Đạo diễn Lương Đình Dũng: “Đã làm phim lịch sử thì nên tôn trọng lịch sử”

việt văn (thực hiện) |

Lương Đình Dũng được công chúng điện ảnh biết đến với nhiều vai trò: Đạo diễn - Biên kịch - Nhà sản xuất. Lương Đình Dũng sinh tại Tuyên Quang, được đào tạo chính quy từ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Anh từng là cố vấn về phim Điện ảnh tại Liên hoan phim Quốc tế (LHP) Tallinn Black Nights (Top 14 LHP Hạng A thế giới), Giám khảo phim truyện - LHP quốc gia Việt Nam lần thứ 22, Giám khảo phim truyện - LHP quốc tế Pune lần thứ 19 (Ấn Độ) và Giám khảo phim truyện - LHP quốc tế Hà Nội lần thứ 6 (Haniff). Anh đã gặt hái nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, và hiện đang có dự án làm phim lịch sử “Anh hùng”.

Vì sao đang từ làm phim tâm lý (Cha cõng con), phim hành động (578), phim tội phạm “Thành phố ngủ gật”, anh lại chuyển sang làm phim lịch sử - “Anh hùng”? Việc làm phim lịch sử là một ý muốn ngẫu hứng, nhất thời hay nó là giấc mơ từ lâu của anh?

- Tôi có một kế hoạch linh hoạt ngay từ thời sinh viên cho những dự định làm phim của mình, dù gặp nhiều khó khăn. Nếu trời vẫn cho tôi sự hứng khởi trong mọi thăng trầm thì sau 10 năm nữa tôi dự kiến quay một bộ phim “Ba mùa mưa, bẩy mùa nước”. Kịch bản tôi viết hoàn toàn bằng thơ và vẽ các phân cảnh bằng các bức tranh. Câu chuyện phim về những người phụ nữ sống dưới nước. Họ nói chuyện với nước như thế nào, bộ phim tôi sẽ lý giải về điều đó.

Một người thầy của tôi đã từng nói với tôi rằng, bộ phim chính là kế hoạch và chiến lược của mỗi đạo diễn để tiến lên phía trước mỗi ngày. Tôi vẫn cố gắng duy trì tốc độ suy nghĩ. Kể cả trong những lúc cùng cực và khắc nghiệt nhất thì tôi vẫn luôn dịch chuyển về phía trước, tính toán cho các dự án để tin rằng, mình vẫn còn mục tiêu phải chinh phục.

Phim “Anh hùng” (Hero and Hero) là một suy nghĩ nghiêm túc của tôi hơn 10 năm trước đây. Tôi thích Nguyễn Trãi, Lê Thái Tổ, Ngô Quyền, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng... Nhưng lúc đó kiến thức, kinh nghiệm của cá nhân tôi chưa đủ và công nghệ cũng như nhiều điều kiện khác không cho phép tôi có thể thực hiện bộ phim. Để bắt đầu dự án này, chúng tôi phải dành rất nhiều thời gian để hoàn thiện một hồ sơ mấy trăm trang về bộ phim. Hồ sơ quan trọng bậc nhất cho êkip sáng tạo. Nó giữ nguyên tắc, định hướng, kiến thức và truyền cảm hứng cho tất cả những ai bước vào bộ phim.

Phim ảnh với tôi không nên thể nghiệm vì nó quá mạo hiểm về công sức và tiền bạc. Mỗi phim tôi làm với chủ đề khác nhau. Nó giúp tôi sáng tạo và không lặp lại lối cũ. Hơn nữa như tôi nói, nó là những bước tiến để tôi thấy mình di chuyển đến đích của một nhà làm phim.

Vì sao không phải là một đề tài khác mà phải là phim về Nguyễn Trãi? Nó có ý nghĩa gì trong bối cảnh hôm nay?

- Đây là một phim đầu tiên tôi làm về đề tài lịch sử. Nó là một thách thức lớn chứ không phải nói là làm được. Tôi cũng trăn trở suy nghĩ xem mình sẽ bắt đầu với câu chuyện lịch sử nào và cuối cùng tôi chọn sự kiện Vua Lê Thánh Tông minh oan cho anh hùng Nguyễn Trãi. Đây sẽ là bộ phim chúng tôi khởi động cho các dự án phim lịch sử khác.

