Đào tạo nguồn nhân lực trong trùng tu di tích

TS. Nguyễn Hữu Mạnh |

Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2035, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất số tiền 350.000 tỉ đồng. Đây là một khoản đầu tư lớn, trong đó sẽ giành một phần nguồn vốn cho trùng tu, tôn tạo, phục hồi di tích.

Những câu chuyện gây xôn xao dư luận

Việt Nam không phải là quốc gia có số lượng di tích lịch sử - văn hóa vào loại nhiều nhất trên thế giới nhưng với hơn 3.200 di tích đã được xếp hạng là di tích quốc gia, hàng vạn di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng cho thấy mật độ di tích vào loại đậm đặc. Đây là một gia tài lớn lao và vô giá mà các thế hệ đi trước đã để lại cho thế hệ hôm nay. Có thể coi các di tích là một loại tài nguyên văn hóa đặc biệt, một loại nguồn lực cho phát triển bền vững.

Trong những năm qua một loạt các bất cập của trùng tu di tích đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp gồm 4 kiến trúc tọa lạc trên ngọn đồi cao bên dòng sông Kôn ở tỉnh Bình Định. Năm 2015, tháp Bánh Ít là địa điểm duy nhất của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” do nhà xuất bản Quintessence nổi tiếng của Anh phát hành đã đánh giá rất cao trong nền lịch sử nghệ thuật vương quốc Champa xưa từng tồn tại ở miền Trung Việt Nam. Tuy vậy, năm 2021, suốt một thời gian dài, các báo đài Việt Nam “kể câu chuyện buồn” về trùng tu di tích này.

Nhiều tờ báo viết về hai bên thành bậc đá khu vực gần tháp Cổng, có dấu vết sử dụng máy xúc san gạt, để lộ cả chân tường để trồng cỏ. Đồng thời tại, chân tháp Cổng xuất hiện kẽ hở, dấu vết bị phương tiện cơ giới, máy xúc đào xới, san gạt. Càng lên cao khu vực tháp Chính, nhiều hạng mục công trình thi công bằng bê tông, không ăn nhập với kiến trúc bằng gạch mộc của người xưa. Khuôn viên tháp, vùng lõi của di tích, vùng bảo vệ đặc biệt thì được đào xới để hình thành các hạng mục thi công mới. Đáng buồn thay tại khu vực đền tháp Chính, đơn vị thi công đào quanh tháp từng cống rãnh để lát nền móng tường rào, hành lang gạch đá cũng được làm mới dưới chân tháp.

Trong những sai lầm này, đáng trách là việc xây dựng bồn hoa bao quanh chân của khu vực đền tháp Chính, liệu các nhà trùng tu, nhà thầu thi công là liên danh Công ty TNHH xây dựng - tổng hợp Hiếu Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Thành Lộc và Công ty TNHH Hùng Phát và các đơn vị quản lý văn hóa ở Bình Định có biết rằng, Henri Parmentier, một nhà kiến trúc, khảo cổ học người Pháp ngay từ đầu thế kỷ XX, trong công trình Thống kê, khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ đã miêu tả, đánh giá rất cao những hình tượng điêu khắc dưới chân đền tháp Chính, thì nay, được “trùng tu, bảo tồn” lấp đi để trồng hoa quanh một công trình tôn giáo, điều tối kỵ trong việc trân trọng giá trị di sản của người xưa.

Chẳng lâu sau, đầu năm 2022, vấn đề trùng tu Đình Chèm ở phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại gây “tiếng vang xấu” trong tu bổ, tôn tạo di tích. Đình Chèm là một trong những ngôi đình cổ ở Việt Nam đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2018. Đây là một trong số rất ít các đình làng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ở Việt Nam.

Trải qua đợt trùng tu, hiện nay Đình Chèm đã được tu sửa và chỉnh trang toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh, sân trước và sân sau đình, cũng như sửa chữa phần ngói tạo thành một “di tích hoàn toàn mới”. Trong quá trình tu sửa, một cây đa lớn trước cửa đình đã bị chặt bỏ, và điều này gây phản ứng tiếc nuối trong cộng đồng. Một số người cho rằng, việc này làm mất đi giá trị của di tích.

Nhưng cũng có nhiều điển hình, thành công trong việc trùng tu, tôn tạo di tích, giúp phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa trong thu hút hàng vạn du khách đến viếng thăm.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết ngay sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Huế đã từng bước được đẩy mạnh và ngày càng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Chỉ sau một thời gian ngắn di tích Huế đã vượt qua thời kỳ cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn bảo tồn và phát triển bền vững.

Trong một thời gian ngắn, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nghiên cứu phục hồi, trùng tu tôn tạo được khoảng 150 công trình, hạng mục di tích, tiêu biểu như dự án trùng tu Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành (Đại Nội); Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, điện Ôn Khiêm (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định); chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của Kinh Thành Huế, hạ tầng khu vực Kinh Thành, Hoàng Thành, sông Ngự Hà...

