Đầu năm, dâng hương Thăng Long tứ trấn

Nguyễn Kim Sơn |

Thăng Long tứ trấn bao gồm: Phía Nam có đền Kim Liên, phía Tây có đền Voi Phục, phía Bắc có đền Quán Thánh và phía Đông có đền Bạch Mã. Thời xưa, những ngôi đền này thường được nhà vua đến dâng hương vào dịp đầu năm. Đến ngày nay, truyền thống đó vẫn được người dân Thủ đô tiếp nối.

“Thăng Long tứ trấn” nghĩa là 4 ngôi đền linh thiêng, bảo vệ và che chở cho mảnh đất Thăng Long xưa. Kinh thành Thăng Long từ thời Lý đã là một thành thị lớn, được giới hạn bởi các vòng thành bao quanh. Trên đường bao ấy được người xưa đắp cao làm phòng thành cản giặc và cũng là đường đê chống lũ lụt, ở mỗi phía được xây một ngôi đền thờ thần bảo vệ từng mặt cho kinh thành. Đồng thời đây là những vị trí huyết mạc, mảnh đất thiêng, nơi hội tụ linh khí để bản bảo cho kinh thành luôn ở thế rồng bay lên, thịnh vượng. Các vị thần này trấn giữ xung quanh kinh thành Thăng Long, do đó đền thờ các vị được gọi là “Thăng Long tứ trấn”.

Trấn Nam - Đền Kim Liên

Đền Kim Liên ở số 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa. Đền được dựng ở trên một gò đất cao, từ sân lên nghi môn phải qua hệ thống 9 bậc như ở hệ thống cửa điện Kính Thiên trong thành Hà Nội, gợi rằng đây là nơi ngự của vị thần được xếp ngang với vua ở chốn cửu trùng. Phía trước là sân rộng qua cổng với hai cột đồng trụ cao vút vuông thành sắc cạnh nhìn ra chỗ nở của một lạch nước là nơi tụ thủy - tụ phúc.

Trong đền còn lưu giữ 39 đạo sắc phong của thời Lê và Nguyễn cho Cao Sơn đại vương, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của các triều đình phong kiến xưa. Đền Kim Liên hiện còn lưu giữ một tấm bia quý cao hơn 2.5m, khắc bài văn Cao Sơn Đại Vương thân từ bi minh tính tự (Bài minh và bài văn bia đền thần Cao Sơn đại vương) soạn năm Canh Ngọ niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 tức năm 1510. Cao Sơn đại vương là một trong số trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã từng giúp Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh, đầu thế kỷ XVI lại giúp vua Lê dẹp loạn giữ yên ngai vàng. Cao Sơn đại vương hay Tản Viên sơn thánh là vị thần núi vốn gốc vùng đất tổ, gắn với buổi bình minh của dân tộc, khi đất nước thực sự phát triển trong kỳ nguyên độc lập thì thần được rước về kinh thành.

Trấn Tây - Đền Voi Phục

Đầu lối vào đền có tượng hai con voi quỳ, và do đó nhân dân quen gọi là đền Voi Phục, nhưng còn gọi theo tên làng sở tại là đền Thủ Lệ, hoặc gọi theo tên vị thần được thờ là đền Linh Lang.

Đền Voi Phục tuy đơn sơ nhưng trang nghiêm, bình dị, linh thiêng.  Ảnh: Hải Nguyễn
Đền Voi Phục tuy đơn sơ nhưng trang nghiêm, bình dị, linh thiêng. Ảnh: Hải Nguyễn

Đền Voi Phục ở 306B phố Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Đền dựng trên đất làng Thủ Lệ xưa, trên một gò đất thấp nhìn xuống hồ rộng. Nơi đây vốn là một vườn hoa tự nhiên có cây cối um tùm cùng soi bóng mặt hồ. Chính cảnh vật hoang sơ ấy lại như hội tụ linh khí đất trời, tạo nên một vẻ huyền bí ở ngay nơi thắng cảnh. Các vua nhà Lý thường tổ chức lễ hội Nam Sơn vạn thọ mừng sinh nhật mình ở vùng đất này.

Sử sách ghi lại rằng Đền Voi Phục được xây dựng vào năm 1065 thờ Linh Lang đại vương, con của một cung tần nhà Lý đi tắm hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) bị giao long quấn mà hoài thai 14 tháng sinh ra. Vua Lý Thánh Tông đưa về trại Thủ Lệ nuôi dưỡng. Khi đất nước bị quân Tống xâm lược, Linh Lang xin vua một con voi rồi cưỡi đi đánh giặc. Thắng giặc rồi, ngài về lại Thủ Lệ, không bao lâu mắc bệnh, rồi hóa thành con giao long bò xuống hồ biến mất. Vua phong cho Linh Lang là Đại vương, sai lập đền thờ tại nơi ở cũ với chức danh Thượng đẳng thần.

Đền xưa vốn dựng từ thời Lý, các thời sau đều được tu sửa. Năm 1947 thực dân Pháp sau khi tái chiếm Hà Nội, đã mở rộng ra vùng ngoại vi, đánh lên Sơn Tây, nhân đó đốt trụi đền Voi Phục. Năm 1953 dân làng Thủ Lệ dựng lại đền, sau ngày thủ đô giải phóng đền còn được tu sửa nhiều lần, nhất là từ ngày đất nước đổi mới. Tuy nhiên cho tới nay, đền Voi Phục vẫn có quy mô khiêm tốn, các nếp nhà còn đơn sơ và nhỏ nhoi, nhưng cái đẹp của nó là sự gọn gàng, bình dị dưới những tán cây cổ thụ.

Trấn Bắc - Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh hay còn gọi là quán Trấn Vũ ở góc đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, bên hồ Trúc Bạch nhìn ra Hồ Tây. Đền thờ vị thần có nguồn gốc phương Bắc, liên quan tới Đạo giáo là Huyền Thiên Chân Vũ hiển linh ở nước Nam, ngay từ buổi dựng nước đầu tiên đã giúp vua Hùng đánh giặc, giúp dân trừ tà ma và chống hạn.

Đền Quán Thánh, trung tâm Đạo giáo của nước ta. Ảnh: Hải Nguyễn
Đền Quán Thánh, trung tâm Đạo giáo của nước ta. Ảnh: Hải Nguyễn

Đền được xây dựng từ thời Lý, các thời sau đều có gia cố, thậm chí làm mới, ngày nay về kiểu thức kiến trúc thuộc thời Nguyễn. Đền còn giữ được một số hiện vật của thời Lê trung hưng.

Khuôn viên đền khá rộng, đầu thế kỷ XX còn soi bóng được xuống hồ Tây, nay mặt trước đền là một vườn hoa nhỏ mà về văn hóa lại như cái cầu chuyển tiếp từ đền xuống mặt hồ không bị hẫng hụt. Trong sân đền có nhiều cây muỗm cổ thụ chẳng những che phủ các mái nhà mà còn tạo một không gian xanh, sạch đẹp. Hiếm có một công trình kiến trúc văn hóa có được vẻ đẹp ngoại thất như đền Quán Thánh. Từ mép đường Thanh Niên, những cột đồng vút cao và sau đó là tòa nghi môn kiêm gác chuông, tất cả tạo một vẻ cổ kính giữa phố phường hiện đại. Vào sân đền, vườn cây cổ thụ lại được bổ sung bằng những chậu hoa cây cảnh và đặc biệt là hòn non bộ gia công khéo léo đã tạo ra một thế giới thần tiên.

