Đề đốc Trần Xuân Soạn và bài thơ "Thuật hoài"

Bài và ảnh Lê Ngọc Minh |

Ngày đầu xuân, do một cơ duyên văn chương kinh sử, tôi được may mắn gặp nhà sử học Lê Đức Nghi, nguyên Chủ tịch Hội khoa học lịch sử thành phố Thanh Hóa, năm nay đã 92 tuổi. Cụ Nghi từng có hai khóa là Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo của Thành ủy Thanh Hóa, nhà ngụ ở đường Tô Vĩnh Diện, phường Đông Thọ, vốn là đất của làng Thọ Hạc xưa và trong làng hiện còn nhà thờ chí sỹ yêu nước Trần Xuân Soạn.

Cụ Nghi rất lấy làm vinh dự được là cư dân của ngôi làng cổ, nơi tiếp nhận lỵ sở Xứ Thanh từ thành Tư Phố (Dương Xá) để trở thành Hạc Thành vào năm 1804, và TP.Thanh Hóa ngày nay. Năm 2014, tôi viết cuốn truyện ký lịch sử “Hạc Thành lung linh miền nhớ” đã được cụ Lê Đức Nghi giúp đỡ rất nhiều tư liệu. Đầu năm mới, tôi đến thăm chúc tết cụ Nghi, cụ trao cho tôi một bản dịch bài thơ chữ Hán “Thuật hoài” của đề đốc Trần Xuân Soạn, một Danh tướng, một Anh hùng của phong trào Cần vương chống Pháp. Cử chỉ của nhà sử học Lê Đức Nghi khiến tôi nhớ về bài học môn Lịch sử của gần 50 năm trước, trong đó có một nhân vật được thầy giáo dạy sử nhắc đến là vị Danh tướng này.

*** Vào học kỳ đầu của niên khóa 1969-1970, từ vùng sơ tán của Xí nghiệp dược phẩm Thanh Hóa ở Cẩm Thủy, tôi theo ông chú ruột là cán bộ của xí nghiệp về thị xã Thanh Hóa. Chú xin cho tôi vào học ở Trường cấp 3 Lam Sơn do thầy Vũ Lê Thống làm hiệu trưởng. Ngay sau ngày khai trường, lớp tôi được thầy dạy sử nổi tiếng Phạm Cúc giảng ngoại khóa một bài về Lịch sử Hạc Thành. Đến đoạn phong trào Cần Vương chống Pháp, thầy Cúc kể, trong làng Thọ Hạc có một vị danh tướng kiệt xuất là Đề đốc Trần Xuân Soạn, là hậu duệ nhà Trần. Thầy dừng, nhìn cả lớp, hỏi: “Trong lớp ta có ai là người làng Thọ Hạc, xã Đông Thọ không?”. Một nữ sinh dáng cao, người chắc khỏe, da hồng tươi, tóc dài bó như một cái đuôi ngựa bự sau lưng ngồi ở bàn đầu giơ tay đứng lên: “Thưa thầy, em ạ!”. Thầy Phạm Cúc hỏi họ tên. Nữ sinh đáp: “Thưa thầy, em là Lê Thị Mâu”. Thầy cười: “Nghe tên giống như tên con nhà võ. Ngày xưa bốn loại khiên, đao, mâu, côn là vũ khí quan trọng nhất của người chiến binh”. Lê Thị Mâu đáp: “Dạ, em thưa thầy, ba em người Cà Mâu tập kết, ba đặt tên em là Mâu để nhớ về quê hương Cà Mâu, nhớ về miền Nam ạ!”. Bạn Mâu còn nói thêm, mẹ bạn họ Trần, bà là chắt nội cụ đề đốc Trần Xuân Soạn. Thầy Phạm Cúc chúc mừng bạn Lê Thị Mâu và khen bạn có dáng vóc di truyền của cụ Đề đốc. Rồi thầy kể: Cụ Đề đốc lúc hàn vi là một trang tuấn kiệt, võ nghệ cao siêu. Nhà nghèo cụ phải đi lính thuê cho một phú hào trong xứ. Trong thời gian đi làm tiền quân hiệu lực tiễu phỉ ở vùng thâm sơn cùng cốc nơi biên viễn đất bắc, Trần Xuân Soạn đã lập nhiều công huân nên được triều đình nhà Nguyễn phong chức võ quan Đề đốc.

