Di Li ra mắt hai tập sách từ chuyên mục trên Lao Động Cuối tuần

Thế Vinh (thực hiện) |

Đầu tháng 11 này, nhà văn Di Li ra mắt hai tập sách về ẩm thực, kết quả của nhiều tháng ngày miệt mài viết bài cho chuyên mục “Ẩm thực Rubik”. Lao Động Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn về lai lịch của hai cuốn sách đầy đặn này mà chúng tôi tạm gọi là có “tư duy toàn cầu, am hiểu địa phương”.

Xin chị cho biết, vì sao lại có chuyên mục Ẩm thực Rubik trên tờ Lao Động Cuối tuần?

- Trong suốt năm 2016 đến đầu 2017, tôi hầu như không viết gì cả. Đó là quãng thời gian tôi quyết định nghỉ ngơi và cũng giảm hầu hết các công việc khác, gần như ở trạng thái “về hưu”. Nhưng từ lúc đó, tôi mới phát hiện ra rằng việc ngừng viết sẽ dẫn đến nhiều bế tắc về mặt tâm lý, giống như thể việc viết với tôi là sự bắt buộc, là sứ mệnh trời sinh, cứ dừng viết là sẽ bị khủng hoảng trầm trọng. Viết vì thế không chỉ là công việc hay cống hiến, mà còn là khơi thông tinh thần.

Hôm đó, tôi hẹn gặp họa sĩ Dũng choai và một đối tác nữa để bàn về một dự án đang ở dạng ý tưởng, nhưng việc ấy không thành. Tôi mới ngại quá, nói vớt với anh Dũng, coi như một sự xã giao chữa ngượng, rằng là tôi sẽ viết một cuốn sách về ẩm thực, có gì mời anh vẽ tranh minh họa. Khi nói thế, tôi chẳng nghĩ bao giờ sẽ có cuốn sách ấy, cứ nói vậy cho đỡ ngại thôi. Nhưng cùng lúc ấy, một ý nghĩ mới lóe lên, rằng tờ Lao Động Cuối tuần đang trong quá trình thay đổi nội dung, tôi cũng được mời tham gia cộng tác, vậy liệu một chuyên mục về ẩm thực có phải là ý hay hay không. Ngay tức thì, tôi liên lạc với tòa soạn để trình bày ý tưởng và được hoan nghênh. Vậy là từ hôm ấy, tôi viết đều đặn mỗi tuần một bài ẩm thực cho báo.

Chuyên mục do tôi phụ trách cũng kéo dài được hai năm rưỡi trước khi có người thay thế. 107 bài ẩm thực ra đời và tập hợp được hai cuốn sách với tổng số 650 trang. Nhưng cái được của tôi không chỉ là sách hay một chuyên mục đóng góp cho tờ báo, mà chuyên mục hàng tuần ấy đã giúp tôi bình yên trong tâm hồn. Tạng của tôi là cứ nghỉ ngơi thì bất ổn, mà sáng tạo thì bình an. Thực là trời hành mà (cười).

Sau gần ba năm tồn tại, chị có đánh giá như thế nào về chuyên mục?

- Tôi thấy rất nhiều người đọc mục này và phản hồi tích cực với tôi. Qua đó, tôi cũng nhận ra rằng người Việt Nam mình rất yêu ẩm thực và thích đọc về ẩm thực. Đây cũng là chuyên mục ẩm thực bền bỉ đầu tiên trên báo chí Việt Nam được viết bằng ngôn ngữ văn chương.

Nhà Nho từng nhận xét, thực sắc - tính dã, tức chuyện ăn uống và sắc dục vốn là bản tính hoang dã của con người. Làm thế nào để chuyện ăn uống có thể nâng lên tầm nghệ thuật?

- Trong thuyết 5 nhu cầu của Abraham Maslow, ăn chính là nhu cầu đầu tiên của con người. Chính vì thế, nó mang tính bản năng nhất. Nhưng ở mức tồn tại, nó là bản năng. Ở mức thưởng thức, nó là nghệ thuật. Và thậm chí, nghệ thuật đến mức thượng thừa không kém nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Chúng ta từng nghe những chuyện như huyền thoại là có chuyên gia về tranh vẽ chỉ cần nhìn một bức họa của Van Goh là biết đấy tranh giả, dù nó được sao y bản chính tới mức muốn biết thật hay giả cần đưa vào phòng giám định tranh và sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất. Việc thẩm nhạc cũng vậy. Nghĩa là có những người giác quan phát triển phi thường hơn thiên hạ, điều đó chính là nghệ thuật.