Ngoài ra, hàng trăm công trình khác đã được bảo quản chống xuống cấp, hệ thống sân vườn các di tích được tu bổ hoàn nguyên, hệ thống cơ sở hạ tầng các di tích được đầu tư, không gian hoang phế được thu hẹp dần... Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị hư hỏng.

Lăng vua Minh Mạng, một di tích nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Lăng vua Minh Mạng, một di tích nằm trong Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO ghi nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh

Văn hóa đang rất được quan tâm đầu tư

Cách đây mấy chục năm, Giáo sư địa lý Lê Bá Thảo trong cuốn sách "Thiên nhiên Việt Nam" từng nhận xét: “Trên bản đồ toàn cầu rộng lớn, thế giới ngày càng chú ý đến một dải đất có diện tích vừa phải nằm ở rìa đông nam lục địa châu Á. Tất nhiên, lãnh thổ này đã tồn tại từ lâu như là một đơn vị địa lý tự nhiên. Nhiều bộ phận núi non ở đây có tuổi cũng già gần bằng tuổi vỏ quả đất, nhưng đúng là từ vài chục năm nay, không có một người bình thường nào trên thế giới lại không biết đến tên lãnh thổ này như là tượng trưng cho sự đấu tranh của các dân tộc chống lại các lực lượng hung bạo của chủ nghĩa đế quốc, cho chính nghĩa và lương tri của thời đại. Đó là Việt Nam, Tổ quốc của chúng ta”.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, vượt qua chiến tranh loạn lạc, trong mấy thập kỷ qua ghi nhận sự phát triển vượt bậc về kinh tế của Việt Nam. Nước ta ngày một phát triển và hội nhập toàn diện với thế giới. Việt Nam không còn được biết đến bởi chiến tranh, đói nghèo mà là đất nước của hòa bình, của thịnh vượng, là điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch, của bạn bè quốc tế năm châu, trong đó nhiều người chọn viếng thăm các công trình, di tích đã được trùng tu, tôn tạo.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục phát triển tư duy mới, xác định văn hóa phải thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội và soi đường cho quốc dân đi; khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, do đó, bức thiết là cần đầu tư ngân sách cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích văn hóa, góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống của cha ông.

Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chính Phủ mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, Bộ trưởng đã đưa ra kế hoạch đề xuất số tiền 350.000 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 - 2035, trong đó một nguồn vốn rất lớn dành cho trùng tu, tu bổ di tích, trong đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công việc trùng tu là một vấn đề bức thiết.

Vẻ đẹp của tháp Bánh Ít, di sản đã hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Vẻ đẹp của tháp Bánh Ít, di sản đã hàng nghìn năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Hữu Mạnh
Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam.  Ảnh: TTXVN
Chương trình nghệ thuật Kỷ niệm 80 năm Đề cương về Văn hoá Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trùng tu di tích

Với khối tài sản hàng ngàn di tích không thể tái sinh, "tuổi tác ngày một cao", qua năm tháng luôn phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, mưa nhiều, nắng gắt, bão, lũ lụt... cùng với hành vi thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, thậm chí cố ý của con người, một câu hỏi đặt ra là chúng ta đã và sẽ xây dựng, phát triển nguồn nhân lực như thế nào để bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị khối tài sản vô giá đó, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội ngày hôm nay và để chuyển giao cho các thế hệ mai sau. Để những “câu chuyện buồn” mà tôi đã kể ở trên sẽ đi vào dĩ vãng, không còn lặp lại ở bất kỳ nơi nào, thời gian nào.

Khi nhìn nhận một cách nghiêm túc có thể nhận thấy, nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về khoa học bảo tồn. Những người làm công tác trên lĩnh vực bảo tồn di tích hiện nay được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau như sử học, khảo cổ học, kiến trúc... Có những người trong số đó trở thành chuyên gia đầu ngành về những lĩnh vực này, nhưng lại không chuyên sâu về bảo tồn di tích. Có thể nói, nguyên nhân của những bài học trùng tu mà tôi kể trên xuất phát từ nguồn nhân lực về bảo tồn di tích còn mỏng, chưa được chuyên môn hóa và tính chuyên nghiệp cao trong hoạt động nghề nghiệp.

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: Về mặt bản chất, nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích không phải là phương tiện, mà là mục tiêu xây dựng và phát triển một đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn có tính chuyên nghiệp cao, một đội ngũ thợ lành nghề được trang bị những kiến thức chuyên sâu về lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật cổ, các phương pháp khoa học về bảo tồn, các nguyên tắc và quy định của pháp luật về bảo tồn di tích.