Bộ phim cũng tái hiện lại trận chiến oai hùng của Vua Lê Thái Tổ. Còn về ý nghĩa thì bên cạnh khát vọng và trách nhiệm của một nhà làm phim đối với lịch sử và người xưa, truyện phim cũng mang những thông điệp cho ngày hôm nay. Đồng thời, chúng tôi cũng phải đề cao tính hấp dẫn để bộ phim có thể đến với khán giả nhiều nhất. Có thể nói, “Anh hùng” sẽ là bộ phim hội tụ: “Điện ảnh, chính kịch, chiến tranh và hành động” trong mọi kịch tính. Để phát triển câu chuyện lên cao trào, bộ phim đề cập đến Luật Hồng Đức - bộ luật tiến bộ trong một thời kỳ lịch sử của Việt Nam.

Êkíp làm phim “Anh hùng” ở Thác Ma Hao - Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Êkíp làm phim “Anh hùng” ở Thác Ma Hao - Thanh Hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh có thế nói về những thách thức lớn nhất khi làm “Anh hùng”? Đó là câu chuyện về tư liệu lịch sử, về chọn diễn viên... hay là cách kể?

- Đầu tiên là êkíp sản xuất, đó là một thách thức lớn. Vì điện ảnh Việt Nam chưa có nhiều cơ hội sản xuất những bộ phim lịch sử phức tạp trong giai đoạn gần đây. Vì thế không thể có một đội ngũ đã từng có trải nghiệm sẵn để làm phim này. Thách thức tiếp theo khi làm phim lịch sử là tính chính xác về từng sự kiện lịch sử. Không như những câu chuyện hư cấu thông thường, phim này phải đặc biệt tôn trọng tính xác thực của nhân vật và tình huống để câu chuyện có thể chinh phục người xem hôm nay, những khán giả luôn yêu thích điện ảnh và lịch sử.

Khi chúng ta có một câu chuyện rồi thì tìm cách kể chuyện lại là một thách thức tiếp theo không hề dễ dàng. Đạo diễn tầm cỡ nào cũng phải “nặn đầu” ra mới có thể tìm được cách đưa câu chuyện của mình tiếp cận khán giả. Tôi cũng thế thôi!

Tôi phải tìm mọi cách kể chuyện để đạt được mục tiêu đưa bộ phim đến với nhiều khán giả nhất. Sau tính xác thực hay cách kể thì đến vấn đề diễn viên. Họ chính là người tái hiện câu chuyện lên màn ảnh một cách sống động nên lựa chọn diễn viên cũng quan trọng không hề kém các đầu mục khác. Trong phim lịch sử thì đối với tôi, từ người làm phục trang, hoạ sĩ, chuyên gia cố vấn hay thậm chí người huấn luyện ngựa... đều quan trọng cả.

Một đoàn tàu tốt mấy đi chăng nữa mà chỉ khuyết một thanh ray là có thể hỏng tất cả. Phim lịch sử là như vậy, mọi thứ đều đặt lên bàn cân để tính toán từng ly từng tý và tất cả mọi thành phần, yếu tố đều có tầm quan trọng như nhau trong mỗi công đoạn.

Hiện dự án làm phim “Anh hùng” đang ở giai đoạn nào? Và phim cần bao nhiêu tiền để hoàn tất đúng như ý đồ của anh?

- Điều đầu tiên là bản thân tôi phải chuẩn bị tâm thế để làm một bộ phim quan trọng như “Anh hùng”. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để suy nghĩ và hiện giờ êkip đang triển khai các đầu việc ở giai đoạn chuẩn bị để sản xuất bộ phim.

Chúng tôi đã tìm được bối cảnh ở Thanh Hóa, Tuyên Quang, Ninh Bình... và đang điều chỉnh thêm về kịch bản. Tôi cũng đã có phương án về dàn diễn viên chính tham gia bộ phim. Đây là một quá trình chuẩn bị có thể nói là rất đồ sộ, có đến hàng nghìn đầu mục chúng tôi phải triển khai đến mức chi tiết. Còn về kinh phí cho dự án này là rất lớn nhưng xin phép tiết lộ sau một thời gian nữa.

Một cảnh trong phim “578”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một cảnh trong phim “578”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Quan điểm của anh về làm phim lịch sử? Trung thành và hư cấu trong phim lịch sử cần được hiểu và thực hiện trong phim như thế nào?

- Cá nhân tôi nghĩ nếu đã làm phim lịch sử thì nên tôn trọng những gì mà lịch sử ghi chép rõ ràng và có tính xác thực cao. Không nhất thiết phải hư cấu thông tin nếu nó chẳng giúp ích gì cho bộ phim. Tất nhiên, một bộ phim sẽ không thể đầy đủ như hàng trăm, hàng ngàn trang viết trong sử sách được. Ở Việt Nam có thêm một khó khăn không chỉ đối với các nhà làm phim là chúng ta không có một kênh thông tin nào chính thức, cập nhật đầy đủ các dữ liệu lịch sử để bất kỳ ai nếu cần cũng có thể vào tham khảo.