Năm 1884, vua Kiến Phúc nhà Nguyễn mất, vua Hàm Nghi có tinh thần yêu nước nối ngôi, phái chủ chiến trong triều do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đứng đầu chủ trương chống Pháp, cứu nước, Đề đốc Trần Xuân Soạn khi ấy mới ba mươi lăm tuổi đã được phe chủ chiến vời vào Huế. Trong đêm mồng bốn rạng sáng ngày 5.7.1885, ông đã tham gia chỉ huy các đội quân nhà Nguyễn đánh vào tòa Khâm sứ Huế và đồn Mang Cá của quân Pháp. Cuộc chiến đấu tuy có yếu tố bất ngờ và sẵn lòng yêu nước căm thù giặc cao độ nhưng do kỹ thuật quân sự, vũ khí đôi bên quá chênh lệch nhau nên binh sỹ Pháp đã tổ chức phản công bằng hỏa lực mạnh, tràn vào cướp phá, chiếm cứ nội thành và Tử cấm thành.

Chủ tướng Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra vùng miền núi Quảng Trị. Tại đây, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu trong cả nước dựng cờ Cần Vương khởi nghĩa đánh Pháp, giành lại nền độc lập tự chủ. Vâng theo chiếu Cần Vương, Trần Xuân Soạn cùng các vị tướng lĩnh đã gây cuộc binh biến rạng ngày 5.7.1885 gồm Phạm Bành, Đinh Công Tráng liền đi xây dựng căn cứ kháng chiến ở trấn Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thầy Phạm Cúc kể tỉ mỉ về trường hợp một tên đại uý Pháp đã bị nghĩa quân bắn trọng thương tại Ba Đình. Y tên là Jojeph Cesaire Joffre. Vì vết thương quá nặng, y được đưa về Pháp chữa trị một thời gian dài. Hồi chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) Jojeph lập được nhiều công tích khi quân Pháp truy kích quân Đức trên lãnh thổ Áo - Hung nên y được phong tới chức thống chế. Sau đó, y cầm đầu quân viễn chinh Pháp đi xâm lược quốc đảo Madagascar ở đông nam Châu Phi, rồi đánh chiếm xâm lược nước Su Đăng và nhiều nước khác ở Bắc Phi.

Trong cái đầu thực dân hiếu chiến của y, dường như chiến luỹ của quân khởi nghĩa Cần Vương Ba Đình, xứ Thanh, Việt Nam xa xôi vẫn còn như một vết dằm đau đớn nên vào năm 1922, Jojeph trở lại huyện Nga Sơn, tìm đến vùng đất từng là chiến luỹ Ba Đình. Tên thực dân cáo già này đã dùng quyền lực mà y đang nắm trong tay bắt dân phu ba huyện Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc dựng lại chiến luỹ Ba Đình và khắc bia ghi sự hiện diện của y, trong đó Jojeph không khỏi khâm phục tài nghệ của nghĩa quân và cách bố phòng đồn lũy của nghệ thuật quân sự kỳ bí Việt Nam.

Khi cuộc khởi nghĩa Ba Đình thất bại, chiến lũy Ba Đình thất thủ vào cuối năm 1886, đầu 1887, Đề đốc Trần Xuân Soạn rút quân lên vùng Điền Lư, huyện Bá Thước gây dựng lực lượng, tiếp tục phong trào Cần Vương, phối hợp với cuộc khởi nghĩa do chí sĩ, tiến sĩ, đốc học xứ Thanh Tống Duy Tân dựng cờ. Đó là cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh, ở huyện Vĩnh Lộc.

Tại làng Thọ Hạc, giặc Pháp đã quật mộ cụ thân sinh của đề đốc Trần Xuân Soạn đem đốt ở ngã ba đường, nơi có lối rẽ vào làng nhưng chúng vẫn không lung lay được ý chí của Trần đề đốc. Em trai của Trần Xuân Soạn là Trần Xuân Huấn và con trai là Trần Xuân Khoáng cũng đã bỏ mình vì nước trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương.

