Để thêm nhớ tiếc Thái Bá Vân

đỗ trung lai |

Ông mất, tôi giở sách của ông ra đọc lại – cuốn Tiếp xúc với nghệ thuật. Dòng đầu tiên, như là đề từ cho cuốn sách, khiến tôi vừa cảm động, vừa phải khẽ cười: “Để đền ơn cha mẹ”. Đúng là một ông đồ Nghệ từ trong bản thể,  lấy sức học bao năm để đền đáp ơn sinh thành, dù ông là người Tây học.

Mà phải, một người không ham danh lợi, không màng phú quý, cái gì cũng ít dùng – ít áo quần, ít chỗ nằm ngồi, ít ăn uống (trừ uống rượu, lúc còn chưa yếu quá, mà cũng không uống xô bồ bao giờ), ít sức khỏe, ít tiền bạc... - thì ngoài chữ nghĩa ra, còn biết lấy gì để “báo đền ba xuân” đây?

Sự đời vốn thế, ít cái này thì hay nhiều cái kia. Thái Bá Vân nhiều ý tưởng, nhiều chữ, nhiều ngẫm ngợi, nhiều bụng liên tài, nhiều nhiệt huyết, nhất là với anh em trẻ có chí tiến thủ trong nghệ thuật.

Ông, người thường bị giới chính thống coi là hơi lập dị, cấp tiến và chua chát trong việc nghe – nhìn nghệ thuật, thực lại là người nói rất hay về truyền thống, tính dân tộc và cái ý tưởng lưu truyền, tiếp nối trong hiện tại: “Lịch sử nói chung phán xét những gì đã qua, nhưng lịch sử nghệ thuật thì phán xét những gì còn lại. Khi các nhà lịch sử nói về chế độ nô lệ hay phong kiến, là nói một cái gì đã vĩnh viễn qua rồi, không bao giờ quay lại.

Nó là một xác chết của nhân loại. Nhưng khi các nhà lịch sử nghệ thuật nói đến trống đồng Đông Sơn hay tượng Hy Lạp, nghệ thuật Phật giáo ở nước Đại Việt hay nghệ thuật của vua Lu-i XIV, là bàn đến một cái gì đang còn, đang sống, đang thở cùng chúng ta và hy vọng còn lưu truyền nhiều đời con cháu”.

Đó là cách diễn đạt tuyệt hay của một tâm nguyện giữ gìn và phát huy các giá trị tinh thần nhân loại và dân tộc, để sống cùng với nó, chứ không phải để “đắp chiếu vàng” cho nó.

Ông cũng tỏ ra, như nhiều lần tỏ ra, xuất sắc trong luận đàm. Ông viết: “Nếu lịch sử xã hội, lịch sử các nền văn minh và khoa học có sự tiến hóa tuần tự từ thấp lên cao, về hình thức cũng như nội dung, như một mũi tên bay về phía trước, không trở lại, thì lịch sử nghệ thuật, bằng những biến đổi của cách biểu đạt và xây dựng hình tượng của mình, như một ngôn ngữ của cái đẹp, lại không như vậy...

Bảo rằng văn minh càng cao, thì nghệ thuật càng tài, càng đẹp, là điều nhầm... Trong khi cùng các nền văn minh tiệm tiến, nghệ thuật có sự vận động riêng của chính mình, xoay vần bằng chính cái trục bản ngã của mình. Sự tiến bộ của nghệ thuật cần được tìm trong mục đích người của nó”.

Ông bảo: “Ta chỉ gia nhập được vào tác phẩm, thấm nhuần được ý nghĩa và nội dung của nó, ở một mức độ nào đấy, khi ta có sự tương đồng nội tâm với nó. Tương đồng nội tâm là cái mạch điện ngầm, chạy suốt, một cách hồn nhiên, từ tác phẩm đến người xem. Nó là cái chứng minh thư chính xác và cao quý mà công chúng sẵn sàng cấp cho người nghệ sĩ chân chính, gắn mình với vinh, nhục và số phận của con người và nghệ thuật...