Hơn nữa, tất cả chúng ta đều không được sống trong giai đoạn lịch sử đó. Nhiều khi sự kiện chỉ được ghi có vài dòng, vì thế điện ảnh sẽ phải sử dụng ngôn ngữ của chính mình để mô tả các câu chuyện liên quan theo cách riêng của nó.

Phim truyện điện ảnh là thể loại phim hư cấu. Nhưng hư cấu đến đâu và tôn trọng tính xác thực tới mức nào thì cá nhân tôi nghĩ đó là quyền của các nhà làm phim và nhà sản xuất. Tuy nhiên, phản chiếu hay phản biện lịch sử cũng cần tính toán đến phản ứng của dư luận. Do đó, tôi nghĩ mình cần làm một bộ phim hướng đến khán giả. Chính khán giả với hàng triệu góc nhìn khác nhau sẽ phán định bộ phim. Nếu bộ phim được đa số chấp nhận đồng nghĩa nó rất đáng trân trọng.

Những lùm xùm về một số phim lịch sử Việt gần đây có làm anh phải cẩn trọng hơn khi bắt tay vào thực hiện một phim lịch sử quy mô, hoành tráng như “Anh hùng”?

- Chúng tôi có cẩn trọng hơn, nhưng chủ yếu là về yếu tố truyền thông thôi. Còn dự án của chúng tôi đã có từ lâu. Khi bắt tay thực hiện dự án phim “Anh hùng”, chúng tôi đã định hình quan điểm và hướng đi của riêng mình chứ không chạy theo dư luận hay các nhà làm phim trước đó. Nếu ai nói gì mình cũng bị chi phối thì rất dễ rối loạn và không còn biết thế nào là đúng - sai.

Vì thế, chúng tôi vẫn lắng nghe nhưng lựa chọn một cách khắt khe khi tiếp nhận bất kỳ thông tin nào.

Một bộ phim lịch sử nếu muốn thành công thì đầu tiên phải nắm rõ quy trình sản xuất và tôi thì tuyệt nhiên tôn trọng quy trình làm việc này. “Anh hùng” là một phim lớn đối với chúng tôi. Ngay từ đầu chúng tôi đã đặt trách nhiệm lên trước để có một bộ phim tốt. Mọi thứ khác thì để sau khi hoàn tất, tôi hy vọng bộ phim sẽ trả lời được những câu hỏi và thắc mắc của mọi người.

Một cảnh trong phim “Cha cõng con”. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Một cảnh trong phim “Cha cõng con”. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh vừa viết sách, làm thơ, vừa làm biên kịch, vừa làm đạo diễn. Ở lĩnh vực nào, dấu vân tay của anh rõ nhất và vì sao?

- Thơ với tôi như một người bạn giản dị trung thành, giúp tôi bày tỏ bản thân trong mọi hoàn cảnh buồn vui và thậm chí những lúc khó khăn mất mát lớn nhất. Thơ làm tôi lắng xuống và im lặng ở mức thấp nhất trong những lúc nóng nảy và hỗn độn. Thơ cũng là tiếng nói chân thật và trong trẻo nhất của tôi trong các góc cạnh của cuộc sống. Còn từ góc nhìn sáng tác, thơ gợi dẫn được nhiều cảm xúc diễn xuất cho diễn viên và tạo cảm hứng cho những hình ảnh, màu sắc đẹp, nó giúp tôi làm phim tốt hơn.

Với tôi phim và thơ là một, nếu có dấu ấn cá nhân thì tôi nghĩ qua phim qua thơ, mọi người dễ nhận diện bản năng của tôi nhất. Tất cả suy nghĩ và cái nhìn của tôi về cuộc sống đều được bộc lộ trong đó.

Nhiều người hỏi tôi rằng, tôi cạnh tranh với ai? Mục tiêu của tôi là gì? Tôi thích câu nói tuyệt hay: “Kiêu hãnh một cách tự tin, còn hơn là khiêm tốn một cách giả dối”. Tôi không cạnh tranh với ai ngoài bản thân mình và tôi muốn mình trở thành đạo diễn điện ảnh tầm cỡ thế giới. Sẽ có nhiều khó khăn nhưng tôi là đàn ông, tôi rất cần một mục tiêu khắc nghiệt để chinh phục.

Cảm ơn anh, chúc cho mọi mục tiêu của anh đều thành hiện thực!