Kiến trúc chính của đền gồm hai tòa bái đường và chính điện. Những tòa nhà này được dựng ở nửa sau thế kỷ XIX với bộ khung thanh thoát, nhiều hình chạm điêu luyện phủ khắp các vách gỗ mặt tiền làm cho kiến trúc trở nên nhẹ nhàng và vui tươi. Di vật trong đền ngoài bia đá, chuông và khánh đồng còn có nhiều đồ thờ tạo một không khí thâm nghiêm mà ai vào thăm cũng phải kính cẩn. Đặc biệt có pho tượng Huyền Thiên Chân Vũ bằng đồng đen, đúc liền khối, ở thế ngồi cao hơn 3m, chu vi tới 8m, nặng 4 tấn, thể hiện một đạo sĩ tóc xoã, mặt vuông, một tay bắt quyết một tay chống thanh gươm có rắn quấn quanh tì lên lưng rùa.

Trấn Đông - Đền Bạch Mã

Đền Bạch Mã ở số 76 phố Hàng Buồm, xưa thuộc phường Hà Khẩu, trên bờ sông Hồng cạnh cửa sông Tô Lịch, ở phía đông kinh thành, là nơi thờ thần Long Đỗ với tước hiệu Quảng Lợi Bạch Mã đại vương. Thần Long Đỗ tức thần núi Long Đỗ còn gọi là núi Nùng, nơi rốn của con rồng Thăng Long, là điểm kết tụ khí thiêng sông núi kinh thành.

Đền Bạch Mã. Ảnh: Hải Nguyễn
Đền Bạch Mã. Ảnh: Hải Nguyễn

Đền Bạch Mã có từ năm 866, được xây dựng sớm nhất trong hệ thống Tứ Trấn, qua thời gian luôn được tu bổ sửa chữa. Ở thời Trần, quân Nguyên xâm lược nước ta, đốt phá thành Thăng Long nhưng lửa không cháy đến đền. Thời Lê trung hưng đền được trùng tu và dân địa phương được triều đình miễn các nghĩa vụ với nhà nước để tập trung chăm sóc di tích. Bộ mặt kiến trúc chính của đền còn đến ngày nay là thuộc thời Nguyễn, quy mô có thu hẹp, song từ nghi môn đến giải vũ và nhà phương đình, rồi đại bái, thiêu hương và cung cấm đã tạo một tổng thể khép kín thâm nghiêm.

Thăng Long tứ trấn không chỉ là những di tích lịch sử mà nơi đây còn là biểu tượng của đời sống tâm linh và văn hoá của người Việt. Thăng Long tứ trấn tạo nên vẻ đẹp độc đáo của thành Thăng Long xưa, về một không gian tâm linh kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng kinh thành qua các triều đại.

Nguyễn Kim Sơn
TIN LIÊN QUAN

Hàng vạn người đến Đền Hùng đi lễ đầu năm

Thuận Thiên |

Phú Thọ - Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, hàng vạn người dân thập phương đã đổ về Đền Hùng dâng hương, cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình.

Thăng Long tứ trấn - Đền Kim Liên được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Vương Trần |

Đền Kim Liên - Thăng Long tứ trấn được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) mà còn là niềm tự hào của người dân Hà Nội về một địa danh huyền thoại trong “Thăng Long tứ trấn” xưa.

Đền Kim Liên: Địa danh huyền thoại trong "Thăng Long tứ trấn" xưa

NHÓM PV |

Đền Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn, được xây dựng từ khoảng thế kỷ 16 - 17, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi đền là một trong "Thăng Long tứ trấn" của kinh thành xưa.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Hàng vạn người đến Đền Hùng đi lễ đầu năm

Thuận Thiên |

Phú Thọ - Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, hàng vạn người dân thập phương đã đổ về Đền Hùng dâng hương, cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình.

Thăng Long tứ trấn - Đền Kim Liên được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt

Vương Trần |

Đền Kim Liên - Thăng Long tứ trấn được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) mà còn là niềm tự hào của người dân Hà Nội về một địa danh huyền thoại trong “Thăng Long tứ trấn” xưa.

Đền Kim Liên: Địa danh huyền thoại trong "Thăng Long tứ trấn" xưa

NHÓM PV |

Đền Kim Liên là nơi thờ thần Cao Sơn, được xây dựng từ khoảng thế kỷ 16 - 17, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. Ngôi đền là một trong "Thăng Long tứ trấn" của kinh thành xưa.