Đạo diễn, NSƯT Trần Lực: “Tình cũ không rủ cũng tới”

Thủy Nguyên |

“Dậy thì muộn” với sân khấu - “mối tình đầu dang dở”, nam diễn viên sáng màn ảnh một thời nói rằng anh nhất quyết phải nối duyên trở lại với “tình xưa” sau hàng chục năm để bụi phủ mờ tấm bằng đạo diễn sân khấu mang về từ Bulgaria và chung sống “đồng sàng dị mộng” với điện ảnh. Lần này là vở thứ 2, sau “Quẫn” (vở kịch đầu tay hồi năm ngoái đã đưa về cho anh cùng ekip một cơn mưa Vàng, Bạc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2016). 

Live stream với... hài kịch của Molière

Dưỡng khí nào giúp anh có thêm dũng khí dựng tiếp vở mới thế? “Thắng đậm” ngay vở đầu tay, hay vì “tình cũ không rủ cũng tới”?

- Thật ra thì cũng chưa đến mức phải cần dưỡng khí, đã “bị ngạt” đâu! (cười). Từ một nhóm kịch gồm toàn các em sinh viên tôi đã kèm cặp suốt 4 năm trời tại Trường SKĐA Hà Nội và giờ đã là đội quân nòng cốt của sân khấu Trần Lực, muốn tồn tại tự thân, chúng tôi buộc phải tiếp tục cho ra sản phẩm tốt thôi, thì mới mong định hình được phong cách riêng của mình và kéo khán giả đến rạp. Mặc dù vở kịch đầu tay ở tuổi 54 đã trút xuống một cơn mưa giải thưởng mà với tôi là không tưởng (giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” cho NSƯT Trần Lực, HCV cho vở diễn cùng 1 HCV và 2 HCB cho diễn viên - P.V), nhưng không thể ngồi đó mà cười mãi được, phải xắn tay làm vở mới thôi! Lần này là “Cơn mưa của Lọ Lem” - một tác phẩm nổi tiếng của kịch tác gia người Pháp Molière, thật ra trong nguyên tác là thuộc một chùm kịch ngắn, nhưng tôi cho đắp thêm, “mắm muối” thêm để thành một vở hài kịch dài 75 phút.

Câu chuyện hiến nhà hiến vàng vừa được nhắc lại mới đây của nhà tư sản Trịnh Văn Bô khiến tôi nhớ lại “Quẫn” - vở kịch ra đời gần 60 năm trước của nhà viết kịch Lộng Chương mà anh dựng lại hồi năm ngoái. Khi không phải ai cũng có thể làm được như ông bà Trịnh Văn Bô và nếu có, thì cũng phải vượt qua cả một cuộc giằng xé. Thường, tâm thế của anh khi kể lại một câu chuyện cũ thế nào?

- Cả hai lần, tôi đều chọn những kịch bản cũ, ra đời cách đây hàng chục thập niên như “Quẫn”, hay thậm chí là nhiều thế kỷ trước như “Cơn ghen của Lọ Lem” cũng là bởi tận đến giờ, nhiều bức thông điệp trong đó hẵng vẫn còn mới lắm, bụi thời gian không làm được gì nó cả. Thêm lần nữa, chúng ta lại choàng lên nó một lớp áo mới, đó là cái nhìn hôm nay của những người đang đứng ở thế kỷ XXI, để thấy rằng, cùng trước một câu chuyện, có thể có những cái nhìn khác nhau, đôi khi bị chi phối bởi lăng kính thời đại.

Chẳng hạn như với “Quẫn”, dù cùng trong một tiếng cười nhưng cái nhìn của tôi hôm nay đã ít nhiều có thêm sự thông cảm, trước những hành xử từng bị cho là ích kỷ, tư lợi của cặp vợ chồng nhà tư sản Đại Cát trong công cuộc “cải tạo tư sản”, “công tư hợp doanh” cách đây hơn nửa thế kỷ ở Hà Nội. Đồng tiền mồ hôi nước mắt, nói thế chứ, con người mà, ai chẳng có lúc tham sân si, đến cho anh em ruột thịt trong nhà mà nhiều khi còn phải nghĩ nát óc, huống hồ... (cười). Và càng giằng xé, đấu tranh tư tưởng thì mới càng thấy hết giá trị của sự hy sinh chứ, có sự hy sinh nào là dễ như bỡn cả đâu! Lịch sử không thể viết lại, nhưng có thể nhìn lại. Với vở hài kịch của Molière cũng vậy, quả là một tấn bi hài chưa bao giờ cũ về thói háo danh trưởng giả; căn bệnh “quý sờ tộc”, “hội chứng live stream” ở những ông “tiến sĩ giấy” vẫn không ngừng mọc lên trong xã hội ta hôm nay...

