT Hoài Linh, Việt Hương,... là loạt nghệ sĩ gạo cội. Tên tuổi của họ giúp bảo chứng chất lượng phim. Dù đã "có tuổi" nhưng với người hâm mộ mà nói họ "gừng càng già càng cay" và luôn là "át chủ bài" ở cả điện ảnh lẫn truyền hình.

Loạt nghệ sĩ Việt góp mặt trong MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca"

T/D |

1.000 nghệ sĩ Việt nổi tiếng cùng các bác sĩ, người dân đã góp giọng trong MV "Việt Nam rạng rỡ hoan ca" do Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Oscar Media phối hợp cùng ekip Đạo diễn Mai Thanh Tùng – Vũ Minh Ly và Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Trí sản xuất. Đây là một ca khúc được sáng tác hoàn toàn mới với giai điệu hào hùng, tươi vui, đầy khát vọng và tự hào dân tộc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khu vườn hơn 20 năm tuổi, nhiều loại cây trái của nghệ sĩ Giang còi

ĐÔNG DU |

Nghệ sĩ Giang còi có khu vườn hơn 20 năm tuổi ở ngoại ô Hà Nội. Ông trồng rất nhiều cây trái, hoa.

Nghệ sĩ Kpop có nhiều MV đạt 900 triệu view nhất: Blackpink, BTS hay PSY?

DI PY |

"As If It's Your Last" là MV thứ 4 của Blackpink đạt trên 900 triệu lượt xem trên YouTube. Đồng nghĩa với đó, 4 cô gái nhà YG vẫn áp đảo về số lượng ca khúc đạt thành tích này so với BTS, PSY.

NSND Hoàng Dũng, Hoài Linh và các nghệ sĩ gạo cội "gừng càng già càng cay"

ĐÔNG DU |

NSND Hoàng Dũng, NSƯT Hoài Linh, Việt Hương,... là loạt nghệ sĩ gạo cội. Tên tuổi của họ giúp bảo chứng chất lượng phim. Dù đã "có tuổi" nhưng với người hâm mộ mà nói họ "gừng càng già càng cay" và luôn là "át chủ bài" ở cả điện ảnh lẫn truyền hình.

Loạt nghệ sĩ Việt góp mặt trong MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca"

T/D |

1.000 nghệ sĩ Việt nổi tiếng cùng các bác sĩ, người dân đã góp giọng trong MV "Việt Nam rạng rỡ hoan ca" do Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam và Oscar Media phối hợp cùng ekip Đạo diễn Mai Thanh Tùng – Vũ Minh Ly và Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Trí sản xuất. Đây là một ca khúc được sáng tác hoàn toàn mới với giai điệu hào hùng, tươi vui, đầy khát vọng và tự hào dân tộc.