*** Cuối đời, cụ Đề đốc vượt biên sang Long Châu nối liên lạc với chủ tướng Tôn Thất Thuyết mưu đồ tiếp tục đánh Pháp. Hai ông tổ chức được vài cuộc đột nhập ở biên giới vây phá các đồn lũy của bọn xâm lược Pháp. Đề đốc Trần Xuân Soạn đã tạ thế ở Long Châu vào năm 1923, khi ông đã 74 tuổi... Bài thơ “Thuật hoài” có lẽ được ông viết trong thời kỳ này để như để giải bày nỗi niềm bất thành của con đường Cần vương cứu nước và tấm lòng sắt son trước sau như một của mình.

Công lao của Đề đốc Trần Xuân Soạn đã được đất nước và quê hương vinh danh bằng những con đường, trường học, những công trình văn hóa khang trang... ở Hà Nội, TPHCM. Tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa có đường Trần Xuân Soạn chạy làng Hạc, nơi có đền thờ Đề đốc Trần Xuân Soạn và Trường Trung học cơ sở Trần Xuân Soạn.

THUẬT HOÀI

Nguyên văn

Ly hương khứ quốc thậm quai kỳ

Nam Bắc lưỡng hồi thảo mộc tri

Biến tính cảm ngôn thiên quỷ quyệt

Thu tung tạm dĩ tị hiềm nghi

Hiền thê mạc quái phu tình bạc

Hiếu tử hưu đàm phụ đạo khuy

Tạm phó biệt hoài đông thủy khứ

Hậu tiên lưu lạc nhất tâm ti

Dịch thơ

NỖI NIỀM

Bỏ làng xa nước những vấn vương

Hai phen Nam Bắc cỏ cây tường

Đổi họ thay tên nào đâu trá?

Dấu tông ẩn tích tránh tai ương

Vợ hiền chớ trách tình phu phụ

Con hiếu đừng chê đạo cương thường

Nước chảy về Đông cho gửi gắm

Trước sau son sắt tấm lòng trung.

Bài và ảnh Lê Ngọc Minh
TIN LIÊN QUAN

Đề cử lịch sử cho vị trí trợ thủ kinh tế của ông Joe Biden được phê chuẩn

Thanh Hà |

Thượng viện Mỹ xác nhận bà Cecilia Rouse là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Joe Biden.

Hành trình khát vọng Việt Nam qua từng dấu mốc lịch sử

Vương Trần |

Đại hội XIII của Đảng được xem là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước, định hướng tương lai, đưa đất nước Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Những năm Sửu đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

PHAN CÚC (tổng hợp) |

Những năm Sửu trong lịch sử từng gắn liền với nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng của dân tộc như khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (năm 905) hay sự ra đời của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (năm 1925) - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam,...

91 năm và mốc son lịch sử xuân 2021

Hoàng Lâm |

Ngay sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, hôm nay, đất nước ta lại kỷ niệm một sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh (3.2.1930 - 3.2.2021).

Tòa án Pháp xử "vụ kiện lịch sử" vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Khánh Minh |

Tòa đại hình Evry ở Pháp mở phiên tranh tụng liên quan vụ kiện của bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt, chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Đề cử lịch sử cho vị trí trợ thủ kinh tế của ông Joe Biden được phê chuẩn

Thanh Hà |

Thượng viện Mỹ xác nhận bà Cecilia Rouse là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế của Tổng thống Joe Biden.

Hành trình khát vọng Việt Nam qua từng dấu mốc lịch sử

Vương Trần |

Đại hội XIII của Đảng được xem là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước, định hướng tương lai, đưa đất nước Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Những năm Sửu đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

PHAN CÚC (tổng hợp) |

Những năm Sửu trong lịch sử từng gắn liền với nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng của dân tộc như khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ (năm 905) hay sự ra đời của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội (năm 1925) - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam,...

91 năm và mốc son lịch sử xuân 2021

Hoàng Lâm |

Ngay sau khi Đại hội lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, hôm nay, đất nước ta lại kỷ niệm một sự kiện trọng đại: Kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh (3.2.1930 - 3.2.2021).

Tòa án Pháp xử "vụ kiện lịch sử" vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Khánh Minh |

Tòa đại hình Evry ở Pháp mở phiên tranh tụng liên quan vụ kiện của bà Trần Tố Nga - công dân Pháp gốc Việt, chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam.