Đại sứ Phạm Sanh Châu: Niềm tin Việt Nam thăng hoa trên bản đồ thế giới

Vân Anh (thực hiện) |

Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal và Bhutan Phạm Sanh Châu kỳ vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ bắt kịp Hàn Quốc, Nhật Bản, tiến những bước vững chắc để tiếp tục thăng hoa trên bản đồ thế giới.

Là một nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ đánh giá như thế nào về vị thế của Việt Nam hiện nay?

- Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay. Tôi cho rằng, vị thế hiện nay mà Việt Nam có được là nhờ vào thực lực của đất nước, của từng người dân Việt Nam. Cá nhân tôi hiểu rằng, những yếu tố cụ thể góp phần đưa vị thế Việt Nam như ngày hôm nay trước hết là do đất nước được ổn định về mặt chính trị. Việt Nam là một quốc gia đang được hưởng nền hoà bình từ lâu sau khi đã trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt và chúng ta hiểu được giá trị của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn.

Về mặt đối ngoại, chúng ta xác định làm bạn với tất cả các nước. Tôi có thể lấy ví dụ thế này, một gia đình có nội bộ đoàn kết, không thù oán với bên ngoài, mà gia đình đó đang thịnh vượng thì sẽ có cuộc sống ngày càng đi lên. Đất nước cũng như vậy. Thế hệ của chúng ta có cuộc sống tốt hơn bố mẹ chúng ta, tôi tin rằng thế hệ các con cháu chúng ta chắc chắn sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn so với chúng ta hôm nay. Trong nhiều năm trở lại đây, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam liên tục tăng, bao gồm các chỉ số về thu nhập, sức khoẻ, tuổi thọ, tự do, hỗ trợ xã hội và sự hào phóng. Bên cạnh đó, quá trình dân chủ hoá cũng được đảm bảo, xã hội cởi mở, văn minh hơn, các cuộc thảo luận chính trị trong và ngoài nước được thực hiện với nền tảng dân trí cao. Tất cả những yếu tố đó tạo ra hình ảnh một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, nền kinh tế năng động đang phát triển, nền văn hoá giàu bản sắc và đáng tự hào. Việt Nam ngày càng nổi lên là một cường quốc bậc trung trên thế giới, với tiếng nói có trọng lượng được các bạn bè lắng nghe và vị nể.

Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: NVCC
Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: NVCC

Ngoại giao Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc 75 năm qua. Theo Đại sứ, ngoại giao có đóng góp như thế nào để đất nước ta có được vị thế và uy tín như hiện tại?

- Theo lịch sử, ngoại giao của ta khác với nhiều nước, ra đời từ năm chiến tranh, đưa cách mạng nước ta vượt qua thác ghềnh và in dấu trên mọi chặng đường của đất nước, từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, đến công cuộc kháng chiến, tham gia vào quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định, mang lại hoà bình cho Việt Nam.

Ngày nay, trong thời bình, ngoại giao Việt Nam bảo đảm an ninh, phòng địch từ xa, hoà hiếu với các nước và không gây chiến. Ngoại giao Việt Nam đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đi đầu trong việc mở đường cho sự hợp tác của ta với các thị trường mới, kết nối để thu hút đầu tư, mang các tập đoàn lớn vào Việt Nam, ký kết các thoả thuận FTA...

Cuốn sách “Chiến dịch Hoa Kim Tước” của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: Netabooks
Cuốn sách “Chiến dịch Hoa Kim Tước” của Đại sứ Phạm Sanh Châu. Ảnh: Netabooks

Bên cạnh đó, ngoại giao Việt Nam mang lại những khái niệm mới, đồng hành cùng xã hội. Ngoại giao văn hoá giúp tôn vinh nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Bản chất của con người Việt Nam, vẻ đẹp và truyền thống yêu nước, đấu tranh anh dũng, tương thân tương ái, mến khách đã sẵn có, nhưng nhờ có ngoại giao văn hoá mà càng được làm nổi bật. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của ngoại giao Việt Nam là tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển, nâng cao vị thế của đất nước - một vinh dự và đặc quyền mà không ngành nào có được. Tất nhiên, để hoàn thành được nhiệm vụ này, ngoại giao đã luôn sát cánh cùng các binh chủng đối ngoại khác như đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại quốc phòng và đối ngoại nhân dân.

Thế giới nhận định, Việt Nam có dàn ngoại giao trẻ và giỏi, giúp Việt Nam gặt hái nhiều thành công trên trường quốc tế. Theo Đại sứ, đó có phải là một trong những bí quyết thành công của ngoại giao Việt Nam?

- Việt Nam có chế độ lãnh đạo tập thể, mọi quyết định đường lối đối ngoại là do tập thể, đứng đầu là Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, nhất quán từ Đại hội Đảng này sang Đại hội Đảng khác. Điểm này không giống với các nước, chính sách đối ngoại có thể thay đổi theo dải tần số nhất định, tuỳ thuộc vào lãnh đạo của nước đó thuộc đảng phái nào. Ở Việt Nam, thành công của ngoại giao có được là nhờ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, mà sứ mệnh của những nhà ngoại giao như chúng tôi chỉ là triển khai những đường lối vốn đã thành công và đẩy con thuyền thành tựu trôi tiếp.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng trình độ của các cán bộ ngoại giao Việt Nam ngày càng tốt hơn. Nhiều nhà ngoại giao Việt Nam được đào tạo bài bản, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ngày càng chuyên nghiệp và tinh nhuệ, có bản lĩnh vững vàng và tinh thông nghiệp vụ.

Câu chuyện mở đường bay thẳng đầu tiên từ Ấn Độ sang Việt Nam và tổ chức đám cưới cho người Ấn Độ trên đất Việt Nam liệu có phải là sự “dám nghĩ dám làm” không, thưa Đại sứ?

- Trong số những nguyên tắc mà tôi đặt ra trong nhiệm kỳ của mình là phải tạo ra sự khác biệt và phải có sản phẩm cụ thể. Điều đầu tiên tôi muốn làm mà từ trước đến nay chưa ai làm được là thiết lập một đường bay thẳng để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và mở ra triển vọng cho phát triển kinh tế, du lịch giữa hai nước. Cuộc đời của các nhà ngoại giao là thuyết phục, vận động vì lợi ích quốc gia, nhưng để vận động các bên liên quan như hãng hàng không đồng ý bay thương mại mà không sợ lỗ, cục hàng không hai nước cấp phép bay, công ty quản lý sân bay cho giờ hạ và cất cánh "đẹp"... là cả một hành trình dài và vất vả. Đến bây giờ tôi có thể tiết lộ bí quyết thành công là vừa gây sức ép chính trị đối với hãng hàng không Vietjet, vừa “kích” hãng Indigo của Ấn Độ, để cuối cùng có được cả hai hãng này thực hiện đường bay thẳng Hà Nội/ TP.Hồ Chí Minh - New Delhi và Kolkata - Hà Nội/ TP.Hồ Chí Minh.

