Đại dịch lan rộng: Tâm tư của những tiếp viên hàng không

Huyền Anh |

Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành Hàng không hỗn loạn. Các tiếp viên hàng không của American Airlines, United Airlines và nhiều hãng khác đang ngày càng lo lắng khi virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh trên toàn cầu và ngày càng nhiều chuyến bay bị hủy.

Thị trường hàng không giảm mạnh

Thống kê sơ bộ của các hãng hàng không Việt Nam cho thấy, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 1.2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng.

Ông Tạ Thiên Long - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - cho biết, từ ngày 24.3, Vietnam Airlines dừng toàn bộ tuyến bay quốc tế và nội địa, chỉ hoạt động khoảng 30%-40%. Như vậy, Vietnam Airlines chỉ hoạt động khoảng 10%-20% công suất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động.

Các hãng hàng không khác thế giới cũng phải tạm dừng khai thác nhiều tuyến, giảm số lượng chuyến bay, từ bỏ các chính sách về vé và tìm mọi cách để cắt giảm chi phí. 2 tháng qua, các hãng hàng không còn chứng kiến ​​cổ phiếu của họ lao dốc, xuống đến mức thấp nhất trong nhiều năm qua do nhu cầu đi lại giảm mạnh.

Theo kịch bản của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu vận tải hành khách của ngành Hàng không thế giới sẽ mất khoảng 113 tỉ USD (19%) vào năm 2020.

Ít lo lắng vì những kinh nghiệm cá nhân

Trong khi nhiều người lo lắng về việc ở cự li gần với những hành khách khác trên máy bay, trong sân bay hay chuyện kiểm dịch nên sẽ không đi đâu xa trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Tuy nhiên, có một nhóm người không thể tránh được chuyện phải bay: Đó là các tiếp viên hàng không.

Hầu hết tiếp viên nói rằng, họ không sợ virus SARS-CoV-2 cho dù họ cũng cẩn trọng phòng chống và hy vọng tránh bị lây nhiễm. "Là một tiếp viên hàng không, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều vi trùng" - một tiếp viên (*) của American Airlines cho hay. "Tôi nhận thức nghiêm túc về dịch bệnh hơn là lo lắng. Khi làm nghề như tôi, bạn luôn phải tự ý thức về sức khỏe của bản thân. Rửa tay thường xuyên, ăn uống lành mạnh và cố gắng ngủ đủ giấc luôn là ưu tiên của tôi. Giữa dịch COVID-19, tôi còn cố gắng tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa này hơn" - nữ tiếp viên chia sẻ.

Một số tiếp viên khác nói rằng, họ cảm thấy tự tin hơn nhờ kinh nghiệm cá nhân, qua các cuộc trò chuyện với chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu. "Tôi tự nghiên cứu rất nhiều về dịch bệnh này. Chị dâu tôi là một bác sĩ, vì vậy tôi đã nói chuyện với cô ấy" - một tiếp viên của American Airlines (có trụ sở tại New York), người có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cho hay.

"Tôi không lo lắng chút nào. Tôi là người tin vào những thống kê và thấy số người chết vì cúm còn nhiều hơn COVID-19. Từ những gì đã biết, tôi nghĩ khả năng tử vong của mình không cao vì tôi không già hay có bất kỳ vấn đề miễn dịch nào" - một nam tiếp viên hàng không tại Chicago khẳng định.

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát vào giữa tháng 1, các hãng hàng không đã thực hiện những biện pháp bảo vệ cả nhân viên và hành khách. Tiếp viên của American Airlines nhận email hàng ngày cập nhật về tình hình dịch bệnh và nhắc nhở phòng chống COVID-19.

"Tôi chưa bao giờ có trải nghiệm về việc ngành Hàng không chủ động tham gia như lần dịch bệnh này. Tôi thực sự hoan nghênh hàng hàng không" - ông Nelson, Chủ tịch Công đoàn Tiếp viên hàng không, nói với Business Insider.

"Tôi thấy các hãng hàng không đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Họ cũng cung cấp thêm khẩu trang trên các tuyến nhất định như ở trên khu vực sảnh chờ để hành khách có thể sử dụng" - một nữ tiếp viên của United Airlined cho biết. "Xà phòng, khăn lau diệt khuẩn và găng tay được tích trữ thường xuyên trên máy bay như mọi khi. Và tất nhiên, có những thiết bị sơ cứu, dụng cụ bảo vệ như khẩu trang để dùng khi cần" - cô nói.