Trong seri trà tôi viết ở cuốn “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà”, việc thưởng trà đã được nâng tầm nghệ thuật ở nhiều quốc gia, mà nhiều lúc chứng kiến thấy như hoang đường. Ngày trước, tôi đọc truyện trà của Nguyễn Tuân cứ ngỡ là truyện hư cấu, sau này mới biết là có nhiều người vị giác phát triển tới mức phát hiện ra những tạp chất dù nhỏ nhất bị lẫn vào trà. Và thêm nữa, nghệ thuật ẩm thực luôn được kết hợp với mỹ học, âm thanh và cả không gian văn hóa của ẩm thực ấy nữa. Cuối cùng tôi cho rằng, nhà văn viết về những thứ tầm thường mà vẫn giữ được tính nghệ thuật và thanh cao thì mới thực sự là thử thách.

Chị đã đi mấy vòng trái đất để có được hai tập sách về ẩm thực này?

- Có nhẽ phải hàng trăm chuyến đi, tôi không thể nhớ được hết. Đầu tiên, tôi không định đi và ăn để viết sách ẩm thực. Mới đầu chỉ là sự tò mò. Ẩm thực không chỉ là khoái khẩu bản năng và ăn cho sướng lúc ấy, mà qua ẩm thực ta có thể đọc được nhiều mã code văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo... của một dân tộc, một vùng miền, thậm chí cả tính cách dân tộc nữa. Ví dụ tại sao các món ăn của người Nhật, người Hàn lại ít thịt một cách nghiêm trọng đến mức cư dân đến từ các quốc gia quen ăn nhiều thịt ắt không chịu nổi. Tôi đã bỏ công ra tìm hiểu và kinh ngạc vì lịch sử 1.200 năm bị cấm ăn thịt của người Nhật. Hoặc người Nhật vì điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên đối mặt với động đất nên họ đề cao tính kỷ luật và sự tối giản. Chính vì thế, món ăn của Nhật cũng rất tối giản nhưng cực kỳ tinh tế. Ngược lại, người Trung Hoa luôn cầu kỳ về mọi phương diện, trong đó có cả ẩm thực. Người Ấn Độ cũng là một dân tộc rất bí ẩn nên đồ ăn của họ thể hiện rõ điều đó. Chúng ta không thể biết được những gia vị và thành phần thực phẩm nào tạo nên cái món ta đang nhai trong miệng. Trong khi người Việt tính cách khá giản đơn, nên đồ ăn rất dễ đoán, thịt kho là từ thịt, cá rán là từ cá, rau luộc là từ rau.

Ẩm thực cũng để lại những hồi ức da diết trong tôi khi mỗi món ăn đều gắn liền với một kỷ niệm nào đó. Món cháo trắng trà bông là hôm tôi về rất muộn sau một cơn mưa Sài Gòn. Món lẩu hoa tôi ăn trên bờ kênh rạch của Đồng Tháp trong một buổi chiều đã nhập nhoạng. Và món bánh hỏi cháo lòng, tôi đi ăn sáng cùng những người bạn thân đã 30 năm trong một sáng lành lạnh cận Noel bên bờ biển Quy Nhơn. Còn món tào phớ tôi nhớ mãi những lần mẹ đưa bát cho ra cổng gọi gánh hàng rong về. Những con người bên cạnh tôi trong những bữa ăn ấy, những câu chuyện vui buồn xung quanh bàn ăn và cả quang cảnh, thời tiết lúc ấy nữa, vĩnh viễn đã trở thành một phần tài sản của hồi ức.

Theo ý chị, món ăn nào ngon nhất thế giới và món ăn nào ngon nhất Việt Nam?

- Trả lời câu này thì giống như tôi phải ngồi chấm hoa hậu hoàn vũ ấy, khi thấy cô nào cũng đẹp cả mà mỗi cô một vẻ. Nhưng nếu ấn tượng nhất, tôi cần phải kể đến món bún mắm cua Pleiku và vịt quay Bắc Kinh. Còn ăn không biết chán tất nhiên là Tom Yum của Thái Lan và gỏi cá trích Phú Quốc.