Câu chuyện về tổ chức đám cưới cho các cặp đôi Ấn Độ ở Việt Nam đã được tôi suy nghĩ ngay từ khi mới sang nhận nhiệm vụ. Tôi nhận thấy người Ấn Độ chi rất nhiều cho cưới hỏi, chính vì vậy, tôi bỗng nảy ra ý tưởng, tại sao không giới thiệu các đám cưới này đến Việt Nam, khi đã có nhiều nhà giàu Ấn Độ tổ chức đám cưới ngoài nước. Đi đâu tôi cũng hỏi han về chuyện họ sắp lập gia đình chưa - điều này là bình thường trong văn hoá của người Ấn Độ, họ thích chia sẻ. Cuối cùng tôi cũng nhận được một đề nghị sau khi người này đã xem xét địa điểm tổ chức cưới ở 10 nước, từ Indonesia tới Thổ Nhĩ Kỳ và Italia. Đúng dịp đó có đoàn công tác của tỉnh Kiên Giang qua làm việc, tôi tranh thủ gợi ý Phú Quốc và đã kết nối thành công. Cuối cùng, đám cưới của cặp tỉ phú Ấn Độ mà báo chí gọi là “đám cưới triệu đô” đã diễn ra ấn tượng ở một khách sạn hạng sang tại Phú Quốc. Tôi rất mãn nguyện khi đưa được đám cưới về Việt Nam. Nếu tích cực quảng bá văn hoá, kết nối du lịch và mở đường bay thẳng thì tương lai sẽ có một làn sóng mới trên thị trường du lịch Việt Nam. Hy vọng rằng sau đại dịch COVID-19, các hoạt động này sẽ sớm được nối lại.

Nhắc đến COVID-19, phải thừa nhận rằng Việt Nam tuy nằm trong vòng xoáy đại dịch của thế giới, nhưng đã thể hiện bản lĩnh, khí phách, trí tuệ chống chọi dịch bệnh, trong đó phải kể đến nỗ lực bảo hộ công dân của của các đại sứ quán. Các chiến dịch đưa công dân Việt Nam từ địa bàn Đại sứ phụ trách về nước hẳn không hề dễ dàng, nhất là khi bản thân ông cũng bị mắc COVID-19?

- Đối với các đại sứ quán thời COVID-19, câu chuyện bảo hộ công dân là nhiệm vụ lớn nhất. Ở địa bàn Ấn Độ, công tác này càng gặp khó khăn khi người Việt Nam tại Ấn Độ ở rải rác 20 tiểu bang khác nhau. Khi Ấn Độ phong toả, không có chuyến bay nội địa, việc tập kết đủ người cho một chuyến bay không phải dễ dàng khi các địa bàn cách xa nhau, có nơi phải đi đường bộ 3 ngày 3 đêm. Anh em cán bộ Đại sứ quán đóng vai trò như những “chị Thanh Tâm”, giải đáp những cuộc gọi điện thoại lúc nửa đêm, những lá thư cấp bách... từ những người Việt bị kẹt trong vùng dịch... Tôi thực sự vỡ oà cảm xúc khi chiến dịch Hoa Kim Tước sơ tán những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Ấn Độ, mà chủ yếu là các tăng ni sinh và Phật tử, cuối cùng cũng thành công. Quy mô của chiến dịch là chất liệu để tôi viết nên cuốn sách “Chiến dịch Hoa Kim Tước”, trong đó kể lại hành trình di chuyển và số phận của mỗi con người.

Đại sứ đã trải qua quãng thời gian bị mắc COVID-19 như thế nào?

- Điều tôi lo nhất là sợ rằng mình ốm rồi thì làm sao chỉ đạo công việc. Thuyền trưởng mà bị thương thì ai sẽ chèo lái con thuyền? Tôi cũng lo cho gia đình, lo cho bản thân. Biết là rất đau đớn và thậm chí đã tính đến những phương án xấu nhất, nhưng tôi nghĩ cần phải lạc quan, phải hy vọng, phải chiến thắng. Cuối cùng, may mắn cũng mỉm cười, tôi đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Anh em sứ quán cũng có nhiều người mắc, nhưng đến nay 99% đã hồi phục.

Nhân câu chuyện lạc quan và hy vọng, Đại sứ có niềm tin và kỳ vọng gì vào sự thăng hoa của Việt Nam trên trường quốc tế khi mà Việt Nam bước vào năm 2021, năm khởi đầu cho hành trình hướng tới mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21?