Hơn là một người xem bình thường, nhà nghiên cứu và phê bình nghệ thuật phải có sự tương đồng nội tâm nhạy bén và toàn điện nhất, không phải ở mức dị ứng thẩm mỹ đúng hướng mà đủ, mà là ở toàn bộ nhân cách thẩm mỹ của anh.”

Nói về mối quan hệ biện chứng giữa tác phẩm và người xem, và với nghề nghiệp của mình, như thế phải kể là lương thiện và thấu đáo.

Rất bênh vực nghệ thuật dân tộc, nhưng ông cũng biết rằng, chịu ảnh hưởng của nghệ thuật thế giới không phải là điều xấu; rằng, tính dân tộc không được làm người ta lãng quên hoặc cản trở tính quốc tế của nghệ thuật. Thế thì, ông đã nói sớm về việc “Hòa nhập mà không hòa tan”!

Về tư tưởng, ông không phải là nhà cách mạng, ông không có những phát kiến lớn, nhưng ông là người tinh tường lại chịu học, chịu nghĩ và vì thế, ông thường đi trước, nói trước cái cơ chế nghiên cứu quan liêu, giáo điều ở ta bao năm. Là người thạo Tây học, ông viết rất hay về nghệ thuật phương Tây.

Ông từng nói đến sự trở lại của “Cảm hứng nguyên thủy” trong nghệ thuật phương Tây bởi sự bế tắc trước văn minh công nghiệp. Ông muốn báo động, muốn kêu gọi rằng, học vấn là tốt, ý thức và kỹ thuật là tốt, nhưng người nghệ sĩ phải thành thực như người nguyên thủy khi làm các tác phẩm của mình.

Ông nhất quán và kiên định, rằng không có sự hơn kém giữa các trường phái, thể loại nghệ thuật – chúng ra đời suốt trong lịch sử nghệ thuật và đều “có lý” của chúng – nhưng phải biết rằng: “Trong dân tộc có nhân loại và trong nhân loại có dân tộc. Bày đặt ra những khó khăn giả tạo, những vấn đề giả tạo là vô ích. Nghệ thuật nhân văn hơn là xã hội. Tư duy trừu tượng hay cụ thể, không hề là chỗ bắt đầu hay kết thúc của nghệ thuật”.

Ông muốn “viết lại lịch sử nghệ thuật”, “trên những hàng dọc đồng hành và bình đẳng”: “1. Cái đẹp của Địa Trung Hải – tức cái nhìn khoa học của Châu Âu cổ điển và duy lý...2. Cái đẹp của Châu Mỹ La-tinh – Châu Phi, tức cái nhìn biểu hiện, nơi còn đầy hình hài nguyên thủy của mối dây vũ trụ...3. Cái đẹp phương Đông, tức cái nhìn triết học về một thế giới tượng trưng, siêu hình...

Ba cái đó đẻ ra ba ngôn ngữ (nghệ thuật) khác nhau... Không thể dùng cái nào là cái thước đo đạc cái nào. Cái nào là cái đó. Nhưng đến cùng kỳ lý thì điểm ra đi và điểm đến của chúng lại là một vậy...”. Phải! Đều là từ tính người, tính nhân văn, nhân loại mà thôi!

Rồi ông viết về nghệ thuật thiền, về tâm hồn Nga, về A-ca-đê-mi Nga, về “Hội họa triển lãm lưu động Nga”, về sáu chuẩn hội họa Ấn Độ, về các họa sĩ già và trẻ đương đại...

Đọc ông thì thấy, suốt đời ông đau đáu về nghệ thuật (mà ông cũng không làm gì khác ngoài nghiên cứu và phê bình nghệ thuật). Trước tác của ông không nhiều lắm, quy mô (hình thức) của chúng không lớn – giống như những nhà nghiên cứu đương thời vì nhiều lý do. Ông là “nhà kỹ thuật” sắc sảo của những thao tác phê bình nghệ thuật hiện đại; là người hiện đại trong các nhà dân tộc – nghệ thuật học có học và tận tâm.

Trong giới nghiên cứu – phê bình nghệ thuật của ta những năm trước, trong và sau “Đổi mới”, nên xếp ông vào số ít ưu tú, những người khai vỡ, hướng đạo nhiệt tâm, tinh tường, sắc nhọn và đáng kính.

đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.