Một số thành tựu điện ảnh nổi bật của đạo diễn Lương Đình Dũng:

Giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” LHP quốc tế Iran (FIFF) lần thứ 36; Giải “Kịch bản xuất sắc nhất” - LHP quốc gia Việt Nam lần thứ 20; Giải “Bông Sen Bạc” - LHP quốc gia Việt Nam lần thứ 20; Giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” - LHP châu Á Barcelona lần thứ 7; Giải “Phim nước ngoài hay nhất” - LHP quốc tế Arizona lần thứ 26; Giải “Đạo diễn xuất sắc” - LHP độc lập Mỹ USA Independent Film Festival...

Hai phim “Cha cõng con” và “578” đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự Oscar lần thứ 90, Oscar lần thứ 95.

Bộ phim điện ảnh thứ 3 “Thành phố ngủ gật” (Drowsy City) thể loại tâm lý - tội phạm, được lựa chọn chính thức tại LHP Nouveau Cinéma Film Festival (Canada), đề cử giải “Phim châu Á xuất sắc nhất” tại LHP quốc tế Kolkata (Ấn Độ)...

việt văn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đạo diễn Nguyễn Quang Trung: “Tôi chỉ muốn đi được một quãng đường thật xa”

Trần Việt (thực hiện) |

Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim “Nụ cười” thể loại phim hoạt hình thực sự là một bất ngờ lớn tại LHP Việt Nam lần thứ 23, khi thuộc về Nguyễn Quang Trung, giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Nên có sự kiểm soát các cuộc thi hoa hậu

Thùy Trang |

Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu bất cập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, du lịch, văn hóa thời trang.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.

Phiên chợ âm dương mỗi năm một lần dịp Tết Nguyên đán

Hải Nguyễn |

Mỗi năm, vào đêm mùng 4 Tết Nguyên đán, chợ âm dương lại họp một lần ở làng Ó (nay là làng Xuân Ổ, Võ Cường, TP Bắc Ninh). Phiên chợ được xem là cầu nối giữa hai thế giới âm - dương trong dịp Tết Nguyên đán.

Giá thuê nhà tăng, nhiều khách thuê choáng váng

ANH HUY |

Dù trải qua một năm khó khăn nhưng giá nhà cho thuê tại các thành phố lớn trong đó có Hà Nội vẫn liên tục tăng khiến khách choáng váng. Các chuyên gia dự báo, trong năm 2024, thị trường này sẽ hạ nhiệt nhờ các giải pháp đưa ra để giảm giá nhà.

400 con rồng quy tụ ở ngôi đình cổ Hải Phòng

Mai Dung |

Đình Hàng Kênh – ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi là di tích đặc biệt, tiêu biểu của thành phố Cảng - Hải Phòng. Ngôi đình còn nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo với các mảng chạm khắc gần 400 con rồng cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Bi kịch của người đàn bà phóng hoả trả thù tình nhân

Việt Dũng |

Trong phiên toà, Trần Thị Thanh Hải - kẻ phóng hoả đốt khu nhà trọ ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến ngọn lửa bùng phát, làm chết 1 phụ nữ đang mang thai - đã cay đắng cho hay, từ ngày vướng lao lý, cô bị chồng, người thân bỏ mặc, không ai đoái hoài.

Danh tính các nạn nhân thương vong trong vụ xe khách đổ nghiêng, đè lên xe máy ở Yên Bái

Phan Kiên |

Lực lượng chức năng đã xác định được danh tính các nạn nhân thương vong trong vụ tai nạn xe khách trên Quốc lộ 32, đoạn qua địa phận xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Đạo diễn Nguyễn Quang Trung: “Tôi chỉ muốn đi được một quãng đường thật xa”

Trần Việt (thực hiện) |

Giải đạo diễn xuất sắc nhất và Bông sen Bạc cho phim “Nụ cười” thể loại phim hoạt hình thực sự là một bất ngờ lớn tại LHP Việt Nam lần thứ 23, khi thuộc về Nguyễn Quang Trung, giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Nên có sự kiểm soát các cuộc thi hoa hậu

Thùy Trang |

Tại Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nêu bất cập trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, du lịch, văn hóa thời trang.

Đạo diễn Vinh Sơn: Nhà làm phim phải chịu mọi trách nhiệm nếu có tranh cãi

ĐÔNG DU - QUY SA |

Trong cuộc phỏng vấn riêng với Báo Lao Động, đạo diễn Vinh Sơn - cố vấn nghệ thuật của Liên hoan phim Quốc tế TPHCM (HIFF) - chia sẻ về những tồn tại, vướng mắc của điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt là những trăn trở về phim nghệ thuật và phim giải trí thông thường.