Chưa bao giờ nguôi quên, chẳng có gì là muộn

Với “Quẫn”, anh từng chia sẻ rằng anh đặc biệt tâm đắc với sân khấu ước lệ, thay vì phương pháp hiện thực tâm lý. Với vở mới, liệu anh có vẫn theo đuổi cách đó?

- Có chứ! Vì sân khấu ước lệ, nó kỳ thú lắm bạn ạ, nó cho ta một khoảng trời tự do sáng tạo vô giá. Nếu như phương pháp hiện thực tâm lý (mà sân khấu Việt Nam theo đuổi lâu nay) là thiên về tả thực, thì sân khấu ước lệ lại thiên về tả ý. Nó không bị bó buộc, ngăn cách bởi yếu tố không gian thời gian gì cả. Diễn viên thay vì lột tả nội tâm nhân vật bằng ánh mắt, lời nói, còn tham gia tích cực vào những màn thắt nút mở nút của vở bằng ngôn ngữ hình thể. Điều thú vị là sân khấu ước lệ không chỉ là một “phát minh” đến từ các nhà lý luận sân khấu nổi tiếng của phương Tây, hay hôm nay là triết lý tối giản, mà còn có ngay trong di sản sân khấu truyền thống của ông bà ta. “Quẫn”, và đặc biệt là tới vở mới này, vì thế sẽ là một phép cộng giữa phương pháp ước lệ (được phát minh bởi nhà sân khấu học người Nga nổi tiếng Vsevolod Meyerhold) và nghệ thuật hóa trang, biểu đạt của tuồng, chèo...

Sân khấu tối giản phải chăng còn là một cách “liệu cơm gắp mắm”, cho một sân khấu tư nhân vốn không dễ gì mọc lên ở Hà Nội và đừng mơ xin được tài trợ?

- Tối giản thì mới là tốn kém đấy bạn, tốn hơn sân khấu phông màn bục bệ nhiều! Vì để diễn trên một sân khấu tối giản, buộc lòng đạo diễn và họa sỹ thiết kế sân khấu phải nghĩ nát óc trong nhiều tháng trời, cũng như diễn viên phải tập luyện rất kỳ công để khi ra sân khấu mới có thể có được những màn trình diễn chắp cánh cho trí tưởng tượng của khán giả. Thời gian và chất xám, không là tiền thì là gì?

Tả ý hơn là tả thực - Đó phần nào có phải là học từ điện ảnh không, lúc này thậm chí chỉ cần gợi mà không buồn có cốt truyện?

- Trái lại, điện ảnh học nhiều từ sân khấu đấy bạn, sinh sau đẻ muộn mà! Sân khấu nó có nhiều “phát minh” lắm, tới giờ vẫn mới. Có thế thì bao năm tôi mới vẫn phải đau đáu thế chứ, chưa bao giờ là không nghĩ tới, cả khi tưởng như không còn lòng nào mà nghĩ tới, và đã trót dành gần như cả đời cho điện ảnh...

Lấy vợ thì rõ nhiều, mà với sân khấu thì chung tình nhỉ?

- Chính xác!

Ơ, không sợ “cơn ghen của Lọ Lem” sao?

- Cùng lắm thì... đánh là cùng chứ gì? Nói chung với các bà vợ ấy mà, chỉ cần biết xin lỗi sao cho khéo là được! (cười)

“Bố ơi, mình đi đâu thế”, thế giờ “bố” đã biết đi đâu chưa?

- Rồi. Lại còn biết về đâu nữa cơ! Ừ thì trong điện ảnh mình già, nhưng qua sân khấu mình lại trẻ, hay mà, có sao đâu!

Có vẻ như anh chả bao giờ sợ muộn nhỉ? U50 vẫn tiếp tục làm bố, U60 vẫn liều mình dựng vở?

- Không, chả có gì là muộn cả! Lúc nào cũng phơi phới dậy lòng tin, nhá!

Thủy Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

THEO TTXVN |

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, trưa 17.1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin Pyo đã cắt băng khánh thành trụ sở Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, một biểu tượng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.