Nếu so sánh cuộc sống như một món đồ ăn hay thức uống, câu trả lời của chị là gì?

- Hôm đến thăm xưởng trà ở cao nguyên Kandy, Sri Lanka, tôi nhìn thấy một câu cách ngôn người ta treo ngay cửa ra vào: Cuộc đời giống như một tách trà, nhưng pha chế nó như thế nào thì tùy thuộc vào bạn. Như vậy, mỗi người sẽ có một “công thức pha trà” khác nhau, không ai giống ai. Và thực kinh ngạc khi phát hiện ra có rất nhiều người luôn cho rằng tách trà của mình rất ngon và sung sướng với ly trà ấy dù mọi người xung quanh nhìn sang chẳng thấy nó ngon chút nào. Ngược lại cũng có những người sở hữu một tách trà “trông có vẻ” rồi nhưng vẫn thích nhòm sang tách trà của người bên cạnh và nghĩ rằng nó ngon hơn. Tôi là người luôn hạnh phúc với “tách trà” của mình, đơn giản vì tôi luôn được “pha chế” nó theo đúng ý tôi muốn, theo công thức của riêng tôi chứ không theo công thức đại trà hay theo chuẩn mực của những người khác. Tôi hy vọng độc giả sẽ cảm nhận hai cuốn sách này giống như hai ly trà có những hương vị riêng mang phong cách của người pha chế.

Xin cảm ơn chị!


Thế Vinh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Công đoàn tiếp tục nỗ lực vì đoàn viên, người lao động

Thu Trà (thực hiện) |

Năm 2022, các cấp Công đoàn đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả, mang lại niềm tin cho đoàn viên, người lao động. Năm 2023, chủ đề hoạt động của tổ chức Công đoàn là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở”.  Đây cũng là năm vừa tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII, tổ chức thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, vừa phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trước thềm Xuân Quý Mão năm 2023, Báo Lao Động phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Cánh chim bay trên quê hương Ronaldo

Minh Toàn |

Liệu một cô gái bé nhỏ từ Việt Nam có thể làm được chuyện gì ở một đất nước sản sinh ra những siêu sao bóng đá nổi tiếng thế giới như C.Ronaldo?

Cứu hộ thành công cụ bà 80 tuổi rơi xuống vực sâu ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Ngày 22.1, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã có báo cáo về việc cứu hộ thành công cụ bà N.T.H (SN 1943, TP.Buôn Ma Thuột) sau khi rơi xuống vực sâu.

Độc đáo mâm cỗ lá ngày Tết của người Mường Hoà Bình

Khánh Linh |

Cỗ lá là một trong những nét độc đáo không thể thiếu trong ngày Tết của người Mường Hoà Bình.

V.League cần học hỏi từ Thai League

TAM NGUYÊN |

Những điểm hay từ các giải đấu mạnh như Thai League là điều bóng đá Việt Nam và V.League cần học hỏi.

Nữ công nhân 14 năm chưa được đón giao thừa cùng gia đình: "Chồng con tôi đã quen"

Bảo Hân |

Do đặc thù công việc hoặc hoàn cảnh riêng, nhiều người lao động đã đi làm ngay từ mồng 1 Tết - ngày mà nhiều người cùng gia đình đi chúc Tết người thân, họ hàng, bạn bè.

Thi công xuyên Tết chạy đua tiến độ trên đại công trường sân bay Long Thành

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Theo Ban quản lý dự án sân bay Long Thành, từ ngày 20.1 đến ngày 26.1 (tức 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), sẽ có khoảng 740 máy móc, phương tiện và khoảng 1.050 kỹ sư, công nhân được huy động làm việc xuyên suốt trong dịp Tết Nguyên Đán 2023 trên đại công trường thi công dự án sân bay Long Thành, ước bằng khoảng 40% số phương tiện và nhân công so với những ngày trước Tết.

Quảng Bình: Người dân nô nức vãn cảnh chùa ngày đầu năm mới Quý Mão 2023

LÊ PHI LONG |

Ngày 22.1 (tức mùng 1 Tết Quý Mão 2023), hàng nghìn người dân đã đến chùa để cầu an, cầu phúc đầu năm với tấm lòng thành kính, thắp hương, cầu cho năm mới an lành.