"Chúng tôi vệ sinh toàn bộ khu vực buồng lái, từ trang thiết bị, ghế ngồi, dây an toàn và mọi thứ. Giờ tôi không ăn bất cứ thực phẩm nào trên máy bay nữa mà mang theo đồ ăn, thức uống từ nhà. Tôi trao đổi với phi hành đoàn nhiều kể từ khi có dịch vì họ đang tiếp xúc trực tiếp với hành khách" - Tarana Saxena, phi công của hãng IndiGo, cho CNN hay. "Bất cứ khi nào tôi tới một điểm đến, điều đầu tiên tôi làm là tắm gội sạch sẽ, bất kể lúc đó là 2, 3 hay 4 giờ sáng... dù muộn đến mấy".

Saxena còn cho biết, trước đây, trong lúc chờ chuyến tiếp theo, cô thường đi lang thang. Song giờ đây, cô chỉ ở trong khách sạn.

Dẫu vậy, nhiều tiếp viên hàng không khác chia sẻ rằng, họ vẫn đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung. "Tôi thì có lo lắng một chút vì virus đã lan rộng trên khắp nước Mỹ. Kể từ khi tôi kết hôn với một đồng nghiệp khác, chúng tôi đang tiến hành một số biện pháp phòng ngừa bổ sung để cố gắng tránh lây lan" - một tiếp viên của Spirit Airlines cho hay.

Theo Rey (*), tiếp viên hàng không của một hãng có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc), hãng hàng không mà cô đang làm việc còn cắt giảm dịch vụ để hạn chế tối đa việc tương tác với hành khách.

Nỗi lo thu nhập giảm

Tuy nhiên, mối lo ngại tiềm ẩn được thể hiện rõ ràng: Đó là thu nhập ngày càng giảm vì không có khách bay, hy vọng tránh virus hay mối quan tâm về an toàn lao động của tiếp viên có thể ít được quan tâm. Do đó, tiếp tục bay là cách các tiếp viên hàng không Mỹ đối phó với mối đe dọa của COVID-19.

Lịch trình làm việc của tiếp viên hàng không thường khác so với hầu hết công nhân trong các ngành công nghiệp khác. Nhưng họ thường làm việc 75-100 giờ/tháng trên không, và thêm nhiều giờ làm việc ở mặt đất. Trong suốt thời gian trên máy bay, phi hành đoàn phải tiếp xúc gần với hàng nghìn hành khách từ mọi nơi và mọi tầng lớp. Hành khách có thể bị cảm lạnh, cúm hay mắc các bệnh truyền nhiễm do virus khác đã được biết đến hay chưa.

"Dù virus lây lan, song tôi lại lo sẽ bị cắt giảm giờ bay và các chuyến bay, đặc biệt là các điểm đến quốc tế mà chúng tôi phục vụ. Thật đáng sợ khi có thể mất nhiều chuyến nữa"- một tiếp viên Spirit bộc bạch.

Tiếp viên của nhiều hãng bay tại Mỹ không hề có hợp đồng lao động, gồm cả American Airlines và United Airlines. Họ kỳ vọng, hãng cho nghỉ không lương đến khi thị trường ổn định trở lại. Dù không được trả tiền, họ sẽ tiếp tục tích lũy thâm niên, hưởng nguyên lợi ích chăm sóc sức khỏe và tiếp tục sử dụng các ưu đãi dành cho nhân viên. Ngày 11.3 vừa qua, United Airlines tuyên bố sẽ giảm 10% lịch trình bay trong nước và 20% lịch bay quốc tế vào tháng 4 và tháng 5, cho phép nhân viên nghỉ có lương.

"Ngành hàng không đang rất khó khăn. Tất cả chuyến bay đều gần như trống rỗng. Gần đây, tôi đã bay đến Kolkata (Ấn Độ). Máy bay có sức chứa 180 hành khách song cả chuyến bay chỉ có 36 hành khách trên khoang. Đây thực sự là một cuộc đấu tranh. Phi công không có lựa chọn nghỉ ốm hay làm việc tại nhà. Tôi cũng không thể nghỉ phép vì đặc thù công việc cần tôi phải ở đó. Gia đình tôi rất lo lắng cho tôi" - Tarana Saxena chia sẻ.

Rey nói rằng, hãng của cô đang khuyến khích nhân viên nghỉ không lương. Vì cô là nhân viên chính thức nên vẫn được trả lương, song tạm thời bị giảm lương.

Theo Business Insider, dự kiến các hãng hàng không của Mỹ còn thiệt hại nặng nề hơn khi Nhà Trắng ban bố lệnh cấm mọi chuyến đi từ 26 quốc gia thuộc khối Schengen đến Mỹ tính từ 23h59 ngày 13.3 (giờ địa phương).

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng - Liên đội phó Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - cũng cho biết, số lượng tiếp viên của Vietnam Airlines là 3.200 người. Hiện khoảng 700 tiếp viên xin không nhận lương chức danh và tạm nghỉ việc không lương đến tháng 5.2020.

(*) Họ và tên không viết đầy đủ theo yêu cầu của hãng hàng không.

Huyền Anh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.