Nguồn nhân lực này để quản lý và tổ chức triển khai trên thực tế việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa đúng quy trình, đúng phương pháp khoa học nhằm giữ gìn tính chân xác, tính toàn vẹn và giá trị đích thực của di tích để phát huy giá trị và chuyển giao di sản đỏ cho đời sau.

Đồng thời, nguồn nhân lực bảo tồn di tích còn hướng tới việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, trang bị những kiến thức cơ bản về bảo tồn để cộng đồng tham gia có trách nhiệm và hiểu biết về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trực tiếp đóng góp và giám sát quá trình thi công và chất lượng của công trình được bảo tồn. Đây cũng là hình thức đầu tư có sức "thẩm thấu" và lan tỏa rộng rãi hơn đầu tư cho những nguồn lực khác.

GS. TSKH Lưu Trần Tiêu cho biết thêm, nguồn vốn con người trong hoạt động bảo tồn di tích bao gồm kiến thức, các kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực làm việc, tay nghề, tính sáng tạo, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia... được hình thành thông qua nhiều cách thức khác nhau, như đào tạo tại các trường trung cấp, đại học, sau đại học, viện nghiên cứu; đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, truyền nghề, dạy nghề...

Hơn nữa, chúng ta đã nhận được sự hợp tác, chuyển giao tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp bảo tồn của chuyên gia nhiều tổ chức quốc tế. Thông qua đó, nhiều cán bộ của chúng ta, đặc biệt là ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam)... đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý, nâng cao tay nghề và trình độ chuyên môn về bảo tồn di tích. Trong tương lai, bằng sự đầu tư lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng ta cần thúc đẩy nhiều hơn nữa hợp tác với các chuyên gia nước ngoài.

TS. Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Lập quy hoạch tu bổ, phục hồi di tích chùa Hương

PHẠM ĐÔNG |

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Sẽ khởi công trùng tu di tích lầu Bảo Đại?

Hữu Long |

Khánh Hòa - Trong kế hoạch xúc tiến đầu tư mới ban hành có chương trình khởi công dự án trùng tu di tích Biệt thự Cầu Đá Lầu Bảo Đại.

Gần 66 tỷ đồng tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu Huế

Tường Minh |

Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chuẩn bị tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu Huế với tổng vốn đầu tư gần 66 tỷ đồng.

Giá sầu riêng đảo chiều, lao dốc khiến thương lái lao đao

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Giá sầu riêng trong 2 tuần qua "quay đầu" lao dốc khiến không ít thương lái thu mua lâm vào cảnh điêu đứng, nợ nần chồng chất.

Tìm thấy 3 chị em lạc trên núi khi đi du lịch trải nghiệm ở Gia Lai

THANH TUẤN |

3 chị em khi đi tham quan núi Chư Nâm, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, Gia Lai) thì mất phương hướng, đi lạc nhiều giờ giữa rừng núi, may mắn được công an tìm thấy.

Làm rõ vụ người phụ nữ giúp việc nghi tự thiêu ở TPHCM

HỮU CHÁNH |

Công an TP Thủ Đức đang phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhà nghi do tự thiêu trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh.

Sống trong các khu trọ kín cổng cao tầng, sinh viên lo khó thoát khi hỏa hoạn

Mạnh Cường |

Để gia tăng lợi nhuận, nhiều nhà trọ đã xây vượt tầng cho thuê. Từ khi xảy ra vụ cháy làm 56 người thiệt mạng tại phố Khương Hạ (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều sinh viên thuê trọ tại các chung cư mini cảm thấy vô cùng lo lắng. Bởi nếu hỏa hoạn xảy ra sẽ cực kỳ khó khăn trong việc thoát thân.

Mưa lớn gây ngập cục bộ trung tâm Đà Nẵng

THÙY TRANG - TRẦN THI |

Do ảnh hưởng của Áp thấp nhiệt đới, ngày 25.9 trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có mưa to và rất to ngay từ đầu giờ sáng. Một số tuyến đường trung tâm thành phố ngập cục bộ, khiến người dân di chuyển khó khăn.

Lập quy hoạch tu bổ, phục hồi di tích chùa Hương

PHẠM ĐÔNG |

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt chùa Hương, với các giá trị đặc biệt về văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan và đa dạng sinh học.

Sẽ khởi công trùng tu di tích lầu Bảo Đại?

Hữu Long |

Khánh Hòa - Trong kế hoạch xúc tiến đầu tư mới ban hành có chương trình khởi công dự án trùng tu di tích Biệt thự Cầu Đá Lầu Bảo Đại.

Gần 66 tỷ đồng tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu Huế

Tường Minh |

Huế - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chuẩn bị tôn tạo, phục hồi di tích Văn Miếu Huế với tổng vốn đầu tư gần 66 tỷ đồng.