- Trong thời gian bị bệnh COVID-19, tin ấm lòng và vui nhất tôi biết được là IMF dự báo GDP của Việt Nam năm 2020 có thể vượt Singapore và Malaysia, trở thành quốc gia, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á. Tôi cảm thấy tự hào và sung sướng vì nền kinh tế trong nước đang vượt lên ở các thứ bậc. Tôi mong đất nước ngày càng thịnh vượng, mong sao Việt Nam bình tĩnh, bước từng bước thăng tiến chắc chắn trên bản đồ thế giới. Tôi kỳ vọng một ngày không xa, Việt Nam sẽ bắt kịp Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng ta có nội lực, có ổn định chính trị, có nền hoà bình vững chắc, có chính sách nhất quán, nhiệm vụ giờ đây là phát triển kinh tế để Việt Nam có thể tiếp tục thăng hoa trên bản đồ thế giới.

Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện này!

Vân Anh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Đại sứ Anh tặng quà người dân vùng lũ lụt Quảng Bình

Ngọc Vân |

Đại sứ Anh Gareth Ward hôm 19.11 thăm xã Tân Ninh và Sơn Thuỷ - hai trong số những địa phương tại tỉnh Quảng Bình chịu tác động nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Đại sứ hữu nghị Saleem Hammad: Chúng tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam

Nhà văn Di Li |

Tôi gặp Saleem Hammad lần đầu tiên tại một lễ hội được tổ chức tại nhà riêng ngài Đại sứ Palestine. Lúc vừa vào cổng, tôi đã nghe mấy chàng trai trẻ người Palestine là nhân viên của đại sứ quán í ới gọi nhau bằng tiếng Việt: Saleem ơi Saleem, chị Di Li đến này. Người gọi là một anh chàng đẹp trai như tài tử điện ảnh, còn người vội vàng chạy ra đón tôi cũng có vóc dáng và khuôn mặt tựa diễn viên Hollywood.

Đại sứ Kazakhstan đến thăm và trao đổi hợp tác với Báo Lao Động

Ngọc Vân |

Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Báo Lao Động để độc giả Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Kazakhstan.

Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ khuyến cáo sau quy chế sinh viên quốc tế về nước

Khánh Minh |

Trước quy chế sinh viên quốc tế ở Mỹ có thể phải về nước nếu học trực tuyến, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo du học sinh Việt Nam cần bình tĩnh.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Đại sứ Anh tặng quà người dân vùng lũ lụt Quảng Bình

Ngọc Vân |

Đại sứ Anh Gareth Ward hôm 19.11 thăm xã Tân Ninh và Sơn Thuỷ - hai trong số những địa phương tại tỉnh Quảng Bình chịu tác động nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua.

Đại sứ hữu nghị Saleem Hammad: Chúng tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam

Nhà văn Di Li |

Tôi gặp Saleem Hammad lần đầu tiên tại một lễ hội được tổ chức tại nhà riêng ngài Đại sứ Palestine. Lúc vừa vào cổng, tôi đã nghe mấy chàng trai trẻ người Palestine là nhân viên của đại sứ quán í ới gọi nhau bằng tiếng Việt: Saleem ơi Saleem, chị Di Li đến này. Người gọi là một anh chàng đẹp trai như tài tử điện ảnh, còn người vội vàng chạy ra đón tôi cũng có vóc dáng và khuôn mặt tựa diễn viên Hollywood.

Đại sứ Kazakhstan đến thăm và trao đổi hợp tác với Báo Lao Động

Ngọc Vân |

Đại sứ Kazakhstan Yerlan Baizhanov bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Báo Lao Động để độc giả Việt Nam hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước, con người Kazakhstan.

Đại sứ quán Việt Nam ở Mỹ khuyến cáo sau quy chế sinh viên quốc tế về nước

Khánh Minh |

Trước quy chế sinh viên quốc tế ở Mỹ có thể phải về nước nếu học trực tuyến, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ khuyến cáo du học sinh Việt Nam cần bình tĩnh.